Năm 2020 vừa bước sang chưa được bao lâu thì ngành bất động sản vừa đón nhận một tin động trời. Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova hay còn được biết với cái tên Novaland vừa phải “cầu cứu” Bộ trưởng Xây dựng. Bấy lâu nay, Novaland vẫn luôn được biết đến là một cái tên máu mặt trong thị trường bất động sản Việt Nam, ít ai nghĩ rằng lại có một ngày ông lớn lại phải lên tiếng kêu cứu như vậy. Đây chắc chắn là một tín hiệu không mấy khả quan cho thị trường bất động sản Việt Nam nói chung. Liệu thị trường bất động sản Việt Nam có biến động gì từ sau vụ việc của Novaland? Nhìn lại vụ việc ta có thể thấy được gì về tình hình hiện tại của thị trường bất động sản Việt Nam? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của MarketingAI.
Bức thư cầu cứu của Novaland gây chấn động cả thị trường
Ngay trong ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán vừa rồi, khi nhà nhà đang gửi đến nhau những lời chúc mừng năm mới thì vị chủ tịch của Novaland - ông Bùi Thành Nhơn lại lựa chọn cách “gây shock” hơn khi gửi đơn cứu khẩn tới Bộ trưởng Xây dựng - ông Phạm Hồng Hà. Ngay khi thông tin này được công bố đã làm chấn động toàn ngành kinh tế nói chung và ngành bất động sản nói riêng. Bởi lẽ, Novaland đang là doanh nghiệp bất động sản lớn thứ hai tại Việt Nam hiện nay. Sự việc phải nghiêm trọng tới mức nào mà một ông lớn như Novaland mới phải gửi thư kêu cứu như vậy?
Trong nội dung bức thư, ông Bùi Thành Nhơn đã miêu tả tình trạng của Novaland hiện tại là hết sức tồi tệ, sử dụng những từ ngữ nặng nề như “mất tính thanh khoản” hay “kiệt sức”, cũng như đề cập đến những hệ lụy nghiêm trọng trong tương lai. Điều này lại càng làm cho mọi người thêm hoang mang khi trước đó, Novaland đã công bố kết quả kinh doanh khả quan của mình. Theo báo cáo tài chính năm 2019 được Novaland phát hành vào cuối tháng 1 vừa rồi, lãi ròng của doanh nghiệp có dấu hiệu vượt trội so với cùng kỳ với con số là 3,426 tỷ đồng.
Từ đây, mọi chuyện mới dần được sáng tỏ trong phần sau của bức thư. Trong bức thư của mình gửi đến Bộ trưởng Xây Dựng thì Novaland đã đề cập đến vướng mắc của mình. Cụ thể, Novaland đang dốc sức đầu tư cho một dự án quy mô 32,224 ha ở Bình Khánh, quận 2, TP.HCM - với tên thương mại là Water Bay. Novaland đã bỏ vào dự án này với số tiền là 6,000 tỷ đồng thế nhưng dự án đang vướng phải những vấn đề liên quan tới pháp lý của nhà nước, từ đó dẫn đến sự chậm trễ trong tiến độ thi công. Hậu quả là dự án này nằm vào tình trạng “đóng băng” trong suốt hai năm qua, phát sinh nhiều chi phí vốn cho đầu tư, xây dựng, duy trì,..
Đọc đến đây, chắc hẳn bạn đã hiểu nguyên nhân mà ông Bùi Thành Nhơn phải viết thư cầu cứu Bộ trưởng Xây dựng. Mục đích chính là xin phép Bộ Xây dựng cấp phép cho Novaland tiếp tục thực hiện dự án Water Bay này, từ đó giúp doanh nghiệp có lại nguồn thu cũng như giúp hơn 200 nhà đầu tư nước ngoài hiện đang đầu tư vào Novaland yên tâm.
Từ Novaland đến nỗi lòng chung của doanh nghiệp địa ốc tại Việt Nam
Novaland là doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 tại Việt Nam mà còn vấp phải khó khăn như vậy, thử hỏi những doanh nghiệp địa ốc nhỏ hơn sẽ như nào? Vụ việc của Novaland chỉ là một minh chứng tiêu biểu cho những vấn đề mà thị trường bất động sản tại Việt Nam đang gặp phải. Nếu để ý trên những trang thông tin, trong suốt thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp địa ốc gặp phải tình trạng như Novaland, tuy nhiên những vấn đề và rắc rối của họ vẫn chưa được giải quyết, nhiều dự án vẫn đang đối mặt tình trạng “vườn không nhà trống”. Từ đó gây ra những ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của thị trường bất động sản nói riêng và môi trường đầu tư nói chung.
Có thể nói, lời cầu cứu vừa rồi của Novaland nó như giọt nước tràn ly cho nỗi lòng chung của doanh nghiệp địa ốc tại Việt Nam. Xét riêng tại TP.HCM - nơi xảy ra vụ việc vừa rồi Novaland thì đã có hàng trăm doanh nghiệp bất động sản khác tại đây cũng vấp phải vấn đề tương tự. Tất cả đều liên quan tới vấn đề pháp lý, thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, nhiều dự án bất động sản bị kéo dài thời gian rà soát, dẫn đến tốc độ triển khai dự án bị ngưng trệ và gây ra những hệ quả nghiêm trọng, phát sinh chi phí.
Nếu TP.HCM vốn nổi tiếng với “đặc sản” tắc nghẽn giao thông thì giờ đây nó đã được tái hiện lại nguyên trạng với thị trường bất động sản. Theo một thống kê bởi Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (gọi tắt là HoREA) thì tính từ thời điểm tháng 10/2015 đến hết 2018, có tới 126 dự án nhà ở thương mại bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng, 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải tiến hành rà soát lại thủ tục pháp lý. Con số nhà ở thương mại được UBND thành phố chấp thuận trong năm vừa qua thấp kỷ lục, giảm rõ rệt so với năm ngoái, cụ thể là:
Được UBND chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư
- 1 dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở (Giảm 12 dự án so với 2018)
- 4 dự án nhà ở thương mại (Giảm 24 dự án so với 2018)
Được UBND chấp thuận đầu tư
- 16 dự án nhà ở thương mại (Giảm 64 dự án so với 2018)
Vậy chúng ta rút ra được điều gì từ những con số này? Đó chính là việc nhà nước, chính phủ chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM nói riêng và toàn Việt Nam nói chung. Xét riêng ở TP.HCM là một thành phố lớn, thị trường bất động sản tại đây về bản chất vẫn rất có tiềm năng, tính thanh khoản vẫn tốt tuy nhiên hiện thực lại cho thấy thị trường đang gặp phải nhiều vấn đề, khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những xung đột, vướng mắc của một số quy phạm pháp luật cũng như công tác thực thi pháp luật. Không thể phủ nhận rằng, thị trường bất động sản Việt Nam có tiềm năng rất lớn khi ngày càng có nhiều sự quan tâm từ những nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một tín hiệu cực kì tốt khi nó mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp bất động sản Việt Nam, tuy nhiên doanh nghiệp không thể “tự tay làm nên tất cả” mà họ cần sự ủng hộ, hỗ trợ từ chính phủ trong nước. TP.HCM là một thành phố lớn, là đầu não kinh tế của cả nước vậy nên khi thị trường bất động sản tại đây gặp phải trục trặc, phần nào nó sẽ ảnh hưởng lên thị trường bất động sản cả nước. Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch HoREA từng đưa ra nhận định rằng, nếu chính phủ Việt Nam không tìm được biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc, xung đột hiện tại thì chắc chắn quy mô thị trường bất động sản sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Hệ quả sẽ là nhiều doanh nghiệp địa ốc, trước mắt là ở TP.HCM và trong tương lai là trên toàn Việt Nam sẽ đối mặt nhiều khó khăn, tệ hơn là dẫn đến nguy cơ phá sản.
Kết luận
Từ vụ việc của Novaland có thể thấy, thị trường bất động sản tại TP.HCM nói riêng và toàn Việt Nam nói chung đang phủ lên mình một màu xám ảm đạm ngay những ngày đầu năm mới 2020. Dù doanh nghiệp có hùng mạnh đến đâu, tiềm lực tài chính vững đến đâu thì họ sẽ không thể trụ vững trên thương trường nếu không có sự hỗ trợ từ nhà nước, chính phủ trong nước. Lời cầu cứu của Novaland nó là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn ngành bất động sản lẫn chính phủ Việt Nam. Bất động sản vẫn đang là ngành có tiềm năng tại Việt Nam, tuy nhiên nếu không tìm được biện pháp khắc phục những xung đột trong công tác thực thi pháp luật, hay những vướng mắc trong pháp lý thì sớm muộn thôi nó sẽ mất đi những tiềm năng và để lại những khó khăn, hậu quả phải gánh chịu.
Tuấn Anh - MarketingAI
Bình luận của bạn