cover

Uniqlo: Câu chuyện xây dựng thương hiệu bán lẻ thời trang hàng đầu Nhật Bản

31 Thg 08

Nhắc đến thương hiệu Uniqlo 10 năm trước với bất kỳ ai ngoài người dân Nhật Bản, bạn sẽ gặp một ánh nhìn bối rối. Nhưng ngày nay, nói đến Uniqlo, bất kỳ công dân nào trên toàn cầu cũng...

Nhắc đến thương hiệu Uniqlo 10 năm trước với bất kỳ ai ngoài người dân Nhật Bản, bạn sẽ gặp một ánh nhìn bối rối. Nhưng ngày nay, nói đến Uniqlo, bất kỳ công dân nào trên toàn cầu cũng biết và bày tỏ sự hài lòng với chất lượng, giá cả hợp lý và tính thời trang của thương hiệu này. Đó là cách Uniqlo đã trở nên thành công trong những năm gần đây. Thương hiệu này đã trở thành một đối thủ đáng gờm trong thị trường bán lẻ thời trang nhanh toàn cầu. Mặc dù phải cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn như ZARA (Inditex), H&M, Gap và Forever21, Uniqlo vẫn phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Làm thế nào Uniqlo xoay sở để chiếm được thị phần của thị trường bán lẻ thời trang nhanh đầy cạnh tranh này một cách nhanh chóng như vậy?

Uniqlo: Câu chuyện xây dựng thương hiệu bán lẻ thời trang hàng đầu Nhật Bản- Ảnh 1.

Ảnh: Virac

Một số yếu tố thành công chính về thương hiệu của Uniqlo đó là cam kết không ngừng nghỉ với sự đổi mới và văn hóa công ty. Người sáng lập của Uniqlo - ông Tadashi Yanai nổi tiếng với câu nói “Không có linh hồn, công ty không là gì cả”. Linh hồn này được phản ánh trong "23 nguyên tắc quản lý" mà Tadashi Yanai đã tạo ra và truyền tải trong mỗi nhân viên Uniqlo. Bản chất của những nguyên tắc này bao gồm việc đặt khách hàng lên trên hết, cống hiến cho xã hội và tự phá vỡ giới hạn bản thân.

Năm 1972, Tadashi Yanai - CEO Uniqlo thừa kế chuỗi 22 cửa hàng may mặc dành cho nam  từ cha mình, ông Ogori Shoji ở Ube, Yamaguchi (Nhật Bản). Ngay sau khi trở thành chủ tịch công ty vào năm 1984, ông đã mở một cửa hàng mới - Unique Clothing Warehouse, sau này được viết tắt là Uniqlo.

Lấy cảm hứng từ những chuyến du lịch đến châu Âu và Mỹ, nơi ông phát hiện ra các chuỗi cửa hàng may mặc thường ngày lớn như Benetton và Gap, Tadashi Yanai đã nhìn thấy tiềm năng to lớn đối với thị trường quần áo mặc hàng ngày (casual wear) của Nhật Bản và đặt mục tiêu phát triển chiến lược kinh doanh của gia đình từ từ sản xuất quần áo may đo sang sản xuất quần áo mặc thông thường, với tư duy để khách hàng được mua hàng thời trang với số lượng nhiều và chi phí thấp.

Uniqlo: Câu chuyện xây dựng thương hiệu bán lẻ thời trang hàng đầu Nhật Bản- Ảnh 2.

Ảnh: Feliz plastic

Tadashi Yanai cũng phát hiện ra rằng nhiều chuỗi thời trang nước ngoài đã liên kết theo chiều dọc, nắm quyền kiểm soát toàn bộ quy trình kinh doanh từ thiết kế, sản xuất đến bán lẻ. Đến năm 1998, ông đã mở thành công hơn 300 cửa hàng Uniqlo trên khắp Nhật Bản.

Tuy nhiên, thương hiệu này phải đối mặt với thách thức mới đó là nhận thức của người tiêu dùng về thương hiệu. Uniqlo từng được coi là chuỗi thời trang bán quần áo giá rẻ và chất lượng thấp cho các vùng ngoại ô. Tuy nhiên nhận thức này hoàn toàn thay đổi khi thương hiệu mở một cửa hàng 3 tầng ở Harajuku mang tính biểu tượng ở trung tâm Tokyo vào năm 1998. Từ đây, mọi người bắt đầu chú ý đến Uniqlo nhiều hơn với những chiếc áo khoác lông cừu chất lượng cao. Nhận thức về thương hiệu ngay lập tức chuyển từ giá rẻ và chất lượng thấp sang giá cả phải chăng nhưng chất lượng cao.

Uniqlo: Câu chuyện xây dựng thương hiệu bán lẻ thời trang hàng đầu Nhật Bản- Ảnh 3.

Ảnh: Fasola

Ngày nay, Uniqlo là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Fast Retailing Company Limited. Tính đến tháng 9 năm 2019, thương hiệu đã phát triển lên hơn 2.196 cửa hàng tại 21 quốc gia trên khắp Châu Á, Châu Âu và Hoa Kỳ chỉ trong vòng 21 năm. Đây là chuỗi cửa hàng may mặc lớn nhất châu Á với hơn 800 cửa hàng bán lẻ chỉ riêng tại Nhật Bản.

Vốn hóa thị trường của Fast Retailing là hơn 57,7 tỷ USD và sở hữu hơn 52.000 nhân viên trên toàn cầu. Kết thúc năm 2017, Fast Retailing đạt doanh thu 20 tỷ USD và lợi nhuận 1,5 tỷ USD. Thị trường quê hương của công ty là Nhật Bản đóng góp 44% vào tổng doanh thu của công ty. Cứ 1 trên 4 người Nhật cho biết họ đều sở hữu ít nhất 1 áo khoác Uniqlo. Fast Retailing đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc trong 5 năm qua và tương lai được dự báo doanh thu tăng trưởng 4,8% lên 22 tỷ USD cho năm 2020.

Theo tạp chí quản lý toàn cầu Forbes, Uniqlo có giá trị thương hiệu 8,6 tỷ USD và đứng thứ 84 trong danh sách "Các thương hiệu giá trị nhất thế giới". Phần lớn điều đó được ghi nhận là nhờ chiến lược đổi mới của người sáng lập và văn hóa lấy khách hàng làm trung tâm.

Uniqlo đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới vào năm 2020 với mục tiêu doanh thu 27,6 tỷ USD, chủ yếu dựa vào việc mở rộng ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và trực tuyến. Nếu Uniqlo đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, Uniqlo sẽ soán ngôi Inditex (công ty mẹ của Zara) để trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực may mặc toàn cầu.

Hải Yến - MarketingAI

Tham khảo martinroll

>> Có thể bạn chưa biết: Cẩm nang toàn tập về xây dựng thương hiệu cho sản phẩm

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.