Nguyễn Hải Đường - ông chủ thương hiệu M2 đã có những chia sẻ hết sức chân thực và hữu ích. "Bản chất doanh nghiệp cũng giống như một ban nhạc rock, luôn có một lượng fan hùng hậu – chính là khách hàng, và phải thuyết phục họ bằng cách xây dựng lòng tin".
Ông đúc rút lại kinh nghiệm, khâu chuẩn bị trong ngành may mặc là đặc biệt quan trọng. Quan trọng ở chỗ, kinh doanh quần áo là phải quan sát xu hướng thời trang, dự đoán đưa ra phải sát với thực tế, và luôn phải có những khoản dự phòng trích lập. Có như vậy, dù là thời tiết, hay tình hình kinh tế thay đổi, doanh nghiệp may mặc mới có thể tự mình đứng vững.
Điều gì làm nên thành công của thương hiệu M2?
Sản phẩm đa dạng
Từ khi mới thành lập, ông Đường bắt đầu kinh doanh dòng quần áo chuyên để xuất khẩu - phục vụ cho mùa thu đông như: áo gầy, áo béo, ác khoác bông, quần bò... Ngay từ thời điểm đó, ông đã vạch rõ hướng kinh doanh của hệ thống M2 sau này, là bán hàng hợp mốt, phải đa dạng chủng loại, mẫu mã và không quá tập trung vào một dòng sản phẩm nhất định.
Ý nghĩa của chiến lược này theo ông Đường giải thích, đó là khi tìm tới thương hiệu M2, mọi tầng lớp khách hàng đều được phục vụ chu đáo. Khách hàng dù là nam hay nữ, béo hay gầy, già hay trẻ đều có thể mua đồ ở cửa hàng của ông. Tức là M2 hướng tới việc đa dạng hóa tập khách hàng.
Xử lý hàng tồn thông minh
Hay như giai đoạn 2007 – 2010, ông liên tục mở ra các outlet chuyên bán hàng tồn. Ý định ban đầu của ông là giải quyết vấn đề hàng tồn tại chính thương hiệu mình, nhưng sau này thấy "lời" ông lại làm tiếp, và với quy mô lớn hơn.
"Kinh doanh thời trang, ai quản lí hàng tồn tốt, người đó sẽ thắng lợi. Bản thân M2 trong những năm đầu quản lí hàng tồn chưa tốt. Thông thường, cứ cuối năm là người ta xả hàng. Còn tôi nghĩ khác, làm khác, tôi đem hàng tồn tới các trung tâm lớn ở thành phố, nơi có đông người qua lại, quần áo bán giá sốc hết cỡ, dự kiến bán liên tục trong 1, 2 tháng. Nhưng năm đầu tiên chỉ cần 2 tuần là hàng bán hết veo. Vậy là các năm sau, tôi thậm chí còn đi gom hàng ở các xưởng, nhà máy trong nước, coi như mình đi bán hàng cho họ. Giai đoạn đó thắng lợi".
Nguồn nhân lực vững chắc
Lần lượt các điểm bán thứ 2, thứ 3 tại Phạm Ngọc Thạch, Thái Hà được M2 mở ra đều có hoạt động kinh doanh tốt. Và chỉ khi mở đến điểm bán thứ 4 tại Điện Biên Phủ, Hà Nội, Nguyễn Hải Đường mới thực sự gặp phải bài toán nan giải - M2 bắt đầu phát triển lên chuỗi bán lẻ may mặc và yếu tố cần thiết chính là nguồn nhân lực.
Tính cho tới thời điểm hiện tại, sau 17 năm thành lập, M2 đã sở hữu trong tay đội ngũ hàng trăm nhân viên "thiện chiến". Tuy chưa phải là xuất sắc, nhưng cũng phần nào giúp nhà sáng lập an lòng. Nguyễn Hải Đường nói vui: "Tôi luôn nói với các nhân viên của mình là, anh chỉ mong đến một ngày, tới công ty anh sẽ thất nghiệp, cảm giác như người thừa. Vì khi đó, bộ máy của M2 đã thực sự hoàn thiện".
Vị trí cửa hàng hợp lý
Để có được những mặt bằng lớn – trung bình khoảng 1000 m2 trở lên như hiện tại, chiến lược của ông Đường là đi từ trung tâm ra cửa ngõ. Nghĩa là M2 ban đầu sẽ lấy các quận nội đô làm trọng điểm, sau đó đến trung tâm của các quận mới, và sau cùng là chọn những điểm cửa ngõ Hà Nội - ráp ranh ngoại ô và trung tâm thành phố. Các mặt bằng đều được ông Đường tới tận nơi xem xét rất tỉ mỉ. Nếu không phải một mặt sàn ở các phố lớn, mặt tiền rộng, thì cũng phải là nhà thấp tầng có cảnh quan thông thoáng, đường xá qua lại thuận tiện.
Nhờ sự kĩ lưỡng đó, theo ông Đường, M2 hầu như chưa phải đóng một điểm bán nào, gần như đặt cú nào, ăn cú đấy. Ông khẳng định, trong kinh doanh, bản thân người lãnh đạo phải rất quyết đoán, từ mặt bằng, nguồn hàng, tài chính, cho tới nhân sự…
Chiến lược của thương hiệu M2 khi phải đối mặt với các ông lớn như Zara, H&M
Ông Đường cho biết: "Ảnh hưởng chắc chắn là có, vì bất kì sự thay đổi nào của thị trường cũng đều tác động lên doanh nghiệp. Nhưng đứng ở cương vị nhà phân phối, bán lẻ, M2 không phải đơn vị bị trực tiếp tác động, mà chính là các đối tác, nhà cung cấp của M2. Theo tôi, tác động này mang tính tích cực nhiều hơn, bởi chỉ khi chúng ta có đối thủ, có áp lực đè nặng, chúng ta mới biết mình là ai. Chỉ khi có cạnh tranh, doanh nghiệp mới tốt lên, đưa ra những giải pháp mới cho thị trường."
"Đối thủ của M2 tôi cho rằng chính là các hệ thống bán lẻ thời trang, may mặc nằm ngay trong các khu trung tâm thương mại, hoặc của chính trung tâm thương mại đó. Ở đấy, thế mạnh của người ta là có lượng khách ra vào đông đúc, mặt sàn rộng, địa thế đẹp. Đó là chưa kể thói quen mua sắm trong các khu trung tâm thương mại đang rất thịnh hành ở Việt Nam.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, để vào được các trung tâm thương mại, doanh nghiệp phải chi trả mức giá mặt bằng thuê cao. Thực tế, diện tích họ cần thuê, trưng bày sản phẩm cũng khiêm tốn, bỏ ra nhiều tiền như vậy rất phí phạm. Đặc biệt, với mối thâm tình vốn có, hiếm doanh nghiệp nội địa nào muốn bỏ thương hiệu M2 để chạy theo các trung tâm thương mại.
Còn về động lực phát triển, từ lâu chúng tôi đã tự đặt cho mình những mục tiêu buộc phải đạt được. Đó là thương hiệu M2 sẽ dần nâng cấp mặt bằng, chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm và tiếp tục mở rộng chuỗi tiến sang các tỉnh thành lớn. Cho tới khi nào đạt được mục tiêu 25-30 cửa hàng, chúng tôi sẽ tiếp tục nghĩ về những động lực tiếp theo."
>>> Đọc thêm: Thành công của Zara - Sự kết hợp giữa văn hóa & khách hàng sáng tạo
Loan Nguyễn - Marketing AI
Theo cafef.vn
Bình luận của bạn