cover

Từ scandal Hoa hậu Ý Nhi: Công chúng hiện nay đã nhạy cảm & nghiêm khắc hơn rất nhiều

02 Thg 08

Hàng nghìn thảo luận tiêu cực, cùng những hội nhóm anti fan tăng trưởng nhanh chóng mặt chỉ sau một đêm,... Scandal Hoa hậu Ý Nhi có lẽ không chỉ là câu chuyện showbiz mà còn là một bài học đắt giá cho giới truyền thông khi mà công chúng đang ngày càng trở nên thông minh, khôn khéo nhưng cũng đầy khắt khe và nhạy cảm.


Scandal Hoa hậu Ý Nhi và bài học “nghiêm khắc” từ công chúng

Trong suốt gần hai tuần qua, Hoa hậu Ý Nhi và loạt phát ngôn gây tranh cãi như: "Bạn trai phải thay đổi để theo kịp tôi", "Khi bạn bè dành thời gian để ngủ, uống trà sữa thì tôi đã thi hoa hậu", "Khi mà các bạn vừa đi học vừa đi làm thì tôi đã là một hoa hậu", ... đang trở thành tâm điểm chỉ trích trên khắp các trang mạng xã hội. Nàng hậu bị chê trách bởi cách ứng xử không khéo léo, quan điểm sai lệch cùng sự tự tin thái quá đi ngược lại hình ảnh của một cô hoa hậu.

Không dừng lại ở đó, Hoa hậu Ý Nhi liên tục bị đào lại những phát ngôn sai lệch về lịch sử Việt Nam. Khi được hỏi về "3 người nổi tiếng ở Bình Định", nàng hậu đã mạnh dạn nhắc tên mình trước hai vĩ nhân Hàn Mặc Tử và Vua Quang Trung và thậm chí là sai kiến thức về hai nhân vật lịch sử nổi tiếng này. 

Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, Scandal Hoa hậu Ý Nhi ngày càng bùng nổ mạnh mẽ hơn. Hàng trăm clip phủ sóng trên khắp các trang mạng xã hội, loạt kênh báo chí đưa tin về scandal và đặc biệt là một hội nhóm anti fan Hoa hậu Ý Nhi đã lên tới hơn 340.000 thành viên và chưa có dấu hiệu dừng lại. Độ “Hot” của Scandal Hoa hậu Ý Nhi đưa tên tuổi nàng hậu lọt top trending Google trong nhiều ngày qua, “cạnh tranh” với hàng loạt sự kiện đình đám như BlackPink, Chuyến bay giải cứu,... Từ khóa “Hoa hậu Ý Nhi” trả về gần 40 triệu kết quả chỉ trong 0.37 giây, tuy nhiên đa phần là những thông tin có liên quan đến những phát ngôn đầy tranh cãi của nàng hậu.

Scandal Hoa hậu Ý Nhi và bài học “nghiêm khắc” từ công chúng

Vậy lý do gì đã khiến cho công chúng lập tức quay lưng và phản ứng cực gay gắt với phát ngôn của Hoa hậu Ý Nhi?

“Chân dung” công chúng thời nay: Thông minh, thận trọng & đầy khắt khe

Scandal Hoa hậu Ý Nhi chỉ là một trong số rất nhiều khủng hoảng truyền thông liên tục diễn ra trong thời gian gần đây. Ngay trước Ý Nhi, hàng loạt người nổi tiếng khác như Hoa hậu Bảo Ngọc, Á hậu Thảo Nhi Lê,... và cả các thương hiệu lớn như Dầu gội Nguyên Xuân,... cũng trở thành những tâm điểm chỉ trích của công chúng do những phát ngôn và hành động thiếu chuẩn mực.

Quay ngược thời gian về những năm trước đây, công chúng Việt Nam từng được cho là khá hiền lành và dễ dãi khi bỏ qua hàng loạt scandal của giới nghệ sĩ. Điển hình như scandal, phát ngôn sai lệch về Covid 19 của Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng, hay bê bối xuyên tạc tác phẩm của Trấn Thành,... đều trôi qua khá nhanh chóng với một vài chỉ trích không đáng kể. Nếu đối sánh với khủng hoảng Hoa hậu Ý Nhi và những người nổi tiếng khác trong thời gian gần đây, có thể thấy mức độ nghiêm trọng của những vấn đề này khá tương đồng nhưng mức độ phản ứng, tẩy chay của cộng đồng đã không còn nhẹ nhàng như trước.

Như vậy, rõ ràng công chúng Việt Nam đã trở nên “khó tính” và “nghiêm khắc” hơn trước những luồng thông tin đến từ người nổi tiếng và thương hiệu. Nếu như trước đây, người nổi tiếng có thể dễ dàng điều hướng dư luận, đánh lạc hướng truyền thông, thì thời đại bây giờ dường như dư luận mới là yếu tố định hình những phát ngôn của người nổi tiếng. Công chúng đã lấy lại thế chủ động nhiều hơn trong việc kiểm soát, chọn lọc thông tin và điều hướng truyền thông. 

“Chân dung” công chúng thời nay: Thông minh, thận trọng & đầy khắt khe

Vì vậy, khủng hoảng truyền thông cũng không còn “dễ thở” như trước đây bởi công chúng sẵn sàng phản ứng gay gắt và lan tỏa thông tin rất nhanh chóng thông qua mạng xã hội. Đặc biệt khi những kỳ vọng càng cao, danh tiếng càng lớn, thì sự thất vọng càng nhiều, kéo theo mức độ phản ứng càng gắt gao hơn. 

Scandal Hoa hậu Ý Nhi với group anti fan tăng chóng mặt tới 200 nghìn thành viên là một ví dụ điển hình. Thời điểm trước scandal, Ý Nhi vốn là một nàng hậu gây ấn tượng bởi chuyện tình cảm giản dị chân thành với bạn trai là sinh viên, khiến công chúng yêu mến khi gạt bỏ định kiến “hoa hậu - đại gia”. Nhưng phát ngôn “bạn trai cần phải cố gắng bắt kịp” của nàng hậu lại khiến nhiều người hâm mộ đi từ kỳ vọng đến thất vọng, để rồi kéo theo những chỉ trích hàng loạt. Cùng với đó là những phát ngôn đánh đồng về giới trẻ, sự tự tin thái quá hoàn toàn đi ngược lại với hình ảnh của một hoa hậu chuẩn mực, khiêm tốn và ứng xử khéo léo trong mắt công chúng.

Sự nhạy cảm với ngôn từ

Từ hàng loạt khủng hoảng do phát ngôn của người nổi tiếng như Scandal Hoa hậu Ý Nhi, Trấn Thành,... hay những thương hiệu lớn như FPT Long Châu cúi đầu xin lỗi chỉ vì hai chữ “đặc trị”, có thể thấy sức nặng của ngôn từ lớn đến mức nào. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số hóa mọi phát ngôn, câu từ đều có thể trở thành chủ đề mổ xẻ, phân tích và lan truyền khắp các trang mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Vì vậy, ranh giới giữa sự bao dung và phẫn nộ của công chúng đôi khi chỉ nằm trong một con chữ. 

Sự nhạy cảm với ngôn từ

Đặc biệt, sự bùng nổ của mạng xã hội, internet cũng kéo theo không ít hệ lụy về sức khỏe tinh thần và sự nhạy cảm của người dùng, trong đó phải kể đến triệu chứng Peer Pressure - Áp lực đồng trang lứa. Để giải tỏa những áp lực đồng trang lứa, một số người nảy sinh mong muốn “hạ bệ” hay “dìm hàng” để tìm đến cảm giác chiến thắng, ngang hàng. Vì vậy, nhóm đối tượng này rất nhạy cảm trước mọi hành động, phát ngôn, đặc biệt là từ những người trẻ nổi tiếng. Chỉ cần một câu nói thiếu thận trọng hay một hành động nhỏ vô tình cũng có thể trở thành “nguyên liệu” để cắt ghép và dẫn dắt thành những câu chuyện đầy tiêu cực.

Điển hình như bài phỏng vấn gây tranh cãi của trong chuỗi Scandal Hoa hậu Ý Nhi, có thể thấy nàng hậu cũng dành nhiều lời khen cho giới trẻ trong buổi phỏng vấn. Tuy nhiên cộng đồng mạng chỉ chú tâm vào những khoảnh khắc “vạ miệng” của nàng hậu khi đánh đồng các bạn đồng trang lứa chưa trưởng thành, đánh giá về bạn trai, đại gia,... 

Bên cạnh đó, bài đăng xin lỗi của Ý Nhi trên fanpage cũng tiếp tục nhận về chỉ trích từ cộng đồng mạng chỉ bởi hai từ “Hoa hậu”. Cách dùng từ “Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi gửi lời xin lỗi…” bị khán giả đánh giá là thiếu chân thành, liên tục nhấn mạnh vào danh xưng hoa hậu mà không thật tâm hối lỗi. 

Công chúng dần lãnh cảm với các công thức truyền thông mang tính “bài vở”

Quay trở lại Scandal Hoa hậu Ý Nhi, sau khi xảy ra khủng hoảng có vẻ như ekip của nàng hậu đang cố gắng điều hướng dư luận, hạ “nhiệt” công chúng bằng những hình ảnh đi từ thiện hay livestream khóc xin lỗi. Đây là cách xoa dịu dư luận từng rất phổ biến trong các scandal của người nổi tiếng trước đây. Tuy nhiên, công chúng ngày nay rất thông minh, họ đã nắm bắt được “công thức truyền thông” quen thuộc này sau quá nhiều hình ảnh tương tự và dần trở nên vô cảm với chúng. Thậm chí việc sử dụng những hình ảnh mang tính chất “bài vở” như thế này để xoa dịu dư luận còn có thể gây “phản tác dụng” nghiêm trọng. 

Công chúng dần lãnh cảm với các công thức truyền thông mang tính “bài vở”

Điển hình như trường hợp Scandal Hoa hậu Ý Nhi, Ekip của Ý Nhi có vẻ như đã xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của sự việc và xử lý khủng hoảng khá hời hợt. Ngay sau scandal nổ ra, ekip truyền thông đã tung ra hình ảnh nàng hậu từ thiện tại bệnh viện thẩm mỹ hay khóc lóc xin lỗi. Tuy nhiên, những thông tin này đã nhanh chóng phản tác dụng, khiến công chúng chỉ trích nàng hậu đang “giả tạo”, “dắt mũi dư luận”,...  

Nhìn nhận lại về các cuộc thi hoa hậu: Truyền thông thương mại đang dần lấn át giá trị nhân văn?

Các cuộc thi sắc đẹp vốn được tổ chức với sứ mệnh cao cả là tôn vinh và lan tỏa những giá trị, nét đẹp của con người Việt Nam. Tuy nhiên trong những năm qua, nhiều cuộc thi sắc đẹp mới liên tục ra đời không rõ mục đích, khiến công chúng “bội thực” bởi hàng loạt hoa hậu, á hậu mới mỗi năm. Chỉ riêng trong năm 2022, tại Việt Nam đã có tới 22 cuộc thi sắc đẹp, tương ứng với hàng chục ngôi vị hoa, á hậu sinh ra. 

Nhìn nhận lại về các cuộc thi hoa hậu: Truyền thông thương mại đang dần lấn át giá trị nhân văn?

Đặc biệt, các cuộc thi hoa hậu dường như đang bị biến tướng thành những điểm truyền thông mang tính chất thương mại, PR lố lăng nhằm thu lợi của các đơn vị tổ chức. Những giá trị cộng đồng, sứ mệnh lan tỏa cái đẹp vốn có của một cuộc thi hoa hậu lại trở nên mờ nhạt, bị thay thế bằng hình ảnh của các quảng cáo, nhà tài trợ,... Thêm vào đó là hàng loạt scandal của các nàng hoa và á hậu làm cho công chúng không khỏi nghi ngờ vào chất lượng của các cuộc thi hoa hậu hiện nay. Vì lý do này, hình ảnh của các cuộc thi và những nàng hậu trở nên xấu đi rất nhiều trong mắt công chúng. 

>>> Xem thêm: Xử lý khủng hoảng “mượt” như Cocoon Việt Nam, chiếm trọn niềm tin của khách hàng

Lời kết

Scandal Hoa hậu Ý Nhi không chỉ là lời cảnh tỉnh cho người nổi tiếng mà còn là một bài học đắt giá cho các thương hiệu trong quá trình ứng xử và giao tiếp với công chúng. Không còn dễ dãi tha thứ và rất thận trọng với truyền thông, công chúng Việt nam hiện nay đang ngày càng thông minh hơn, khắt khe hơn khi tiếp cận các luồng thông tin và luôn sẵn sàng đưa ra những “hình phạt” rất nghiêm khắc. Những công thức truyền thông bài vở, chiêu trò dắt mũi dư luận đã không còn sức mạnh chi phối công chúng như trước đây, mà thay vào đó thương hiệu hay người nổi tiếng cần thực sự chân thành, nghiêm túc và chỉn chu trong mọi hành động, phát ngôn. 

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.