- 2. Không chỉ riêng Barbie, rất nhiều phim điện ảnh khác cũng không qua ải kiểm duyệt
- 3. Nhìn nhận về các vấn đề mang yếu tố nhạy cảm thường thấy trong điện ảnh
- 3.1. Vấn đề liên quan đến thuần phong mỹ tục
- 3.2. Vấn đề liên quan đến tình dục
- 3.3. Vấn đề về phân biệt chủng tộc
- 3.4. Vấn đề về phân biệt giới tính
1. “Bom tấn” mùa hè Barbie bị xoá bay trong vòng một nốt nhạc
Vào sáng hôm qua (ngày 3/7), ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết phía cơ quan chức năng đã ban hành lệnh cấm chiếu phim Barbie của Warner Bros. do có cài cắm chi tiết "đường lưỡi bò" phi pháp (tức đường chín đoạn - do Trung Quốc vạch ra, đòi chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế). Quyết định cấm trình chiếu và phát hành phim này đã do Hội đồng thẩm định và phân loại phim Quốc gia đưa ra sau buổi xét duyệt gần đây.
Trước đó, bộ phim Barbie được tạm định công chiếu trong nước vào ngày 21/7, phù hợp với lịch chiếu toàn cầu do phía Warner Bros. công bố. Đến hiện tại, poster và thông tin về phim đã bị gỡ sạch hoàn toàn khỏi các trang rạp chiếu toàn quốc.
Ngay trước tin đồn "Barbie" bị cấm chiếu, bộ phim đã được thông báo là sẽ lùi lịch chiếu gần 1 tuần. Nhưng sau đó, CGV - đơn vị phát hành, phân phối phim lớn nhất tại Việt Nam đã không còn quảng bá về phim đã dấy lên nhiều nghi ngờ. Nhiều người dự đoán phim đã không thể qua khâu thẩm định tại Việt Nam.
Và quyết định cấm chiếu của hội đồng duyệt phim đã chấm dứt sự xôn xao này đồng thời khẳng định quan điểm của cơ quan quản lý trong việc bài trừ các nội dung xuyên tạc sự thật, vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam nói riêng.
Barbie được dự đoán là "bom tấn" mùa Hè, một phim điện ảnh triển vọng của năm. Tác phẩm được đầu tư kinh phí 100 triệu USD, lấy cảm hứng từ món đồ chơi búp bê kinh điển và nổi tiếng nhất thế giới. Nhân vật búp bê Barbie trung tâm trong phim được đóng bởi nữ minh tinh Margot Robbie, đưa khán giả bước vào thế giới đầy màu sắc của búp bê nhựa. Bộ phim của nữ đạo diễn Greta Gerwig còn gây tò mò khi cho Barbie và búp bê nam Ken (do Ryan Gosling đóng) bước vào thế giới người thật và có nhiều cuộc phiêu lưu kỳ lạ.
Barbie do Greta Gerwig đạo diễn dựa trên kịch bản do cộng sự lâu năm Noah Baumbach viết. Ngoài Robbie và Gosling, phim quy tụ dàn tên tuổi nổi tiếng như Will Ferrell, Issa Rae, Kate McKinnon, Simu Liu, Ncuti Gatwa và America Ferrera. Ferrell - đóng giám đốc điều hành của Mattel, công ty đồ chơi sản xuất Barbie - từng cho biết phim lồng ghép thông điệp về vai trò phụ nữ trong xã hội.
2. Không chỉ riêng Barbie, rất nhiều phim điện ảnh khác cũng không qua ải kiểm duyệt
Trước "Barbie" cũng có nhiều bộ phim nước ngoài không được cấp phép ra rạp tại Việt Nam do có chứa hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp. Gần đây nhất, vào tháng 3/2022, bộ phim "Thợ săn cổ vật" (Uncharted) cũng bị cấm chiếu tại Việt Nam. Tháng 12/2019, Bộ VHTT&DL phạt hành chính nhà phát hành CGV 170 triệu đồng vì “Abominable” (Everest: Người tuyết bé nhỏ) - phim hoạt hình có cảnh bản đồ "đường lưỡi bò. Tác phẩm này được cấp phép, chiếu mười ngày trước khi bị phát hiện có hình ảnh phi pháp và rút khỏi rạp. Một số nhân sự Cục Điện ảnh bị khiển trách vì đã duyệt phim.
Đầu tháng 7/2021, Netflix Việt Nam gỡ sáu tập Pine Gap - series gián điệp - sau khi cơ quan chức năng phát hiện phim có hình ảnh phi pháp. Tháng 7/2020, phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put your head on my shoulder) bị phát hiện có hình ảnh bản đồ "đường lưỡi bò" trên biển Đông. Sau khi Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử yêu cầu rà soát, gỡ bỏ những thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam, Netflix cắt cảnh có hình ảnh vi phạm. Tháng 8/2020, phim Bà ngoại trưởng (Madam Secretary) cũng vi phạm tương tự.
3. Nhìn nhận về các vấn đề mang yếu tố nhạy cảm thường thấy trong điện ảnh
Trong nhiều năm trở lại đây, khán giả Việt đã có cơ hội thưởng thức nhiều "bom tấn" đến từ các studio lớn của Hollywood như Universal, Paramount, Warner Bros.; cũng như từ các nền điện ảnh phát triển trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…
Tuy nhiên, cùng với sự nở rộ của xu hướng xem phim điện ảnh nước ngoài, bên cạnh những tác phẩm hay, chất lượng thì cũng có không ít những bộ phim bị cấm chiếu do có tình tiết nội dung chưa phù hợp văn hoá hay xuyên tạc chủ quyền của Việt Nam. Tại các thị trường khác, cũng đã không ít bộ phim bị “sờ gáy” vì động chạm đến những vấn đề nhạy cảm trong xã hội như phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính v.v… Điều này chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà làm phim khi có chủ đích khai thác những phân đoạn nội dung mang tính “mạo hiểm” trong điện ảnh.
Ngoài vấn đề liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đã kể trên, còn rất nhiều khía cạnh nhạy cảm khác tác động đến thị hiếu của khán giả và gây tranh cãi trong dư luận, cụ thể như:
3.1. Vấn đề liên quan đến thuần phong mỹ tục
''Thuần phong mỹ tục'' là một khái niệm co giãn theo thời gian. Khi xã hội phát triển, những chuẩn mực về văn hoá, đạo đức hay chuẩn mực xã hội cũng theo đó mà có sự chuyển biến rõ rệt. Thị hiếu của khán giả và những người làm phim được cởi mở hơn, kéo theo những nhận định đổi mới về thuần phong mỹ tục. Nhưng đó là một câu chuyện dài.
Chia sẻ về yếu tố ''thuần phong mỹ tục'' trong phim Việt, đạo diễn Phan Đăng Di bày tỏ: ''Thuần phong mỹ tục là vấn đề mà bất kỳ nhà làm phim nào cũng phải đối mặt. Khái niệm thuần phong mỹ tục dù là khái niệm nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong việc quản lý điện ảnh và truyền thông nói đến một tác phẩm có vấn đề về biểu đạt hay ở trong thói quen tiếp nhận thì người ta luôn luôn lấy khái niệm thuần phong mỹ tục để nói ra.
Đối với nhà quản lý nó như một cái phép nhiệm màu có thể sử dụng để ngăn cản, có những biện pháp để hạn chế. Từ phía nhà làm phim thì họ vẫn nghe rằng phim của mình không đi đúng thuần phong mỹ tục và đó là lý do phim bị cấm chiếu, cấm đi liên hoan phim, hoặc bị phạt''.
Năm 2021, mặc dù đoạt giải Đặc biệt của Hội đồng giám khảo ở hạng mục Encounters tại LHP Berlin 2021, nhưng khi về đến Việt Nam, bộ phim Vị (Taste) do Công ty TNHH Le Bien Pictures sản xuất lại không được Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) cấp phép phổ biến dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo nhận định của một số nhà phê bình điện ảnh, những cảnh quay nude trực diện trong phim Vị đã mang đến cảm giác tăm tối, phản cảm, thậm chí còn thể hiện cách nhìn thiếu tôn trọng phụ nữ. Cảnh tượng bốn người phụ nữ đều đã ở độ tuổi trên dưới 60, cùng với nhân vật cầu thủ bóng đá Nigeria khỏa thân trong mọi sinh hoạt, nấu cơm, ăn uống cùng nhau… không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt. Trường đoạn này cũng được nhận định là đã vi phạm điều cấm của Luật Điện ảnh hiện hành.
3.2. Vấn đề liên quan đến tình dục
Ranh giới giữa nghệ thuật và phản cảm, dung tục là rất mong manh.
Tiến sĩ Đào Lê Na (Trưởng bộ môn sáng tác và phê bình sân khấu - điện ảnh, khoa văn học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) từng chia sẻ: “Việc phân biệt giữa khiêu dâm và nghệ thuật vẫn có rất nhiều tranh cãi vì ranh giới đôi khi khá mong manh. Tuy nhiên cần phải xem xét trên tổng thể bộ phim thì mới có những nhận xét thỏa đáng”.
Chẳng hạn, nếu các cảnh 18+ trong phim khiến người xem không để ý đến tính dung tục trong đó mà tập trung vào số phận nhân vật và các vấn đề khác thì đó không phải là phim mang yếu tố phản cảm. Còn nếu các cảnh đó hiện diện chỉ để nhằm "câu khách", không làm rõ thêm về tính cách nhân vật hoặc cốt truyện và nếu cắt bỏ cũng không vấn đề gì thì những cảnh đó là dung tục.
Ví dụ như gần đây, vốn là được một bộ phim được người hâm mộ trên toàn cầu trông đợi, nhưng ngay sau khi tập đầu tiên lên sóng, The Idol đã thổi bùng lên làn sóng tranh luận trên mạng xã hội do có quá nhiều cảnh 18+. Nhân vật gây chú ý của phim chính là nữ phụ Dyanne do nữ thần tượng đình đám Jennie (BlackPink) thủ vai.
Phân đoạn trong The Idol của Jennie được đăng tải trên nhiều nền tảng mạng xã hội gây sốc bởi sự táo bạo, gợi cảm. Trong mắt một bộ phận khán giả, những cảnh phim này được cho là thô tục. Điều gây tranh cãi lớn nhất là vũ đạo và biểu cảm của nữ thần tượng trong phân cảnh nhảy cùng vũ công. Đạo diễn cũng chú ý khai thác đoạn phim này khi quay cận gương mặt và cơ thể của Jennie
3.3. Vấn đề về phân biệt chủng tộc
Nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối và tồn tại âm ỉ trong suốt chiều dài lịch sử của quốc gia này.
Điển hình là vào năm 2020, bộ phim bom tấn kinh điển “Cuốn theo chiều gió” năm 1939 đã bị rút khỏi kênh HBO Max vì cho rằng phim có tình tiết tranh cãi về vấn đề chủng tộc. Biên kịch John Ridley từng cho rằng, đây là một bộ phim đã lãng mạn hóa thời kỳ đen tối của vấn nạn phân biệt chủng tộc, che giấu sự thật kinh hoàng về chế độ nô lệ.
Cũng trong khoảng thời gian đó, hơn 300 nghệ sĩ, nhà làm phim da màu, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng như Idris Elba, Queen Latifah và Billy Porter ngày 23/6 đã ký tên vào bức thư ngỏ kêu gọi Hollywood ngừng khai thác các chủ đề về cảnh sát mà thay vào đó tăng cường đầu tư vào các sản phẩm điện ảnh có nội dung chống phân biệt chủng tộc.
Nội dung bức thư có đề cập đến thực trạng chủ nghĩa da trắng thượng đẳng trong ngành điện ảnh, đồng thời cho rằng chính Hollywood đã khuyến khích tình trạng bạo lực trong cảnh sát và văn hóa chống người da màu.
Bức thư kêu gọi ngành sản xuất phim và truyền hình chấm dứt các hình thức tuyên dương quá mức cảnh sát và hối thúc các xưởng phim tuyển dụng thêm người da màu vào vị trí quản lý, hoặc các công việc liên quan đến tài chính, chuyên môn khác.
3.4. Vấn đề về phân biệt giới tính
Khi định kiến giới còn gây nhiều nhức nhối trong xã hội, điện ảnh như một con dao hai lưỡi có thể giúp giải thoát tình trạng này, song nếu làm không khéo cũng có thể góp phần làm nặng thêm những tư tưởng không phù hợp.
Điển hình là Marvel - vốn là một hãng phim bom tấn ăn khách trên toàn cầu, nhưng không phải nhân vật nào trong phim cũng được khán giả đón nhận, thậm chí việc diễn viên thủ vai có giới tính khác nhân vật trong truyện tranh cũng có thể khiến cho bộ phim bị cấm chiếu.
Trong phiên bản truyện tranh, Ancient One được miêu tả là một ông già mang chủng tộc châu Á, cụ thể là một người đến từ Tây Tạng. Tuy nhiên, trong Doctor Strange (2016), nhân vật này đã được thay đổi thành chủng tộc da trắng hoặc người da trắng và cũng chuyển giới để trở thành phụ nữ. Hay nhân vật Phastos xuất hiện trong bộ phim Eternals được phát hành vào năm 2021, vốn được cho là thành viên thông minh nhất của nhóm. Nhưng khi được công chiếu, sự góp mặt của Phastos thực sự đã gây ra tranh cãi và khiến bộ phim bị cấm chiếu ở một số quốc gia Trung Đông, chẳng hạn như Ả Rập Saudi, Kuwait và Qatar. Lý giải cho điều này, nhiều người cho biết, bởi lai lịch của Phastos có xu hướng tình dục đồng giới.
Tạm kết
Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong khâu kiểm duyệt và thẩm định phim. Chính phủ và các cơ quan quản lý ngành điện ảnh đã thực hiện một số biện pháp nhằm tăng tính cởi mở và linh hoạt trong việc đánh giá và phê duyệt phim.
Tuy nhiên, việc cảnh giác và suy xét kỹ trước khi công chiếu các bộ phim từ nước ngoài và trong nước vẫn là một yêu cầu quan trọng. Mục đích chính của việc này là đảm bảo rằng những bộ phim có chứa yếu tố nhạy cảm sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và tư tưởng của người xem.
Thanh Thanh - MarketingAI
Tổng hợp
Bình luận của bạn