- Thương hiệu thương mại điện tử là gì?
- Xây dựng thương hiệu thương mại điện tử với quy tắc 4V
- 12 cách để tạo thương hiệu thương mại điện tử tốt nhất
- 1. Phác thảo những lợi ích chính của các thương hiệu
- 2. Kiên định và trung thành
- 3. Xác định đúng đối tượng mục tiêu của thương hiệu bạn
- 4. Nâng tầm dịch vụ chăm sóc khách hàng
- 5. Thiết lập phong cách cho thương hiệu
- 6. Tập trung vào chất lượng sản phẩm
- 7. Tạo các loại nội dung đa dạng (podcast, video, infographics)
- 8. Nói theo ngôn ngữ của khách hàng
- 9. Chia sẻ câu chuyện của thương hiệu
- 10. Hãy trở thành một phần của một cộng đồng lớn hơn
- 11. Suy ngẫm, điều chỉnh và tiếp nhận lời khuyên
- 12. Tận dụng các nền tảng Social media và quảng cáo
- 3 bài học kinh nghiệm từ các thương hiệu thương mại điện tử được thành lập
Cho dù đó là mặt hàng tạp hóa, quần áo hay đồ điện tử, khách hàng ngày càng có xu hướng mua sắm trên các cửa hàng thương mại điện tử, điều này mang đến cơ hội lớn cho các thương hiệu thương mại điện tử. Nhưng nhiều người chỉ mua từ các thương hiệu lớn, có tên tuổi mà bỏ qua những cái tên còn lại. Đó là lý do tại sao việc xây dựng và nâng tầm thương hiệu trong ngành thương mại điện tử lại đóng một vai trò quan trọng như vậy trong việc cải thiện cơ hội kinh doanh thành công của ngành này. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những lý do giải thích tại sao thương hiệu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thế giới thương mại điện tử và các bước để nâng tầm thương hiệu thương mại điện tử của công ty.
Thương hiệu thương mại điện tử là gì?
Thương hiệu thương mại điện tử (ecommerce brand) không chỉ là logo, tên thương hiệu hay một slogan hấp dẫn mà còn là cách mà mọi người nhận thức và nói về doanh nghiệp đó, là những nét đặc trưng dễ nhận thấy của một doanh nghiệp. Đó là sự ấn tượng mà các công ty thương mại điện tử đã để lại trong lòng khách hàng qua các hoạt động tương tác, kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Đó là nét tính cách độc đáo, không thể nhầm lẫn của một doanh nghiệp, điều đầu tiên mà khách hàng nghĩ đến ngay khi nghe thấy tên doanh nghiệp đó.
Tại sao xây dựng thương hiệu thương mại điện tử lại quan trọng?
Xây dựng một thương hiệu thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Một doanh nghiệp có thương hiệu mạnh nghĩa là khách hàng sẽ có xu hướng chọn bạn thay vì đối thủ, mang lại cho bạn lợi thế cạnh tranh cao. Điều này sẽ dẫn đến sự tăng trưởng bền vững: một khi khách hàng bắt đầu nhận diện được và yêu thích thương hiệu của bạn, họ có nhiều khả năng trở thành khách hàng trung thành và gắn bó với bạn trong suốt thời gian dài. Các khách hàng sẽ tin tưởng các trang web thương mại điện tử có thương hiệu tốt hơn và sẵn sàng hỗ trợ họ ngay cả trong thời điểm khó khăn.
Xây dựng thương hiệu thương mại điện tử với quy tắc 4V
Để khám phá và làm rõ hơn thương hiệu thương mại điện tử của công ty bạn, bạn phải thực hiện một số hoạt động thử nghiệm. Thương hiệu của một công ty sẽ dựa trên bốn trụ cột:
1. Tầm nhìn (Vision)
Để một công ty tạo được sự thu hút đối với người tiêu dùng, yếu tố đầu tiên cần phải có là một tầm nhìn rõ ràng có khả năng “soi đường chỉ lối”. Tầm nhìn là những gì thương hiệu của bạn nỗ lực để đạt được, không phải là những đồng tiền. Đó là tầm ảnh hưởng, chứ không phải vấn đề về tiền bạc.
Làm thế nào để các doanh nghiệp nhìn nhận rõ tầm nhìn của chính thương hiệu mình? Hãy thử xem lại nguồn gốc hình thành của công ty, tìm hiểu về lịch sử để xem điều gì đã truyền cảm hứng cho người chủ sáng lập ra nó. Động lực ở đâu giúp bạn tạo ra sản phẩm đầu tiên, ngoại trừ lợi nhuận? Tầm nhìn là thứ vượt xa hơn cả những giao dịch thông thường, những suy nghĩ về điều bạn muốn mọi người nghĩ hoặc là cảm giác lâu dài sau khi họ đã sử dụng sản phẩm của bạn.
2. Giá trị (Values)
Giá trị là những điều gắn bó với cả thương hiệu lẫn khán giả của bạn. Nó là thứ “soi đường chỉ lối” cho các thương hiệu, thông báo mọi thứ về những gì thương hiệu làm và cách các thương hiệu thực hiện.
Để hiểu được giá trị của thương hiệu, bạn cần phải trả lời 3 câu hỏi sau:
- Khách hàng nói gì về bạn? Hãy chọn lọc thông qua những đánh giá của khách hàng hoặc qua các khảo sát về đối tượng mục tiêu để xem bạn đang làm tốt ở mảng nào.
- Ba ưu tiên hàng đầu của bạn là gì? Câu hỏi này muốn bạn buộc phải xác định những gì quan trọng nhất đối với bạn.
- Thương hiệu yêu thích của bạn đang làm gì? Đừng quên thăm dò thương hiệu yêu thích của mình bởi vì những gì họ đang làm sẽ để lại dấu ấn trong bạn. Bạn cần phải xác định rạch ròi và phân biệt rõ ràng với họ bởi vì bạn đang cùng chia sẻ một giá trị với họ.
3. Tiếng nói (Voice)
Tựa như việc mỗi người đều có tiếng nói riêng biệt, dễ nhận biết, thì các thương hiệu cũng vậy, họ cũng sẽ có những tiếng nói riêng. Tiếng nói thương hiệu là cách các công ty lựa chọn những sắc thái khác nhau khi nói chuyện với khán giả của mình. Tùy thuộc vào ngành và mục tiêu của bạn, bạn có thể:
- Hài hước và vui tươi
- Hữu ích và hỗ trợ
- Đáng tin cậy
- Tinh tế
- Ấm áp và thân thiện
Tiếng nói của mỗi thương hiệu luôn phải dễ nhớ và nhất quán, vì vậy bạn đừng nhầm lẫn nó với đối tượng mục tiêu của mình. Tiếng nói thương hiệu sẽ giúp các công ty tăng độ nhận diện và nhân cách hoá thương hiệu của mình hơn.
4. Hình ảnh (Visuals)
Hình ảnh thương hiệu là những biểu tượng hữu hình liên quan đến doanh nghiệp của bạn. Dưới đây là ba yếu tố trực quan của một nhận diện thương hiệu (brand identity).
Logo
Một logo được thiết kế riêng sẽ là một dấu ấn, một hình ảnh độc đáo và là bộ mặt của mỗi thương hiệu. Về cơ bản, có bảy loại logo.
Các loại logo phổ biến nhất là Wordmark (Logo dạng từ) và Lettermark (Logo dạng chữ), đa phần sẽ bao gồm tên công ty trong phần hình ảnh luôn, ví dụ như Coca Cola hay NASA.
Các loại logo phổ biến khác như Pictorial mark (Logo dạng hình ảnh) hay Abstract mark (Logo hình ảnh trừu tượng), sử dụng hình ảnh để nắm bắt bản chất thương hiệu, ví dụ như Apple. Hay với loại logo Combination mark (Logo kết hợp), sẽ hợp nhất hình ảnh và tên công ty của bạn, ví dụ như Adidas. Và cuối cùng, là logo Mascot (Logo Linh vật) và logo Emblem (Logo Biểu tượng).
Có nhiều cách để tách biệt từng loại logo này cũng như kết hợp chúng với nhau, nhưng cho dù bạn chọn loại logo nào, hãy đảm bảo logo của bạn thật dễ nhớ. Toàn bộ những chi tiết trên logo đều có mục đích chung là giúp khách hàng ghi nhớ trực quan đến thương hiệu của bạn.
Nghệ thuật chữ (Typography)
Typography được coi là diện mạo và phong cách của chữ viết.
Trong đó, phông chữ ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của mọi người. Dưới đây là một bản tóm tắt chung về năm loại phông chữ phổ biến và các chức năng của chúng:
- Phông chữ Serif là loại phông chữ cổ điển, truyền thống, được coi là phông chữ có kiểu dáng bảo thủ nhất và được sử dụng rất phổ biến trong in ấn và trên web.
- Phông chữ Sans Serif mang đến sự đơn giản, thẳng thắn và đáng tin cậy với nét chữ hiện đại. Nói chung, đây là phông chữ được ưa chuộng bởi mọi công ty trong tất cả các ngành công nghiệp.
- Phông chữ Script gợi lên sự sáng tạo, trôi chảy và sở hữu cá tính mạnh mẽ vốn có hơn các phông chữ khác. Nó được được sử dụng tốt nhất một cách tiết kiệm nhằm đem lại sự tinh tế bắt mắt của chúng.
- Phông chữ Display là phông chữ được thiết kế cho tỷ lệ lớn hơn, truyền tải sự táo bạo và độc đáo. Thường được sử dụng bởi các thương hiệu thời trang và giải trí, cũng như các ấn phẩm khi chúng thu hút được nhiều sự chú ý hơn.
- Phông chữ Handwritten bắt chước phong cách của chữ viết tay tự nhiên. Nó đã chứng minh được sự phổ biến mạnh mẽ trong suốt 10 năm qua. Chúng hoạt động tốt khi kết hợp với các loại phông chữ khác để mang lại sự "dị" nhất định, cảm ứng DIY và sự cá nhân hóa.
Màu sắc
Màu sắc gợi lên những phản ứng đa dạng cảm xúc khác nhau từ chúng ta. Nghiên cứu cho thấy bạn có thể tăng nhận diện thương hiệu lên tới 80% bằng cách sử dụng màu sắc hiệu quả. Dưới đây là các màu sắc thương hiệu phổ biến và ý nghĩa của chúng đính kèm:
- Màu đỏ - đam mê, năng lượng, tình yêu, lãng mạn và thoải mái.
- Màu đen - hiện đại, mạnh mẽ, sức mạnh, thông minh và quyến rũ.
- Màu xanh - an toàn, khôn ngoan, trung thành, đáng tin cậy và tinh tế.
- Màu xanh lá cây - thiên nhiên, sức khỏe, sự giàu có, sự sinh sôi và sự yên bình.
- Màu hồng - sự ấm áp, tình yêu, lãng mạn và nữ tính.
12 cách để tạo thương hiệu thương mại điện tử tốt nhất
Như vậy, những điều cơ bản về thương hiệu đã được đưa ra, bây giờ hãy đi vào các bước bạn nên thực hiện để định vị thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng. Dưới đây là 12 cách để xây dựng một thương hiệu thương mại điện tử hiệu quả nhất:
1. Phác thảo những lợi ích chính của các thương hiệu
Ngày nay, các doanh nghiệp thường sử dụng các kỹ thuật giống nhau để tạo ra các sản phẩm hữu hình. Không dễ để khách hàng phân biệt các sản phẩm như thế giữa một thị trường bão hòa hiện nay. Vì vậy, các thương hiệu cần phải cố gắng tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình bằng cách thể hiện những gì nổi trội nhất giúp sản phẩm và cả thương hiệu trở nên độc đáo hơn.
Tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu của bạn thông qua:
- Một thị trường mục tiêu siêu tập trung. Thay vì bán đồng hồ cho tất cả mọi người, hãy chỉ tập trung vào thế hệ millennials luôn bận rộn và nhanh nhạy với các xu hướng.
- Một tagline có thể đem lại nhiều lợi ích. Giúp cho khách hàng nắm bắt nhanh chóng những lợi thế khi làm việc với bạn bằng một tagline hấp dẫn.
- Một sự khác biệt nhỏ trong thiết kế. Bạn muốn thương hiệu của mình trở nên thật nổi bật? Hãy biến một tính năng nhỏ nhưng vô cùng độc đáo trở thành nét riêng biệt so với phần còn lại.
2. Kiên định và trung thành
Hãy nghĩ về một trong những thương hiệu yêu thích của bạn ngay lúc này. Bạn đã gắn bó với họ trong nhiều năm rồi, thậm chí có thể là cả thập kỷ. Bạn sẽ không nghĩ đến việc “phản bội” họ và tìm đến một thương hiệu khác nếu không có lý do chính đáng. Tại sao? Bởi vì họ luôn kiên định và đáp lại lòng trung thành của bạn. Họ xuất hiện hàng tháng, hàng năm, kiên định một lòng trong việc cung cấp những tiêu chuẩn tuyệt vời về chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ. Và thế là, bạn quyết định trung thành với họ.
Hãy trở thành một thương hiệu lấy khách hàng làm trung tâm nhất quán như gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử Amazon. Cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm này đã giúp họ gặt hái được doanh số bội thu.
3. Xác định đúng đối tượng mục tiêu của thương hiệu bạn
Tập trung vào đúng đối tượng mục tiêu là nền tảng cho sự thành công của bất kỳ doanh nghiệp thương mại điện tử nào. Ngay cả khi bạn có một sản phẩm hoàn hảo, mà không tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu, bạn vẫn sẽ phải "vật lộn" với việc kinh doanh. Đối tượng cần tiếp thị tập trung sẽ cộng hưởng với khách hàng tiềm năng một cách tự nhiên, vì họ rất vui khi trả tiền cho sản phẩm của bạn (vì vốn dĩ họ đã muốn sử dụng sản phẩm của bạn).
Để thành công trong việc nhắm mục tiêu đối tượng, bạn phải hiểu:
- Họ là ai? Không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu về nhân khẩu học cơ bản, mà các thương hiệu nên đi sâu hơn vào nhu cầu, vấn đề và mong muốn của khách hàng.
- Họ đang ở đâu? Xác định kênh mạng xã hội yêu thích của họ, ví dụ Facebook, Youtube, Twitter hoặc hay các nền tảng khác
- Những gì họ đang phải đối mặt? Xác định các điểm đau của họ, các vấn đề họ đang phải đối mặt mà sản phẩm của bạn có thể giúp giải quyết chúng.
- Những từ khóa tìm kiếm họ sử dụng. Nghiên cứu về những từ khoá mà đối tượng mục tiêu sử dụng để tìm kiếm về sản phẩm của bạn, từ đó tối ưu hoá nội dung và thu hút khách hàng đến với gian hàng của bạn.
Ví dụ như việc Sephora ưu tiên các ứng dụng di động để phát các thẻ quà tặng và phiếu giảm giá vì đối tượng mục tiêu hàng đầu của họ có xu hướng sử dụng các thiết bị mobile là chủ yếu.
4. Nâng tầm dịch vụ chăm sóc khách hàng
Không có khách hàng, bạn không thể nói chuyện kinh doanh được. Càng phục vụ khách hàng tốt, bạn càng có thể hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn. Vì vậy, làm thế nào để bạn cải thiện các dịch vụ dành cho họ?
- Phân khúc các nhóm khách hàng. Phân khúc các nhóm khách hàng với sở thích và nhu cầu được phân chia cụ thể sẽ giúp các thương hiệu cung cấp các giải pháp ưu đãi được cá nhân hoá. Gửi chuỗi trình tự email (Email Sequences) là giải pháp là tuyệt vời cho vấn đề này.
- Kiểm tra dữ liệu khách hàng. Kiểm tra khách hàng của bạn đang mua gì, khi nào họ mua và họ chi tiêu bao nhiêu
- Trả lời các câu hỏi. Khi khách hàng có thắc mắc hoặc vấn đề cần giúp đỡ, hãy trả lời câu hỏi của họ hoặc giải quyết vấn đề của họ nhanh chóng.
Như việc Nordstrom luôn biết làm thế nào để làm hài lòng khách hàng của họ. Một phần nhờ dịch vụ chăm sóc khách hàng xuất sắc đã giúp họ hoạt động sinh lời trong suốt 119 năm!
5. Thiết lập phong cách cho thương hiệu
Người mua hàng không gắn bó với thương hiệu của bạn chỉ vì họ yêu thích sản phẩm của bạn. Họ mua vì những trải nghiệm họ đã có với thương hiệu của bạn. Như việc thương hiệu Mr. Porter không chỉ bán quần áo hay phụ kiện, họ bán cả một lối sống cho thế hệ Millennial.
Ứng dụng của họ luôn sẵn sàng cung cấp cho khách hàng trải nghiệm mua hàng đẳng cấp và sang trọng cấp như một VIP. Tất cả mọi thứ, từ logo của bạn đến trải nghiệm người dùng, từ các bài viết cho đến màu sắc thương hiệu đều phải hội tụ lại với nhau để tạo thành một trải nghiệm thương hiệu riêng biệt. Đó là cách giữ chân khách hàng của bạn và tăng tỷ lệ quay lại nhiều hơn nữa.
6. Tập trung vào chất lượng sản phẩm
Các thương hiệu thương mại điện tử mới nổi đang dần trở nên thông minh hơn. Thay vì ra mắt với vô số sản phẩm, họ thu hẹp trọng tâm và bắt đầu với chỉ một sản phẩm, nỗ lực hết mình để làm cho sản phẩm duy nhất này đạt chất lượng cao nhất.
Tại sao điều này lại xảy ra? Người tiêu dùng ngày nay ngày càng trở nên khó tính và sẽ không dễ dàng chấp nhận các các sản phẩm tầm thường. Bắt đầu với một loạt sản phẩm không có tính tập trung có thể dẫn đến một sự thỏa hiệp về chất lượng. Kết quả là, người tiêu dùng sẽ có khả năng bỏ rơi thương hiệu của bạn hoặc chịu đựng sự mệt mỏi khi đã trót lựa chọn tin tưởng bạn. Tập trung vào một sản phẩm chất lượng cao có thể khiến khách hàng trở nên trung thành với thương hiệu của bạn đồng thời giúp nâng cao danh tiếng của thương hiệu.
Như hãng Chubners bắt đầu chỉ với việc bán quần short retro cho nam giới. Sự tập trung cao độ vào chất lượng của một dòng sản phẩm đã được đền đáp. Họ đã nhanh chóng đạt được sự tăng trưởng bùng nổ và trở thành một gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử.
7. Tạo các loại nội dung đa dạng (podcast, video, infographics)
Nội dung vận hành xuyên suốt trong cả một hệ sinh thái thương mại điện tử. Nội dung cũng góp phần phát triển mối quan hệ giữa thương hiệu với khách hàng. Vì thế, hãy tạo ra những dạng nội dung tuyệt vời liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động của thương hiệu. Đó là cách mà hãng Each Night Sleep, một công ty nệm đã xây dựng đã làm. Họ xây dựng toàn bộ nội dung trên trang web của mình liên quan đến sức khỏe và chất lượng giấc ngủ.
Các thương hiệu khác hãy học hỏi điều này và chú ý đến 4 loại nội dung tạo tỷ lệ chuyển đổi cao sau:
- Podcast. Một số nhóm khách hàng thích cập nhật tin tức thông qua việc lắng nghe. Hãy tận dụng cơ hội này để tìm hiểu cách tạo ra một kênh podcast riêng biệt cho thương hiệu; hoặc xem xét tài trợ cho podcast có chủ đề liên quan đến thương hiệu trong một vài tập.
- Video. Tạo vlog, video giới thiệu sản phẩm và video hướng dẫn. Như cách mà hãng Dollar Shave Club sản xuất các video giải trí cho khách hàng của họ. Video dưới đây là một ví dụ điển hình, nó đã đạt được số lượng người xem khổng lồ là 5 triệu lượt chỉ trong vòng 90 ngày.
- Infographics. Chia nhỏ nội dung thành các chi tiết dễ đọc với infographics
- Nội dung so sánh. Tạo nội dung so sánh và đối chiếu sản phẩm của bạn với đối thủ cạnh tranh.
8. Nói theo ngôn ngữ của khách hàng
Muốn thương hiệu thương mại điện tử của bạn được kết nối đầy cảm xúc với khách hàng, bạn cần nói theo ngôn ngữ của họ.
Cách bạn đáp lại khách hàng theo ngôn ngữ mà họ dùng để giao tiếp với bạn sẽ giúp họ phản ứng lại nhanh hơn với các chiến dịch Marketing của thương hiệu, đồng thời góp phần cho việc để lại ấn tượng tích cực hơn sau những nỗ lực xây dựng thương hiệu.
Trong trường hợp này, Công ty quà tặng của Anh “Not On The High Street” là một ví dụ tiêu biểu. Họ quả thật rất biết cách nói theo ngôn ngữ của khách hàng. Cách họ thể hiện sự ấm áp qua việc giao tiếp với khách hàng đã được thể hiện qua cách họ nói “I love you the whole bunch” với một giọng điệu rất gần gũi và thoải mái.
Dưới đây là những cách bạn có thể khám phá ngôn ngữ của thị trường mục tiêu của mình:
- Đi sâu vào đánh giá sản phẩm. Nghiên cứu những thái độ và cảm xúc phổ biến nhất từ khách hàng qua các đánh giá sản phẩm, sau đó đưa chúng vào các nội dung cần truyền thông.
- Xem lại các nghiên cứu khách hàng. Kiểm tra lại các nghiên cứu về người tiêu dùng và ngôn ngữ được sử dụng bởi khách hàng của bạn.
- Kiểm tra đối thủ cạnh tranh của bạn. Hãy theo dõi cách các đối thủ cạnh tranh đang truyền thông ra sao. Đương nhiên là bạn muốn mình trở nên thật khác biệt, nhưng việc tìm hiểu và tham khảo những gì đối thủ cạnh tranh trực tiếp đang làm là việc không thể bỏ qua.
9. Chia sẻ câu chuyện của thương hiệu
Hành trình tạo dựng nên thương hiệu thương mại điện tử luôn ẩn chứa một câu chuyện hấp dẫn. Vì thế, hãy cân nhắc việc biến khách hàng của bạn trở thành anh hùng của câu chuyện đó và điều này sẽ tác động mạnh mẽ tới họ. Kết nối câu chuyện thương hiệu của bạn vào mọi chiến dịch bạn đang thực hiện.
- Trang giới thiệu thương hiệu (About us): Chia sẻ một cách chi tiết và đầy thú vị về nguồn gốc thương hiệu trong phần giới thiệu thương hiệu (“About us”). Xây dựng một video về người sáng lập có thể sẽ đặc biệt hấp dẫn.
- Bao bì sản phẩm. Chia sẻ câu chuyện của bạn thông qua nhãn, thẻ, bao bì sản phẩm cũng như mọi tương tác vật lý mà khách hàng của bạn có khả năng tiếp xúc trong giao dịch mua hàng của họ.
- Thông cáo báo chí. Nếu thương hiệu của bạn là một Startup hoặc sắp ra mắt sản phẩm mới, thông cáo báo chí là một nền tảng tuyệt vời để chia sẻ câu chuyện của bạn. PR nói chung là một cách tốt giúp bạn tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Như cách mà nhà bán lẻ trực tuyến Overstock đã kể về lịch sử lâu dài được tô điểm của họ một cách đầy sáng tạo trên trang web của họ:
10. Hãy trở thành một phần của một cộng đồng lớn hơn
Khách hàng yêu thích các thương hiệu có khả năng thu hút cộng đồng và làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Họ kết nối với các thương hiệu và điều đó khiến họ trở thành một phần của một dự án/cộng đồng tốt đẹp lớn hơn. Các nghiên cứu cho thấy 73% khách hàng tin rằng các công ty phải cải thiện các cộng đồng mà họ đang hoạt động. Như việc hãng giày Toms đã cho khách hàng thấy tác động mà họ đang tạo ra.
Khi khách hàng mua giày của họ tức là đã giúp họ thực hiện được một đóng góp tốt cho cộng đồng. Vì vậy, các thương hiệu hãy tìm kiếm các chiến dịch xuất phát từ mục đích tốt và các quỹ từ thiện được ấp ủ bởi khách hàng để hỗ trợ họ. Nếu mong muốn tạo ra tác động lâu dài, hãy quyên góp một phần lợi nhuận của công ty cho một tổ chức từ thiện nhất định mỗi năm một lần. Và để độ nhận diện thương hiệu phát triển mạnh mẽ hơn, hãy cộng tác với người có tầm ảnh hưởng để mở rộng phạm vi tiếp cận của thương hiệu.
11. Suy ngẫm, điều chỉnh và tiếp nhận lời khuyên
Căn chỉnh mọi thứ bạn làm để kết nối tốt hơn với khách hàng mục tiêu của bạn. Kết quả đem lại sẽ là danh tiếng của một thương hiệu thương mại điện tử “sừng sỏ” trên thị trường. Dưới đây là một số mẹo về cách thực hiện:
- Tạo một tuyên bố giá trị nói về những điều làm nên sự khác biệt của bạn.
- Chia sẻ một thông điệp nhất quán trên tất cả các kênh.
- Tận dụng các công nghệ và chiến lược mới nhất trong Marketing thương hiệu.
- Dựa vào nội dung do người dùng tạo để tạo ra nội dung gắn kết.
- Sử dụng hashtags hợp xu hướng để người mua hàng tìm thấy cửa hàng của bạn.
Thương hiệu quần áo nữ Aerie đã tận dụng một trong những mẹo này trong chiến dịch kêu gọi khách hàng đăng tải những bức hình chưa được chỉnh sửa của họ trong bộ đồ tắm.
Điều này không chỉ nâng cao tính xác thực của thương hiệu, mà tất cả những bức ảnh đó còn giúp quyên góp 10.000 đô la cho hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia.
12. Tận dụng các nền tảng Social media và quảng cáo
Các thương hiệu thương mại điện tử đạt được thành công liên tục nhờ vào việc tích hợp các nền tảng Social media vào chiến dịch Marketing của họ, như cách mà hãng Loganix đã chỉ ra: “Việc xây dựng một thương hiệu thương mại điện tử lớn đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện chính sách quảng cáo trong một số giai đoạn nhất định. Quảng cáo PPC (pay-per-click) trên các nền tảng social media và tìm kiếm Google là cách tuyệt vời không chỉ với bán hàng trực tiếp, mà còn tác động đến độ phủ thương hiệu hay đơn giản chỉ là giúp thương hiệu kết nối với đúng khách hàng vào đúng thời điểm.”
Dưới đây là cách tối đa hóa các nền tảng social media để xây dựng thương hiệu và quảng cáo:
- Giao tiếp với khán giả của bạn trên các nền tảng yêu thích của họ.
- Cân nhắc sử dụng social media như một phương tiện để hỗ trợ khách hàng.
- Lắng nghe khách hàng của bạn.
- Bạn bán sản phẩm, nhưng chớ nên spam.
- Phát triển các followers về mặt số lượng nhưng cũng đừng quên ưu tiên tương tác với những người đang theo dõi.
Ví dụ như thương hiệu thời trang Velvet Caviar có lượng người theo dõi khổng lồ là 969k trên Instagram. Vì vậy, họ đã chọn ưu tiên Instagram như một nền tảng trực quan hoàn hảo cho ngành công nghiệp của họ.
3 bài học kinh nghiệm từ các thương hiệu thương mại điện tử được thành lập
1. Người tiêu dùng cần sự kiểm chứng từ xã hội (social proof) trước khi mua
Là một chủ doanh nghiệp, bạn đều biết rằng mọi người thường có xu hướng làm những gì người khác đang làm. Tận dụng tâm lý đám đông này để tối đa hóa lợi nhuận thu về. Lập nhóm với những người có tầm ảnh hưởng uy tín để góp phần xây dựng thương hiệu của bạn. Hãy chắc chắn rằng KOLs đó có liên quan đến khán giả mục tiêu của bạn.
Bạn cũng có thể đăng nội dung do người dùng tạo trên các trang mạng xã hội của công ty. Nghiên cứu cho thấy nội dung do người dùng tạo nhận được tỷ lệ nhấp cao hơn gấp 4 lần và giảm 50% chi phí mỗi lần nhấp so với quảng cáo trung bình.
2. Theo kịp xu hướng và tạo sự thu hút trong cộng đồng
Các thương hiệu thương mại điện tử lớn không bao giờ đứng yên. Họ thay đổi theo thời đại. Hiện nay, có một xu hướng mà bạn nên xem xét là các dạng nội dung ngắn hạn trên các trang mạng xã hội. Các nội dung ngắn hạn như vậy thường chỉ tồn tại trong 24 giờ rồi biến mất.
Nội dung ngắn hạn vô hình chung khiến khách hàng phải vội vàng để xem các nội dung của bạn. Tính năng Stories trên Instagram là một công cụ tuyệt vời để chia sẻ thông điệp thương hiệu theo những cách thú vị.
3. Trải nghiệm khách hàng tốt hơn dẫn đến doanh số cao hơn
Bạn có muốn khách hàng yêu mọi thứ về thương hiệu của bạn? Kêu gọi những cảm xúc tích cực trong họ từ lần đầu tiên họ tương tác với thương hiệu cho đến khi họ trở thành những người truyền bá thương hiệu tiềm năng. Đây là cách thực hiện:
- Mang đến cho họ những phần thưởng bất ngờ. Mọi người ai cũng sẽ thích một món quà bất ngờ.
- Xây dựng điều hướng trang web một cách đơn giản để họ có thể sử dụng dễ dàng khi mua sắm.
- Hãy xem xét xây dựng một ứng dụng mua sắm thuận tiện và vui vẻ cho khách hàng.
- Sản xuất hình ảnh 360 độ cho sản phẩm để có thể giới thiệu một cách chân thực và đầy đủ nhất sản phẩm tới khách hàng.
> Xem thêm: Top 3 ứng dụng giúp bạn kinh doanh thương mại điện tử hiệu quả
Tạm kết
Xây dựng thương hiệu thương mại điện tử đóng một vai trò rất quan trọng đối với thành công của cửa hàng của bạn. Không sở hữu thương hiệu tiếng tăm, công ty của bạn sẽ chỉ là một cái tên không ai còn nhớ. Nhưng một thương hiệu tốt sẽ thay đổi điều đó. Nếu bạn định vị đúng thương hiệu của mình và làm việc dựa trên trải nghiệm thương hiệu dành cho khách hàng thì những điều tốt đẹp sẽ xảy ra. Sản phẩm sẽ “bay” khỏi kệ. Lợi nhuận tăng cao. Thương hiệu của bạn sẽ trở nên phổ biến và được yêu thích. Một chiến lược xây dựng thương hiệu sẽ tạo ra nhiều khách hàng hơn, đồng thời tạo ra một cộng đồng gắn kết giữa các nhà truyền bá thương hiệu.
Tô Linh - MarketingAI
Theo 99design
Bình luận của bạn