Trong những năm trở lại đây, quảng cáo truyền hình ở Việt Nam truyền thống từ chỗ áp đảo trở nên lép vế so với quảng cáo trên nền tảng số. Lượng khán giả nhà đài liên tục giảm, điều đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tài trợ quảng cáo của các đài. Chính Tổng giám đốc VTV Trần Bình Minh đã thừa nhận, nhân lực trong ngành truyền hình đang thừa nhiều, trong khi quảng cáo ngày càng bị thu hẹp do bị mạng xã hội cạnh tranh.
Thực trạng truyền hình Việt Nam
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng với Bộ TT&TT vào sáng ngày 8/9/2018, Tổng giám đốc VTV Trần Bình Minh đã nêu ra việc hiện nay nhân lực làm trong ngành truyền hình đang thừa nhiều quá, trong khi doanh thu quảng cáo của báo chí, truyền hình ngày càng giảm, vì bị mạng xã hội cạnh tranh thu hút tiền quảng cáo. Theo báo cáo của Bộ TT&TT, cả nước có 848 tờ báo và tạp chí, doanh thu quảng cáo đạt 65 triệu USD/năm. Cả nước có 67 đài truyền hình và trung tâm truyền hình, 34 doanh nghiệp truyền hình trả tiền, doanh thu quảng cáo trong lĩnh vực truyền hình đạt 414 triệu USD/năm.
>>> Xem thêm: Quảng cáo số đã vượt mặt “ông lớn” quảng cáo truyền hình
Hiện nhà nước đã cấp phép cho 436 mạng xã hội trong nước với số lượng người dùng ước đạt 46 triệu, trong đó Zalo là mạng xã hội lớn nhất với số lượng người dùng khoảng 40 triệu người, doanh thu quảng cáo đạt 7 triệu USD/năm. Trong khi đó, hai mạng xã hội nước ngoài là Facebook và Google có tổng cộng 95 triệu người dùng, doanh thu quảng cáo của hai mạng xã hội này ước đạt 370 triệu USD/năm.
Theo ông Trần Bình Minh, trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình, nhân lực đang thừa nhiều. Một đài truyền hình địa phương trung bình có 100 người, nhiều hơn là 150 - 200 người. Trong khi thực tế mỗi đài cấp tỉnh chỉ cần 50 người là nhiều, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại thì càng không cần nhiều nhân lực.
Cũng theo ông Minh, thị trường báo chí thực ra rất nhỏ. Tổng cộng doanh thu cả báo viết và quảng cáo trên truyền hình ở Việt Nam khoảng 480 triệu USD. Trong khi trên mạng Internet, doanh thu quảng cáo của Facebook và Google đạt 370 triệu USD. Nhưng con số này là vấn đề rất lớn. Vì con số quảng cáo của hai mạng xã hội nước ngoài càng ngày lớn lên thì quảng cáo truyền hình của báo, đài trong nước ngày càng giảm xuống. Khi doanh thu của các hãng công nghệ ngày càng tăng thì doanh thu báo chí càng giảm.
"Vì hiện nay bất cứ ai cũng có thể kiếm tiền dễ dàng, kiếm tiền trên nền tảng CNTT, Internet. Họ làm các game show, tin tức nhảm nhí rồi đăng lên mạng xã hội là kiếm được tiền. Thậm chí, bây giờ nhiều nội dung người ta không cần đến truyền hình nữa", ông Minh phát biểu.
Trong bức tranh quảng cáo truyền hình, chỉ cần những "ông lớn" như VTV giữ nguyên không tăng trưởng thì các đài nhỏ khác chắc chắn sẽ bị giảm doanh thu, bởi nguyên tắc khi quảng cáo là còn đài nào mạnh nhất thì họ hợp tác. Cuối cùng chỉ còn 2 - 3 đài lớn là có thể tự chủ được. Do đó, ông Trần Bình Minh đề nghị, nhà nước cần sớm có cơ chế đặt hàng các đơn vị truyền hình. Các đài cũng cần phải xây dựng đề án thay đổi, kèm với việc giảm người, phải làm rất mạnh thì mới tinh gọn được bộ máy.
Nhận định về quảng cáo trên truyền hình ở Việt Nam
VTV là một đài truyền hình quốc gia có uy tín lâu năm. Do đó, nó có vị trí, ý nghĩa hàng đầu trong hoạt động truyền thông, xây dựng thương hiệu của hầu hết các doanh nghiệp đang kinh doanh và phát triển tại thị trường Việt Nam. Với nhiều chương trình quảng cáo trên truyền hình ở Việt Nam khác nhau nên lượng khách xem các nội dung được phân hóa khá mạnh mẽ, theo từng chương trình phát sóng và từng quãng thời gian khác nhau.
Mặc dù quảng cáo truyền hình truyền thống đang ở giai đoạn khó khăn nhưng không đồng nghĩa với tương lai truyền hình sẽ lụi tàn. Một thực tế dễ nhận thấy, đó là trong mỗi gia đình những chiếc tivi vẫn có vị trí quan trọng phục vụ nhu cầu giải trí. Điều này vẫn được các nhà quảng cáo, thương hiệu đánh giá cao. Trong một thập niên trở lại đây, xu hướng xem truyền hình thông qua kết nối internet đang ngày càng phổ biến hơn là truyền hình cáp cũng như truyền hình truyền thống. Thậm chí nhiều người sẵn sàng trả thêm mức phí cho kênh HBO để được theo dõi trực tuyến những bộ phim ăn khách như: Game of Thrones hay Girls. Sự khác biệt lớn nhất nằm ở khả năng tương tác trực tiếp. VTV cũng đang làm rất tốt mảng truyền hình này khi bắt đầu có nút tua lại chương trình, kênh VTV Go cũng không phải ngoại lệ.
Kết
Có thể nói rằng, tương lai phát triển của quảng cáo trên truyền hình ở Việt Nam sẽ vẫn còn phát triển. Nếu để ý, các Marketer có thể dễ dàng nhận ra VTV đã và đang chi rất mạnh tay cho các siêu phẩm truyền hình phát sóng vào các khung giờ đắc đạo như Người phán xử, Quỳnh búp bê, Sống chung với mẹ chồng... Lý do rằng một bộ phim hot sẽ dễ dàng thu hút đông đảo người xem, từ đó lượng tài trợ cho quảng cáo cũng sẽ tăng lên. Để sống còn trong tương lai tới, các Marketer cần tinh ý vận dụng thêm nhiều loại kênh quảng cáo giúp hỗ trợ đem hình ảnh thương hiệu tới khán giả. Tinh ý và khôn khéo lồng quảng cáo vào các chương trình truyền hình giải trí hấp dẫn để thu hút người xem chắc chắn sẽ đem lại hiệu ứng không hề nhỏ.
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn
Bình luận của bạn