Hiện nay ngày càng có nhiều thương hiệu chi mạnh tay hơn cho các chiến dịch Influencer Marketing, thậm chí theo một khảo sát gần đây, có tới 57% doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng mức ngân sách dành cho Influencer trong năm 2020. Chắc chắn rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong tương lai, khi mà các chiến dịch Influencer đã và đang thu về nhiều kết quả tích cực cho doanh nghiệp. Trong một khảo sát với các Marketer, 80% trong số họ ghi nhận hiệu suất từ nội dung tạo ra bởi Influencer tốt hơn hẳn so với nội dung của chính thương hiệu. Đó là chưa kể, 61% người dùng trong độ tuổi 18 - 34 ghi nhận việc quyết định mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi các Influencer trên mạng.
Tuy nhiên như vậy là chưa đủ, các thương hiệu muốn nhiều hơn nữa. Họ muốn biết rằng mình đang tiếp cận tới đúng khách hàng, họ muốn kiểm tra xem dạng nội dung nào sẽ thu về nhiều lượt tương tác nhất. Dĩ nhiên, họ còn muốn thấy được kết quả thu về tương xứng với mức đầu tư đã bỏ ra, cũng như khả năng đo lường được kết quả kinh doanh một cách nhất quán. Vấn đề ở đây chính là số tiền mà các thương hiệu đầu tư vào Influencer Marketing đang tăng lên từng ngày, tuy nhiên chỉ có 18% Marketer đồng ý rằng họ có thể tích hợp Influencer Marketing vào trong việc tính toán ROI tổng thể của chiến dịch Digital Marketing.
Đây cũng là lý do mà nhiều Marketer nên chú ý tới những quảng cáo Branded Content Instagram (tạm dịch: quảng cáo hợp tác với thương hiệu trên Instagram). Đây là tính năng được Instagram ra mắt hồi tháng 6 năm ngoái, mang tới cho Marketer thêm nhiều cách để tối đa hóa hiệu quả chiến dịch Influencer Marketing, cũng như xác định được phân khúc khách hàng và theo dõi hiệu suất quảng cáo. Dù sở hữu nhiều ưu điểm như vậy, tuy nhiên hiện nay chưa nhiều Marketer biết đến cũng như cách sử dụng nó. Cụ thể về cách thức hoạt động của tính năng này sẽ được giới thiệu ở phần dưới.
Sự đột phá trong quảng cáo trên mạng xã hội
Quay lại thời điểm năm 2017, Instagram đã từng giới thiệu về tính năng mới mang tên Paid Partnership tag (tạm dịch: thẻ Đối tác có trả phí).
Nhìn vào hình minh họa trên có thể thấy, thẻ này đóng vai trò như một nút đánh dấu được Influencer thêm vào cho bài đăng của mình. Thẻ này sẽ xuất hiện ở ngay phía trên bài viết hoặc Story và dưới tên tài khoản của Influencer. Mục đích của nó là để tăng tính minh bạch của những bài viết hợp tác quảng cáo. Khi việc hợp tác với Influencer đang ngày càng phát triển trên Instagram, việc ra mắt Paid Partnership tag giúp người dùng tránh bị nhầm lẫn. Cho đến thời điểm năm ngoái, Instagram đã đưa tính năng này tiến thêm một bước. Với những thương hiệu, Influencer đã và đang sử dụng Paid Partnership tag - hay thẻ Đối tác có trả phí, thì giờ đây Instagram đã mang đến cho họ một sự lựa chọn mới mang tên Branded Content Ads (tạm dịch: Quảng cáo nội dung thương hiệu)
Hiểu đơn giản, tính năng này sẽ cho phép thương hiệu biến nội dung được tạo ra thông qua sự hợp tác với Influencer thành các quảng cáo, mang tới cho thương hiệu một cách đơn giản để nâng cao hiệu suất của những bài đăng/Story này thay vì chỉ dựa vào những tương tác tự nhiên từ phía tài khoản Influencer. Quan trọng hơn, tính năng này còn cho phép các thương hiệu quảng cáo chính những bài đăng từ Influencer ngay trên trang cá nhân của họ, trái ngược với việc chia sẻ lại từ chính tài khoản thương hiệu. Điều này giúp cho bài đăng có cảm giác tự nhiên hơn, bớt cảm giác gượng ép đây là bài đăng quảng cáo cho một thương hiệu. Dĩ nhiên, trên bài đăng vẫn xuất hiện dòng chữ “Sponsored (tài trợ)”, cũng như xuất hiện tag “Paid Partnership” ở phần dưới. Tuy nhiên nếu nội dung này hiển thị từ tài khoản của Influencer thì có thể mang lại kết quả khả quan hơn hẳn so với tài khoản của doanh nghiệp/ thương hiệu.
Những lợi ích mà tính năng Branded Content mang lại
Vậy tính năng Branded Content Ads (Quảng cáo nội dung thương hiệu) mang lại cho doanh nghiệp, thương hiệu những lợi ích gì?
Đầu tiên, hãy xét đến khả năng tiếp cận. Khi một thương hiệu đầu tư vào Branded Content thì về mặt logic, họ muốn tiếp cận tới nhiều người nhất có thể thông qua một hoặc nhiều bài đăng. Branded Content Ads có thể mở rộng quy mô bài đăng của Influencer để tiếp cận tới những người đã theo dõi họ. Trong khi Influencer Marketing phụ thuộc khá nhiều vào lượng tiếp cận tự nhiên (organic), Branded Content có thể tiếp cận rộng hơn thế khi có thể giúp thương hiệu tiếp cận tới cả những người không theo dõi Influencer mà họ hợp tác.
Tiếp theo là khả năng xác định khách hàng mục tiêu. Là một thương hiệu, chắc chắn phải xác định nhóm khách hàng mục tiêu sẵn trong đầu - từ tuổi, giới tính, vị trí địa lý cho đến các yếu tố nhân khẩu học khác. Rất nhiều khả năng, nhóm người theo dõi của Influencer mà bạn sắp hợp tác lại không tương thích hoàn toàn với những yếu tố kể trên, đồng nghĩa rằng nội dung quảng cáo của bạn sẽ chỉ tiếp cận được một phần của nhóm khách hàng dự định, từ đó giảm đi khả năng đạt được mục đích của chiến lược Influencer Marketing. Tuy nhiên với Branded Content Ads thì mọi vấn đề này có thể khắc phục hoàn toàn, bởi lẽ tính năng này giống như bạn thiết lập chạy quảng cáo vậy. Có nghĩa thương hiệu có thể xác định được đối tượng mà quảng cáo này sẽ tiếp cận tới, từ đó tăng độ chính xác và giúp thương hiệu tiếp cận tới đúng đối tượng mục tiêu. Với tính năng này, giờ đây các thương hiệu có thể thoải mái lựa chọn Influencer để hợp tác mà không bị bận tâm bởi khả năng tiếp cận của họ.
Cuối cùng, nhờ tính năng Shopping Tags (tạm dịch: Thẻ Mua sắm) mà Instagram mới bổ sung gần đây, Branded Content Ads có thể mang đến cho người xem quảng cáo một trải nghiệm mua sắm trọn vẹn. Với sự bùng nổ của thói quen sử dụng điện thoại di động cũng như mạng xã hội thương mại, tất cả đã thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong thời gian gần đây. Hiểu đơn giản, khi người dùng mạng xã hội bắt gặp một sản phẩm và thích nó, họ muốn nhấp vào và mua nó ngay lập tức, không điều hướng sang trang khác, không đợi chờ, mọi thứ diễn ra chỉ trong thời gian ngắn. Chính sự xuất hiện của Branded Content Ads đã đưa mong muốn này của khách hàng trở thành hiện thực.
Một lưu ý rằng, hầu hết các tài khoản Influencer chưa thể sử dụng tính năng này cho bài đăng của họ, tuy nhiên thông qua Branded Content Ads thì những bài đăng này lại có thể sử dụng, cho phép người xem mua sắm một cách dễ dàng.
Sử dụng Branded Content Ads một cách hiệu quả
Mặc dù những người tiếp cận sớm công cụ này đang gặt hái những lợi ích, một số người cũng nhận thấy quy trình này thủ công hơn các tùy chọn quảng cáo được thiết lập khác. Chính vì vậy, hãy thử một vài cách sau để tối ưu hóa quy trình.
1. Đặt ra yêu cầu rõ ràng
Khi đưa yêu cầu tới Influencer, đảm bảo rằng họ biết được thương hiệu có ý định sử dụng Paid Partnership và Branded Content Ads, từ đó họ sẽ hiểu được tình hình và đưa ra những nội dung phù hợp. Điều này còn giúp đảm bảo cho các bước quan trọng ở những giai đoạn đầu của chiến dịch sẽ vận hành suôn sẻ. Lấy ví dụ như khi thương hiệu có ý định quảng cáo một nội dung Instagram Story, nội dung đó sẽ không được xuất hiện các hình GIF hay hashtag.
2. Tối ưu hóa công cụ Ads Manager (Quản lý quảng cáo)
Một bước chuẩn bị hữu ích khác chính là tải lên toàn bộ danh sách Influencer mà bạn hợp tác lên Facebook Ads Manager, trước khi họ tạo ra các nội dung. Bằng cách đó, khi các Influencer thêm Paid Partnership Tag, bạn sẽ không cần phải phê duyệt chúng một cách thủ công cho từng Influencer.
3. Chuẩn bị sẵn mục tiêu rõ ràng ngay từ đầu
Tính năng Branded Content Ads cực kỳ thích hợp để tạo ra chuyển đổi, dù nằm ở khía cạnh thúc đẩy doanh thu hay tăng số lượng tải xuống của ứng dụng. Khi thiết lập các mục tiêu cho chiến lược Marketing, hãy ưu tiên các số liệu kinh doanh thay cho những số liệu phù phiếm (như là sự tương tác), từ đó bạn có thể đo lường được hiệu quả và ROAS (Return On Advertising Spend - Mức thu hồi từ chi tiêu cho quảng cáo).
4. Học hỏi từ những nội dung tự nhiên
Khi bạn đang chạy một chiến dịch Influencer Marketing, hãy đo lường hiệu suất của các bài đăng tự nhiên từ Influencer, từ đó học hỏi và tìm ra những dạng nội dung mang lại hiệu quả cao nhất và đáng để đầu tư tiền chạy quảng cáo. Một nội dung tốt tạo ra bởi Influencer sẽ là tiền đề để thương hiệu chạy quảng cáo cho nó và thu về những kết quả ấn tượng. Đó là chưa kể, với Branded Content Ads thì thương hiệu sẽ có thêm vài thứ bổ sung cho chiến dịch Influencer Marketing của mình, tiếp cận tới chính xác khách hàng mục tiêu thay vì chỉ dựa vào lượng người theo dõi tự nhiên từ Influencer, từ đó mang lại những kết quả khả quan hơn hoàn toàn.
Tạm kết
Sự xuất hiện của Branded Content Ads đã đưa cuộc chơi Influencer Marketing của các thương hiệu trên Instagram lên một tầm cao mới. Tính năng này mang đến cho thương hiệu nhiều cơ hội để tiếp cận tới khách hàng của mình. Dù rằng việc này có thể tốn thêm chút công sức, chưa kể việc quản lý và hiểu tường tận được tính năng này cần thời gian, cũng như phải thử nghiệm nhiều lần. Tuy nhiên kết quả mà nó mang lại hoàn toàn xứng đáng với những công sức mà thương hiệu và doanh nghiệp đã bỏ ra.
Tuấn Anh - MarketingAI
Theo Socialmediatoday
Bình luận của bạn