Trải qua hơn 10 năm kể từ ngày bắt tay với Lotte, Bibica mới vừa chấm dứt cuộc chiến nội bộ để giữ gìn thương hiệu Việt. Ông Trương Phú Chiến, TGĐ Công ty cổ phần Bibica giờ đây đã cảm thấy yên lòng, dù trong thâm tâm tự nhận phần lỗi gây ra cuộc chiến nội bộ của công ty.
Tóm tắt diễn biến cuộc chiến giữ thương hiệu Bibica
Với mục tiêu ban đầu tìm kiếm đối tác mạnh về tài chính, am hiểu về ngành và mang thương hiệu quốc tế hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, những nhà điều hành của Bibica lúc bấy giờ mong muốn sự hợp tác với Lotte có thể giúp nâng tầm kinh doanh thương hiệu việt.
Vào thời điểm lúc đó, Lotte nhìn thấy các lợi thế của Bibica trong mạng lưới phân phối toàn quốc, cơ sở hạ tầng tốt cũng như sự nổi bật về thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng Việt. Chính vì vậy, việc nảy lên ý đồ thâu tóm Bibica thành một công ty con thay vì hợp tác kinh doanh như ban đầu là điều hết sức dĩ nhiên. Tuy vậy, dù đã đoán được một phần ý đồ, ông Trương Phú Chiến vẫn cho rằng Lotte chưa thể tạo ra một cuộc mua bán sáp nhập ngay được, bởi tỷ lệ sở hữu của họ chỉ dừng lại ở mức hợp tác.
Từ chính những sơ hở này đã tạo nên một cuộc chiến nội bộ dai dẳng, không tạo nên sự bứt phá trong quyết định đầu tư dẫn đến sự trì trệ trong quá trình kinh doanh từ 2007 cho đến hết 2013 với sự sụt giá cố phiếu nghiêm trọng.
Đến nửa cuối năm 2013, khi ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI (cũng đồng thời là chủ tịch Tập đoàn PAN) xuất hiện. Có nhiều thắc mắc xoay quanh sự hiện diện của ông Hưng rằng đây sẽ là khoản đầu tư tài chính mà SSI sẽ bán khi được giá hay sẽ là một nhà đầu tư chiến lược đồng hành cùng doanh nghiệp?
Sau 4 năm, câu hỏi đã có lời giải khi toàn bộ số cổ phần do các đơn vị thành viên của SSI nắm giữ đã được chuyển hết về công ty duy nhất là PAN Food với tỷ lệ sở hữu là 43,73%. Ở phía bên kia, Lotte nắm 44% vốn điều lệ với nhiều tiếc nuối.
Với cú vượt ngoạn mục, Bibica chính thức trở thành một trong những công ty con của PAN Food và sẽ được hợp nhất vào báo cáo tài chính trong kỳ báo cáo tài chính quý III năm nay.
Tiếng nói người trong cuộc
Tính đến thời điểm này, khi Bibica đã về một nhà với PAN food, ông Chiến mới cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi thương hiệu được trao đúng người. Giờ đây, Bibica chỉ còn tập trung phát triển về quy mô sản xuất, tăng doanh số, đẩy mạnh bán hàng, mở rộng thị phần ngày càng lớn mạnh. Riêng đối bản thân mình, khi không còn bận tâm đến việc đối phó với những tranh giành quyền lực, ông Phú sẽ nỗ lực làm việc đến cùng cho mục tiêu duy nhất là tăng trưởng, phát triển thương hiệu Bibica và điểm quan trọng nhất, vẫn là một thương hiệu Việt.
Sự tính toán của những bộ óc kinh doanh
Bài học rút ra cho thương hiệu Việt
Để đi đến sự hợp tác với Lotte như ban đầu, khi ngồi trên bàn đàm phán các bên chủ yếu nghiên cứu điểm mạnh của đối phương và chứ chưa thể tìm ra những ý định hay mục tiêu thực sự. Ông Phú cho rằng, trong kinh doanh, mỗi người sẽ có một định hướng và mục tiêu khác nhau. Và nếu nghĩ đến việc phát triển thương hiệu dành cho người tiêu dùng Việt và xa hơn là cho đất nước thì không ai nghĩ đến việc chuyển doanh nghiệp cho người khác. “Tôi nghĩ mỗi quốc gia đều cần thương hiệu nội địa để tự hào và lấy đó làm bàn đạp cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu. Các nhà kinh doanh luôn nghĩ về khoản lợi nhuận, nhưng tôi cho rằng nếu để lại được cho đất nước một thương hiệu trường tồn sẽ luôn tốt hơn cầm một khoản tiền.” Ông Phú cho biết.
Rút ra từ sự việc trên của doanh nghiệp, ông cho rằng có 3 điểm cần chú ý khi hợp tác kinh doanh với các bên.
- Chọn đối tác. Nếu đối tác quá lớn cho với tiềm lực của công ty thì trong quá trình kinh doanh nhất định sẽ xảy ra khả năng bị thâu tóm.
- Nhìn rõ mục tiêu của đối tác. Khi hợp tác với Lotte, bên được cho là có trình độ kỹ thuật và công nghệ cao hơn, thì điều mà họ muốn có được từ Bibica không phải là sản phẩm như đã nói hay thương hiệu Bibica, mà chính là thị trường Việt Nam.
- Liên tục phân tích và để ý mục tiêu của đối tác: Với những bước đi dài hạn trong tương lai, đôi khi chỉ có thể nhìn thấy ở một chừng mực nào đó. Chính vì vậy mọi động thái, bước đi đều cần được kiểm soát để đưa ra được dự báo và biện pháp ứng phó kịp thời.
Hướng đi kinh doanh của Bibica trong thời gian sắp tới
Nhìn về tổng thể thị trường so với 2-3 năm trước, có thể thấy mức tiêu thụ đang đạt ngưỡng bão hòa. Nếu như trước đây tốc tăng trưởng đạt từ 15-20%, thì hiện nay chỉ còn ở mức 8-10%.
Tuy nhiên gợi ý của ông cho rằng, phân khúc bánh kẹo ngoại chính là thị phần tiềm năng mà các công ty Việt có thể hướng đến. Khi bước chân vào phân khúc cao cấp này, các doanh nghiệp cần chú ý duy trì chi phí hợp lý bởi nếu không sẽ dễ bị đánh bại bởi giá cả bất hợp lý. . Các doanh nghiệp Việt cũng không nên ngồi chờ đối thủ rồi mới tính toán phương án đối phó. Mà cần đưa sản phẩm xuất khẩu ra các nước khu vực cạnh tranh để nhìn thấy nội lực của mình đến đâu, có đủ khả năng vượt trội so với đối thủ. Và từ đó có lời giải hợp lý nhất để đánh bại đối thủ cạnh tranh.
Cuộc chiến của những thương hiệu Việt khác
Song song với cuộc chiến của Bibica được về cùng PAN Food, chúng ta hãy cùng nhìn lại những nỗ lực giữ gìn thương hiệu trong suốt thời gian qua.
Cuối tháng 3/2016, Công ty Anco thuộc CTCP Tập đoàn Masan (MSN) cũng bất ngờ vượt qua CJ CheilJedang của Hàn Quốc để giành được quyền mua 14% cổ phần của Vissan, với tổng số tiền khoảng hơn 1,4 ngàn tỷ đồng.
Hay trong năm 2011, vụ Masan thâu tóm Vinacafé Biên Hòa - thương hiệu cà phê hòa tan có thị phần lớn nhất Việt Nam - diễn ra một cách đầy bí mật và bất ngờ. Sự nhanh chân cũng đã giúp Masan đi trước và nắm giữ cổ phần áp đảo tại Vinacafé Biên Hòa so với các quỹ đầu tư nước ngoài: Hongkong GaoLing Fund, Templeton Frontier Markets Fund và Barca Global Master Fund, L.P.
Bức tranh thị trường mua bán - sát nhập tại Việt Nam đang có sự chuyển biến khá rõ rệt: đó là sự nổi lên khá mạnh mẽ của các doanh nghiệp lớn trong nước và sự hợp tác liên kết nội ngoại cùng kinh doanh. Ở nhiều lĩnh vực, doanh nhân Việt không ngại đối thủ là các đại gia Mỹ, Nhật, Hàn,... và nỗ lực chứng tỏ vị thế của doanh nghiệp Việt ngày càng lớn mạnh.
Giới đầu tư chứng kiến nhiều thương vụ doanh nghiệp nội thâu tóm, M&A doanh nghiệp FDI như: BRG của bà Nguyễn Thị Nga mua Hilton, Thiên Minh của ông Trần Trọng Kiên mua Victoria, Sovico Holdings của ông Nguyễn Thanh Hùng mua Furama Resort Đà Nẵng,... Sự thật đằng sau những cú thâu tóm của đại gia Việt còn nhiều điều để bàn. Tuy nhiên, với ý thức bảo vệ thương hiệu Việt, đặc biệt là tầm quan trọng của các doanh nghiệp đầu ngành, nhiều doanh nhân đã nỗ lực đấu trí, quyết tâm giành thắng lợi. Hơn tất cả, đó chính là niềm tự hào về thương hiệu quốc gia.
Lê Ngọc - MarketingAI
Bình luận của bạn