Đây không phải là lần đầu tiên một sản phẩm âm nhạc mang hình tượng văn học được khán giả đón nhận nhiệt tình. Trước đó, Hoàng Thùy Linh từng "gây sốt" với “Để Mị nói cho mà nghe”, “Bánh trôi nước”, “Kẻ cắp gặp bà già”, gần đây nhất là “Bo xì bo”; ca sĩ Đức Phúc cũng mang hình ảnh Chí Phèo, Thị Nở vào MV “Hết thương cạn nhớ”; ca sĩ Bùi Công Nam cũng từng "làm mưa làm gió" với ca khúc mang tên Chí Phèo…
Vậy so với các tác phẩm âm nhạc ngày xưa, hướng đi kết hợp với văn học, văn hóa và truyền thống có nên là xu thế mà các nghệ sĩ trẻ nên theo đuổi? Đứng dưới góc nhìn truyền thông, các chuyên gia nói gì? Bí quyết nào làm nên thành công của những tác phẩm để đời đó?
Đánh dấu sự trở lại đường đua Vpop sau 3 năm kể từ bản "hit" “Không thể cùng nhau suốt kiếp”, mới đây, Hòa Minzy đã ra mắt thị trường với MV “Thị Mầu”. Được biết, ca khúc này do nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Phong sáng tác và "nhào nặn" bởi nhà sản xuất âm nhạc Masew. Bài hát mang âm hưởng chèo kết hợp với nhạc điện tử, giai điệu và ca từ đều dí dỏm, vui tươi, bắt tai. Phần lời của MV cũng được xây dựng dựa trên ngôn ngữ chèo, như lời tự sự của chính nhân vật Thị Mầu: “Tự xưng em là Thị Mầu. Í là con gái phú ông. Tuổi em chứ còn bé lắm. Cũng chưa đến trăng rằm.”
Thị Mầu là nhân vật trong truyện thơ Nôm nổi tiếng vở "Quan Âm Thị Kính". Theo nguyên tác, Mầu là con gái Phú Ông trong làng, có tính cách lẳng lơ, táo bạo. Một ngày, Thị Mầu đem lòng yêu Kính Tâm - pháp danh của Thị Kính khi nương nhờ của Phật nhưng bị ngó lơ. Vì quá say mê Kính Tâm, Thị Mầu tư thông với một đầy tớ trong nhà, dẫn đến có thai. Tiếp đó, Thị Mầu vu oan Kính Tâm là cha đứa bé.
Thế nhưng, đó là Thị Mầu trong các vở kịch, chèo, còn với nhân vật Thị Mầu trong MV cùng tên của Hòa Minzy lại được miêu tả là một người con gái nhí nhảnh, duyên dáng, hết mình theo đuổi tình yêu, hạnh phúc và vượt qua những khuôn khổ, quy chuẩn sáo rỗng mà người đời đặt ra. Mặt khác, MV Thị Mầu cũng đã khắc họa câu chuyện về một nghệ sĩ trẻ đang nỗ lực học hỏi và thấu hiểu tinh hoa nghệ thuật truyền thống mà ông cha đã để lại.
Nữ ca sĩ cho biết: “Mình mong muốn thông qua tạo hình, trang phục, lời ca, MV mới của mình sẽ tạo được hứng thú cho khán giả tìm hiểu về chuyện Thị Mầu, Thị Kính và nghệ thuật chèo Việt Nam, nhất là các khán giả trẻ.”
“Mong các bạn trẻ sẽ biết đến bộ môn chèo nhiều hơn, vì nền âm nhạc Việt Nam có chèo rất hay nhưng lại đang bị mai một dần.”
Dù bối cảnh quay là giữa phố phường Hà Nội nhưng nhờ kỹ thuật đánh sáng, quay mapping chỉ có ở các lễ hội lớn mà MV "Thị Mầu" trở nên huyền ảo và lạ mắt hơn hẳn các MV của ca sĩ Việt trong thời gian gần đây. Ngoài ra, loạt trang phục mà Hòa Minzy diện trong MV là các mẫu áo tứ thân truyền thống hoặc cách điệu, đậm đà phong thái phụ nữ Bắc bộ. “Thị Mầu” là sự pha trộn giữa chất liệu âm nhạc dân gian và hiện đại, vừa mang nét đặc trưng của chèo, vừa mang âm hưởng của hiện đại.
Trong thời điểm thị trường đang có nhiều sản phẩm mang màu sắc văn hóa Việt Nam, khai thác các hình tượng, câu chuyện, chất liệu trong văn học và đương nhiên, Hòa Minzy không phải là người đầu tiên khai thác theo hướng đi này.
Và do đó, ngay sau khi MV “Thị Mầu” ra mắt, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng MV lần này của giọng ca "Không thể cùng nhau suốt kiếp" tương đồng với những tác phẩm của Hoàng Thùy Linh, Hoàn
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long
Bàn về vấn đề này, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cũng có bài phân tích rõ ràng trên cá nhân, anh cho biết:
Thế hệ 8X sẽ nhớ Tùng Dương với “Con cò” của Lưu Hà An; Ngọc Khuê với “Bà tôi” của Nguyễn Vĩnh Tiến; “Chuồn chuồn ớt” của Lê Minh Sơn; “Chênh vênh” của Lê Cát Trọng Lý và gần đây nhất là màn hóa thân đẳng cấp của Hoài Lâm làm sống lại bộ môn hát xẩm.
Vậy tại sao bây giờ cứ nhắc đến dân gian đương đại là chúng ta lại chỉ nghĩ tới Hoàng Thùy Linh? Theo chuyên gia truyền thông này, bởi vì thể loại âm nhạc này có hai yếu tố là dân gian và đương đại. Tùng Dương, Ngọc khuê chắc chắn không thua kém gì Hoàng Thùy Linh ở vế dân gian, nhưng cái đương đại của họ là 8X. Cũng như Lê Cát Trọng Lý đã bắt kịp hơi thở thời đại của những em 9X. Còn Hoàng Thùy Linh thành công khi hoà nhịp được với cái đương đại của thế hệ 2K, genZ, của những người mê đắm dòng nhạc điện tử, thích nhảy nhót, chăm chút phần nhìn, lướt tiktok, ưa sống ảo, nhưng cũng rất sành điệu, đầy hiểu biết và có khát vọng toàn cầu.
Về giá trị, cả 2 đều hướng tới việc làm mới văn hoá dân gian. Về tài năng, anh cho rằng điểm số của Hoà phải gấp đôi Linh ở mảng nhạc dân gian.
Câu chuyện ở đây là Hoàng Thuỳ Linh có lợi thế của người đi trước. Quy luật The First trong marketing chỉ ra rằng nếu muốn lật đổ ngôi vị của Linh, thì nỗ lực của Hoà bỏ ra phải gấp 10 lần như vậy. Và nếu chỉ dựa vào tài năng thì chắc chắn là không đủ.
Nhưng vẫn có một hướng đi rất sáng cho Hoà. Đấy là định hình ở thể loại dân gian đương đại nhưng nhấn mạnh vào chữ dân gian. Vốn là lãnh địa mà Hoàng Thuỳ Linh sẽ không dám và cũng không thể chạm vào (chuyển lĩnh vực, khai thác lợi thế tài năng). Khi ấy, chúng ta sẽ có một sân chơi có cả hai làm chủ. Đó là Hoà Minzy với dòng nhạc đậm chất dân gian có sắc màu đương đại, và Hoàng Thuỳ Linh với dòng nhạc vô cùng đương đại nhưng khai thác được các yếu tố dân gian.
Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Phong
"Cha đẻ" của Thị Mầu, Nguyễn Hoàng Phong cho biết: Việc thực hiện những sản phẩm âm nhạc có yếu tố văn học, hoài cổ, dân gian không phải là điều đơn giản. Nam nhạc sĩ khẳng định các sản phẩm này cần mức đầu tư lớn hơn rất nhiều lần so với các sản phẩm khác, vì thế đòi hỏi các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ phải có tâm huyết, có tố chất và cũng phải cống hiến về công sức, tiền bạc. Dù vậy, không phải ai làm cũng chắc chắn thành công.
Nam nhạc sĩ chia sẻ thêm: “Về phần âm nhạc, các ca khúc ít nhất phải có một chủ đề rõ ràng. Nội dung và ca từ cũng phải dễ hiểu, pha trộn, xen kẽ được yếu tố dân gian để có sự liên kết. Giai điệu bài hát và bản hòa âm phối khí cũng cần làm nổi bật được chủ đề. Tất cả phải được nghiên cứu rất kỹ”.
Nhóm sản xuất âm nhạc DTAP
Nhóm sản xuất âm nhạc DTAP cũng đồng tình với quan điểm làm nhạc mang yếu tố văn học không phải dễ. DTAP cho biết khi làm thể loại âm nhạc này thì phải sử dụng đúng chất liệu, đặc trưng văn hóa vùng miền để đưa vào bài hát và truyền tải chúng một cách chính xác.
Thời gian qua, DTAP để lại nhiều dấu ấn trong trào lưu đưa chất liệu dân gian, nhân vật văn học vào âm nhạc, với nhiều bản hit gây sốt như: "Để Mị nói cho mà nghe", "Kẻ cắp gặp bà già", "Em đây chẳng phải Thúy Kiều"...
Lý giải về lý do ưa chuộng hình thức này, DTAP nói: “Chúng tôi vô cùng tự hào về văn hóa của Việt Nam, về 54 dân tộc anh em mà mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng. Chính vì thế, chúng tôi muốn tìm hiểu, khai thác và truyền tải những nét đẹp đó đến với đông đảo khán giả, đặc biệt là thế hệ gen Z để mọi người có cái nhìn gần gũi và thêm yêu văn hóa đất nước mình.”
Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa
Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa cũng nhận định văn hóa Việt Nam rất đẹp và phong phú, nếu không khai thác sẽ rất uổng phí: “Âm nhạc cũng giống như thời trang, có xu hướng và xoay vòng. Khi cuộc sống ngày càng hiện đại thì những yếu tố cổ truyền lại càng được mọi người quan tâm nhiều hơn. Con người vốn duy mỹ, cái gì hay, cái gì đẹp thì họ sẽ xem thôi”
Sự thành công của nhiều MV nói trên cho thấy công chúng đang đón nhận những tác phẩm âm nhạc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học một cách nhiệt tình, cởi mở. Dù vậy, nhiều nhạc sĩ cũng khẳng định sự cạnh tranh giữa MV mang nội dung hiện đại, tươi mới với MV mang chất liệu văn học, hoài cổ là không chênh lệch, bởi mỗi thể loại âm nhạc đều có sức hút và nét thú vị riêng.
Từ phía các bạn trẻ
MV “Thị Mầu” của Hòa Minzy ngay từ khi ra mắt đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán thính giả. Một tài khoản YouTube bình luận:
“Càng ngày càng có nhiều sản phẩm nghệ thuật mang giá trị truyền thống đến gần với khán giả đại chúng, rất hoan nghênh tinh thần này của các nghệ sĩ Việt. Chúc MV của Hòa sẽ đạt được nhiều thành công.”
“Ủng hộ Hòa quảng bá văn hoá, dòng nhạc truyền thống chèo, quan họ Việt Nam vươn tầm quốc tế. Mong Hòa và ê kíp khai thác sâu hơn nét vui, buồn trong những làn điệu, cách hát chèo, quan họ ở các tác phẩm tiếp theo.”
Và khi Hoà Minzy và Hoàng Thuỳ Linh được đưa lên bàn cân để so sánh, nhiều bạn trẻ cũng bày tỏ quan điểm của mình:
“Còn Hà Trần với Dệt tầm gai cũng là 1 trong những tác phẩm kết hợp đương đại và dân gian rất xuất sắc nữa nè. Thật ra dân gian đương đại vẫn còn rất nhiều cách khai thác khác nhau mà Hoà, Linh hay nhiều nghệ sĩ nữa nếu muốn dấn thân không cần phải sợ bị so sánh. Miễn là thực sự nghiên cứu nghiêm túc và kiên định với dòng nhạc này. Đó cũng là điều Linh làm được, bền bỉ, concept chắc chắn và thống nhất. Nên giờ nhắc đến nhạc đương đại có yếu tố dân gian là nhắc đến Hoàng Thuỳ Linh là vậy. Nếu Hoà cũng tập trung cho dân gian đương đại như Linh, sẽ có nhiều thứ để kỳ vọng. Nhưng sợ là Hoà cũng dạo chơi thôi.”
“Cá nhân mình lại thấy nhạc của Hoàng Thuỳ Linh nhanh, nhịp điệu rõ ràng đồng thời MV bắt mắt, lại kết hợp vũ điệu đẹp, dễ làm theo. Từ đó, các sản phẩm lan nhanh và rộng. Hoà thì chắc chắn giọng tốt hơn, cộng thêm máu một cô gái Kinh Bắc nên vào vai trong mảng nhạc dân gian nhẹ nhàng và có “chất” dân gian hơn.”
“Những ca khúc mang hơi hướng truyền thống rất dễ nghe. Nhiều khi chúng khiến tôi nhớ lại những bài học lịch sử, văn học thời học sinh…”
Có thể thấy, những năm gần đây, việc đưa cảm hứng văn học vào MV đang dần trở thành xu hướng được nhiều nghệ sĩ trẻ lựa chọn. Chất liệu văn học, dân gian trong các sản phẩm âm nhạc được xem như yếu tố tạo sức hấp dẫn, đồng thời khắc sâu vào tiềm thức của khán giả. Qua các MV được đầu tư kỹ lưỡng, những nhân vật quen thuộc trong sách vở như được "sống lại" bởi những ca từ, giai điệu mới mẻ. Vậy đâu là công thức thành công cho những tác phẩm “để đời” này:
Khai thác từ các tác phẩm văn học
Khai thác từ các tác phẩm văn học làm chất liệu để sáng tác nên những ca khúc là cách làm chiếm ưu thế về số lượng trong giai đoạn hiện nay. Đa dạng trong cách khai thác, cụ thể:
- Khai thác tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam làm chất liệu sáng tác âm nhạc như Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã khơi nguồn cảm hứng tạo hành ca khúc "Em đây chẳng phải Thúy Kiều".
- Khai thác truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài vào ca khúc "Để Mị nói cho mà nghe"; khai thác truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao vào ca khúc cùng tên "Chí Phèo" (Bùi Công Nam), "Hết thương cạn nhớ" (Đức Phúc)...
- Một số ca khúc khai thác từ truyện cổ tích trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam như ca khúc "Kẽo cà kẽo cọt" (Hoàng Thùy Linh), "Bống bống bang bang" (Nhóm 365), "Anh ơi ở lại" (Chi Pu) khai thác chất liệu từ truyện cổ tích Tấm Cám...
- Khai thác thơ ca mang đậm tính dân gian của bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương trong "Bánh trôi nước" (Hoàng Thùy Linh), khai thác từ kho tàng ca dao tục ngữ như "Kẻ cắp gặp bà già", "Lắm mối tối nằm không" (Hoàng Thùy Linh)...
Khai thác từ đề tài lịch sử
Việc khai thác này bao gồm cả ở khía cạnh nội dung ca từ cũng như hình ảnh. Điển hình là dự án Nam Phương Hoàng Hậu mà ca sĩ Thu Phương đã thực hiện, dự án này đã tái hiện lại cuộc đời của hoàng hậu Nam Phương kể từ khi bà trở thành vợ của vua Bảo Đại cho tới những hình ảnh ghi dấu chân của bà ở nước Pháp.
Cũng từ nguồn cảm hứng trong câu chuyện lịch sử về Nam Phương Hoàng hậu, Hòa Minzy gợi lại một lát cắt về bà hoàng hậu Triều Nguyễn trong MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp”. Đây là câu chuyện tình của vua Bảo Đại với Nam Phương Hoàng hậu. Trong MV, hình ảnh Triều Nguyễn được tái hiện theo một cách rất nghệ, thậm chí, ngay phía đầu MV ekip đã giới thiệu một đoạn ca Huế theo đúng lối cổ. Điều này đã tạo ra nét mới lạ cho sản phẩm âm nhạc.
Khai thác từ yếu tố văn hóa dân gian
Đây là sẽ là cách làm được khai thác nhiều bởi lẽ chủ ý của các ekip là lấy chất liệu truyền thống dân tộc. Cũng chính vì thế, trong hầu hết các sản phẩm âm nhạc kể trên đều ít nhiều có dấu ấn của yếu tố văn hóa dân gian. Điều này thể hiện ở nhiều khía cạnh như nội dung ca từ, tạo hình trang phục, bối cảnh thực hiện...
Toàn bộ các ca khúc mới nằm trong album “Mời anh về Tây Bắc” của Sèng Hoàng Mỹ Lam ngập tràn sắc màu văn hóa dân gian vùng cao từ trong ca từ đến âm điệu. Trong khi đó, văn hóa sông nước Nam bộ cũng được tái hiện một cách sinh động trong MV “Cung đàn vỡ đôi” của Chi Pu...
Khai thác từ tín ngưỡng dân gian
Việc khai thác ở đây tuy không nhiều nhưng cũng khá phong phú. Chẳng hạn như trong “Cô đôi Thượng Ngàn” của Tân Nhàn và “Tứ phủ” của Hoàng Thùy Linh. Cả hai sản phẩm đều được khai thác tín ngưỡng thờ tam tứ phủ của dân tộc, còn được gọi là Đạo Mẫu.
Theo đó, “Cô đôi Thượng Ngàn” là một tác phẩm được ra đời gắn với nghi thức diễn xướng dân gian hầu đồng trong thực hành tín ngưỡng của dân tộc. Toàn bộ tác phẩm này được khai thác y nguyên và làm mới bằng cách hòa âm và thể hiện bởi dàn nhạc giao hưởng, ban nhạc điện tử bên cạnh dàn nhạc với các nhạc cụ dân tộc. Còn với “Tứ phủ” - đây là một ca khúc xây dựng hình ảnh mang màu sắc văn hóa tín ngưỡng khi khai thác chất liệu là hát văn.
Khai thác từ yếu tố truyền thống, dân gian
Chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong các MV ca nhạc, cách khai thác này thường chỉ xuất hiện đôi ý, hoặc một câu hát, một tên bài dân ca đã quen thuộc của dân tộc. Chẳng hạn như ca khúc “Người ơi người ở đừng về” của Đức Phúc, yếu tố dân gian chỉ hiện hữu ở đúng việc khai thác tên đồng thời cũng là ca từ của bài dân ca Quan họ rất nổi tiếng.
Khai thác từ các tác phẩm âm nhạc truyền thống dân tộc
Sự khai thác này được thể hiện dưới hình thức mới, với điểm nổi bật là phần hòa âm hiện đại. Chẳng hạn như các làn điệu dân ca Còn duyên (Quan họ), “Giận mà thương” của Ví Giặm Nghệ Tĩnh, “Gió đánh đò đưa” từ dân ca đồng bằng Bắc bộ, “Mười thương ca Huế” nằm trong album Duyên của Hồng Duyên được thể hiện với những bản hòa âm mang phong cách hiện đại kết hợp với nhạc acoustic, jazz, semi classic...
Hay chất jazz kết hợp với semi classic được tăng cường cho phần hòa âm trong khi giai điệu chính và lời ca vẫn là của những bài dân ca như Cô đôi Thượng Ngàn (Hát Văn), Tương phùng tương ngộ (Quan họ), Mục hạ vô nhân (Hát Xẩm) của ca sĩ Tân Nhàn, hay trong sản phẩm “Xẩm Hà Nội” của Hà Myo khai thác điệu Xẩm chợ cùng lời thơ dân gian kết hợp với rap và EDM...
Khai thác từ yếu tố âm nhạc dân gian
Định hình rõ nét nhất là màu sắc âm nhạc dân gian đồng bằng Bắc bộ với chất liệu Quan họ, Chèo, Hát Văn… hay âm nhạc dân gian Trung bộ với chất liệu Ví Giặm Nghệ Tĩnh, Ca Huế hoặc Nam bộ với Đờn ca Tài tử, Vọng cổ được khai thác khá hiệu quả. Trong khi đó, chất liệu âm nhạc dân gian của người dân tộc thiểu số cũng được khai thác tương đối đậm nét trong nhiều dự án lớn cũng như trong những ca khúc cụ thể, đậm nét nhất là chất liệu âm nhạc dân gian vùng núi phía Bắc. Trong đó, đa số là chất liệu âm nhạc của tộc người H’mông.
Những thành công của nghệ sĩ trẻ thời gian qua cho thấy, chất liệu lịch sử, văn học chính là kho “trầm tích” vô cùng quý giá. Nó vừa tạo nên bản sắc của nhạc Việt, vừa dễ được công chúng, nhất là các bạn trẻ đón nhận.
Tạm kết
Song song cùng chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam, âm nhạc mới được khai thác trong các tác phẩm ngày càng đa dạng và đã trở thành một bức tranh đa màu sắc từ pop ballad cho đến semi classic, acoustic, jazz rồi thậm chí cả rap, folktronica, EDM... Trong đó, các ca khúc được chú ý nhất thường thiên về tác phẩm có tiết tấu chuyển động nhanh.
Nhìn nhận một cách khách quan thì việc các sản phẩm âm nhạc khai thác chất liệu dân gian, truyền thống, lịch sử dân tộc hiện nay là một tín hiệu đáng mừng cho lĩnh vực âm nhạc Việt Nam, góp phần ghi dấu ấn và tôn vinh giá trị Việt.
Bên cạnh đó, việc khai thác những yếu tố này một mặt chính là cách thể hiện tình yêu đối với dân tộc, với quê hương đất nước của người nghệ sĩ, góp phần truyền bá giá trị truyền thống đến với giới trẻ, một mặt khác sẽ dễ tạo được cảm xúc cho khán giả.
Tổng hợp