cover

Từ sự kiện Đền RAM Ấn Độ: Tôn giáo & tín ngưỡng cũng là thời điểm tiếp thị rất đắt giá mà thương hiệu có thể khai thác

31 Thg 01

Lễ hội ra mắt đền RAM - Một trong những sự kiện tôn giáo lớn nhất tại Ấn Độ mới diễn ra gần đây, đang trở thành điểm nóng truyền thông mới với sự tham gia của hàng loạt thương hiệu lớn như Coca Cola, ITC,... cùng nhiều hoạt động marketing rầm rộ. Sự kiện đặc biệt này đã trở thành một thời điểm marketing hấp dẫn, giúp các thương hiệu đến gần hơn với người dân địa phương và khách du lịch.

Lễ hội đền RAM - Sức ảnh hưởng không tưởng của văn hóa truyền thống & tín ngưỡng với người tiêu dùng

Vào ngày 21/01/2024 vừa qua, lễ khánh thành của ngôi đền Ram Mandir đã chính thức được diễn ra, đây được xem là một trong những sự kiện tôn giáo lớn nhất Ấn Độ, đặc biệt là với những tín đồ của đạo Hindu. Đích thân thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tổ chức lễ khánh thành ngôi đền tại thành phố Ayodhya, miền Bắc Ấn Độ, cho thấy được sức ảnh hưởng tầm cỡ của sự kiện tôn giáo đặc biệt này.

Từ sự kiện Đền RAM Ấn Độ: Tôn giáo & tín ngưỡng cũng là thời điểm tiếp thị rất đắt giá mà thương hiệu có thể khai thác- Ảnh 1.

Không nằm ngoài sức nóng của Lễ hội đền RAM, hàng loạt thương hiệu lớn như Coca-Cola, Dabur, Adani Wilmar, Reliance Consumer, ITC,... đã nhanh chóng triển khai hàng loạt các hoạt động tiếp thị hấp dẫn nhằm thu hút sự chú ý của đông đảo người tiêu dùng Ấn Độ cũng như khách du lịch đến với sự kiện đặc biệt này.

Phần lớn các vị trí quảng cáo đắc địa trong thành phố Ayodhya đã được các thương hiệu ký hợp đồng đặt chỗ quảng cáo từ lâu trước đó. Những doanh nghiệp đăng ký muộn thậm chí phải trả giá gấp 5 đến 10 lần chi phí quảng cáo OOH thông thường tại khu vực này. Các thương hiệu trong ngành FMCG như Coca-Cola hay Parle cũng tích cực đẩy mạnh lượng hàng hóa cung cấp trong thành phố, tận dụng sức tiêu dùng cực lớn khi đông đảo người dân Ấn Độ và khách du lịch về tham quan đền Ram.

Một trong số những thương hiệu có hoạt động nổi bật nhất trong dịp lễ đặc biệt này phải kể đến Coca-Cola. Thương hiệu này đã thực hiện một loạt hoạt động đặc biệt bằng tiếng Hindi, các thiết kế logo của thương hiệu cũng được sử dụng trên nền màu chủ đề của Ayodhya thay vì màu đỏ quen thuộc. Trong khi đó, thương hiệu Dabur cũng đã cam kết đóng góp một phần lợi nhuận bán sản phẩm cho đền RAM, rạp chiếu phim PVR INOX cũng tiến hành công chiếu trực tiếp lễ khánh thành đền RAM trên 160 rạp phủ khắp Ấn Độ,...

Từ sự kiện Đền RAM Ấn Độ: Tôn giáo & tín ngưỡng cũng là thời điểm tiếp thị rất đắt giá mà thương hiệu có thể khai thác- Ảnh 2.

Văn hóa truyền thống & Tôn giáo - Yếu tố có sức ảnh hưởng rất lớn đối với hành vi người tiêu dùng

Ấn Độ được biết đến là một quốc gia có nền văn hóa truyền thống & tín ngưỡng, tôn giáo rất phong phú. Trong đó, Hindu giáo hay Ấn Độ giáo - một tôn giáo lâu đời nhất thế giới và cũng là một trong những tín ngưỡng có sức ảnh hưởng lớn nhất tại Ấn Độ. Hiện nay, Hindu giáo có khoảng 1,2 tỷ tín đồ và có tới 95% tín đồ đang sống ở Ấn Độ, như vậy có khoảng hơn 79% tổng dân số quốc gia này đang theo đạo Hindu. Vì thế mà Hindu giáo cùng các hoạt động của tín ngưỡng này (sự kiện đền RAM) đều có sức ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đối với hành vi của người tiêu dùng Ấn Độ và cũng là cơ hội quan trọng để các thương hiệu có thể đi sâu hơn vào đời sống tinh thần của người dân.

Ước tính, chi phí marketing trong sự kiện khánh thành đền RAM chiếm khoảng ¼ quỹ ngân sách tiếp thị của các thương hiệu trong mùa lễ hội. Nhưng với sức tiêu dùng cực lớn, cùng mức độ ảnh hưởng sâu sắc tôn giáo đối với người dân Ấn, có lẽ chi phí tiếp thị mà các thương hiệu bỏ ra trong sự kiện lần này là rất xứng đáng với những lợi ích về doanh thu & nhận diện thương hiệu mà họ nhận được. Anghsu Mallick, MD và Giám đốc điều hành tại Adani Wilmar nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự kiện đặc biệt này: “Đối với chúng tôi, việc đến gần hơn với khách hàng qua các lễ hội hoặc những dịp như vậy là điều chỉ có một lần trong đời."

Cũng giống như lý thuyết về Moment-based Marketing (Marketing đánh chiếm khoảnh khắc tiêu dùng). Việc chiếm lĩnh thị trường vào những thời điểm đặc biệt như vậy không chỉ giúp doanh nghiệp tăng doanh số bán nhất thời, mà còn là cơ hội quan trọng để thương hiệu có thể kết nối sâu sắc hơn người tiêu dùng. Một thức uống đã đồng hành cùng họ trong khoảnh khắc đón lễ hội, hay một món ăn gắn liền với kỷ niệm về tôn giáo, tín ngưỡng,... chắc chắn sẽ khiến người tiêu dùng ghi nhớ lâu bền hơn. Hơn hết, các yếu tố truyền thống văn hóa và tôn giáo là một điểm tựa tinh thần rất lớn đối với người tiêu dùng, đặc biệt là ở những quốc gia có bề dày văn hóa tâm linh sâu sắc như Ấn Độ hay Việt Nam. Vì vậy, đây sẽ là một trong những thời điểm quan trọng mà các thương hiệu không nên bỏ lỡ khi thực hiện Moment-based Marketing

Các sự kiện văn hóa truyền thống & tín ngưỡng - Một thời điểm mà thương hiệu có thể khai thác & đánh chiếm

Không chỉ tại Ấn Độ, các giá trị văn hóa truyền thống, tín ngưỡng cũng có sức ảnh hưởng rất lớn đối với người tiêu dùng Việt và cũng là một thời điểm quan trọng mà các thương hiệu cần nắm bắt khi áp dụng chiến lược Moment-based Marketing.

Trong năm qua, sự quan tâm của người dân, đặc biệt là giới trẻ, đối với các hoạt động, sự kiện liên quan tới văn hóa, tín ngưỡng đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Từ các địa điểm lịch sử được yêu thích như Nhà tù hòa lò, Hoàng thành Thăng long, các địa điểm tôn giáo như đền chùa,... cho tới những xu hướng đậm chất cổ truyền như chụp ảnh với áo dài,... Vì vậy, những thời điểm, sự kiện hay địa điểm văn hóa, tín ngưỡng sẽ là những điểm chạm đắt giá mà các thương hiệu không nên bỏ lỡ trong thời gian tới.

Có thể thấy được sức mạnh của thời điểm này qua trường hợp của Tuborg - một trong những thương hiệu đã ứng dụng rất khéo léo lý thuyết về Moment-based Marketing trong các sự kiện, hoạt động mang tính chất văn hóa truyền thống. Từ những năm 2016, Tuborg bắt đầu đồng hành cùng một sự kiện âm nhạc nổi tiếng tại Hà Nội Monsoon Festival. Điểm đặc biệt của Monsoon đó việc kết hợp giữa những sự kiện âm nhạc độc đáo, kết hợp với các địa điểm văn hóa, lịch sử nổi tiếng tại thủ đô Hà Nội như Hoàng Thành Thăng Long, Phố Cổ,... Sự kết hợp đặc biệt giữa văn hóa giới trẻ và yếu tố lịch sử, truyền thống đã giúp Monsoon thu hút hàng triệu khán giả trẻ.

Từ sự kiện Đền RAM Ấn Độ: Tôn giáo & tín ngưỡng cũng là thời điểm tiếp thị rất đắt giá mà thương hiệu có thể khai thác- Ảnh 3.

Và Tuborg đã đi cùng với Monsoon liên tục trong rất nhiều năm qua. Cứ mỗi mùa Monsoon, khán giả đều sẽ thấy sự xuất hiện của Tuborg, từ tên của sự kiện “Monsoon by Tuborg”, tới các kênh truyền thông báo chí, màu sắc, logo thương hiệu luôn gắn liền với sân khấu Monsoon tại các địa điểm lịch sử. Đặc biệt, thương hiệu còn phát miễn phí hàng nghìn lon bia Tuborg cho khán giả thỏa sức thưởng thức đêm nhạc. Từ đó, Tuborg ghi điểm với đông đảo khán giả Hà Nội, trở thành một thức uống quen thuộc trong các hoạt động giải trí, âm nhạc của giới trẻ.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.