Viettel “lấn sân” phân phối thuốc
Mới đây, Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel (Viettel Commerce - công ty con của Viettel) đã gửi thư mời chào giá về cung cấp thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế. Công văn nêu rõ các sản phẩm này sẽ được bán trong hệ thống nhà thuốc Viettel.
Lĩnh vực thuốc và mỹ phẩm được cho là nhiều tiềm năng. Viettel đang có lợi thế nhờ hệ thống cửa hàng bán lẻ rộng khắp trên toàn quốc đến tận tuyến huyện. Hiện hệ thống này mới chỉ cung cấp sản phẩm của tập đoàn Viettel và các thiết bị công nghệ. Việc phân phối thuốc và mỹ phẩm, vật tư y tế có thể là cơ hội thu hút thêm nhiều khách hàng đến với hệ thống phân phối của Viettel, từ đó bán chéo những sản phẩm công nghệ và ngược lại. Nếu tất cả các cửa hàng Viettel sẽ phân phối thuốc và thiết bị y tế thì chắc chắn tập đoàn này sẽ trở thành nhà phân phối có độ phủ rộng nhất Việt Nam.
Như vậy, Viettel là nhà bán lẻ công nghệ thứ ba tham gia thị trường phân phối thuốc sau Thế giới Di Động và FPT. Theo con số của Thế Giới Di Động, quy mô toàn thị trường bán lẻ dược phẩm vào khoảng 8,2 tỷ USD. Trong đó, phần lớn doanh thu nằm ở các nhà thuốc trong bệnh viện, còn lại khoảng 2,2 tỷ USD dành cho nhà thuốc bên ngoài - đây không phải con số lớn, song nó vẫn là cơ hội và có khoảng trống để các nhà bán lẻ công nghệ nhảy vào.
>>> Xem thêm: Ma trận SWOT của Viettel
Thị trường bán lẻ thuốc vào cuộc đua mới
FPT - đối thủ lớn trên thị trường của Viettel trong tương lai vẫn đang tiếp tục mở rộng chuỗi phân phối thuốc Long Châu, áp dụng chiến lược cạnh tranh về giá, nhất là ở các địa phương. Theo đó, Long Châu không áp dụng chính sách giá thống nhất trên toàn hệ thống mà sẽ bán với giá rẻ hơn tại các tỉnh thành nơi người dân có thu nhập trung bình thấp. Điều này làm giảm biên lợi nhuận trong thời gian đầu, nhưng sẽ tăng hiệu quả và lợi thế quy mô cho chuỗi nhà thuốc.
“Hiện Long Châu có hơn 700 cửa hàng tại 63 tỉnh thành và trở thành nhà thuốc có độ phủ lớn nhất cho đến thời điểm này. Chúng tôi tập trung chiến lược để có mức giá cạnh tranh nhất và bắt đầu có lãi”, đại diện chuỗi Long Châu nói.
Trước đó, năm 2017, Thế Giới Di Động đã mua lại nhà thuốc Phúc An Khang, đổi tên thành An Khang và dồn lực phát triển khi nhận thấy cơ hội hậu Covid-19. Các nhà thuốc liên tục được nhân rộng, nằm trong top đầu tăng trưởng và dần rút ngắn khoảng cách với những đối thủ như Long Châu, Pharmacity…
Thế Giới Di Động hiện có trên 500 cửa hàng thuốc. Mức doanh thu còn thấp, nhưng đây là lĩnh vực có nhiều dư địa để tăng mạnh doanh số khi nhu cầu của người tiêu dùng rất lớn.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động chia sẻ với ICTnews: “Điểm giống nhau của ngành bán lẻ dược phẩm hiện nay với ngành điện thoại chục năm trước chính là kênh bán lẻ truyền thống đang chiếm thị phần lớn. Tôi tin rằng khi các chuỗi dược phẩm hiện đại mở ra thì các kênh truyền thống sẽ bị thu hẹp”.
“Cuối năm nay, doanh thu dự kiến toàn chuỗi An Khang khoảng trên 2.000 tỷ đồng. Năm sau nếu chúng tôi đủ 2.000 cửa hàng thì con số sẽ tăng lên nhiều hơn. Hiện nay, các nhà thuốc cũng đủ thời gian để tạo doanh thu. Chúng tôi đã qua thời gian “gieo”, giờ bắt đầu “gặt”. Với doanh thu 500-600 triệu/cửa hàng/tháng, mở dần dần lên 2.000 cửa hàng vào cuối năm sau thì dự kiến doanh thu khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng/năm”, ông Đoàn Văn Hiểu Em nói.
Việc các nhà bán lẻ công nghệ dồn dập nhảy vào lĩnh vực bán lẻ thuốc và thiết bị y tế có thể dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ giống như họ đã làm với thị trường bán lẻ điện thoại. Rất có thể nhiều nhà thuốc tư nhân nhỏ sẽ không thể cạnh tranh nổi với các chuỗi bán lẻ thuốc của Viettel, FPT hay Thế Giới Di Động giống như việc biến mất của hàng loạt cửa hàng bán lẻ điện thoại trước đây.
Theo ictnews
Minh Anh - MarketingAI
Bình luận của bạn