Ứng dụng AI và ML trong ngành công nghiệp thời trang - Xu hướng và lợi ích toàn cầu

10 Thg 11

Được định giá hơn 3000 tỷ USD, ngành công nghiệp thời trang đang đóng góp tới 2% GDP toàn cầu. Dù là trong sản xuất dệt may, may mặc hay thương mại điện tử, ngành công nghiệp thời trang vẫn luôn là người đi tiên phong trong việc đổi mới công nghệ. Trong thế kỷ 21 hiện nay, những đổi mới công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) hay máy học (Machine Learning) đang tác động không nhỏ đến ngành thời trang và đang làm thay đổi mọi khía cạnh của lĩnh vực kinh doanh tiên tiến này. 

Việc sử dụng AI trong ngành công nghiệp thời trang của năm 2020 đã trở nên phổ biến đến nỗi khiến cho 44% các nhà bán lẻ thời trang (chưa áp dụng AI) giờ đây đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Trước áp lực đó, chi phí toàn cầu cho công nghệ AI của ngành thời trang và bán lẻ dự kiến ​​sẽ đạt 7,3 tỷ USD mỗi năm vào năm 2022.

Tất nhiên, AI không phải là xu hướng công nghệ duy nhất vào năm 2020, tuy nhiên, sự liên quan của nó và công nghệ máy học đối với ngành thời trang toàn cầu là vô cùng mật thiết. Trong bài viết này, hãy cùng MarketingAI đi tìm hiểu xem các thương hiệu thời trang nổi tiếng đang sử dụng những công nghệ này như thế nào trong các case study cụ thể và lợi ích nó đem lại cho ngành là gì nhé!

Trí tuệ nhân tạo & Máy học - Tác động trong ngành thời trang

Với sự trợ giúp đắc lực của dữ liệu lớn sẵn có (big data), việc cá nhân hóa khách hàng và các dịch vụ khác trong các công ty thời trang sẽ chẳng là gì nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ AI. Theo McKinsey, 20% thương hiệu thời trang hàng đầu toàn cầu đang tạo ra 144% lợi nhuận toàn ngành. Điều này có nghĩa là, bất kỳ thương hiệu thời trang nào dù là lớn hay nhỏ, cũng phải tranh đấu cho vị trí trong top 20% kia để có thể đảm bảo việc kinh doanh tạo ra lợi nhuận và có lãi. Sự cấp thiết này cũng là động lực to lớn cho các thương hiệu thời trang nhanh chóng đầu tư vào công nghệ AI và ML để duy trì sự phù hợp và thích ứng được với tốc độ biến đổi và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Vậy thì, nếu AI và ML quan trọng đối với ngành công nghiệp thời trang đến thế, thì nó đang tác động đến ngành này theo những cách như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong các lĩnh vực nhỏ bên dưới đây!

Thiết kế trang phục

Khi việc thu thập dữ liệu trở nên phức tạp hơn, các thương hiệu thời trang đã sử dụng công nghệ AI để hiểu hơn nhu cầu của khách hàng, từ đó thiết kế trang phục phù hợp hơn với thị hiếu người dùng. Ví dụ: một nền tảng thời trang có trụ sở tại Đức, Zalando (đối tác của Google) đã sử dụng sức mạnh của AI để phân tích các màu sắc, họa tiết và style mà người dùng ưa chuộng hiện nay để lên ý tưởng cho các bộ sưu tập mới chất lượng.

Quy trình sản xuất

Các thương hiệu thời trang sử dụng công cụ AI và ML hiện nay có thể nhanh chóng xác định các xu hướng thời trang đang thay đổi thế nào và từ đó cung cấp các phụ kiện thời trang mới nhất trên kệ bán lẻ, nhanh hơn so với bất kỳ nhà bán lẻ thời trang “truyền thống” nào. Do đó, nếu bạn để ý, các thương hiệu thời trang hàng đầu như Zara, Top Shop và H&M luôn “nhanh hơn một chân” so với các thương hiệu nhỏ khác trong việc làm hài lòng khách hàng ngay lập tức, đón đầu các xu hướng theo mùa và sản xuất nguồn cung hợp lý cho bộ sưu tập mới nhất.

Trưng bày hàng hóa ảo (Virtual merchandising)

Các công nghệ có sự can thiệp của AI như thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) hiện đang giúp thu hẹp khoảng cách giữa trải nghiệm mua sắm trực tuyến và mua sắm tại cửa hàng. Ví dụ: AR tại cửa hàng cho phép người mua sắm tiếp cận với bất kỳ hàng hóa nào thông qua các phương tiện số. Còn với công nghệ VR, thương hiệu thời trang Tommy Hilfiger đã có thể cho khách hàng thấy hình ảnh ảo của cửa hàng bán lẻ pop-up của mình.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, làm thế nào các thương hiệu thời trang thành công trong việc triển khai các tính năng dựa trên công nghệ AI này? Lời khuyên đó là hãy sử dụng thật nhiều thuật toán AI và ML, càng nhiều càng tốt. Và cùng MarketingAI xem rằng, AI và ML đang hoạt động như thế nào trong ngành thời trang hiện nay.

AI và ML tạo ra hiệu quả như thế nào trong ngành thời trang?

Một trong những ứng dụng chính của AI và máy học trong ngành thời trang là việc triển khai các chatbot để giúp các thương hiệu thời trang có thể dễ dàng thu thập thông tin về mong muốn của khách hàng và dự định mua hàng của họ. Ví dụ: nếu bạn đang có ý định tìm kiếm một đôi giày hoặc chiếc váy mới thì chỉ cần tương tác với một đại lý thông minh trên website hoặc một ứng dụng trên thiết bị di động để nhận được sự tư vấn kịp thời từ phía thương hiệu. Hiện nay, một số nhà bán lẻ thời trang nổi tiếng đã và đang sử dụng chatbot như Burberry, Tommy Hilfiger và Levi's.

Trí tuệ nhân tạo đang trở thành một tài sản quan trọng trong ngành Thương mại điện tử. Không chỉ các thương hiệu hoặc các nhà bán lẻ Thương mại điện tử lớn như Amazon mà ngay cả các nhà bán lẻ thời trang nhỏ hiện nay cũng đang sử dụng AI và thuật toán học máy để hiểu sâu hơn về nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng, đồng thời nắm bắt được những thay đổi nhanh chóng của thị trường. Như trường hợp của công ty tạo dựng phong cách cá nhân trực tuyến Stitch Fix, họ đã sử dụng các thuật toán ML để cải thiện trải nghiệm của khách hàng cũng như quản lý chuỗi cung ứng.

Trong số nhiều phương thức ứng dụng khác nhau, thứ mà thuật toán ML có thể dự đoán chính xác nhất chính là nhu cầu của thương hiệu đối với hàng tồn kho. Điều đó giúp họ không rơi vào tình cảnh lãng phí tiền của, đồng thời cũng giảm bớt chi phí tổn thất do hàng tồn kho chưa bán được.

Nói tóm lại, AI dang biến đổi cách các công ty thời trang thiết kế và sản xuất thành phẩm của họ, cũng như cách marketing và vận chuyển chúng đến khách hàng. Giờ thì hãy cùng xem cách mà một số thương hiệu thời trang hàng đầu đã áp dụng công nghệ AI và ML trong một số trường hợp sử dụng case studies thực tế như thế nào nhé!

Cách các thương hiệu thời trang vận dụng AI và ML vào sản xuất và marketing - Case studies

Dù là công nghệ ML hay trí tuệ nhân tạo , tác động của chúng đến phong cách thời trang và thương hiệu là rất lớn. Hãy cùng MarketingAI phân tích về 4 case studies của bốn thương hiệu thời trang hàng đầu đã và đang tận dụng những công nghệ này:

Alibaba

Gã khổng lồ ngành công nghiệp bán lẻ thời trang có trụ sở tại Trung Quốc Alibaba đã áp dụng công nghệ AI kể từ năm 2018 với tham vọng tạo ra sự cách mạng hóa trong trải nghiệm mua sắm toàn cầu. Với việc ra mắt cửa hàng FashionAI đầu tiên, công ty đã giới thiệu với thế giới các tính năng đặc biệt tại cửa hàng bao gồm tag mua sắm thông minh, gương thông minh, cùng với chip Bluetooth được tích hợp trong mỗi sản phẩm.

Nhờ những công nghệ này mà khách hàng có thể được hưởng lợi từ các đề xuất thời trang do AI điều khiển vì nó phù hợp với sở thích và phong cách của họ. Ngoài ra, công nghệ đa kênh cho phép dữ liệu FashionAI được tích hợp với ứng dụng điện thoại thông minh của công ty, do đó cung cấp trải nghiệm người dùng liền mạch và nhất quán.

Tommy Hilfiger

Sau khi hợp tác với IBM (International Business Machines - tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại New York), Tommy Hilfiger đã trở thành người đi tiên phong trong dự án Reimagine Retail nhằm trang bị cho các nhà thiết kế thời trang các kỹ năng AI để thiết kế. Cùng với sự phát triển đó, các sinh viên thời trang ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường có thể học hỏi thêm rất nhiều kỹ năng kỹ thuật như xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) hoặc thị giác máy tính (computer vision) để thiết kế ra những thành phẩm mang tính cá nhân hóa cao.

Sản phẩm trong dự án Reimagine Retail - cái bắt tay giữa Tommy Hilfiger và IBM

Với việc sử dụng AI, sinh viên ngành thời trang có thể học hỏi và tham khảo thêm từ hàng nghìn hình ảnh liên quan đến thời trang để nâng cao khả năng sáng tạo của họ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, đồng thời tiết kiệm thời gian xây dựng thương hiệu thời trang cá nhân cho riêng mình.

Macy's

Ra mắt lần đầu tiên vào tháng 7 năm 2016, vị trợ lý mua sắm ảo với sự hỗ trợ của công nghệ AI đã giúp Macy cải thiện được trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng của khách hàng. Với việc sử dụng công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP, công cụOn Call của Macy's có thể trả lời tất cả các câu hỏi thông thường của khách hàng như “Tôi có thể tìm giày dép nữ ở đâu” hoặc điều hướng đến vị trí của các cửa hàng bán lẻ của họ ở Hoa Kỳ.

Sau khi kích hoạt những công nghệ này, doanh thu online của Macy đã gia tăng nhanh chóng và giúp công ty bán lẻ của Mỹ này lên kế hoạch đóng cửa hơn 100 cửa hàng truyền thống, tiết kiệm chi phí đến hơn 550 triệu USD.

Amazon

Sau khi cho ra mắt hệ thống đề xuất sản phẩm được hỗ trợ bởi công nghệ AI, gã khổng lồ Thương mại điện tử này đã tạo ra một bước tiến lớn trong hành trình cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Thành công sau bước đột phá với công nghệ AI này, Amazon đang tiếp tục triển khai một thuật toán thiết kế thời trang có sự can thiệp của AI, giúp các nhà thiết kế thiết kế quần áo thông qua việc sao chép phong cách thiết kế của nhiều loại quần áo khác nhau đang thịnh hành trên thị trường, sau đó áp dụng chúng vào một mặt hàng quần áo mới.

Một phương thức sử dụng khác mà Amazon đã áp dụng công nghệ AI đó là trợ lý thời trang Echo Look - một trợ lý có khả năng đưa ra lời khuyên giúp bạn ăn mặc đẹp hơn nhờ vào công nghệ ML.

(Nguồn: Pocket-lint)

Lợi ích của AI và ML đối với ngành thời trang

Cải thiện cá nhân hóa khách hàng

Dù là ngành công nghiệp thời trang hay phát video trực tuyến (video streaming), cá nhân hóa cũng là chìa khóa then chốt giúp thương hiệu thành công trong kinh doanh. Nhờ vào sự đổi mới trong dữ liệu lớn (big data) mà hiện nay có rất nhiều dữ liệu khách hàng đang chờ được các thương hiệu khai thác và phân tích. Sự ra đời của công nghệ học sâu như AI và ML cùng với công cụ phân tích kinh doanh đã giúp các doanh nghiệp thời trang có thể theo dõi sát sao xu hướng thời trang và hành vi mua hàng của từng khách hàng.

Dịch vụ khách hàng nâng cao

Sự xuất hiện của công nghệ chatbot thông minh và những công nghệ hỗ trợ khác đã tác động rất nhiều đến dịch vụ chăm sóc khách hàng và cách người mua hàng tương tác với các thương hiệu thời trang. Từ việc theo dõi doanh số bán hàng đến giới thiệu sản phẩm, chatbot đã cải thiện đáng kể tỷ lệ chuyển đổi và trải nghiệm thương hiệu tổng thể.

Cải thiện khả năng quản lý hàng tồn kho

Phân tích dự đoán dựa trên AI cho phép các nhà bán lẻ thời trang rút ra bài học từ các hành vi phổ biến của khách hàng và lập kế hoạch dự trữ hàng tồn kho sao cho hợp lý. Các công cụ do AI hỗ trợ có thể giúp doanh nghiệp thời trang xác định các mặt hàng bán chạy nhất (hoặc tệ nhất) để từ đó lập kế hoạch tồn kho một cách chính xác.

Giảm thiểu nhân lực hơn nhờ tự động hóa

Một lợi ích quan trọng khác mà công nghệ AI và ML đem lại là khả năng cho phép các hãng thời trang tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại hoặc các hoạt động thông thường vốn được thực hiện bởi con người. Các công việc như nhập dữ liệu và hỗ trợ khách hàng hiện nay có thể được xử lý bởi AI, giúp giảm thiểu tối đa thời gian và công sức của con người để họ tập trung hơn vào các hoạt động chiến lược.

Giảm thiểu các sản phẩm bị trả lại

Việc trả lại các mặt hàng đã bán là một hạn chế lớn đối với toàn bộ ngành thời trang và có thể làm tăng chi phí hoạt động. Nhờ tính năng cá nhân hóa do AI hỗ trợ và việc cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm, khách hàng giờ đây có thể nắm chắc nhiều thông tin hơn và ít có khả năng mua nhầm hàng hoặc mua phải hàng không phù hợp với họ. Từ đó giúp giảm thiểu lượng sản phẩm bị trả lại và cũng tăng mức độ hài lòng của khách hàng.

Kết luận

Không chỉ giúp cá nhân hóa sản phẩm và tạo ra các bộ sưu tập thiết kế tốt hơn, công nghệ AI và máy học còn đang tác động đến ngành công nghiệp thời trang toàn cầu nhiều hơn thế. Sự đầu tư ngày càng tăng của các thương hiệu thời trang hàng đầu vào các công nghệ này là bằng chứng cho thấy tiềm năng kinh doanh to lớn của nó. Hi vọng rằng trong tương lai, các thương hiệu Việt cũng có thể “sánh vai” với các thương hiệu thời trang toàn cầu, tìm ra cách áp dụng AI vào trong sản xuất, thiết kế, marketing hoặc vận chuyển hàng hóa đến tay khách hàng.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Countants

>> Có thể bạn quan tâm: Xây dựng thương hiệu: Tại sao các công ty F&B cần tạo dựng tên tuổi tốt hơn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.