Dẫu cắt giảm chi tiêu, quà Tết vẫn là nhóm sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nhu cầu quà Tết 2025
Từ xưa đến nay, tặng quà lễ Tết để bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn, tri ân đã trở thành một truyền thông trong văn hóa đón Tết Nguyên Đán của người Việt Nam. Vì vậy, thị trường giỏ quà tết luôn là một miếng bánh màu mỡ cho các doanh nghiệp đặc biệt là các nhà bán lẻ như siêu thị đại siêu thị hay cửa hàng bách hóa.
Trong năm 2024, bất chấp những áp lực về tài chính phải thắt chặt chi tiêu, người tiêu dùng vẫn cho thấy sự quan tâm rất lớn đối với các giỏ quà Tết. Theo YouNet Media, "Spending on gift" trở thành một trong những động lực mua sắm Tết hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2024. Trong đó, tỷ lệ người tiêu dùng ưu tiên sắm quà Tết đã tăng trưởng mạnh từ 23.9% trong năm 2023 lên đến 34.4%, trái ngược với những khoản chi tiêu khác như "Tiền lì xì", "Từ thiện" đều giảm.
Không nằm ngoài xu hướng đó, quà tặng tiếp tục là một chủ đề được người tiêu dùng quan tâm trong dịp Tết 2025 này. Thị trường giỏ quà Tết 2025 đã rất sôi động từ đầu tháng 12, từ những siêu thị lớn như Lotte Mart, siêu thị GO! Thăng Long, Aeon Mall, Sài Gòn Coop, chuỗi cửa hàng tiện lợi Hưng Long, Bác Tôm, Sói Biển... cho tới các cửa hàng tạp hóa Và thậm chí là những người bán hàng online, ….đều đã bắt đầu cho lên kệ những giỏ quà tết rất bắt mắt.
Nhưng cũng chính số lượng nhà cung cấp quà Tết quá lớn với hàng loạt quảng cáo quá dồn dập đã khiến cho người tiêu dùng dần cảm thấy “mất hứng” trước các thông điệp quảng cáo giỏ quà Tết. Theo báo cáo của YouNet Media, mức độ thảo luận về chủ đề quà Tết đã trở nên bão hòa, cho thấy người tiêu dùng vẫn nhu cầu quà Tết cao nhưng không còn hứng thú khi lựa chọn giỏ quà Tết.
Điều này vừa là thách thức cạnh tranh nhưng cũng là cơ hội để các nhà cung cấp giỏ quà Tết sáng tạo thêm các thông điệp, cách quảng bá độc đáo mới lạ, để chinh phục người tiêu dùng giữa thị trường đông đúc này.
Xu hướng kinh doanh giỏ quà Tết 2025
#1. Thấu hiểu rào cản & tiêu chí mua quà Tết của người tiêu dùng
Theo YouNet Media, số lượng thảo luận về các rào cản mua quà Tết đã tăng lên khá nhiều trong năm 2024. Trong đó những rào cản phổ biến nhất của người tiêu dùng khi lựa chọn quà Tết bao gồm:
- Ưu tiên các hoạt động khác
- Tiết kiệm
- Lịch trình bận rộn
- Chi phí hàng hóa tăng cao
Như vậy có thể thấy, các rào cản mua quà Tết của người tiêu dùng chủ yếu xoay quanh yếu tố về: Chi phí & Thời gian. Mặt khác những tiêu chí của người tiêu dùng khi lựa chọn giỏ quà Tết cũng xoay quanh 2 yếu tố này:
Giá cả hợp lý
- Đủ dùng
- Đóng gói đẹp
- Sang trọng
- Ngon
Vì vậy, việc cung cấp những giỏ quà Tết với chi phí hợp lý và hình thức mua sắm tiện lợi sẽ giúp các thương hiệu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tốt hơn.
#2. Các sản phẩm Healthy mở ra cơ hội mới
Theo báo cáo Kantar, vẫn có tới 77% hộ gia đình nhận sử dụng các mặt hàng FMCG làm quà tặng trong dịp Tết năm ngoái. Cho thấy ngành hàng FMCG vẫn đang chiếm giữ vị thế quan trọng trong thị trường quà Tết. Tuy nhiên, xu hướng lựa chọn các sản phẩm FMCG đã có sự chuyển biến mới.
Do nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao, người tiêu dùng cũng dần ưu tiên những sản phẩm tốt cho sức khỏe trong dịp Tết và giảm thiểu các sản phẩm không lành mạnh. Báo cáo từ Kantar đã cho thấy các sản phẩm dinh dưỡng như: Đồ ăn nhẹ và các loại hạt, sữa chua cốc hoặc tổ yến,... đang là những danh mục có sự tăng trưởng cao nhất trên thị trường quà Tết. Trong khi đó, những sản phẩm như bánh kẹo ngọt, rượu bia, dù vẫn chiếm tỷ trọng cao nhưng đã có xu hướng giảm nhẹ.
Vì vậy, những giỏ quà Tết tốt cho sức khỏe đang dần chinh phục người tiêu dùng bởi sự thiết thực, ý nghĩa và phù hợp với lối sống lành mạnh của người tiêu dùng hiện nay.
#3. Các mặt hàng thiết yếu & chi phí hợp lý được ưu tiên thay vì những sản phẩm hào nhoáng
Ảnh hưởng bởi nhu cầu thắt chặt chi tiêu, người tiêu dùng cũng dần ưu tiên những bộ quà tặng Tết thiết thực, hữu ích với giá cả phải chăng hơn là những bộ quà tặng hào nhoáng. Theo Kantar một số sản phẩm như: Dầu ăn, Gia vị, Mỳ, Bột ngọt, Nước tương, Nước mắm,... đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trên thị trường quà Tết bởi tính hữu ích, đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày.
Nhìn chung có thể thấy được hai loại hình quà tặng Tết đang lên ngôi trong dịp Tết này bao gồm: Sản phẩm dinh dưỡng & Sản phẩm thiết yếu, đặc biệt là tại các khu vực thành thị. Vì vậy, việc nắm bắt những thị trường ngách còn mới mẻ này sẽ giúp các thương hiệu đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường quà Tết 2025.
#4. Hàng Việt & Đặc sản vùng miền sẽ chiếm ưu thế
Năm 2024 là một năm có rất nhiều sự kiện đặc biệt đối với người tiêu dùng Việt Nam, từ những mất mát, thiên tai cho tới những chiến thắng trên đấu trường thể thao,... Những sự kiện này một lần nữa khơi dậy tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Điều này tạo cơ hội cho các sản phẩm của thương hiệu nội địa Việt có thể tiếp cận tới người tiêu dùng dễ dàng hơn trong dịp Tết này.
Mặt khác, khi lựa chọn giỏ quà Tết, người tiêu dùng cũng có xu hướng chọn những sản phẩm mang hương vị đặc sản của vùng miền. Tại nhiều siêu thị, các giỏ quà hàng Việt cũng đang chiếm tới hơn 90%.
Vì vậy, việc khai thác những món quà đặc sản vùng miền & kết hợp khéo léo cùng các thông điệp truyền thống, văn hóa sẽ giúp giỏ quà Tết của thương hiệu dễ dàng chinh phục người tiêu dùng trong mùa Tết 2025 này.
#5. Yếu tố truyền thông: Khai thác yếu tố cảm xúc & Nhấn mạnh giá trị thực tế
Cùng với sự thay đổi trong nhu cầu mua sắm giỏ quà Tết, cách thức tiếp cận người tiêu dùng của các thương hiệu cũng cần có sự đổi mới. Như như trước đây các thông điệp thường hướng tới sự sang trọng, tập trung vào vẻ ngoài và sự hào nhoáng của các giỏ quà Tết. Thì trong bối cảnh thị trường hiện nay, yếu tố cảm xúc và giá trị thiết thực sẽ là những điểm giúp thương hiệu hạ gục người tiêu dùng.
Về yếu tố cảm xúc, thương hiệu có thể nâng tầm giỏ quà Tết thông qua những giá trị tình cảm như: Sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, Lời tri ân gửi tới cha mẹ, Lời chúc đủ đầy,... Từ đó, khiến cho giỏ quà Tết của thương hiệu trở nên ý nghĩa hơn trong mắt người tiêu dùng. Thương hiệu có thể tạo nên những giá trị này thông qua thiết kế bao bì, kết cấu sản phẩm hoặc sử dụng nghệ thuật storytelling để truyền thông trên mạng xã hội,...
Ví dụ như giỏ quả Tết của Nestle đã khéo léo lồng ghép những lời chúc đủ đầy trong từng sản phẩm:
- Bao bì: Chọn Nestle cầu đủ là được
- Chiến lược truyền thông: Các sản phẩm trong bộ quà tặng Nestle được gắn với những lời chúc như: Nescafé - "Cầu đủ lộc là được", Nestlé MILO - "Cầu mạnh khỏe là được", Maggi - "Cầu tích cực là được", LaVie “Cầu chút yên là được",....
Về tính thiết thực, thương hiệu nên nhấn mạnh vào những công dụng thực tế của bộ quà Tết như: Dinh dưỡng, Tốt cho sức khỏe,... để thu hút người tiêu dùng.
Lời kết:
Nhìn chung, xu hướng lựa chọn giỏ quà Tết cũng sẽ thay đổi như thói quen chi tiêu của người tiêu dùng hiện nay. Những sản phẩm tốt cho sức khỏe, có tính thiết thực trong cuộc sống hằng ngày sẽ là những món quà Tết được ưa chuộng bởi người tiêu dùng hiện nay. Ngoài ra, thương hiệu cũng cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận người dùng, tập trung vào những thông điệp mang tính thực tiễn, lồng ghép những câu chuyện cảm xúc,... để có thể chinh phục người tiêu dùng trên thị trường quà Tết cạnh tranh này.
Bình luận của bạn