Có một sự thật là khách hàng, hay kể cả chính các Marketers đều yêu thích những câu chuyện hay. Bạn sẽ không thể thu hút người đọc khi chỉ khoe khoang rằng công ty bạn sản xuất ra một loại nước hoa chất lượng. Mọi thứ dường như sẽ khác nếu thương hiệu kể thêm việc nước hoa mang một mùi hương dịu dàng quyến rũ đến như thế nào, được nhiều phụ nữ tin dùng và nó giúp 70% người dùng trở nên tự tin hơn. Theo số liệu thống kê, 41% người sáng tạo nội dung tại các doanh nghiệp B2B đều rất coi trọng Storytelling. Các chuyên gia cũng khuyên chúng ta nên đưa Storytelling nhiều hơn vào bài đăng của mình. Hãy cùng MarketingAI tìm hiểu 4 cách giúp Storytelling đạt hiệu quả hơn và truyền cảm hứng nhiều hơn trong năm 2019 nhé!
Tầm quan trọng của Storytelling trong Marketing
Trước khi đi sâu vào chi tiết những cách để Storytelling đạt hiệu quả hơn, hãy cùng phân tích những lợi ích mà câu chuyện mang lại cho Marketing. Chắc chắn, doanh nghiệp của bạn sẽ trở nên đặc biệt hơn khi được đặt khéo léo vào trong một câu chuyện.
Câu chuyện giúp khơi gợi cảm xúc
Một câu chuyện hay sẽ cuốn hút để người đọc bộc lộ ra nhiều cảm xúc. Cho dù cảm xúc đó là sự tức giận, hạnh phúc hay thất vọng, thì mỗi cảm xúc đều đọng lại theo những cách khác nhau. Đặc biệt, những cảm xúc này chính là bước quan trọng khi doanh nghiệp muốn đẩy doanh số lên cao. Vì theo khảo sát, khách hàng sẽ mua một sản phẩm dựa vào 20% lý trí và 80% cảm xúc. Ngoài ra, một nghiên cứu của NY Times cho thấy các bài báo cảm xúc được chia sẻ thường xuyên hơn.
Câu chuyện sẽ làm tăng lượt tương tác
Bạn cần đảm bảo rằng khách hàng sẽ dành thời gian cho website, fanpage và đồng cảm với nội dung. GrooveHQ đã chạy thử nghiệm A/B (lựa chọn mẫu quảng cáo tốt nhất) để xác định xem việc kể chuyện có giúp gắn kết mọi người hay không. Sau khi xuất bản hai bài đăng trên blog (một bài có Storytelling và một bài không có), họ phát hiện ra độc giả đã dành thêm 520% thời gian để đọc nội dung có chứa Storytelling.
Sue Wills - đồng sáng lập Hoot Marketing đã giải thích rằng: "Trong một xã hội mà mọi người đều bận rộn và có quá nhiều thông tin, việc khiến họ dành thời gian nhiều hơn cho một bài đăng trên mạng xã hội sẽ khá vất vả. Họ muốn nghe một câu chuyện truyền cảm hứng, một câu chuyện bạn kể mà người ta thấy mình trong câu chuyện đó, hoặc như một câu chuyện giúp họ thỏa sức suy ngẫm."
Câu chuyện giúp doanh nghiệp của bạn trở nên thực tế gần gũi hơn
Nhiều doanh nghiệp B2B quên mất rằng khách hàng là những người thật sống trong một cuộc sống thật. Nên đôi khi họ làm ra quá nhiều những nội dung "viễn tưởng" mà chỉ "robot mới cảm thấy thú vị". Vì thế, hãy cố gắng sử dụng Storytelling dù là nội dung ở các tờ rơi, mạng xã hội hay trang web. Doanh nghiệp cũng sẽ gây dựng được lòng tin khách hàng nếu như họ hiểu câu chuyện của khách hàng. Và từ việc gây dựng lòng tin, hành vi mua hàng cũng sẽ được thay đổi.
Stephanie Riel - chuyên gia kể chuyện thương hiệu của Riel Deal Marketing cho rằng "Storytelling rất quan trọng đối với các thương hiệu B2B vì nó giúp khách hàng tiềm năng và hiện tại của bạn hiểu rõ hơn về doanh nghiệp. Bằng cách chia sẻ các yếu tố trong câu chuyện thương hiệu của bạn ví dụ như lời chứng thực của khách hàng, vấn đề của sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, thì khách hàng vừa thấu cảm vừa hiểu được rõ hơn về những sản phẩm họ đang quan tâm."
Câu chuyện giúp doanh nghiệp trở nên khác biệt so với đối thủ
Không có cách nào tốt hơn để khiến thương hiệu khác biệt với các đối thủ cạnh tranh là kể một câu chuyện độc đáo của riêng mình. Suy cho cùng, không ai có khả năng kể câu chuyện của bạn cả. Vậy tại sao không biến nó trở thành điểm mạnh và điểm khác biệt? Storytelling là yếu tố mà khi người ta nghe đến câu chuyện, họ phải nghĩ ngay đến thương hiệu của bạn. Nó không thể giống với các doanh nghiệp khác. Nó sẽ phải thật đặc biệt và xuất chúng.
Điều gì làm nên một Storytelling đạt hiệu quả?
Trước khi mỗi người làm Content bắt tay vào viết, bạn cần phải nắm rõ nền tảng của một Storytelling đạt hiệu quả tốt. Một câu chuyện về thương hiệu tốt sẽ bao gồm những yếu tố:
- Tính giải trí: Câu chuyện của bạn trước hết cần mang tính giải trí và giúp người đọc thư giãn sau những giờ làm việc, giờ học căng thẳng. Như vậy, họ mới đủ kiên nhẫn để dừng lại và đọc hết nội dung. Đặc biệt là trong khi trên mạng có quá nhiều nội dung hài hước và thu hút.
- Tính liên quan: Bởi vì quá tập trung vào tính hài hước giải trí nên đôi khi doanh nghiệp thường "đi quá xa" và rời hẳn ra khỏi sản phẩm/thương hiệu của mình. Hãy đảm bảo rằng khi khách hàng đọc nội dung, họ không phải thốt lên rằng "Cái này thì có liên quan gì?".
- Tính độc đáo: Câu chuyện của bạn không nên mang tính "xào xáo" từ một câu chuyện của doanh nghiệp khác. Nó nên được cân nhắc, sáng tạo để mang nét riêng của mình.
- Tính đáng nhớ: Khách hàng có thể sẽ thấy hay khi đọc xong câu chuyện của bạn. Nhưng như vậy là chưa đủ. Họ còn cần nhớ những thông điệp mà bạn truyền tải. Điều này đặt ra một bài toán khó cho những người làm Content.
- Tính thực tế: Liệu khi nghe xong câu chuyện của bạn, khách hàng có tìm thấy chính mình trong đó hay không? Nếu họ có, chắc chắn họ sẽ thấy câu chuyện này hay và đắt giá. Ví dụ như câu chuyện của bạn làm họ nhớ về những niềm vui, nỗi buồn trong quá khứ, nhắc họ về một kỷ niệm, một thói quen mà họ không thể quên.
>>> Xem thêm: Copywriting là gì? Mối quan hệ của Storytelling và Copywriting
4 cách để Storytelling đạt hiệu quả hơn
Cách 1: Hiểu thật rõ đối tượng khách hàng
Trước khi lựa chọn topic, người viết hãy hiểu những gì mà khách hàng đang quan tâm, những mối bận tâm của họ bây giờ là gì. Vì thế bạn nên có một bản xây dựng chân dung khách hàng thật đúng và chi tiết. Bạn cũng nên ghi nhớ rằng khách hàng của bạn đôi khi không phải người đọc. Người đọc là người nhìn thấy, đọc được nội dung nhưng họ không có nhu cầu mua hàng. Còn khách hàng là những người chi trả tiền cho sản phẩm của bạn.
Một số câu hỏi mà bạn nhất định phải trả lời được nếu như muốn hiểu rõ khách hàng của mình. Ví dụ như khách hàng có công việc/trình độ giáo dục như thế nào? Họ có mức thu nhập, xu hướng gì? Pain Point của họ là gì? Mục tiêu và động lực trong cuộc sống của họ là gì? Hầu hết các công ty thành công và vượt mức doanh thu đều luôn cố gắng duy trì đánh đúng đối tượng khách hàng của họ. Một thương hiệu thời trang cao cấp sẽ biết khách hàng của họ là những người có thu nhập cao trong cuộc sống và họ thích nâng cao giá trị bản thân qua những bộ đồ lộng lẫy mà không phải ai cũng mua được.
Cách 2: Phản ánh câu chuyện của bạn theo hành trình mua hàng của khách hàng
Ở mỗi thời điểm khác nhau thì khách hàng cũng sẽ có những tâm lý khác nhau. Hơn nữa, nội dung cho từng giai đoạn cũng không nên giống nhau. Kỹ thuật Storytelling đạt hiệu quả nên nắm rõ Customer Journey (hành trình khách hàng). Từ giai đoạn đầu khi cần tăng nhận thức khách hàng về sản phẩm, bạn nên kể một câu chuyện A. Nhưng đến khi khách hàng sắp quyết định mua hàng, bạn lại phải kể một câu chuyện B khác. Và rồi cho đến khi bạn muốn khách hàng quay trở lại với sản phẩm, thì bạn nên kể một câu chuyện C thứ 3.
Cũng bởi ở mỗi giai đoạn khác nhau, khách hàng sẽ tò mò, thắc mắc về những điều khác nhau. Họ còn cảm thấy được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện không giống nhau nữa. Vì vậy, không nên dùng 1 câu chuyện cho tất cả. Để mở rộng khách hàng và níu kéo khách hàng trung thành, bạn nên có một chiến lược phù hợp với Customer Journey.
Cách 3: Sử dụng ngôn ngữ của khách hàng
Bạn đã có ý tưởng trong đầu và bạn biết nơi bạn sẽ định vị câu chuyện của mình trong hành trình người mua. Nhưng làm thế nào để bạn viết một câu chuyện mà khán giả thực sự đọc? Ngày nay, mọi người chỉ dành 37 giây để đọc một đoạn nội dung trực tuyến. Sẽ thật tệ nếu như bạn đưa quá nhiều những từ ngữ học thuật, những ngôn từ chỉ bạn hiểu vào trong nội dung. Câu chuyện của bạn nên mang một giọng điệu gần gũi, một ngôn ngữ quần chúng sâu sắc. Những thông tin này cũng đã hoàn toàn có trong bản vẽ chân dung khách hàng tiềm năng.
Ví dụ, với các thương hiệu cao cấp thì bạn nên sử dụng giọng điệu trang trọng lịch sự, bởi khách hàng cũng là những người nhã nhặn tinh tế. Còn thương hiệu bình dân hơn thì có thể sử dụng ngôn ngữ địa phương, trẻ trung cho phù hợp.
Cách 4: Thêm những dữ liệu liên quan và mang tính hỗ trợ
Khi kể chuyện, hãy cho người đọc biết rằng họ không phải là người duy nhất biết đến/sử dụng sản phẩm của thương hiệu. Người làm Content cần tìm hiểu về những case study khác, những khách hàng khác để liên kết về với câu chuyện của mình. Điều này vừa làm cho câu chuyện của bạn đúng hơn, vừa tạo độ tin cậy đối với khách hàng. Người đọc còn thấy đồng cảm khi doanh nghiệp của bạn đã phát triển để giải quyết nhu cầu cho cả 1 cộng đồng. Ví dụ như, sản phẩm sữa trẻ em A sẽ giúp các hội bà mẹ bỉm sữa không còn lo về việc dậy thì sớm, phát triển quá nhanh của con cái mình.
>>> Xem thêm: Tổng hợp site tag khai thác của Admicro: Giải Trí – Giới Trẻ
Kết
Có lẽ, để đưa ra một công thức hợp lý nhất, thì đó sẽ là Content Marketing = Xây dựng câu chuyện thiết thực + Đánh trúng vào Pain Point của khách hàng. Hãy thật cẩn trọng khi làm Storytelling, bởi nếu nó không giúp ích được cho thương hiệu của bạn, thì nó sẽ làm mất thời gian để nghĩ ra nội dung mới. Trên đây là 4 cách cũng những các yếu tố của một phương pháp Storytelling đạt hiệu quả. MarketingAI hi vọng những người làm Content sẽ nghiên cứu thật kỹ để tự viết nên những câu chuyện hay ho, thú vị và bổ ích.
Quang Minh - MarketingAI
Tổng hợp
Bình luận của bạn