Có thể nói, khái niệm nước giải khát xuất hiện lần đầu tiên từ thế kỷ 17. Thế nhưng, phải đến những năm 1880 thì thị trường nước giải khát mới tràn ngập các loại nước uống có nhãn hiệu như bây giờ. Với một quốc gia nằm ở khu vực nhiệt đới, thì nước giải khát tại Việt Nam được đánh giá có sức tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu. Con số đó được thể hiện ra sao? Và các doanh nghiệp đang gặp những khó khăn thách thức gì? hãy cùng MarketingAI tìm hiểu.
Thị trường nước giải khát với những con số ấn tượng
Nước giải khát là một mặt hàng thuộc nhóm ngành FMCG, nó có sức tiêu thụ lớn nằm trong top những mặt hàng có sản lượng bán ra nhiều nhất nhóm ngành này. Trên thế giới, đây cũng là mặt hàng được nhiều thương hiệu nổi tiếng đầu tư và tham gia nhất, tại nhiều quốc gia, đây là mặt hàng có lượng người sử dụng bình quân/ ngày ở mức gần 50%. Con số cực kỳ ấn tượng!
10 thị trường hiện nay đang dẫn đầu trên thế giới về doanh số cũng như sản lượng tiêu thụ như sau:
Đứng đầu là Mỹ với con số cao gấp 2 lần nước đứng ở vị trí số 2 là Nhật Bản (176.053,8 triệu USD so với 86.480,8 triệu USD). Xếp lần lượt ở những vị trí theo sau là: Trung Quốc, Brazil, Đức, Mexico...Cũng theo thống kê thì lượng nước giải khát trung bình của người dân Mỹ tiêu thụ 216 lít/ năm, đất nước xếp theo sau là Ireland và Na Uy. riêng việc tiêu thụ nước ép trái cây, đứng đầu là người dân Canada với 52,5 lít/người/năm, kế đến là Mỹ và Đức.
Còn tại Việt Nam, theo những số liệu thống kê được, ngành hàng này đang có những con số tăng trưởng cực kỳ cao. Khi mà bình quân người Việt nam tiêu thụ mặt hàng nước giải khát trên 23 lít/ người/ năm. Thêm vào đó, 85% là con số mà các doanh nghiệp nước giải khát đang nắm giữ tỷ lệ sản xuất trong cả 1 ngành hàng bia rượu, nước giải khát. Cũng theo nhiều chuyên gia dự tính thì đến năm 2020, thị trường nước giải khát Việt nam sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng đạt khoảng 8,3 - 9,2 tỷ lít/ năm.
Thị trường nước giải khát Việt Nam: Cơ hội thì nhiều nhưng không hề dễ ăn!
Hiện nay theo ước tính của hiệp hội bia rượu - nước giải khát Việt Nam, thì có khoảng 1800 cơ sở sản xuất nước giải khát. Mức tăng trưởng hàng năm tăng đều ở mức 6-7%, trong khi ở những thị trường khác như Pháp, Nhật Bản chỉ kỳ vọng đạt 2%/ năm.
Cũng theo một số liệu từ vtown.vn thì nước ngọt có ga chiếm tới 23,74% thị phần nước giải khát. Thế nhưng, đây dường như chưa phải là mặt hàng chiếm ưu thế, khi mà Trà mới là mặt hàng được ưu ái tại đây chiếm đến 36,97% thị phần. Có thể thấy rõ lý do tại sao, Việt Nam là một quốc gia Á Đông và trà là thức uống truyền thống có từ rất lâu đời đã ăn sâu vào tâm trí của người Việt. Nước tăng lực chiếm vị trí ngay sau với 18,28%, nước ép hoa quả là 10,91% và nước khoáng là 5,45%.
Đã có rất nhiều công ty đầu tư vào thị trường đầy tiềm năng này thế nhưng ông Lê Phụng Hào, chủ tịch hiệp hội Marketing Việt Nam cho hay:" Trong cuộc chơi này các doanh nghiệp FDI (Foreign Direct Investment - Các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có nhiều lợi thế về quy mô sản xuất. Điển hình như công ty TNHH Nước Giải Khát Suntory PepsiCo Việt Nam (SPVB)".
Suntory PepsiCo là tập đoàn sở hữu các thương hiệu nước đóng chai nổi tiếng như: Aquafina, Trà Ô Long Tea+, IceTea, Pepsi, 7Up, Lipton, Sting....Hiện nay, đây cũng là tập đoàn dẫn đầu trên thị trường sau 25 năm gia nhập thị trường. Mặc dù vậy, tập đoàn này cũng phải chịu áp lực đến từ rất nhiều cái tên khác muốn "xâm chiếm" miếng bánh thị phần béo bở. Điển hình là tập đoàn Tân Hiệp Phát, đây là tập đoàn của Việt Nam được thành lập năm 1994, đến nay tập đoàn sở hữu một loạt những cái tên nổi trội trong ngành nước giải khát. Điển hình, phải kể đến như: Trà xanh không độ, Trà giải nhiệt Dr.Thanh, Number 1, trà sữa Machiato...
Kido, Coca-Cola là một trong số những cái tên cũng có sức tăng trưởng mạnh mẽ và chiếm giữ vị trí nhất định trong tổng thị phần của ngành hàng này. Các thương hiệu Việt cũng rất nhiều hãng tập trung khai thác gia nhập thị trường này, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ. Hãy xem tới trường hợp của "Xá Xị Chương Dương", sản phẩm này từng một thời thống lĩnh thị trường phía Nam, thế nhưng giờ đây, nó đã trở vào quên lãng và thị phần thì gần như bằng 0%.
Dù là miếng bánh ngon, cuộc chạy đua giành thị phần đòi hỏi nhiều yếu tố mà nếu sảy chân doanh nghiệp dễ bị đuối sức. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề được dư luận rất quan tâm, chính vì vậy, để xây dựng thương hiệu của mình, doanh nghiệp bắt buộc phải đưa việc “cam kết chất lượng” lên ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh yếu tố quan tâm đến thương hiệu thì hiện nay trên thị trường, người dùng đang quan tâm đến nhiều thứ khác hơn là vấn đề thương hiệu. Một trong những xu hướng nổi rõ trong vài năm trở lại đây của ngành thực phẩm nói chung và giải khát nói riêng chính là "yếu tố chất lượng". Theo nghiên cứu thị trường của Mintel về 12 xu hướng mới của ngành này, thì trào lưu sử dụng thức uống tốt cho sức khỏe, thành phần rõ ràng, tự nhiên là những cụm từ được khách hàng quan tâm hơn cả. Với một thị trường đang dần có sự khó tính hơn, thì các thương hiệu hiện nay không chỉ cần quan tâm đến số lượng mà chất lượng mới là thứ đặt lên hàng đầu.
Có thể thấy với một thị trường gần 2000 cơ sở sản xuất nước giải khát, cùng với đó là mức tăng trưởng ấn tượng qua từng năm ở lĩnh vực nước giải khát. Thì có thể thấy được, các thương hiệu đang có rất nhiều cơ hội để phát triển, đặc biệt khi xu hướng hiện nay không tập trung quá vào thương hiệu, đây là mấu chốt để rất nhiều cái tên mới nổi lên, đôi khi là vượt mặt các tên tuổi có thâm niên khác. Nhưng các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức, chỉ cần một cú sảy chân nho nhỏ là có thể đánh sập uy tín thương hiệu đã mất nhiều năm gây dựng. Hãy thử nhìn vào trường hợp của Tân Hiệp Phát với sự kiện có ruồi trong sản phẩm, bắt nguồn từ một bài đăng trên Facebook, nó đã làm cho thương hiệu này lao đao trong một thời gian dài. Đến tận 2018, hãng mới có thể lấy lại danh tiếng như trước và giải quyết khủng hoảng một cách ổn thỏa.
Kết luận
Thị trường nước giải khát được đánh giá là sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019. Tất cả các thương hiệu đang chuẩn bị để bước vào "Trận chiến" của năm nay, đây sẽ là thời điểm các chiến lược truyền thông được sẵn sàng nổ ra để thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm của mình. Cho nên, việc nghiên cứu được điểm yếu, điểm mạnh của thị trường là điều cần thiết để có thể tạo ra được chiến dịch hiệu quả cho doanh nghiệp của mình.
Thắng Nguyễn - MarketingAI
Bình luận của bạn