cover

TikTok Mở Shop: Cơ hội nào cho các nhà bán lẻ Đông Nam Á?

08 Thg 04

Quan hệ đối tác giữa TikTok và Shopify cho phép các thương hiệu tiếp thị trực tiếp trên TikTok thông qua bảng điều khiển Shopify của họ. Các nhà bán lẻ nên làm gì để tận dụng cơ hội vàng...

Quan hệ đối tác giữa TikTok và Shopify cho phép các thương hiệu tiếp thị trực tiếp trên TikTok thông qua bảng điều khiển Shopify của họ. Các nhà bán lẻ nên làm gì để tận dụng cơ hội vàng này? Cùng theo dõi trong bài viết dưới đây.

2020 là một năm đầy khó khăn đối với nhà bán lẻ truyền thống, nhưng cũng không thể phủ nhận những tác động tích cực mà đại dịch mang lại cho ngành. Khi các cửa hàng truyền thống buộc phải đóng cửa, sự gia tăng của các cửa hàng trực tuyến đã mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô. Trong khi các nhà bán lẻ đang phải chịu áp lực làm sao để bắt kịp được với những sự thay đổi này, các xu hướng gần đây trên thị trường đang định hình lại thị trường trực tuyến phức tạp và tạo ra hướng đi tốt nhất để họ tiến lên.

Gần đây, mối quan hệ đối tác toàn cầu của ứng dụng chia sẻ video TikTok với nền tảng Thương mại điện tử Shopify đã mở ra một cơ hội mới cho phép hơn một triệu người bán tạo và chạy các chiến dịch tiếp thị TikTok trực tiếp từ Shopify.

TikTok Mở Shop: Cơ hội nào cho các nhà bán lẻ Đông Nam Á?- Ảnh 1.

Mối quan hệ hợp tác giữa TikTok và Shopify mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà bán lẻ. Ảnh: partnershipsinsights

Động thái này là một dấu mốc quan trọng trong sự gia tăng của social commerce (thương mại qua các kênh mạng xã hội) khi doanh thu và số lượng đơn hàng đã vượt qua kỳ vọng chỉ trong nửa đầu năm 2020. Một nghiên cứu gần đây của iKala cho thấy, các đơn đặt hàng qua mạng xã hội đã tăng gấp đôitổng giá trị hàng hóa tăng gấp ba lần ở Đông Nam Á. Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là mọi người vừa tăng chi tiêu vừa tăng khối lượng mua sắm nhiều hơn.

Thu hút nhóm nhân khẩu học chưa được khai thác triệt để

Đông Nam Á là thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà bán lẻ đang tìm kiếm một “miền đất hứa” mới. Theo thông báo của TikTok, chỉ trong vòng 4 năm số lượng người dùng hoạt động của TikTok đã đạt 800 triệu người và trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất tại Đông Nam Á.

Người dùng cốt lõi của TikTok nằm trong độ tuổi từ 16 đến 24 (41%), một cơ sở người dùng lớn nhưng chưa được khai thác triệt để, vì vậy người bán trên Shopify nên tìm cách tiếp cận nhóm đối tượng này. Phần lớn người dùng TikTok ở Đông Nam Á là nữ giới - nhóm nhân khẩu học quan trọng đối với hoạt động bán hàng trên mạng xã hội. Theo nghiên cứu của iKala, phụ nữ trong độ tuổi từ 25-34 tuổi là những người mua sắm trên mạng xã hội nhiều nhất ở Thái Lan, Việt Nam và Philippines, còn tại Singapore những người có khả năng mua sắm trên mạng xã hội nhiều nhất thuộc độ tuổi từ 35-44.

TikTok Mở Shop: Cơ hội nào cho các nhà bán lẻ Đông Nam Á?- Ảnh 2.

Nữ giới là nhóm nhân khẩu học quan trọng của thương mại điện tử tại Đông Nam Á. Ảnh: BBC

Tuy nhiên, việc thu hút đối tượng nhân khẩu học này không hề đơn giản mà cần có một chiến lược mạnh mẽ, tư duy tiến bộ và thử nghiệm với một loạt các công nghệ xã hội đang phát triển.

Mặc dù Đông Nam Á có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao và tổng dân số khoảng 660 triệu người, trong đó hơn một nửa dưới 30 tuổi và 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu đang gia tăng, nhưng doanh số thương mại điện tử ở Đông Nam Á được báo cáo chỉ chiếm 3.2% tổng mức bán lẻ. Điều này phần lớn là do những thách thức trong phân khúc thị trường, logistic, kết nối và hệ thống tài chính quốc gia.

Thị trường Đông Nam Á bị phân mảnh vì các yếu tố về tài chính cũng như sở thích khác nhau của người tiêu dùng, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược phù hợp với từng thị trường địa phương.

Ví dụ, Indonesia có khoảng 6.000 hòn đảo có người sinh sống và 45% dân số sống ở các vùng nông thôn. Tỷ lệ sử dụng Internet ở Campuchia là 48,6% thấp hơn nhiều so với 84,5% ở Singapore. Dịch vụ thanh toán khi nhận hàng vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất vì nhiều cá nhân không có tài khoản ngân hàng hoặc không thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính phổ thông. Ngoài ra, thuế nhập khẩu cao cũng là yếu tố cản trở thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tuy nhiên, những con số này chỉ được coi là “muối bỏ bể” vì thị trường thương mại điện tử C2C thường khó kiểm soát và chủ yếu diễn ra trên các nền tảng truyền thông xã hội, chẳng hạn như Facebook và Instagram, doanh thu trên các nền tảng này ước tính có thể chiếm một nửa Tổng giá trị thị trường (GMV).

Mặc dù việc bắt đầu thương mại điện tử tại Đông Nam Á có thể mất nhiều thời gian hơn, nhưng khu vực này có đủ tiềm năng để trở nên phát triển hơn vì một số yếu tố sau thường bị đánh giá thấp:

  • Việc thiếu hoạt động bán lẻ trực tiếp ở các khu vực bên ngoài các thành phố lớn của Đông Nam Á cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử
  • Môi trường quảng cáo kỹ thuật số còn non trẻ ở Đông Nam Á làm cho các công ty không có lựa chọn nào khác ngoài việc tập trung vào thương mại điện tử
  • Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao sẽ thúc đẩy thói quen mua sắm trực tuyến nhiều hơn.

Story sẽ sớm trở thành định dạng quan trọng nhất

Lần đầu tiên xuất hiện trên Snapchat, Story đã trở thành định dạng truyền thông kể chuyện bằng hình ảnh sống động và phát triển nhanh gấp 15 lần so với việc chỉ chia sẻ trên nguồn cấp dữ liệu. Thêm vào đó, việc sử dụng nội dung trực quan đang bùng nổ, phù hợp với khả năng chú ý ngắn hạn và thói quen sử dụng điện thoại thông minh của GenZers.

Việc chuyển sang các phương tiện trực quan đã thay đổi cuộc chơi đối với các nhà bán lẻ, những người hiện phải mở rộng thông điệp của họ từ định dạng liên kết tiêu đề-nội dung đơn giản sang bao gồm backgrounds, overlays và tính thẩm mỹ để gây ấn tượng với người xem, ngay cả khi họ không nhấp qua.

TikTok là một ứng dụng dựa trên hình ảnh và chia sẻ dựa trên câu chuyện, TikTok đã củng cố xu hướng này bằng cách cung cấp các mẫu quảng cáo video cho người bán trên Shopify để biến sản phẩm của họ thành nội dung thương mại hấp dẫn mà không cần trải nghiệm trước.

Tự động hóa là chìa khóa cho sự thành công

Tự động hóa tiếp thị là hoạt động không thể thiếu trong thời đại công nghệ số như hiện nay. Và đối với các nhà bán lẻ đang băn khoăn về việc tự động hóa mang lại lợi ích cho họ như thế nào, hãy xem xét kỹ hơn về Shopify. Tự động hóa thương mại điện tử là thành phần cốt lõi giúp Shopify vươn lên để đạt giá trị ròng hơn 100 tỷ USD như hiện tại và giúp nền tảng này đơn giản hóa mọi thứ từ giám sát hàng tồn kho và thực hiện đơn đặt hàng cho đến tìm hiểu sở thích của khách hàng và ra mắt sản phẩm mới.

TikTok Mở Shop: Cơ hội nào cho các nhà bán lẻ Đông Nam Á?- Ảnh 3.

Sự thành công của Shopify phần lớn đến từ tự động hóa. Ảnh: Webico

Mức độ tự động hóa ngày nay cho phép các doanh nghiệp nhỏ với nguồn lực hạn chế có thể cạnh tranh với các công ty lớn hơn và giờ đây khi phương tiện truyền thông xã hội trở nên có ý nghĩa hơn với thương mại điện tử, các nhà bán lẻ cũng có thể tự động hóa quảng cáo và mở rộng nỗ lực tiếp thị của họ, giống như Shopify hiện có thể làm với các mẫu và công cụ mạnh mẽ mà TikTok có sẵn.

Ngoài những lợi ích mà các nhà bán lẻ có thể nhận được từ TikTok, họ cũng có thể đối mặt với nhiều thách thức từ nền tảng này. Những cáo buộc xung quanh các vấn đề về lòng tin và sự bảo mật dữ liệu người dùng của TikTok là một lời cảnh báo cho các nhà bán lẻ khi họ xem nhẹ những vấn đề này trong các chiến lược thương mại xã hội của mình.

Các cuộc thảo luận về dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng đang gia tăng. Theo nghiên cứu của iKala, sự tin tưởng, gian lận và thiếu sự quen thuộc là những rào cản lớn nhất đối với người tiêu dùng kỹ thuật số ở Đông Nam Á. Chính vì vậy, mặc dù ngày càng có nhiều ví điện tử xuất hiện tại Đông Nam Á nhưng thanh toán khi nhận hàng vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong khu vực này.

Vì vậy, nếu các nhà bán lẻ muốn xây dựng thành công chiến lược kỹ thuật số lâu dài thì cần hướng tới việc sử dụng dữ liệu của bên thứ nhất một cách hiệu quả, giải quyết các nhu cầu khác nhau của người dùng, dựa trên các chiến lược nhắm mục tiêu và dịch vụ thanh toán. Những điều này sẽ là "kim chỉ nam" về tính xác thực và lấy người dùng làm trung tâm cho các nhà bán lẻ khi họ điều hướng bối cảnh thương mại xã hội nơi người dùng, theo đúng nghĩa đen, đang theo dõi mọi động thái của họ.

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo brandinginasia

>> Có thể bạn quan tâm: Cơ hội nào cho mạng xã hội trả phí sau sự sụp đổ của cookie của bên thứ ba?

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.