1. Giá trị của nhiều công ty công nghệ được đẩy lên cao trong cơn sốt AI
Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) đã nâng giá trị của nhiều gã khổng lồ công nghệ lên mức cao chưa từng thấy. Tháng 11/2022, Chat GPT chính thức trình làng, từ đây cơn sốt AI bắt đầu tạo sinh trên phạm vi toàn cầu. Chỉ 6 tháng sau đó, tháng 4/2023, Công ty sở hữu ChatGPT - OPenAI được định giá lên tới 29 tỷ USD và tăng gần 3 lần chỉ trong vòng chưa đầy 10 tháng lên 80 tỷ USD. OpenAI đang làm một trong những công ty khởi nghiệp công nghệ giá trị nhất thế giới, sau ByteDance - sở hữu TikTok và SpaceX. Trong khi đó, xAI, được Elon Musk sáng lập vào tháng 7/2023 định giá chạm mốc 24 tỷ USD chỉ sau chưa tới 1 năm.
Nhưng “celeb” thực sự của cuộc chiến AI này thuộc về Nvidia, khi cuối tháng 5/2023, Nvidia trở thành nhà sản xuất chip đầu tiên trên thế giới đạt giá trị vốn hóa 1.000 tỷ USD. Mặc dù chễm trệ ngôi vương nhưng Nvidia lại không xuất hiện trong danh sách top 100 thương hiệu nổi tiếng và mang tính biểu tượng toàn cầu 2023. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về sự bền vững của thương hiệu giá trị lớn nhất toàn cầu này.
Với cơn sốt AI, thị trường đang chứng kiến sự nổi lên của hàng loạt thương hiệu chen chân vào lĩnh vực tiềm năng này. Apple, Samsung - hai kỳ phùng địch thủ trong lĩnh vực smartphone chớp thời cơ để ứng dụng AI vào các sản phẩm của mình. Trong sự kiện Hội nghị Nhà phát triển Toàn cầu 2024 (WWDC), Apple đã trình làng Apple Intelligence - Hệ thống trí tuệ cá nhân của riêng nhà Táo Khuyết. Theo đó công nghệ này sẽ được tích hợp sâu vào iOS 18, iPadOS 18 và macOS Sequoia. Trong khi đó Samsung cũng không hề kém cạnh, khi cho ra mắt dòng sản phẩm Samsung S24 series tích hợp tính năng Galaxy AI.
Ở một diễn biến khác, Canva, nền tảng thiết kế đồ họa hàng đầu thế giới, vừa công bố thương vụ thâu tóm Leonardo.Ai. Việc sở hữu Leonardo.Ai giúp Canva củng cố bộ công cụ AI sáng tạo Magic Studio đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển mới, đặc biệt là tạo hình ảnh bằng AI. Có thể thấy, cuộc chạy đua rót tiền vào công nghệ AI đang vô cùng ráo riết. Và còn rất nhiều các thương hiệu khác cũng đang ứng dụng AI vào trong nội tại doanh nghiệp và theo đuổi xu hướng phát triển mới này.
CNN nhận định sự kỳ vọng AI có thể cách mạng hoá cuộc sống con người và khiến giới đầu tư bị thu hút, rót những khoản tiền khổng lồ vào các công ty AI trên nhiều phương diện khác nhau.
Những kỳ vọng liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) khiến chứng khoán tại Mỹ tăng giá nhanh chóng. Hầu hết các mã cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực này đều phát triển như vũ bảo. Nhiều chuyên gia lo ngại và nhận định rằng “bong bóng dotcom” có thể quay lại.
2. Sự phấn khích về AI đang được so sánh với bong bóng dotcom hơn 2 thập kỷ trước
Bong bóng dotcom sẽ quay trở lại?
Sự “ưu ái” quá mức dành cho AI đang khiến nhiều người quan ngại về một viễn cảnh bong bóng dotcom sẽ xảy ra thêm một lần nữa. Bong bóng dotcom là sự kiện kinh tế tài chính nổi bật những năm 2000, khi thế giới chứng kiến sự sụp đổ không phanh của các công ty công nghệ. Trước đó, vào năm 1995, cách mạng tên miền .com bùng nổ, rất nhiều tổ chức và cá nhân đăng ký sở hữu website và đổ tiền vào hàng loạt ứng dụng tiềm năng từ World Wide Web - dù chúng không mang lại nhiều doanh thu thực tế.
Sự thổi phồng quá mức khiến bong bóng dotcom tan vỡ vào những năm 2000, đặt dấu chấm hết cho giai đoạn 5 năm tăng trưởng thịnh vượng của các công ty công nghệ thời đó. Cơn sốt đó dường như quay lại khi thế giới chứng kiến sự bùng nổ tương tự của làn sóng startup mới, lần này tập trung vào trí tuệ nhân tạo.
Bức tranh thực tế:
Việc rót cả tỷ đô cho AI đang không mang về cho các nhà đầu tư kết quả tương xứng. Theo báo cáo tài chính được Alphabet (Google) công bố, kể từ cuối tháng 7, hãng đã bắt đầu chiến dịch thuyết phục nhà đầu tư đồng ý đổ thêm tiền cho AI. Tuy nhiên việc tốn quá nhiều chi phí mà chưa đem lại lợi ích thiết thực nào khiến nhiều nhà đầu tư chần chừ. Thực tế, đầu tư hàng tỷ đô vào AI không thể mang về lợi nhuận trong một sớm một chiều. Đến ngay bản thân OpenAI - cha đẻ của Chat GPT với tiềm lực khổng lồ như vậy cũng chưa hề có lợi nhuận từ việc đầu tư phát triển AI, chứ chưa kể đến các startup non trẻ cùng ngành.
Tương lai kiếm tiền từ công nghệ AI vẫn còn vô cùng mờ mịt. Theo CEO Sundar Pichai của Google, tập đoàn công nghệ bị cho là đã chậm chân so với Microsoft trong mảng AI, đã né tránh trả lời các câu hỏi về lợi ích trực tiếp khi đầu tư công nghệ này. Trong khi đó, Giám đốc tài chính Susan Li của Meta cũng chỉ có thể tiết lộ hãng sẽ phải đổ thêm 40 tỷ USD từ nay đến năm 2025 cho cuộc đua AI này. Ngay cả Microsoft, tập đoàn hưởng lợi lớn nhất từ thành công của ChatGPT, cũng chỉ dám hứa hẹn AI sẽ kiếm được tiền phải sau 15 năm nữa. So với những gì bỏ ra, AI đang mang về nỗi lo lắng và thất vọng không nhỏ cho các công ty công nghệ trên toàn cầu.
Thị trường chứng khoán phá đỉnh vì AI: Giá cổ phiếu đang được thổi phòng bởi sự lạc quan vào một công nghệ mang tính cách mạng. Nvidia - hãng chip điện tử lớn nhất thế giới được mệnh danh là “cỗ máy in tiền” khi lợi nhuận cổ phiếu của hãng này tăng gấp 8 lần, vốn hóa tăng thêm 2777 tỷ USD chỉ sau 1 đêm. Trong giai đoạn 5 năm gần nhất, cổ phiếu Nvidia tăng chóng mặt, gần 4.300% - một con số không tưởng. Bước tăng phi mã này diễn ra được đánh giá nhờ tiềm năng của chip dành cho trí tuệ nhân tạo (AI).
3. Dự đoán về AI từ Chu kỳ Gartners, bức tranh tương lai liệu có bị “nổ tung”?
Hype Cycle (chu kỳ bong bóng) là khái niệm được đề xướng bởi hãng nghiên cứu thị trường nổi tiếng của Mỹ - Gartner. Hype Cycle cung cấp một cái nhìn khái quát về sự chuyển dịch của các xu hướng mới nổi liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ khi xuất hiện cho tới khi các xu hướng/công nghệ này được áp dụng vào đời sống.
Chu trình bao gồm 5 giai đoạn cụ thể:
Giai đoạn 1 - Xuất hiện công nghệ: Đây là giai đoạn đầu tiên khi công nghệ mới xuất hiện và được đông đảo công chúng quan tâm. Truyền thông sẽ thổi phồng năng lực thực tế của công nghệ khiến người tiêu dùng kỳ vọng quá mức vào tương lai vượt xa khả năng thực hiện ban đầu.
Giai đoạn 2 - Đỉnh của sự thổi phồng kỳ vọng: Sau những kỳ vọng, nhu cầu của người dùng chưa được đáp ứng triệt để, công nghệ mới bắt đầu bị hoài nghi và chỉ trích. Đây là giai đoạn kiểm định để những hạn chế của công nghệ mới bị “phanh phui” khiến cộng đồng giảm bớt đi sự hứng thú và quan tâm.
Giai đoạn 3: Đáy của sự vỡ mộng: Đây là giai đoạn mà những hiểu biết thực sự về công nghệ và khả năng ứng dụng của nó trở nên rõ ràng hơn. Các công ty và nhà đầu tư bắt đầu tìm cách khắc phục những hạn chế của 2 giai đoạn trước, công nghệ bắt đầu được ứng dụng và chấp nhận.
Giai đoạn 4: Dốc của sự khai sáng: Từ bài học của các giai đoạn trước, công nghệ ở giai đoạn này bắt đầu có những cải thiện rõ rệt bằng việc nghiên cứu và phát triển sâu rộng để công nghệ đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng.
Giai đoạn 5: Bình nguyên của năng suất: Đây là giai đoạn cuối cùng của chu kỳ nơi công nghệ được áp dụng rộng rãi, tạo ra giá trị bền vững cho xã hội.
Theo góc nhìn chu kỳ Gartner, sự phát triển của AI đang bùng nổ ở giai đoạn 2 và có nhiều dấu hiệu chuyển dịch sang giai đoạn 3. Trước đó, khi mới xuất hiện AI cũng đã khiến cộng đồng công nghệ dậy sóng với những tính năng ưu việt được kỳ vọng thay đổi cuộc sống của con người. Tuy nhiên, trên thực tế, AI vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế nhưng sự thổi phồng ban đầu đã lấp liếm đi những khuyết điểm này của AI, khiến người dùng và nhà đầu tư đặt kỳ vọng không tương xứng với hiệu suất thực tế của loại hình công nghệ này.
Ở giai đoạn 2 “Đỉnh của sự thổi phồng kỳ vọng” - thời điểm công nghệ này bị hoài nghi về khả năng của mình. Được rót vốn đầu tư khủng nhưng AI đang khiến nhiều công ty thua lỗ hoặc không mang về lợi nhuận tương xứng. Sự quan tâm và hứng thú dành cho AI bắt đầu bị “xì hơi” và “vỡ ra”. Các công ty công nghệ cần thẳng thắn nhìn nhận vào những hạn chế của AI để có nước đi chiến lược phù hợp.
Đã đến lúc con người đưa trí tuệ nhân tạo “đáp đất” và nhìn nhận nó ở một vị trí tương xứng với khả năng. Không còn thổi phồng hay thần thánh hóa, AI sẽ tiến đến giai đoạn thứ 3 - khi những hiểu biết về AI trở nên rõ ràng và đúng đắn. Các “ông lớn” công nghệ sẽ bắt tay vào tìm cách cải tiến những hạn chế của AI để công nghệ này dần trở nên ổn định, có giá trị và đáng tin cậy hơn. Khi ấy, AI mới có thể mang về lợi nhuận tương xứng với những gì nhà đầu tư bỏ ra.
Nhận thức được điều này, cuộc cạnh tranh về AI trên thị trường có thể sẽ diễn biến theo nhiều chiều hướng khác, khi các thương hiệu thay vì ồ ạt đổ tiền vào AI, giờ sẽ khôn ngoan hơn để lựa chọn nước đi cho riêng mình.
Vẫn còn quá sớm để nhận định làn sóng startup AI liệu có kết cục tương tự với bong bóng dotcom hơn 2 thập kỷ trước không. Tuy giống nhau về cách thức Internet và AI xuất hiện, được quan tâm quá mức và bị “thổi phồng”, nhưng giá trị công ty công nghệ hiện thời đang được định giá một cách chừng mực hơn khi giá trị công ty chưa đạt giới hạn tối đa như những năm 2000. Sự phát triển của AI vẫn đang là mối quan tâm lớn của nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia dự đoán trong thời gian tới.
>>> Xem thêm: Khi trí tuệ nhân tạo (AI) góp sức giải quyết các vấn đề môi trường
Bình luận của bạn