Từ câu chuyện "Hiền sân bay" dọa nạt: Bóc phốt bằng chạy quảng cáo Facebook đang là trào lưu ư?

29 Thg 08

Những ngày gần đây, hẳn là cư dân mạng đã quá quen với hình ảnh của "Hiền sân bay" - nữ công an lăng mạ và có những hành động khiếm nhã đối với nhân viên hàng không. Nếu để ý kỹ hơn, thì trong hàng loạt những lời chửi rủa của chị Hiền, chúng ta có thể nghe thấy câu "Một ngày tao phải chạy 5 triệu tiền Facebook cho con này ế chồng!". Thoạt đầu thì có vẻ vô lý nhưng lại khá thuyết phục. Đáng buồn thay, hiện nay quá nhiều người giống như chị "Hiền sân bay" đã áp dụng cách này nhằm "hạ bệ" người khác trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Cùng MarketingAI đi tìm lời giải cho câu hỏi: Liệu thực sự bóc phốt bằng chạy quảng cáo Facebook đang rất thịnh hành?

Từ câu chuyện "Hiền sân bay": Bóc phốt bằng chạy quảng cáo đang rất "thịnh hành"?

Sự việc bắt nguồn từ nguyên nhân quá cân hành lý, dẫn đến mâu thuẫn giữa chị Hiền và nhân viên tại sân bay. Sau đó, mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm và chị Hiền đã có những lời nói "quá đà". Cụ thể, chị đã chỉ thẳng tay vào mặt nữ nhân viên và đe dọa: "Thái độ của tao thế đấy, tao năn nỉ mày, mày không cho nên bố mày phải nói như thế đấy. Cái loại mày ra ngoài đường người ta vả vào mặt mày. Một ngày tao phải chạy 5 triệu tiền Facebook cho con này ế chồng!". Khi nghe đến đây, có lẽ nhiều người sẽ "đớ" người ra. Bởi làm sao mà chi tiền cho Facebook lại có "sức mạnh" khủng đến như thế? Nhưng nếu ngẫm lại, đặc biệt là với các Marketers, thì câu chuyện này không còn xa lạ gì nữa.

hien-san-bay-01
"Một ngày tao phải chạy 5 triệu tiền Facebook cho con này ế chồng!" - phát ngôn gây sốc của "Hiền sân bay". (Nguồn: Nguoiduatin)

Facebook hoạt động như một nền tảng mạng xã hội miễn phí với mọi người dùng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chi trả tiền nếu như muốn chạy quảng cáo nội dung của mình. Lợi nhuận của Facebook chủ yếu đến từ chính hình thức hợp tác quảng cáo hoặc Marketing trung gian này, được đăng ký từ chủ tài khoản hoặc đối tác có nhu cầu giới thiệu sản phẩm.

Và như vậy, chúng ta có thể hiểu đơn giản là, miễn các bên đáp ứng đủ những điều kiện cơ bản, như sở hữu Fanpage Facebook, có thẻ tín dụng để trả phí gia hạn, cũng như không đăng hình ảnh khiêu dâm phản cảm... thì Facebook dễ dàng đồng ý hợp tác để chạy quảng cáo.

hien-san-bay-02
Chạy quảng cáo tốn không nhiều chi phí mà độ lan tỏa rất lớn. (Nguồn: Kênh 14)

Nhấn mạnh thêm, trong khi chi phí chạy quảng cáo của Facebook không cao, mà độ phủ sóng lan tỏa rộng rãi, thì các nhãn hàng doanh nghiệp nói chung đều muốn dùng công cụ này để tiếp thị sản phẩm của mình. Nhưng khi mà trên trang mạng xã hội này có quá nhiều quảng cáo, khi mà cứ trong 5 bài liên tiếp sẽ có 1 bài chạy quảng cáo, thì người dùng sẽ chú ý vào điều gì? Tất nhiên là những thông tin giật gân, bóc phốt và khiến họ cảm thấy được "hít drama". Nếu như một ai đó muốn nói xấu công khai một cá nhân/tổ chức khác, họ sẽ có xu hướng chạy quảng cáo để nội dung ấy được nhiều người biết tới hơn. Một đặc điểm rất hay của công cụ chạy quảng cáo đó là chúng ta có thể chọn những thông tin để những người "liên quan" thấy được quảng cáo này. Dường như đối tượng "bị bóc phốt" sẽ cảm thấy đau khổ, dằn vặt hơn.

hien-san-bay-03
Những nội dung bóc phốt như "Hiền sân bay" đe dọa đang nhan nhản trên mạng xã hội. (Nguồn: ZingNews)

Thử làm một phép tính nhỏ, với 5 triệu của chị "Hiền sân bay" thì chạy quảng cáo bóc phốt sẽ tiếp cận đến bao nhiêu người? Trong khi chỉ cần 50.000 - 100.000đ thì đã có thể tiếp cận được tới 2000 người rồi!

Nếu bị "bóc phốt" bằng chạy quảng cáo Facebook, liệu chúng ta chỉ biết "hứng đạn"?

Thật đáng buồn khi câu trả lời là đúng. Facebook đang dần nâng cấp các thuật toán, các con chip cũng trở nên thông minh hơn nhưng dường như nó vẫn không thể phân biệt được đâu là nội dung đúng đắn và đâu là nội dung sai lệch. Và như thế có nghĩa là chẳng thể có bằng chứng nào để chứng minh cho Facebook bài đăng "bóc phốt" ấy là sai sự thật cả. Khi chúng ta bị một ai đó "chơi xấu" trên mạng xã hội, chúng ta có thể thực hiện Report (báo cáo) tuy nhiên điều này mang tính chất hên xui. Bởi số lượng report phải đạt đến con số cao mới có thể gây tác động được. Mà bạn hãy nhìn lại xem, liệu có mấy ai đứng về phía bạn sau "vụ phốt" tai hại vừa rồi? Một cách giải quyết khác nữa là giải quyết với phía bên bóc phốt một cách thẳng thắn và sòng phẳng, đồng thời chính mình lên tiếng để thông báo về sự thật. Tuy nhiên cách này khá tốn thời gian và thậm chí nếu không xử lý khủng hoảng truyền thông đúng cách thì còn đẩy chúng ta sâu hơn vào "vũng bùn phốt". Quả thực câu chuyện này đặt ra một bài toán nan giải đối với Facebook và cả những người đang trong "tầm ngắm" bị đe dọa, bóc phốt.

hien-san-bay-04
Hãy suy nghĩ kỹ trước khi "bóc phốt" một ai đó trên Facebook bằng chạy quảng cáo. (Nguồn: The Economist)
>> Xem thêm: Nắm vững quy tắc ứng phó với khủng hoảng truyền thông

Kết

Có lẽ trong tương lai, Facebook nên thay đổi một số chính sách trong chạy quảng cáo để tình trạng như chị "Hiền sân bay" và nhiều đơn vị khác không còn tiếp diễn như vậy nữa. Chỉ một bài đăng "lăng mạ, hạ bệ" có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của người khác, thậm chí ảnh hưởng đến cả cuộc đời họ về sau. Với những ai đang có ý định như vậy, làm ơn hãy suy nghĩ để tránh gây ra hậu quả đáng tiếc và không để mình bị dính vào vòng lao lý.

Quang Minh - MarketingAI

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.