Khi năm 2021 đang đến gần, chúng ta cần phải mau chóng nhìn lại các xu hướng chính đang diễn ra trong ngành Dược phẩm và ảnh hưởng của nó lên các hoạt động marketing trong thập kỷ mới này. Có thể thấy rõ ràng rằng chi tiêu dành cho kỹ thuật số trong ngành Dược phẩm và chăm sóc sức khỏe cuối cùng cũng đã bắt kịp với các ngành khác và vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi rằng một số xu hướng tiên tiến hơn sẽ diễn ra và được áp dụng trong chiến lược Digital Marketing và quảng cáo nói chung trong thời gian sắp tới. Trong bài viết này, hãy cùng MarketingAI tìm hiểu về 5 xu hướng Dược phẩm quan trọng nhất cuối năm 2020 và đầu 2021 nhé!
1. AI và Marketing Automation
AI đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các thương hiệu Dược phẩm xác định chính xác các khách hàng tiềm năng đang ở đâu, họ có đặc điểm như thế nào,... để thương hiệu có thể phục vụ họ tốt hơn trong tương lai. Đơn cử như việc dùng AI để biết khách hàng đang tìm kiếm những gì để hiển thị cho họ những nội dung thông tin có liên quan, giúp họ hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe hiện tại hoặc trạng thái bệnh họ đang nghiên cứu.
Bằng cách sử dụng các chuỗi câu hỏi liên tục trong các cuộc trò chuyện tự động, các marketers có thể xác định nhu cầu của khách truy cập ở mức độ chi tiết rất cao nếu muốn. Điều này cho phép các thông tin được sắp xếp theo cách tự động theo từng cá nhân riêng lẻ, mỗi cá nhân có một luồng xử lý khác nhau. Ví dụ, các chuỗi email được tạo ra để thay đổi hành trình khách hàng sẽ được thiết kế dựa trên nhu cầu của từng cá nhân.
Sử dụng quy trình xử lý như thế này có thể cải thiện hiệu quả cho hàng loạt chiến lược marketing automation của thương hiệu, tiết kiệm tối đa thời gian và khai thác triệt để các nguồn dữ liệu quý giá mà nếu sử dụng phương pháp đánh giá khách hàng tiềm năng theo cách thủ công thì không thể làm được.
Ứng dụng AI và Marketing Automation trong ngành Dược (Nguồn: Viện Y Học)
>>> Xem thêm: Marketing Automation là gì
2. Chiến lược Content Marketing nâng cao, curated content
Khi ngày càng có nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe ra đời thì vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng càng tăng cao. Họ cần phải quan tâm nhiều hơn đến tìm kiếm và kiểm soát thông tin của bệnh nhân. Một phương pháp đang được nhiều marketers trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và HCP (Health Care Providers - nơi cung cấp dịch vụ Y khoa) đặc biệt yêu thích và áp dụng thường xuyên đó là tạo một ứng dụng hoặc website mới, với một “trung tâm nội dung” (content center) tùy chỉnh và được chỉnh sửa sao cho hợp lý. Trong trung tâm nội dung này, các thương hiệu Dược sẽ sử dụng các tiện ích tương tác, video được cá nhân hóa và các hình thức nội dung khác để thông báo trực tiếp cho bệnh nhân, thay vì để họ tìm kiếm thông tin hoàn toàn thông qua các nền tảng tìm kiếm.
3. Chăm sóc từ xa & Chăm sóc Trực tuyến
Bất cứ ai chú ý đến sự phát triển của ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe hiện đại trong một vài năm gần đây đều biết rằng một lượng lớn dịch vụ chăm sóc hiện nay đều được thực hiện từ xa, có thể là qua điện thoại, cổng thông tin của website hay các ứng dụng được tạo riêng bởi các thương hiệu. Mặc dù việc sử dụng các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe từ xa sẽ hạn chế khả năng marketing trực tiếp của các thương hiệu Dược phẩm với khán giả, nhưng vẫn có một số cơ hội mới mà các nhà quảng cáo Dược phẩm có thể tận dụng được. Ví dụ, họ có thể tận dụng xu hướng ngày càng tăng của việc áp dụng công nghệ vào trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe từ xa và các phương pháp không-tiếp-xúc để hướng dẫn bệnh nhân về tình trạng sức khỏe và các lựa chọn điều trị hợp lý nhất khi sức khỏe luôn là ưu tiên hàng đầu của khách hàng.
Khi có quá nhiều thông tin sai lệch về sức khỏe và y học tràn lan trên mạng thì đây là cơ hội tốt để các thương hiệu Dược phẩm đưa ra tiếng nói đáng tin cậy và có thẩm quyền hơn. Đa phần các thương hiệu Dược phẩm đều sẽ chủ động thực hiện nghiên cứu và khảo sát về các tình trạng bệnh lý phổ biến đang gây ảnh hưởng đến nhiều người nhất, nên thông tin họ đưa ra cũng được củng cố mạnh mẽ hơn.
Xu hướng khám, chuẩn đoán bệnh và chăm sóc sức khỏe từ xa dần tăng mạnh (Nguồn: Vinmec)
4. Tìm kiếm Zero-Click và nỗ lực tạo ra các đoạn trích nổi bật
Google hiện nay vẫn đang ưu tiên các kết quả tìm kiếm cho ra một đoạn trích nổi bật. Thậm chí theo thống kê, hơn một nửa số lượt tìm kiếm hiện nay đều kết thúc mà người dùng không cần click chuột vào bất cứ website nào. Sự thay đổi này trong kết quả tìm kiếm của Google có ý nghĩa quan trọng đối với các thương hiệu Dược phẩm ngày nay: giờ đây, họ cũng như những người khác, phải cạnh tranh để giành được vị trí top 1 trên trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm, để được chú ý nhiều hơn và cải thiện tỷ lệ click chuột.
Thống kê về lượt tìm kiếm Zero-Click trên Google tính đến tháng 6/2019 (Nguồn: SearchEngineLand)
Đây có thể là một thách thức khi các marketers ngành Dược phẩm phải biết educate bệnh nhân và người tiêu dùng về sản phẩm của công ty, đồng thời nắm rõ yếu tố ngoại cảnh tác động đến hành vi tìm kiếm của họ. Vì Google sử dụng công nghệ máy học để thúc đẩy các kết quả này và có nhiều khả năng họ lấy từ nguồn của các đối thủ cạnh tranh hoặc bên thứ ba.
Để duy trì tính cạnh tranh trong lĩnh vực này, các marketers ngành Dược phẩm cần phải nỗ lực để giành được các đoạn trích nổi bật cho các từ khóa chính trong trang kết quả tìm kiếm, đồng thời tối ưu hóa các chiến dịch Google Ads có liên quan để gia tăng cơ hội giành được vị trí dẫn đầu.
5. Digital Video
Tương tác trực tuyến với video kỹ thuật số (digital video) đang gia tăng nhanh chóng trong tất cả các ngành, nhưng đặc biệt phát triển trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nguyên nhân được cho là sau khi những cá nhân tương tác với video trực tuyến liên quan đến sức khỏe, thì họ có nhiều khả năng thực hiện hành động luôn thay vì chỉ xem không thôi. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 39% bệnh nhân đã gọi để đặt lịch hẹn sau khi xem các video có liên quan đến chủ đề chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, khi xu hướng phát trực tuyến (live streaming) ngày càng gia tăng, cùng với sự ra đời và phát triển của 5G, video sẽ chỉ có hướng phát triển duy nhất đó là trở nên phổ biến hơn mà thôi. Chính vì vậy, đầu tư vào lĩnh vực nội dung kỹ thuật số sẽ là chìa khóa thành công cho nhiều thương hiệu Dược phẩm. Dưới đây là một số ý tưởng về cách các thương hiệu chăm sóc sức khỏe có thể sử dụng video để phát triển tệp khách hàng và quy mô kinh doanh của mình.
39% bệnh nhân đã gọi để đặt lịch hẹn sau khi xem các video có liên quan đến chủ đề chăm sóc sức khỏe (Nguồn: Practicebuilders)
Trong tương lai, kỹ thuật số sẽ chỉ phát triển theo chiều hướng đi lên, tỷ lệ thuận với tỷ trọng chi tiêu mà các thương hiệu Dược phẩm và chăm sóc sức khỏe bỏ ra. Trong bối cảnh công nghệ và phương pháp tiên tiến mới liên tục phát triển, cuối cùng chúng ta cũng có thể thấy ngành Dược đạt được tỷ lệ thích nghi cao hơn nhiều so với các ngành khác.
Tất nhiên, không phải xu hướng nào của Digital Marketing ngày nay cũng phù hợp với các thương hiệu Dược phẩm, nhưng việc các nhà lãnh đạo thoải mái hơn với các chiến dịch marketing thời đại mới sẽ giúp các chiến thuật mới này được áp dụng dễ dàng hơn - đặc biệt là khi FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chắc chắn sẽ cập nhật hướng dẫn của mình để tính đến tính thực tế của quảng cáo thập kỷ mới và cung cấp nhiều hơn nữa các hướng dẫn chính xác cho ngành. Hi vọng rằng trong tương lai, ngành Dược phẩm sẽ phát triển với tốc độ mà chúng ta có thể thấy ở các lĩnh vực khác.
Tô Linh - MarketingAI
Theo Ethoseo
Bình luận của bạn