Thủ thuật đánh lừa người tiêu dùng trong siêu thị

03 Thg 05

Chắc hẳn không ít lần các bạn đi siêu thị và mua những món hàng mà tưởng như rất hời bởi đang có đợt sale khủng, tuy nhiên về nhà ngẫm nghĩ lại thì "hình như, mình đâu có cần dùng nhiều đến vậy". À thì ra bạn đã bị "dắt mũi" bởi các Marketers. Tuy nhiên, đừng buồn, bởi vì những thủ thuật này hiệu quả đến mức đánh lừa phần lớn các khách hàng tại siêu thị.

1. 99k thay vì 100k?

Bạn có bao giờ thắc mắc rằng tại sao rất nhiều siêu thị, cửa hàng thường đặt giá kết thúc bằng 0.9, 99, 999 thay vì làm tròn giá lên? Khi giá của sản phẩm gồm quá nhiều chữ số, người tiêu dùng thường chỉ để ý đến các chữ số đầu tiên bên trái và có xu hướng làm tròn giá sản phẩm. Tác động tâm lý này có tên khoa học là Hiệu ứng chữ số bên trái (The left digit effect). Điều này lý giải vì sao người ta luôn có cảm giác 199.000 đồng gần với 100.000 đồng hơn là 200.000 đồng mặc dù sự thật hoàn toàn ngược lại. Mặt khác, việc đặt số 9 bên cạnh các chữ số khác làm gia tăng sự chênh lệch khoảng cách giữa các số và khiến người mua có cảm giác các số còn lại nhỏ hơn. Tác động tâm lý này khiến giá của sản phẩm rẻ hơn khá nhiều trong suy nghĩ người tiêu dùng. Trong kinh doanh, số 9 có sức hút kì lạ và khá đặc biệt so với các chữ số khác. Một thí nghiệm của Haford tiến hành năm 2003 đã cho thấy một ví dụ rằng một chiếc váy bán chạy hơn hết khi có giá $59 thay vì $64 hay thậm chí $54.

2. Hiệu ứng chim mồi (Decoy Effect)

Hiệu ứng chim mồi xảy ra giữa quá trình tìm hiểu sản phẩm và quyết định cuối cùng của khách hàng. Khi khách hàng gặp khó khăn trong quá trình ra quyết định mua 1 trong 2 sản phẩm, người bán sẽ giải quyết bằng việc đưa ra lựa chọn trung gian thứ 3. Việc có thêm nhiều lựa chọn sẽ khiến người mua dễ hình dung chi phí cơ hội của từng lựa chọn hơn, lợi dụng điều này các nhà bán hàng hoàn toàn có thể “dắt mũi” khách hàng của mình. Ví dụ, khi mua hàng trong siêu thị, người mua hàng thường sẽ chọn mua một gói kẹo cỡ nhỏ có giá $3 thay vì một gói kẹo cỡ lớn có giá $8 bởi giá $8 là quá cao. Tuy nhiên nếu xuất hiện một gói kẹo cỡ vừa với giá $7, rõ ràng sự chênh lệch giữa gói kẹo lớn và vừa trở nên rất nhỏ, và gói kẹo $8 trở nên “rẻ” hơn đáng kể. Lúc này, hầu hết người mua hàng sẽ chọn mua gói kẹo với giá $8 dù họ không có nhu cầu tiêu thụ nhiều đến thế. Một ví dụ khá nổi tiếng về Decoy effect là thí nghiệm của Dan Ariely với các lựa chọn đặt mua báo The Economist: Chỉ nhận bản online: $59 Chỉ nhận bản in: $120 Nhận cả bản online và in: $125 Thí nghiệm trên 100 người cho thấy hầu hết đều chọn nhận cả bản online và bản in bởi có vẻ đó là lựa chọn “hời” nhất trong cả 3. Tuy nhiên khi lựa chọn thứ hai (Chỉ nhận bản in với giá $125) bị bỏ đi, số đông lại chọn chỉ đăng kí nhận bản online với giá $59.

3. Mua 1 tặng 1

Người tiêu dùng luôn bị thu hút bởi cụm từ “miễn phí”, và điều này khiến người ta có xu hướng mua nhiều hơn dự định. Việc được tặng miễn phí một món hàng nào đó khiến cho người mua thường có cảm giác họ được “lời” rất nhiều so với việc chỉ được giảm giá thông thường cho dù họ vẫn tỉnh táo nhận ra rằng BOGO (Buy one, Get one) chẳng khác gì các đợt giảm giá 50% bình thường. Một nghiên cứu của The Economist cũng chỉ ra rằng giữa việc nhận được nhiều hơn và phải trả tiền ít đi, con người vẫn có xu hướng thích lựa chọn đầu tiên hơn. Đối với người bán, các chương trình khuyến mãi “Mua 1 tặng 1” chứng tỏ sự hiệu quả hơn rất nhiều so với các chương trình khuyến mãi giảm giá thông thường. Do tâm lý thích hàng miễn phí, khách hàng sẽ có xu hướng mua nhiều hơn họ cần, thậm chí ngay cả khi họ không có nhu cầu tiêu dùng món hàng thứ hai họ được tặng. Dĩ nhiên, điều này sẽ khiến doanh số bán hàng tăng lên đáng kể, đặc biệt là đối với ngành hàng FMCG.

Theo Tomorrow Marketer

MarketingAI - Admicro

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.