Vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên chính phủ các nước đều đã đưa ra yêu cầu hoặc khuyến nghị người dân ở nhà, hạn chế ra đường và tiếp xúc với người khác. Chính điều này đã thúc đẩy mọi người ở nhà và sử dụng Internet nhiều hơn, dẫn đến hành vi trực tuyến của họ cũng đã có sự thay đổi. Sẽ không ngạc nhiên khi thời gian một người dành ra để đọc các nội dung mới trên mạng, hay thời gian họ sử dụng các ứng dụng mạng xã hội đều đã tăng lên đáng kể.
Mới đây, comScore đã thực hiện một khảo sát và cho thấy, thời lượng (tính theo phút) mà một người dành ra trên các trang tin đã tăng lên 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó mới chỉ là ghi nhận từ những hành vi quen thuộc trên mạng của người dùng, ngoài ra họ còn hình thành thêm những thói quen mới trong thời điểm dịch bệnh này, điển hình là việc sử dụng ứng dụng Zoom hoặc tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội.
>>> Đọc thêm: Zoom là gì? Cách sử dụng phần mềm họp trực tuyến Zoom Cloud Meetings
Những sự thay đổi mới này các Marketer rất cần phải quan tâm tới, cũng như cân nhắc những ảnh hưởng này sẽ thay đổi hành vi người dùng như nào trong thời gian dài hạn. Rất nhiều chuyên gia đã nhận thấy rằng, việc yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà sẽ có khả năng thay đổi cách mà các doanh nghiệp tiếp cận hoạt động của họ, ngay cả sau đại dịch. Trong khi đó, việc tương tác trong các nhóm trực tuyến gia tăng sẽ càng làm chúng trở nên quan trọng hơn, trở thành những công cụ có giá trị để hỗ trợ làm việc, trở thành yếu tố quan trọng để kết nối các nhân viên với doanh nghiệp.
Mới đây, tờ báo The Guardian vừa đưa ra báo cáo trong tuần này rằng: "Chỉ tính riêng tại nước Anh, Facebook đã tạo điều kiện để hình thành khoảng 300 nhóm hỗ trợ địa phương liên quan tới dịch bệnh Covid-19, nếu gộp toàn bộ số thành viên đã tham gia thì con số đã lên tới hơn 1 triệu người."
Hiển nhiên trong thời điểm dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng như này, mọi người sẽ tìm đến sự hỗ trợ và trấn an, cũng như tìm hiểu về những thông tin liên quan tới sự ảnh hưởng của virus. Chính vì vậy họ tìm đến các nhóm, cộng đồng mạng cho mục đích này. Một phần lý do khác là họ đang thiếu đi sự giao tiếp và tương tác xã hội. Thử tưởng tượng hàng ngày bạn đang quen việc gặp gỡ đồng nghiệp, bạn bè một cách trực tiếp thì giờ đây mọi chuyện đã thay đổi khi phải ở nhà, nó sẽ để lại một khoảng trống lớn trong việc giao tiếp xã hội vậy nên mọi người mới tìm đến các nhóm trên mạng - đó cũng là nơi để họ giao tiếp và trò chuyện và lấp đầy khoảng trống này.
Tính tới hiện tại, diễn biến dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp nên chưa ai dự đoán được tình hình này sẽ còn kéo dài tới bao lâu. Tuy nhiên, hãy tin chắc rằng nếu khủng hoảng này càng kéo dài, sẽ càng có nhiều người tham gia và phụ thuộc vào những nhóm này để giải quyết được nhu cầu tương tác xã hội của họ, từ đó sẽ dẫn đến sự dịch chuyển đáng kể trong hành vi tương tác giữa con người, chuyển hướng tương tác của họ từ môi trường thực tế lên môi trường Internet và nói xa hơn, nó sẽ còn ảnh hưởng đến cách mà họ giao tiếp và có thể nó sẽ ảnh hưởng vĩnh viễn. Dĩ nhiên về phía Facebook, họ từng có những động thái để kích thích tần suất sử dụng các hội nhóm trên nền tảng này. Với việc sở hữu hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hiện nay, nếu xu hướng tham gia các nhóm hội trên Facebook vẫn tiếp tục tăng thì chắc chắn phía ứng dụng sẽ tìm cách để bổ sung các tính năng, công cụ mới để kích thích và níu chân người dùng ở lại. Ngay cả trong chiến dịch quảng cáo của Super Bowl cũng tập trung vào việc nhấn mạnh những lợi ích về cộng đồng của các nhóm nhỏ khác nhau.
Facebook chắc chắn sẽ coi tính năng này như một yếu tố then chốt để tăng trưởng trong tương lai và thú vị thay, dịch bệnh Covid-19 lại chính là tác nhân để thúc đẩy tăng trưởng của các nhóm Facebook. Điều đó có thể khiến các nhóm trở thành một sự cân nhắc ngày càng phù hợp hơn cho người dùng và doanh nghiệp trong tương lai, khi mọi người trở nên quen thuộc hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào các cộng đồng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu xã hội ngày càng tăng.
Một sự thay đổi khác trong hành vi người dùng Internet trong thời gian cách ly chính là các video có nội dung tương tác, hay nói cụ thể chính là những sự kiện thông thường giờ đây được phát sóng trực tuyến.
Một phần của điều này đến từ phía sự cần thiết - ví dụ, các DJ muốn nhận phản hồi của người nghe về các set nhạc của họ thì phải stream chúng trên mạng, khi giờ đây các địa điểm thông thường như Bar hay Pub đều đang đóng cửa. Họ cũng chia sẻ, kể cả trước khi dịch bệnh bùng phát thì đã có nhiều người tìm đến các nền tảng stream trực tuyến như Twitch để mở rộng độ nhận diện của họ với công chúng. Chính vì vậy, sự thay đổi lần này sẽ có lợi với những nghệ sĩ ít tên tuổi. Một lần nữa, những thay đổi như vậy sẽ được củng cố thêm bởi tình hình hiện tại, điều này có thể dẫn đến những thay đổi hành vi tiếp theo sau giai đoạn này. Từ đó sẽ định hình được nhu cầu tiếp nhận nội dung trực tuyến của những thế hệ sau này.
Tạm kết
Khi mọi người đang phải cách ly ở nhà như hiện nay, xu hướng của người dùng Internet đã có sự thay đổi đáng kể và với nhiều doanh nghiệp vẫn đang tìm cách để duy trì khả năng liên lạc với cộng đồng khách hàng của họ, cũng như tối đa hóa tiềm năng lợi nhuận bất chấp điều kiện bị gò bó và khó khăn như hiện nay, đây là những xu hướng đáng để các doanh nghiệp để mắt tới. Tác động của con người trong cuộc khủng hoảng vẫn là tối quan trọng, nhưng vẫn cần giữ cho doanh nghiệp hoạt động tốt nhất có thể - tránh việc nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khủng hoảng và tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế chung.
Tuấn Anh - MarketingAI
Theo Socialmediatoday
Bình luận của bạn