cover

Ví MOCA ngừng hoạt động: Chiến lược khuyến mãi "đốt tiền" hào nhoáng không thể đối lấy sự tăng trưởng và thị phần

05 Thg 06

Ngày 31/5 vừa qua, ví điện tử Moca và Grab chính thức thông báo về việc ngừng cung cấp dịch vụ ví điện tử trên ứng dụng Moca và Grab. Như vậy, sau hơn 5 năm về tay của ông lớn, Moca đã phải ngậm ngùi rút lui khỏi thị trường ví điện tử Việt Nam và hoàn toàn mất dấu trước những đối thủ như Momo, VNPay, Zalopay,... Tuy nhiên, ít ai biết rằng tại thời điểm mới ra mắt, Moca đã từng được kỳ vọng sẽ là một tên tuổi đáng gờm trên đường đua thanh toán điện tử tại Việt Nam, với nhiều tính năng tốt và sự hậu thuẫn của ông lớn Grab.

Khởi đầu tươi sáng của Moca - Ví điện tử được kỳ vọng bùng nổ cùng Grab

Moca được xây dựng vào năm 2013 bởi một nhóm những chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong mảng thanh toán điện tử và công nghệ. Trong đó phải để đến hai gương mặt nổi bật là cựu Chủ tịch & CEO Moca ông Trần Thanh Nam - người từng làm việc tại Microsoft Mỹ và Nguyễn Quang Dũng - người Việt Nam đầu tiên làm việc cho Google tại Silicon Valley. Chỉ trong khoảng 2 năm đầu ra mắt thị trường, Moca đã có được dấu ấn khá tốt trên thị trường ví điện tử. Hợp tác chính thức với VPBank, ACB, OCB, Sacombank, Visa, MasterCard, JCB,... trở thành đối tác của nhiều doanh nghiệp như Taxi Ba Sao, Taxi Thành Công, Operation Smile, Tranquil, Sumvilla, Kem Fanny, Tous les Jours, My Life Coffee, Ivy Moda, Mochi Sweets,...

Ví MOCA ngừng hoạt động: Chiến lược khuyến mãi

Đến tháng 3/2018, Moca chính thức bước sang một trang mới khi về dưới trướng của gã khổng lồ trên thị trường xe công nghệ - Grab. Theo một số nguồn tin, trong giai đoạn đầu tiên Grab đã chi khoảng 2,8 tỷ đồng để đổi lấy 3,523% cổ phần Moca. Bắt đầu từ đây, ví điện tử Moca chính thức được tích hợp trên ứng dụng Grab với cái tên Grabpay by Moca.

Trên lưng “ông lớn” mảng xe ôm công nghệ với tham vọng dẫn đầu thị trường

Thời điểm bắt tay cùng Moca cũng là lúc Grab đang từng bước vươn lên thống trị thị trường xe ôm công nghệ tại Việt Nam.

Theo Google và Temasek, năm 2018, Việt Nam được xem là mỏ vàng của mảng xe ôm công nghệ với quy mô thị trường lên tới 500 triệu USD, với mức tăng trưởng đạt 150% chỉ sau 3 năm. Cũng trong thời gian này, Grab đã tiến hành mua lại hoạt động đối thủ lớn nhất là Uber tại Đông Nam Á vào tháng 3/2018. Thị trường vốn đã vắng bóng, nay gần như chỉ còn lại sự thống trị của Grab. Theo một nghiên cứu từ ABI Research, 6 tháng đầu năm 2019, Grab đã thực hiện tới 146 triệu cuốc xe, trên tổng số 200 triệu cuốc xe được thực hiện ở Việt Nam, tương đương 73% thị phần.

Ví MOCA ngừng hoạt động: Chiến lược khuyến mãi "đốt tiền" hào nhoáng không thể đối lấy sự tăng trưởng và thị phần- Ảnh 2.

Nhưng ở thị trường ví điện tử, Moca lại không dễ thở như vậy. Trong khoảng thời gian này, thị trường chứng kiến sự gia nhập cạnh tranh gay gắt đến từ nhiều đơn vị như Momo, Zalopay,...

Trong đó cả Momo và Zalopay đều cho thấy tốc độ tăng trưởng và thị phần rất đáng nể. Momo đã tăng hơn 3 lần trong năm 2018, còn Zalopay giữ khoảng 16% thị phần vào thời điểm cuối năm này. Các thương hiệu ví điện tử cũng rất tích cực mở rộng thị phần bằng cách tích hợp vào trong các ứng dụng của các bên thứ ba thì tài chính, giải trí, mua sắm v.v Tiêu biểu như Momo đã từng bắt tay với Uber vào năm 2017.

Vì vậy không khó để lý giải tại sao Moca lại sẵn sàng về dưới trướng của Grab. Với hệ sinh thái người dùng rộng lớn và thị phần áp đảo của Grab, ví điện tử Moca được kỳ vọng sẽ bùng nổ hơn nữa. Tuy nhiên, sau 5 năm về dưới trướng của Grab, những kết quả thu về lại không được như mong đợi.

Tới quý I/2023, Moca đã không còn nằm trong Top 3 ví điện tử tại Việt Nam, trong khi đó MoMo chiếm 68% thị phần, tiếp theo Zalopay với 53%, Viettelpay 27%, ShopeePay (Airpay) chiếm 25%, VNPay chiếm 16% và ví điện tử Moca (Grabpay) đã tụt xuống vị trí thứ 6 chỉ với 7% thị phần.

Lý do gì đã khiến cho Moca phải dừng cuộc chơi dù có sự hậu thuẫn của Grab?

1. Cuộc đua đốt tiền đổi lấy tăng trưởng khiến Moca không thể đi đường dài

Tại thời điểm mới tích hợp vào Grab với tên gọi Grabpay by Moca, ví điện tử này đã thực hiện một chiến dịch khuyến mãi “đốt tiền” không thể hoành tráng hơn. Khi nộp tiền điện 500.000 thông qua ví Grabpay by Moca người dùng sẽ chỉ mất 400.000 và 100.000 còn lại sẽ được hoàn vào ví điện tử này. Trong đó, mức độ hoàn tiền tối đa của ví lên tới 400000₫.

Ví MOCA ngừng hoạt động: Chiến lược khuyến mãi

Việc sử dụng chiến lược hoàn tiền để lôi kéo user không phải là một điều hiếm thấy đối với ví điện tử. Tuy nhiên chịu chơi tới mức hoàn tiền 20% và hạn mức tối đa lên tới 400.000 như Moca, thì có lẽ hiếm ai có thể làm được. Thậm chí Chủ tịch Trương Gia Bình của Tập đoàn FPT đã từng nhận xét rằng: “Không thể tưởng tượng được người ta đốt tiền cỡ nào. Người ta có thể tài trợ cho những người dùng ví điện tử 20% tiền điện cho cả cái đất nước này để đổi lấy tăng trưởng.”

Dĩ nhiên với màn đốt tiền không giới hạn này đã khiến Moca đã nhanh chóng đuối sức và liên tục chìm vào thua lỗ. Số lỗ đỉnh điểm của thương hiệu này vào năm 2021 lên tới 165 tỷ đồng và giảm xuống còn 40 tỷ đồng vào năm 2022. Thậm chí việc khuyến mãi như vậy đã vô tình educate cho khách hàng hành vi sử dụng ví rất nguy hại. Đó là chỉ sử dụng khi có khuyến mãi chứ không thực sự có được sự yêu thích và trung thành đối với thương hiệu.

2. Một Grab không đủ để gồng gánh Moca

Một trong những điểm yếu khác của Moca so với Momo và Zalopay đó là ở sự đa dạng về các đối tác. Momo và Zalopay xuất hiện trên rất nhiều ứng dụng trong hệ sinh thái mua sắm giải trí của người tiêu dùng. Từ các ứng dụng đặt đồ ăn như Shopeefood, Grabfood cho tới các ứng dụng giải trí như CGV,... Tuy nhiên Moca lại chỉ có mặt ở trên Grab.

Điều này vô tình tạo nên rào cản trong quá trình trải nghiệm của người tiêu dùng. Bởi thông thường người tiêu dùng sẽ mong muốn lựa chọn một loại ví điện tử có thể được sử dụng trên nhiều ứng dụng nền tảng khác nhau. Ví dụ như chỉ cần sử dụng Momo, người dùng đã có thể thanh toán được cho rất nhiều ứng dụng khác như Shopee, CGV,.... Trong khi đó khả năng thanh toán của Moca lại khá hạn chế, nhiều nhất chỉ nằm trong ứng dụng Grab. Và dĩ nhiên người dùng sẽ sớm loại bỏ những ứng dụng thừa thãi để tập trung vào một số ít ví điện tử đa năng hơn.

3. “Mối tình” giữa Moca với Grab không phải độc quyền

Mặc dù ví điện tử Moca gần như dành riêng cho ứng dụng Grab. Nhưng trái lại, Grab không chỉ tích hợp một mình ví điện tử này. Bởi bản thân Grab cũng phải tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng để cạnh tranh với những đối thủ như Be, Xanh SM, Gojek. Trong đó, việc tối ưu quy trình thanh toán của người tiêu dùng cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu của ứng dụng xe ôm công nghệ này. 

Nếu chỉ sử dụng Moca, Grab sẽ khiến cho người dùng gặp nhiều bất tiện trong quá trình thanh toán cước xe. Vì vậy để đáp ứng nhu cầu thanh toán đa dạng của người tiêu dùng Grab buộc phải mở rộng phương thức thanh toán với các loại ví khác. Tới năm 2022, thương hiệu này cũng đã bắt tay với hai đối thủ lớn nhất của Moca là Momo và Zalopay.

Ví MOCA ngừng hoạt động: Chiến lược khuyến mãi "đốt tiền" hào nhoáng không thể đối lấy sự tăng trưởng và thị phần- Ảnh 4.

Như vậy Moca không chỉ thua ở mạng lưới đối tác mà còn thua ngay trên chính sân nhà - ứng dụng Grab.

4. Sự gia nhập của những đối thủ hùng mạnh

Chưa giải quyết được những áp lực đối với những đối thủ cạnh tranh như Momo và Zalopay, Moca lại phải tiếp tục đối diện với áp lực cạnh tranh từ những tên tuổi mới gia nhập thị trường. Tiêu biểu như Viettelpay, ShopeePay,... với bệ đỡ lớn mạnh không kém cạnh Grab.

Khi mở rộng sang mảng P2M (People to Merchant - thanh toán tại cửa hàng), Moca cũng rất chật vật. Ở thị trường này đối thủ của Moca không chỉ có Momo hay Zalopay mà còn có nhiều tên tuổi khác như VietQR, VNpay,..... Những đơn vị này đã có khá nhiều kinh nghiệm cho mảng P2M và phủ sóng dày đặc trên khắp các quầy hàng. Vì vậy rất khó khăn để Moca có thể tìm kiếm cho mình một “chỗ đứng” trong các cửa hàng.

Ví MOCA ngừng hoạt động: Chiến lược khuyến mãi

Lời kết:

Nhìn chung, ví điện Moca đã từng có một khởi đầu khá thuận lợi với sự hậu thuẫn của Grab, gây ấn tượng với những chiến dịch khuyến mãi tiền tỷ và trải nghiệm người dùng cũng tương đối ổn. Tuy nhiên, những chiến lược khuyến mãi đốt tiền của Moca không thể nào giữ chân được người tiêu dùng trong dài hạn. Hơn hết, lý do khiến user không mặn mà với Moca đến từ sự thiếu liên kết của ví điện tử này với nhu cầu chi tiêu thực tế của người tiêu dùng. Phạm vi sử dụng chỉ gói gọn trong Grab đã nhanh chóng khiến người dùng loại bỏ Moca để sử dụng như loại ví đa dụng hơn như Momo hay Zalopay. Chính những điều này đã khiến cho Moca phải ngậm ngùi rút lui khỏi thị trường ví điện tử.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.