Trong phần 1 của bài viết, chúng ta đã cùng điểm qua những thông tin quan trọng nhất về khái niệm cũng như 9 nguyên tắc "vàng" của trường phái tâm lý học Gestalt. Phần tiếp theo đây, hãy cùng MarketingAI khám phá những ứng dụng của trường phái này trong hoạt động tiếp thị truyền thông, thiết kế logo và thiết kế web thông qua những bài học thành công trong thực tế từ các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Ứng dụng tâm lý học Gestalt trong tiếp thị và truyền thông
Gestalt cung cấp các công cụ để tạo ra hình ảnh hoặc thông điệp có thể thu hút đối tượng mục tiêu, đồng thời tăng độ nhận diện thương hiệu. Hơn nữa, các nhà tiếp thị có thể khai thác các quy luật được liệt kê ở trên để “thao túng” tâm trí của người tiêu dùng bằng cách tiếp cận gián tiếp, khai thác sức mạnh của tâm trí.
Quảng cáo là lĩnh vực được các nhà tiếp thị áp dụng lý thuyết Gestalt một cách phổ biến. Mỗi năm, số lượng quảng cáo mà người tiêu dùng trung bình tiếp xúc đang tăng lên theo cấp số nhân. Theo ước tính vào năm 2021, mỗi người sẽ tiếp xúc với khoảng 6.000-10.000 quảng cáo mỗi ngày. Vì lý do này, các nhà tiếp thị luôn tìm kiếm các kỹ thuật truyền thông mới để truyền tải thông điệp hiệu quả, gây ấn tượng với đối tượng mục tiêu từ đó tác động đến hành vi mua hàng của họ.
Âm thanh, màu sắc và hình ảnh được lựa chọn cho các quảng cáo truyền hình hoặc chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội không phải là ngẫu nhiên: mỗi người tiêu dùng có xu hướng phản ứng với chúng theo độ tuổi, nền tảng cảm xúc, kinh nghiệm trong quá khứ và trình độ học vấn. Đây là những khái niệm được thiết lập tốt trong não của chúng ta và là cơ quan hướng dẫn nhận thức của chúng ta về với thực tại.
Vì vậy, tùy thuộc vào sản phẩm hoặc dịch vụ muốn quảng bá, hãy cân nhắc và xem xét một cách kỹ lưỡng các yếu tố này để có thể tạo nên một chiến dịch có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến đối tượng mục tiêu và truyền tải thông điệp sao cho phù hợp.
Bây giờ hãy cùng xem một số ví dụ về cách các thương hiệu quốc tế đã kết hợp các quy luật Gestalt vào quảng cáo của họ.
Coca-Cola
Quảng cáo này của Coca-Cola là một ví dụ về việc áp dụng quy luật cận kề trong thiết kế: bộ não của chúng ta đã tự động nhóm các chai lại và nhận thức chúng như một tổng thể chứ không phải là các hình ảnh riêng lẻ. Vì vậy, ban đầu chúng ta không cảm nhận được các chai riêng lẻ được đặt cạnh nhau mà thay vào đó là hình ảnh một nụ cười.
>>> Xem thêm: Chiến lược marketing của Coca-Cola
Điều này có ý nghĩa gì?
Người tiêu dùng sẽ có xu hướng liên tưởng Coca-Cola với nụ cười, đồng nghĩa với sự hạnh phúc và niềm vui. Điều này có thể tạo nên một động lực mua hàng mạnh mẽ hơn đối với người tiêu dùng.
Ngoài ra, Coca-Cola còn sở hữu rất nhiều print ads sáng tạo và thú vị khi áp dụng các nguyên tắc của trường phái Gestalt, chẳng hạn như hai bức hình dưới đây:
Heinz
Trong quảng cáo này, Heinz, một công ty nông sản của Hoa Kỳ, đã sử dụng quy luật khép kín mà theo đó chúng ta có xu hướng lấp đầy và liên kết các khoảng trống ngăn cách các yếu tố với nhau để cảm nhận một hình ảnh hoàn chỉnh. Điều này giải thích lý do tại sao chúng ta nhìn thấy hình ảnh một chai nước sốt cà chua, trong khi nếu nhìn kỹ hơn, sẽ thấy rõ rằng chai này được tạo thành từ những lát cà chua. Bằng cách này, công ty muốn truyền tải thông điệp với người tiêu dùng rằng Ketchup của họ được làm hoàn toàn từ cà chua tươi.
Nescafè
Nescafè đã khéo léo khai thác mối liên hệ cổ điển giữa giấc ngủ-caffein, bằng cách dựa trên quy luật đồng dạng giữa các chữ cái “N” và “Z”: chữ “Z” - thường được sử dụng để biểu thị hành động ngủ hoặc thức dậy bằng cách xoay và chuyển thành chữ “N” trùng hợp với chữ cái đầu của thương hiệu. Đồ họa đi kèm với tagline “Nothing wakes you up as Nescafé” miêu tả ý tưởng về cách cà phê giúp chúng ta chống lại cơn buồn ngủ và mệt mỏi đồng thời mang lại năng lượng cho ngày mới đầy hứng khởi hơn.
>>> Có thể bạn quan tâm: Chiến lược marketing của Nestle
Ứng dụng tâm lý học Gestalt trong thiết kế logo
Các nguyên tắc của Gestalt từ lâu đã được các nhà thiết kế sử dụng rộng rãi trong việc sáng tạo logo vì chúng cho phép tạo ra các dự án đồ họa độc đáo và hấp dẫn, có khả năng kích thích sự tham gia, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và tạo ra một dấu ấn ổn định trong tâm trí khách hàng. Hãy xem một số ví dụ về các logo nổi tiếng nhờ ứng dụng các nguyên tắc Gestalt.
WWF
Logo của WWF là một ví dụ điển hình về việc sử dụng quy luật khép kín: mặc dù hình dạng của gấu trúc không hoàn chỉnh nhưng chúng ta có thể cảm nhận toàn bộ con vật khi tâm trí chúng ta tự động liên kết các khoảng trắng.
Pittsburgh Zoo
Pittsburgh Zoo đã khai thác nguyên tắc phức hợp hình ảnh để tạo nên logo của mình. Logo là sự kết hợp của 3 hình ảnh riêng biệt bao gồm một cái cây, một con khỉ đột và một con sư tử.
Formula 1
Cuối cùng, logo của Formula 1 sử dụng quy luật chính/phụ: chúng ta coi chữ “F” và lá cờ là các chủ thể và số “1” là một phần của nền.
Ứng dụng tâm lý học Gestalt trong thiết kế web
Hiểu được cách thức hoạt động của bộ não và cách chúng ta nhìn nhận thực tế cũng rất hữu ích cho thiết kế một trang web thành công và thân thiện với người dùng. Một trang web hoạt động tốt cần đảm bảo cả về mặt giao diện, khả năng sử dụng và đáp ứng trải nghiệm người dùng. Tâm lý học Gestalt giúp chúng ta hiểu các yếu tố hình ảnh nào đem lại hiệu quả ở một vị trí nhất định để tác động đến nhận thức, sự chú ý và gây ra các thay đổi hành vi ở người dùng.
Ví dụ, Ebay, trang bán hàng và đấu giá trực tuyến, đã khai thác nguyên tắc tương đồng: sử dụng cùng màu nền hoặc cùng phông chữ cho các văn bản để giúp người dùng phân loại sản phẩm, các yếu tố và danh mục khác nhau.
Trên trang thương mại điện tử của mình, Adidas đã sử dụng quy luật liên tục trong thiết kế: sắp xếp giày theo cùng một hướng cho phép mắt của người dùng nhìn theo một con đường đã định sẵn đi từ trái sang phải. Hơn nữa, các nguyên tắc đồng dạng và tương cận cũng hướng người dùng khám phá theo từng dòng một, nhóm các mẫu giày khác nhau trong cùng một tập hợp có liên quan với nhau.
Kết
Mặc dù Gestalt là một lý thuyết tâm lý thuần túy, nhưng nó đã được các chuyên gia tiếp thị, truyền thông và đồ họa ứng dụng rộng rãi. Gestalt cung cấp những quy tắc hiệu quả để hiểu cách công chúng giải thích một cách trực quan những kích thích mà họ đối mặt.
Điểm mạnh của Gestalt nằm ở khả năng hỗ trợ khi tạo nội dung hấp dẫn, kích thích sự chú ý của khán giả, truyền cảm hứng cho hành động dựa trên cách bộ não của người dùng cảm nhận thông tin.
Lương Hạnh - MarketingAI
Theo eosmarketing.it
>> Có thể bạn quan tâm: 5 cách Netflix sử dụng tâm lý học để trở thành “ông vua” của ngành giải trí trực tuyến
Bình luận của bạn