cover

Trước khi bước vào Pride Month: Nhìn lại những sự kiện truyền thông “đáng quên” với Cộng đồng LGBT

27 Thg 05

Trong quá trình nỗ lực thể hiện sự ủng hộ và gắn kết với cộng đồng LGBT, nhiều thương hiệu lớn đã triển khai các chiến dịch quảng cáo và tiếp thị đa dạng. Tuy nhiên, không phải lúc nào những chiến dịch này cũng đạt được hiệu quả như mong đợi. Thậm chí, một số chiến dịch còn gặp phải phản ứng tiêu cực, trở thành "thảm họa" trong mắt công chúng do thiếu hiểu biết hoặc tôn trọng đúng mức đối với cộng đồng LGBT.

1. H&M với Bộ sưu tập cầu vồng 2018 gây tranh cãi

Đối với mùa Pride 2018, H&M đã khởi động chiến dịch Love For All. Bộ sưu tập phong cách mùa hè tràn đầy năng lượng mang hơi hướng cổ điển của thập niên 70, chứa đựng những thông điệp tích cực với điểm nhấn là màu cờ cầu vồng. Dòng sản phẩm mới theo chủ đề Pride gồm nhiều mặt hàng khác nhau như áo crop top, quần short, áo nỉ, quần jean cut-off, túi đeo hông,... Mỗi mặt hàng đều có nhiều màu pastel khác nhau, in thông điệp đồ họa như “Bình đẳng” hoặc “Niềm tự hào”.

Trước khi bước vào Pride Month: Nhìn lại những sự kiện truyền thông “đáng quên” với Cộng đồng LGBT- Ảnh 1.

Tuy nhiên, bộ sưu tập Pride của H&M gây tranh cãi khi xuất hiện một phần ở Bangladesh, một quốc gia bị đàn áp nặng nề về quyền của người đồng tính. Các mặt hàng này cũng được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, những quốc gia coi đồng tính là hợp pháp nhưng quyền lợi của người LGBT không được bảo vệ mạnh mẽ. Steve Taylor, giám đốc của EuroPride, sự kiện tôn vinh cộng đồng LGBT, cho biết: “Họ không nên sản xuất những sản phẩm này ở những quốc gia chưa đạt được bình đẳng giới. Những người mặc áo in chữ Pride có thể gặp nguy hiểm. Đó là một cú tát vào mặt những người đi làm hàng ngày.”

2. Snickers gỡ bỏ quảng cáo Mr.T - Speedwalker vì chứa nội dung xúc phạm người đồng tính

Snickers, thương hiệu bánh kẹo chuyên về các loại socola của Mỹ, đã phải gỡ bỏ quảng cáo vì chứa đoạn nội dung xúc phạm người đồng tính.

Đoạn phim mở đầu bằng cảnh cựu ngôi sao của The A Team, Mr.T đâm xuyên qua một tòa nhà ở phía sau chiếc xe tải san phẳng gắn súng máy bắn Snickers. Anh T kéo theo một người đàn ông mặc quần đùi bó sát màu vàng đang đi bộ và quát mắng: “Đi bộ có nhanh được không. Tôi thấy thật thương hại cho kẻ ngốc như anh. Anh là nỗi ô nhục của đàn ông. Đã đến lúc phải chạy như một người đàn ông thực thụ.” Sau đó, anh ta nổ súng, dùng thanh Snickers bắn vào người đàn ông và buộc anh ta phải bỏ chạy. Đoạn quảng cáo kết thúc với khẩu hiệu của chiến dịch “Get some nuts”.

Quảng cáo này được phát sóng lần đầu tiên ở Anh vào ngày 13 tháng 7 và chỉ có hai đơn khiếu nại được gửi tới Advertising Standard Authority (Tạm dịch là Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo). Tuy nhiên, tờ báo nổi tiếng của Anh, The Guardian, đưa tin quảng cáo này đã gây tranh luận ở nước ngoài. Người phát ngôn của Mars, tập đoàn đứng sau Snickers, cho biết: “Quảng cáo này là quảng cáo thứ hai trong loạt Quảng cáo Snickers ở Vương quốc Anh có sự góp mặt của Mr T Và đã được đón nhận tích cực. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng sự hài hước mang tính chủ quan cao và không bao giờ có ý định xúc phạm bất kì ai. Theo đó, chúng tôi đã gỡ bỏ quảng cáo Mr T Speedwalker trên toàn cầu."

3. Quảng cáo 7 Up - The Jail gây phản cảm khi tạo ra những trò đùa về người đồng tính nam

Quảng cáo của 7Up - The Jail được coi là một trong những case thảm họa khi truyền tải nội dung phản cảm về vấn nạn hiếp dâm trong tù và các hình mẫu đồng tính rập khuôn.

Đoạn quảng cáo dài 30 giây có sự xuất hiện của một diễn viên hài tên là Godfrey trong nhà tù, giới thiệu nước ngọt cho các tù nhân. Khi anh ta đi dọc theo hàng loạt các phòng giam và đưa nước ngọt cho các tù nhân, anh ta đánh rơi một lon 7Up và nói, "Tôi sẽ không nhặt nó lên đâu." Quảng cáo kết thúc với cảnh Godfrey ở trong một phòng giam, cánh tay của một tù nhân có hình xăm quàng qua vai anh ta. Anh ta nói "Khi bạn uống 7Up, tất cả mọi người đều là bạn," và anh ta nói thêm vào khi tù nhân siết chặt cánh tay, "Được rồi, bạn bè như vậy đủ rồi."

Stop Prison Rape, một nhóm bảo vệ quyền lợi tù nhân ở Hoa Kỳ, cho biết quảng cáo này xem nhẹ những "tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tâm lý" mà các nạn nhân của hành vi tấn công tình dục trong tù phải chịu đựng. Sau khi đăng tải được hai tháng, quảng cáo này đã được gỡ bỏ.

4. Youtube - Chiến dịch đổi màu logo “nửa mùa”

Youtube liên tục treo cờ cầu vồng trên logo của mình trong Pride Month nhưng lại thường xuyên tắt tính năng kiếm tiền từ nội dung LGBTQ+. Người dùng đã nhanh chóng chỉ ra hành vi đạo đức giả của thương hiệu khi không thực sự hành động ủng hộ và tôn vinh cộng đồng như khẩu hiệu của mình.

Trước khi bước vào Pride Month: Nhìn lại những sự kiện truyền thông “đáng quên” với Cộng đồng LGBT- Ảnh 2.

Năm 2019, Youtube cũng đã bị chỉ trích nặng nề sau khi cho phép một số video kỳ thị người đồng tính hiển thị trên nền tảng này, mặc dù đã bị tắt tính năng kiếm tiền. Sau đó, Youtube vẫn phải mất một thời gian để thực sự ngăn chặn những video này. Thuật toán của Youtube cũng bị cáo buộc là thiên vị và phân biệt đối xử, hạn chế các đề xuất và gây khó khăn cho những người sáng tạo nội dung LGBTQ+ kiếm lợi nhuận.

5. Bud Light gây xôn xao dư luận khi hợp tác với influencer chuyển giới Dylan Mulvaney

Tháng 4 năm 2023, Bud Light, một trong những hàng bia nổi tiếng của Mỹ, đã gây tranh cãi lớn khi hợp tác cùng influencer chuyển giới Dylan Mulvaney trong chiến dịch “March Madness” (vòng chung kết Giải bóng rổ đại học Mỹ). Cụ thể, cô đã đăng tải một đoạn video dài gần một phút trên tài khoản Instagram để giới thiệu những lon bia Bud Light có in hình của cô trên bao bì và quảng bá cho giải bóng rổ.

Bài đăng này đã làm dấy lên những bình luận tiêu cực và phản ứng dữ dội của khán giả, các chính trị gia và người nổi tiếng. Trên mạng xã hội, các nhà phê bình Bud Light kêu gọi tẩy chay thương hiệu này bên cạnh các danh mục sản phẩm của Anheuser-Busch, công ty mẹ của Bud Light, bao gồm Budweiser, Busch, Stella Artois, Michelob Ultra và Hoegaarden. Trong khi đó, những người khác chia sẻ video quay cảnh họ bắn lon bia và đốt hộp bia từ thương hiệu này.

Trước khi bước vào Pride Month: Nhìn lại những sự kiện truyền thông “đáng quên” với Cộng đồng LGBT- Ảnh 3.

Bud Light đã mất vị trí là thương hiệu bia bán chạy nhất và khiến các giám đốc tiếp thị phải nghỉ việc trước phản ứng dữ dội từ cộng đồng. Vào tháng 4, một trong những nhà máy của công ty này đã nhận được lời đe dọa đánh bom và họ phải tiến hành truy quét một nhà máy bia ở khu phố Van Nuys.

Phản ứng trước làn sóng chỉ trích từ dư luận, ông Michel Doukeris, giám đốc điều hành của Anheuser-Busch cho biết bài đăng này chứa thông tin sai lệch và không phải là một chiến dịch quảng cáo chính thức. Đây chỉ là một trong những phương án tương tác với các influencer để quảng bá sản phẩm. Đại diện công ty cũng cho biết thêm công ty không bao giờ có ý định gây chia rẽ cộng đồng người tiêu dùng.

6. Một số game show Việt lạm dụng yếu tố cộng đồng LGBT để níu chân khán giả

Trong những năm gần đây, các gameshow Việt khai thác đời sống của người thuộc cộng đồng LGBT như Nghe cầu vồng nói - LGBT Việt, Come out - Bước ra ánh sáng hay các chương trình hẹn hò như Người ấy là ai được phủ sóng dày đặc trên các phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, một số gameshow bị nhận xét là lợi dụng cộng đồng LGBT khi liên tục khai thác những vấn đề tiêu cực, truyền đạt những suy nghĩ lệch lạc về các vấn đề nhạy cảm.

Chương trình hẹn hò, ghép đôi nổi tiếng Người ấy là ai cũng không tránh khỏi những phát ngôn gây tranh cãi khi đề cập đến cộng đồng LGBT. Nhiều nhận định của dàn cố vấn khách mời như “ăn mặc chải chuốt, bóng bẩy thường là màu tím, đồng tính”, còn “không chăm chút nhiều về ngoại hình là trai thẳng” đã tạo ra định kiến, cái nhìn phiến diện chỉ nhìn vào ngoại hình để xác định giới tính. Đáp trả nhận định đó, người xem bình luận “Xu hướng tính dục của một người không thể hiện ra ngoài một cách đơn giản, nông cạn thế đâu.”

Trước khi bước vào Pride Month: Nhìn lại những sự kiện truyền thông “đáng quên” với Cộng đồng LGBT- Ảnh 4.

Một số gameshow còn tập trung khai thác chuyện nhạy cảm trong cộng đồng như chương trình Come out - Bước ra ánh sáng. Nội dung chương trình xoáy sâu vào nỗi niềm của những người trong cộng đồng LGBT, chia sẻ câu chuyện của chính mình khi họ nhận ra giới tính thật và thổ lộ với mọi người. Tuy nhiên, cư dân mạng cho rằng chương trình đang cố tình câu view, tập trung quá nhiều vào chuyện riêng tư hay chuyện giường chiếu một cách suồng sã, thiếu văn minh.

Thảo Vũ - Marketing AI

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.