Mới đây, Campaign Asia đã bắt tay cùng ông ty nghiên cứu Milieu Insight thực hiện một nghiên cứu về Top 50 thương hiệu hàng đầu Đông Nam Á, bao gồm sáu thị trường (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Việt Nam, Singapore). Nghiên cứu đã thống kê và đo lường kết quả dựa trên 9 thuộc tính liên quan tới thương hiệu, bao gồm:
- Nhận thức (Nhận diện thương hiệu)
- Tần suất mua hàng
- Chất lượng sản phẩm dịch vụ
- Trải nghiệm mua hàng
- Dịch vụ khách hàng
- Độ tin cậy
- Sự đổi mới
- Điểm tiếp xúc thương hiệu
- Sự ủng hộ (Mong muốn giới thiệu thương hiệu cho người khác)
Kết quả cho thấy, Shopee đang là cái tên dẫn đầu 50 Thương hiệu được người tiêu dùng yêu thích nhất tại Việt Nam với số điểm về tần suất mua hàng lên tới 91%. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong Top 50 danh sách lần này, chỉ có duy nhất hai thương hiệu nội địa lọt vào Top 10 đó là Vietnam Airline và Viettel. Các vị trí còn lại trong Top 10 đều đang thuộc về các doanh nghiệp từ nước ngoài.
Danh sách cũng cho thấy vị thế cách biệt của nhiều cặp đôi kỳ phùng địch thủ như: Samsung ở vị trí số 2 với 75,9% trong khi Apple ngậm ngùi đứng thứ 5 với 70,8%, KFC cũng thắng đậm ở vị trí số 4 với 75,15% cách xa đối thủ Lotteria với 64%. Cụ thể:
#1. Shopee
Nắm giữ gần 70% thị phần bán lẻ trực tuyến trên sàn TMĐT, Shopee đang vị thế hoàn toàn cách biệt so với những đối thủ cùng ngành như Lazada, Tiki, Sendo và TikTok. Trong nghiên cứu lần này của Campaign Asia, Shopee là thương hiệu có số điểm về tần suất mua hàng cao nhất trong danh sách. Đồng thời, Shopee cũng đạt top 5 về trải nghiệm mua hàng và là thương hiệu được người tiêu dùng Việt Nam giới thiệu nhiều nhất.
Tuy nhiên, Shopee lại đang kém cạnh hơn so với các thương hiệu lớn khác về điểm số chất lượng. Đây vừa là một tín hiệu cảnh báo đối với thương hiệu cần nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa cho thấy cơ hội để Shopee có thể tăng chỉ số này để cải thiện cảm tình của người tiêu dùng Việt Nam hơn nữa.
#2. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines
Vietnam Airlines dẫn đầu ở rất nhiều hạng mục quan trọng như: chất lượng sản phẩm (81%), dịch vụ khách hàng (93%), điểm tiếp xúc (76%) và độ tin cậy (83%). Tuy nhiên, thương hiệu này lại đang bị tụt lại ở về Tần suất mua hàng, một phần do người tiêu dùng chắc chắn sẽ ít di chuyển máy bay hơn so với việc mua sắm hàng tiêu dùng hàng ngày. Vì vậy, dù đứng ở vị trí số 2 nhưng nhìn chung Vietnam Airlines áp đảo về mọi mặt so với các thương hiệu khác trong danh sách.
#3. Samsung
Với tổng điểm 75,9, Samsung đang đứng ở vị trí số 3 trong Top 50 các thương hiệu tại Việt Nam. Đặc biệt, thương hiệu này đang giữ điểm số cao nhất về mặt nhận diện đối với người tiêu dùng Việt, đồng thời cũng được đánh giá khá cao về chất lượng sản phẩm và độ tin cậy. Tuy nhiên, điều khiến Samsung tụt lại ở vị trí thứ 3 là do người tiêu dùng Việt Nam không quá hào hứng khi giới thiệu thương hiệu này cho những người xung quanh. Ngoài ra, Samsung cũng đang là thương hiệu thiết bị di động & điện tử gia dụng Top 1 toàn khu vực Đông Nam Á
#4. KFC
KFC đang là thương hiệu dẫn đầu nhóm thức ăn nhanh tại Việt Nam hiện nay, với vị trí thứ 4 trong danh sách tổng, bỏ xa các đối thủ kỳ cựu như McDonald's và Burger King. Thương hiệu này đặc biệt ghi điểm với người tiêu dùng nhờ vào dịch vụ khách hàng nhanh chóng và trải nghiệm mua hàng tiện lợi. Ngoài ra, KFC cũng đứng thứ ba về chất lượng sản phẩm & độ tin cậy, đồng thời xếp thứ 2 trong số các thương hiệu được người Việt Nam giới thiệu nhiều nhất, chỉ sau Shopee.
#5. Apple
So với đối thủ kỳ cựu Samsung, Gã khổng lồ công nghệ Apple lại có vẻ yếu thế hơn tại thị trường Việt Nam khi chỉ đứng tại vị trí số 5. Tuy nhiên, theo nhận định của người tiêu dùng, thương hiệu lại được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm, chỉ xếp thứ 2 sau Vietnam Airlines. Apple cũng được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng hơn, đánh giá cao hơn về trải nghiệm mua hàng so với đối thủ Hàn Quốc Samsung.
Tuy nhiên, điểm yếu của Apple lại nằm ở cách tối ưu hóa trên các điểm tiếp xúc. Điều này cũng không khó lý giải, bởi so với Apple, Samsung thực hiện khá nhiều chiến dịch Marketing đa dạng, mở ra nhiều điểm chạm ấn tượng hơn với người tiêu dùng Việt Nam.
#6. Grab/Grabfood
Grab/Grabfood là cái tên duy nhất trong mảng giao đồ ăn & gọi xe công nghệ lọt vào Top 10 danh sách này. Grab được người tiêu dùng Việt đánh giá khá cao về trải nghiệm mua hàng và dịch vụ khách hàng. Tuy nhiên khi nói đến độ tin cậy và điểm tiếp xúc, thương hiệu này thậm chí không thể lọt vào Top 10.
#7. Honda
Là một trong những nhà sản xuất xe máy lớn nhất tại Việt Nam với thị phần áp đảo, Honda là cái tên duy nhất trong ngành hàng này lọt vào Top 10 thương hiệu tại Việt Nam, cách biệt khá xa so với Toyota ở vị trí số 20. Hãng xe Nhật Bản đứng đầu danh sách về trải nghiệm mua hàng (91%) và cũng nằm trong Top 2 về dịch vụ khách hàng. Đồng thời Honda cũng được đánh giá cao về độ tin cậy cũng như mức độ nhận diện thương hiệu.
Tuy nhiên, với đặc thù sản phẩm có giá trị cao và nhu cầu mua hàng không phát sinh thường xuyên, nên Honda có điểm số tần suất mua hàng thấp hơn đáng kể so các thương hiệu khác trong Top 10.
#8. Viettel
Thương hiệu nội địa thứ 2 sau Vietnam Airline xuất hiện trong danh sách này là Viettel - Ông trùm trong mảng Viễn thông tại Việt Nam. Đặc biệt, Viettel đã đạt số điểm cao nhất trong hạng mục dịch vụ khách hàng và thậm chí còn vượt qua Samsung về trải nghiệm mua hàng.
Trong hầu hết các hạng mục, Viettel đều nằm trong Top 10 và chỉ bị out top ở hạng mục về đổi mới.
#9. Nike
Nike là đại diện duy nhất trong lĩnh vực thời trang nằm trong Top 10 Thương hiệu Việt Nam. Với kinh nghiệm gần 30 năm, sở hữu tới 155 nhà máy tại thị trường Việt Nam, không khó để thấy được tầm ảnh hưởng của Nike tại thị trường này.
Nhà sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới được người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao về dịch vụ khách hàng và độ tin cậy. Tuy nhiên, tần suất mua hàng của Nike lại không nằm trong Top 10 thương hiệu.
#10. Lotteria
Cùng với KFC, Lotteria là thương hiệu đồ ăn nhanh thứ 2 lọt vào Top 10. Tương tự KFC, Lotteria được đánh giá khá cao về tần suất mua hàng, dịch vụ nhanh chóng, dễ dàng và trải nghiệm mua hàng tốt. Tuy nhiên, ở phần lớn các hạng mục còn lại, Lotteria đều bị KFC bỏ xa và thương hiệu cũng không nằm trong Top 10 về chất lượng sản phẩm.
Nhìn vào bảng xếp hạng này, có thể thấy các các thương hiệu nội địa Việt Nam vẫn bị lép vế hơn khá nhiều so với các doanh nghiệp quốc tế. Chỉ có một số ít thương hiệu lọt Top 50 như: Vietnam Airline, Viettel, Thế giới di động, GHTK, Viettel Post, Điện máy Xanh, FPT Shop, Việt Tiến, Vietcombank, Giao hàng nhanh, MB Bank, Bách hóa Xanh.
Xét theo nhóm ngành, có thể thấy các thương hiệu trong lĩnh vực bán lẻ online và cả truyền thống như: Shopee, Lazada, Thế giới di động, Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh,... đều đang khá được lòng người tiêu dùng Việt Nam. Các lĩnh vực khác như: Vận tải và giao hàng, Phương tiện vận tải, Thức ăn nhanh và Điện tử viễn thông phân bổ khá đều trong danh sách.
Bình luận của bạn