Từ video em bé mặc đồ thỏ: Ranh giới giữa trong sáng & phản cảm khi quảng cáo với hình ảnh trẻ em

11 Thg 04

Là những đối tượng luôn giành được sự yêu thương của toàn xã hội, hình ảnh của trẻ em cũng đang dần xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong chiến dịch quảng cáo hiện nay. Tuy nhiên bên cạnh màu sắc trong sáng, dễ thương vốn có của trẻ nhỏ, rất nhiều chiến dịch quảng cáo về trẻ em lại đang tiềm ẩn loạt nguy cơ đáng sợ như ấu dâm hay bạo lực. Đây là một hiện trạng rất đáng báo động, mà mỗi marketer, mỗi thương hiệu cần có sự cẩn trọng hơn khi đưa hình ảnh của trẻ em vào trong các chiến dịch quảng cáo.

Trong những năm gần đây, “kid influencers” đang trở thành một xu hướng được ưa chuộng bởi giới truyền thông, quảng cáo trên toàn cầu. Bởi lẽ, trẻ em luôn mang lại những cảm xúc tích cực và giúp thương hiệu nhận được rất nhiều lượt tương tác trên các kênh truyền thông số. Có thể thấy rõ xu hướng này qua sức ảnh hưởng của những ngôi sao nhí hiện nay như Pamiuoi, Bánh Bao,... Tuy nhiên, ngoài những khía cạnh tích cực, thì việc quảng cáo bằng hình ảnh trẻ em cũng bắt đầu lộ rõ những mối nguy hại rất nghiêm trọng.

Câu chuyện em bé mặc đồ thỏ & hồi chuông cảnh báo về việc đưa hình ảnh trẻ em lên kênh truyền thông

Trên mạng xã hội những ngày qua đang xôn xao bởi một video với hình ảnh của một em bé mặc bộ đồ thỏ bông đi trong trung tâm thương mại. Thoạt nhìn, có thể thấy video mang nội dung rất tích cực với hình ảnh rất dễ thương, trong sáng của trẻ nhỏ. Tuy nhiên thay vì những lời khen, thì dưới phần bình luận của video này lại là vô số những lời lẽ mang ý nghĩa rất tiêu cực, ẩn chứa tư tưởng gây hại cho trẻ nhỏ.

Cụm từ mang hàm ý quấy rối “game is game” liên tục được hàng chục tài khoản lặp lại trong comment. Thậm chí, khi bị phản bác vì suy nghĩ sai lệch, những người dùng này còn sẵn sàng đổ lỗi lại cho em bé trong video - một em nhỏ chỉ khoảng 2,3 tuổi. Điều đáng nói, số lượng những bình luận sai lệch và người ủng hộ thậm chí còn có áp đảo hơn hẳn so với bình luận lành mạnh, tích cực.

Câu chuyện em bé mặc đồ thỏ & hồi chuông cảnh báo về việc đưa hình ảnh trẻ em lên kênh truyền thông

Thương hiệu có thể vô tình trở thành kẻ tiếp tay cho tội phạm trẻ em trên mạng

Mặc dù đây không phải là một chiến dịch quảng cáo, nhưng câu chuyện này là một lời cảnh tỉnh cho các thương hiệu về mức độ nhạy cảm của việc sử dụng hình ảnh của trẻ em trên các kênh truyền thông. Không thể phủ nhận rằng, quảng cáo về trẻ em có thể thu hút và dễ dành được cảm tình của khách hàng bởi sự dễ thương, đáng yêu của các em nhỏ. Nhưng thay vào đó, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ thu hút những kẻ biến thái, có suy nghĩ đồi trụy với trẻ em.

Giống như câu chuyện trên, những đối tượng này chiếm số lượng không hề nhỏ trên mạng xã hội và sẵn sàng biến tướng mọi hình ảnh về trẻ em. Chỉ với một chi tiết nhạy cảm về trang phục, màu sắc, hay ngôn từ, quảng cáo về trẻ em của thương hiệu có thể trở thành nguyên nhân gián tiếp châm ngòi cho những hành vi suy đồi như tình dục hóa, bạo lực,... trẻ em.

Hơn hết, trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ bởi toàn xã hội và công chúng hiện nay cũng rất nhạy cảm trước những hành động liên quan tới nhóm đối tượng này. Bởi vậy, những hành vi gián tiếp làm ảnh hưởng tới trẻ em như trên cũng có thể tạo nên khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng. Và dù vô tình hay hữu ý, hình ảnh thương hiệu vẫn sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Trên thực tế, đã có không ít thương hiệu lao đao khi sử dụng hình ảnh của trẻ em thiếu tinh tế trong các chiến dịch quảng cáo của mình.

Balenciaga xin lỗi vì bộ ảnh dính nghi vấn tình dục hóa trẻ em

Là một trong những thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu thế giới, nhưng Balenciaga đã từng phải cúi đầu xin lỗi trước công chúng bởi một bộ ảnh về thời trang trẻ em. Bộ ảnh được Balenciaga thực hiện vào cuối năm 2022 với hình ảnh của các bé gái cầm trên tay những con gấu bông khá độc lạ. Điều đáng nói rằng, gấu bông của Balenciaga có thiết kế khá kỳ dị với nhiều chi tiết không phù hợp với trẻ em như: áo lưới, nịt da, vòng cổ móc khóa,... khiến người xem liên tưởng tới các hành vi liên quan tới tình dục.

Trên thực tế, Balenciaga theo đuổi phong cách thiết kế cũng như truyền thông rất táo bạo từ trước đến nay. Tuy nhiên, khi đặt những phong cách đó lên trên hình ảnh của trẻ em thì câu chuyện sẽ trở nên rất khác biệt. Cái tên Balenciaga bị gắn với hàng loạt chỉ trích tiêu cực như lạm dụng, tình dục hóa trẻ em, bóc lột trẻ em,... Bộ ảnh tai tiếng này đã khiến Balenciaga thiệt hại nặng nề về danh tiếng thương hiệu, giá trị truyền thông. Đội ngũ sáng tạo của chiến dịch cũng phải chịu trách nghiệm trước vụ kiện trị giá tới 25 triệu USD (hơn 512 tỷ đồng).

Sau cùng, thương hiệu này phải xóa toàn bộ hình ảnh và cống bố rằng "Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành vi lạm dụng trẻ em; chúng tôi chưa bao giờ có ý định đưa nó vào câu chuyện của mình… Balenciaga chân thành xin lỗi về hành vi xúc phạm".

Balenciaga xin lỗi vì bộ ảnh dính nghi vấn tình dục hóa trẻ em

Nữ ca sĩ IU gặp khủng hoảng vì một góc nhỏ trên bìa album có hình ảnh trẻ em

Tương tự Balenciaga, nữ ca sĩ IU đã từng vướng phải cơn bão chỉ trích chỉ bởi một góc nhỏ trên trang bìa album “Chat-Shire” có hình ảnh của trẻ em. Trong đó, IU đã sử dụng hình ảnh của một cậu bé không mặc quần mà chỉ mặc một chiếc tất lưới trên trang bìa của album. Đây được xem là hình ảnh của cậu bé Zeze 5 tuổi - một nhân vật trong sách mà IU từng chia sẻ là nguồn cảm hứng cho album lần này. Tuy nhiên, những lời bài hát cũng như hình ảnh trên Album của IU khiến không ít người đặt ra nghi vấn đề hình tượng ấu dâm, dễ gây liên tưởng tới việc tình dục hóa trẻ em.

Nữ ca sĩ IU gặp khủng hoảng vì một góc nhỏ trên bìa album có hình ảnh trẻ em

Shop thời trang taobao gây phẫn nộ khi cho trẻ em mặc đồ lót quảng cáo

Không chỉ các brand lớn gặp khủng hoảng, năm 2021 có 3 cửa hàng thời nội y trên sàn Taobao đã nhận cơn bão chỉ trích khi sử dụng hình ảnh trẻ em để quảng cáo nội y theo cách thiếu lành mạnh. Những cửa hàng này đã sử dụng các mẫu nhí trong khoảng 6 - 10 tuổi, để các em mặc đồ lót và tạo những hành động, tư thế rất không phù hợp với trẻ nhỏ. Mặc dù, đối với một cửa hàng nội y cho trẻ em, việc sử dụng các mẫu nhí để quảng bá sản phẩm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, hình ảnh và cách thức quảng cáo của thương hiệu lại dễ gây nên hiểu nhầm, tạo điều kiện cho những suy nghĩ và hành vi đồi trụy với trẻ nhỏ.

Mặc dù chỉ là một thương hiệu khá nhỏ, nhưng nhãn hàng này vẫn phải hứng chịu làn sóng chỉ trích và tẩy chay rất kịch liệt. Như vậy, có thể thấy những chủ đề về xâm hại trẻ em có sức ảnh hưởng với khả năng kích động phản ứng của cộng động rất dữ dội. Không chỉ đối với các thương hiệu lớn, nhận được nhiều sự quan tâm, mà ngay cả những nhãn hàng nhỏ cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro khi sử dụng hình ảnh trẻ em sai cách.

Hãy đặt ra giới hạn cho việc quảng bá bằng hình ảnh trẻ em!

Hệ lụy của những clip quảng cáo về trẻ em sai cách không chỉ làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của thương hiệu. Mà hơn thế, chúng có thể gây nên những hậu quả khó lường cho cộng đồng, gián tiếp lan truyền những hành vi phạm tội và đặc biệt là ảnh hưởng rất nặng nề tới tâm lý của trẻ em.

Tại Việt Nam, nhà nước đã ban hành những quy định rất nghiêm ngặt để bảo vệ trẻ em trong hoạt động quảng cáo, nằm ở Điều 10 Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo, kèm Quyết định 4149/QĐ-BVHTTDL năm 2017 quy định về bảo vệ trẻ em. Ngoài việc nắm chắc những quy định này, marketer và các thương hiệu cũng cần đặt ra những giới hạn cụ thể để bảo vệ trẻ em trong và chính bản thân thương hiệu khi quảng cáo:

  • Chỉ sử dụng hình ảnh của trẻ em khi có sự cho phép từ người giám hộ: Theo quy định của pháp luật, khi sử dụng hình ảnh trẻ em dưới 7 tuổi phải nhận được sự cho phép của cha mẹ & người giám hộ. Nhưng nhìn chung, thương hiệu vẫn nên làm việc với người giám hộ đối với cả những trường hợp trẻ em lớn tuổi hơn để đảm bảo cho tâm lý và sức khỏe của trẻ trong quá trình tham gia quảng cáo.
  • Những thông điệp không nên gắn với hình ảnh trẻ em: Những thông điệp nổi loạn, những câu joke hài hước, hay thậm chí là những câu chuyện về tình dục có thể sử dụng phổ biến trong các chiến lược quảng cáo thông thường, thể hiện cá tính độc đáo cho thương hiệu. Tuy nhiên khi đưa vào hình ảnh của trẻ em, chúng sẽ trở nên rất phản cảm. Vì vậy, thương hiệu cần xác định rõ những thông điệp nào phù hợp và không phù hợp với độ tuổi của trẻ nhỏ.
  • Kiểm duyệt hình ảnh quảng cáo kỹ càng trước khi đăng tải: Không ai có thể kiểm soát được khả năng lan truyền một khi quảng cáo đã được đăng tải trên mạng xã hội. Vì vậy, mọi yếu tố từ trang phục, âm thanh, bối cảnh cho tới kịch bản, hành vi,... của trẻ em trong quảng cáo đều cần có sự kiểm duyệt chặt chẽ của thương hiệu và cả phụ huynh trước khi công bố.

>>> Xem thêm: Xe điện Shogo của Honda mang lại niềm vui cho trẻ em trong bệnh viện

Lời kết:

Như vậy, có thể thấy quảng cáo sử dụng hình ảnh trẻ em là một phương án tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Nó không chỉ ảnh hưởng xấu tới thương hiệu, mà còn tạo nên rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội và nguy cơ tổn thương sâu sắc tới trẻ em. Vì vậy, đây có lẽ không chỉ là vấn đề của các thương hiệu hay marketer mà còn là một bài toán cần có sự tham gia của toàn cộng đồng. 

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.