Xu hướng và dự báo tăng trưởng thị trường bất động sản thương mại Việt Nam (2021-2026)

01 Thg 12

Thị trường bất động sản thương mại tại Việt Nam có gì nổi bật? Covid-19 đã tác động và làm thay đổi thị trường này như thế nào? Những xu hướng nào sẽ tiếp tục chiếm lĩnh và định hình thị trường này trong tương lại? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Bất động sản thương mại là gì?

Bất động sản thương mại là loại hình bất động sản sinh ra thu nhập thường xuyên, được xây dựng và chỉ được sử dụng cho mục đích kinh doanh, cho thuê. 

Bất động sản thương mại hướng đi mới thu hút nhà đầu tư
Bất động sản thương mại hướng đi mới thu hút nhà đầu tư

Bất động sản thương mại bao gồm một số loại hình sau:

  • Khu chung cư, nhà ở thương mại cho thuê lại
  • Văn phòng cho thuê
  • Bất động sản công nghiệp như kho hàng, nhà bạt, nhà xưởng,...
  • Bất động sản cho thuê để mở bán lẻ dịch vụ như cửa hàng kinh doanh đồ điện tử,đồ ăn uống, quần áo,...
  • Bất động sản nghỉ dưỡng như nhà nghỉ, khách sạn, resort,…
  • BĐS thương mại khác được sở hữu bởi các nhà đầu tư như khu nhà hàng, bãi đỗ xe, bất động sản phục vụ mục đích giải trí như khu thể thao phức hợp, bến du thuyền, câu lạc bộ,...

Ở nước ta hiện đang phổ biến loại bất động sản có chức năng hỗ hợp, tức là tòa nhà được xây dựng vừa dùng làm nhà ở, vừa dùng để kinh doanh thương mại.

Tổng quan thị trường

Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của thị trường Bất động sản Thương mại Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức 14,89% trong giai đoạn 2021-2026. Bất chấp những thách thức hiện có, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang cho thấy triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ, với những chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hiệu quả. 

Sự cải thiện về cơ sở hạ tầng cũng đã và đang hỗ trợ tích cực cho ngành du lịch - vốn là một trong những lĩnh vực được Việt Nam ưu tiên đầu tư - đã thúc đẩy sự phát triển của nhiều thành phố du lịch trong những năm gần đây. Nhu cầu nội địa ở Việt Nam cũng đang tăng lên khi các doanh nhân trong nước đang tìm kiếm các nguồn đầu tư mới.

Triển vọng dài hạn đối với lĩnh vực bất động sản thương mại được đánh giá là tích cực khi điều kiện kinh tế trong nước tiếp tục ổn định, được hỗ trợ mạnh mẽ bởi chi tiêu tiêu dùng tăng và sự phát triển của ngành du lịch.

Trong thị trường bất động sản thương mại, lĩnh vực khách sạn tại Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao. Đến cuối quý 3 năm 2019, ước tính có 442 khách sạn 4 và 5 sao đang hoạt động tại Việt Nam, cung cấp 91,236 phòng cho thị trường.

Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sớm sôi động trở lại sau dịch
Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sớm sôi động trở lại sau dịch

Trong phân khúc văn phòng, các lĩnh vực ngân hàng/bảo hiểm, sản xuất và công nghệ thông tin dự kiến ​​sẽ tiếp tục gia tăng về nhu cầu, khi mô hình Coworking space (không gian làm việc chung) cho thấy mức tăng trưởng đặc biệt đáng chú ý.

Trong phân khúc bán lẻ, nhiều thương hiệu bán lẻ mới đang thành lập cửa hàng hoặc tìm cách thiết lập cửa hàng tại Việt Nam để thu hút khách nội địa.

Phạm vi của Báo cáo

Báo cáo cung cấp những góc nhìn sâu sắc về thị trường Bất động sản Thương mại Việt Nam, bao gồm sự phát triển của công nghệ, xu hướng và sáng kiến ​​do chính phủ đưa ra trong lĩnh vực này.

Báo cáo cũng làm sáng tỏ các xu hướng trên thị trường như các yếu tố thúc đẩy thị trường, yếu tố kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường và các cơ hội trong tương lai. Ngoài ra, bối cảnh cạnh tranh của thị trường bất động sản thương mại được mô tả thông qua hồ sơ của những người chơi chính đang hoạt động.

Xu hướng thị trường chính

Xu hướng tăng trưởng thương mại điện tử và bất động sản công nghiệp Việt Nam

Thị trường bất động sản thương mại tại Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ CAGR là 14,89%. Tiếp đà phát triển từ năm 2018, Việt Nam đã đón gần 13 triệu lượt khách nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2019, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ngành khách sạn và nhà hàng, Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Trong bối cảnh đại dịch COVID, ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến, điều này đã làm tăng nhu cầu về kho lạnh lưu trữ thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác. Thương mại điện tử cần không gian lưu trữ lớn hơn gấp ba lần so với các hoạt động logistics truyền thống. 

Nhu cầu về kho bãi và bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ
Nhu cầu về kho bãi và bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ

Ngoài ra, theo JLL, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều nhắm mục tiêu đến dịch vụ hậu cần chăm sóc sức khỏe, vì họ sẽ cần nhiều kho lạnh hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như thực phẩm, thuốc và vắc xin COVID-19. Trong lĩnh vực bán lẻ, theo CBRE Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến ​​sẽ có hơn 200.000 m2 diện tích bán lẻ mới cho đến năm 2023, ở cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm. Các danh mục như F&B, sức khỏe & sắc đẹp sẽ tiếp tục mở rộng tại các retail podium (khối đế bán lẻ).

Thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam đã, đang hoạt động tốt và dự kiến ​​sẽ tiếp tục phát triển khi Samsung Electronics vừa có một nhà máy lớn với diện tích 67.088 mét vuông tại Thành phố Hồ Chí Minh, Apple Inc. có kế hoạch mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Khi Việt Nam được thiết lập để trở thành trung tâm sản xuất mới của châu Á, thị trường bất động sản công nghiệp đã phát triển vượt trội so với các lĩnh vực bất động sản thương mại khác. Trong ba quý đầu năm 2020, gần 47% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được phân bổ vào ngành sản xuất.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020

Bất động sản văn phòng tiếp tục phát triển ở Việt Nam

Trong năm 2020, xu hướng làm việc tại nhà đã diễn ra trên toàn cầu và kết quả cho thấy rằng, bằng cách tận dụng công nghệ, các doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả. Nhưng đối với nhiều người, việc thiếu tương tác trực tiếp đã gây áp lực lên các nhóm và nhiều người cho biết họ vẫn mong đợi áp dụng các phương thức làm việc linh hoạt trong tương lai. Điều này cho thấy văn phòng vẫn sẽ là điểm trung tâm cho các hoạt động kinh doanh. Coworking space là một trong những phân khúc bất động sản văn phòng đang có xu hướng tăng trưởng tại Việt Nam.

Trong giai đoạn nửa đầu năm 2021 đầy thử thách, Toong, một trong những chuỗi không gian làm việc chung đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, đã đưa các dự án mới vào hoạt động. Vào tháng 3 năm 2021, mô hính Toong đầu tiên trong dự án hợp tác chiến lược với Wink Hotels cũng chính thức đi vào hoạt động tại 75 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1.

Không gian làm việc hiện đại, trẻ trung của Toong và chuỗi khách sạn Wink Hotels
Không gian làm việc hiện đại, trẻ trung của Toong và chuỗi khách sạn Wink Hotels

Theo Cushman & Wakefield, ngành văn phòng cho thuê linh hoạt tại Việt Nam vào năm 2020 chiếm khoảng 160.000 m2 diện tích không gian trong các tòa nhà hạng A và B ở hai thành phố trung tâm văn phòng là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong năm 2020 và 2021, số lượng văn phòng làm việc chung và văn phòng dịch vụ tại Việt Nam được thiết lập để vượt qua con số đó.

Giá thuê văn phòng trung bình tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tính đến quý 4/2020
Giá thuê văn phòng trung bình tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tính đến quý 4/2020

Bối cảnh cạnh tranh

Bất động sản thương mại tại Việt Nam có mức độ tập trung thị phần trung bình. Các nhà đầu tư quốc tế cũng đang bị thu hút bởi thị trường Việt Nam và đang tìm cách đầu tư vào hầu hết các phân khúc từ văn phòng đến bán lẻ và khách sạn cao cấp. Các chủ đầu tư đang tích cực tạo ra các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng mới, trong đó đáng chú ý nhất là shophouse/biệt thự ven biển tại Phú Quốc và Hạ Long.

Trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, các nhà đầu tư tại Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường bằng cách chú ý đến thị trường phi truyền thống và đưa các chuyên gia vào quản lý bất động sản của họ. Nhu cầu về văn phòng chất lượng và nguồn cung bán lẻ ngày càng tăng ở những nơi tập trung, trong đó tập trung nhất tại khu trung tâm Hà Nội. Thế mạnh của lĩnh vực sản xuất và du lịch sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đối với các đơn vị bán lẻ, văn phòng và công nghiệp.

Sự phát triển gần đây

Ngày 25/5/2020 - Theo Hanoitimes, chính quyền Hà Nội có kế hoạch xây dựng một loạt trung tâm văn hóa - thể thao, quảng trường, khách sạn và trung tâm mua sắm xung quanh Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm với mục tiêu chuyển quận thành khu đô thị tập trung dịch vụ, thể thao, giải trí và thương mại.

Ngày 18 tháng 1 năm 2021 - Foxconn “bật đèn xanh” cho các nhà máy trị giá 270 triệu USD tại Việt Nam. Foxconn chuẩn bị xây dựng một nhà máy mới để sản xuất máy tính bảng và máy tính tại Việt Nam, đây có thể là một phần trong kế hoạch của Apple nhằm mở rộng dây chuyền sản xuất iPad và MacBook của mình bên ngoài Trung Quốc. Được đặt tại tỉnh Bắc Giang, chính phủ Việt Nam cho biết, dự kiến ​​cơ sở này sẽ sản xuất tám triệu đơn vị sản phẩm mỗi năm.

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo mordorintelligence

>> Có thể bạn quan tâm: Bất động sản năm 2022: Sẵn sàng “hồi sinh” sau khủng hoảng

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.