Trận chung kết AFF 2018 đạt mức giá quảng cáo kỷ lục trong lịch sử phát sóng một trận bóng đá trên truyền hình ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn rất nhiều thương hiệu lớn sẵn sàng chi mạnh tay với miếng mồi ngon này. Đối với nhiều doanh nghiệp, đơn giá quảng cáo ở mức cao kỷ lục 950 triệu đồng cho 30s lên sóng không làm chùn bước thương hiệu.
So sánh giữa các đại gia quảng cáo nhiều nhất trong trận chung kết AFF vừa qua
Chỉ 30s quảng cáo nhưng có mức giá tương đương với một căn hộ, nhiều thương hiệu vẫn sẵn sàng chi lớn trong trận lượt về AFF Suzuki Cup giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia. Theo thống kê, có tới 60 lượt quảng cáo giữa trận đấu căng thẳng lượt về.
Trong số đó, Vinamilk là thương hiệu duy nhất có thời lượng quảng cáo lên tới 60s/lượt, trong khi các đơn vị khác chỉ cho lên sóng các quảng cáo tối đa ở mức 30s/lượt. Trong các quảng cáo của doanh nghiệp lớn, Vingroup cũng cho lên sóng quảng cáo điện thoại mới VSmart hay FPT quảng cáo truyền hình Internet. Tất cả đều gói gọn trong 30s. Quảng cáo của các doanh nghiệp lớn này đều chỉ lên sóng 1 lần.
Tuy nhiên, có một doanh nghiệp đã nổ súng tới 10 quảng cáo - mỗi quảng cáo 30s. Đó là Masan. Các quảng cáo tung trong trận chung kết AFF Cup vừa qua gồm 8 quảng cáo mì Lovemi, 1 quảng cáo tương ớt Chinsu và 1 quảng cáo xúc xích Ponnie.
Dưới đây là Top 5 thương hiệu xuất hiện nhiều nhất trong trận chung kết AFF Cup vừa qua:
Mì Lovemi
- Số lượt quảng cáo: 8
- Tổng thời lượng quảng cáo: 240s
- Số tiền chi ước tính: 7,6 tỷ đồng (ước tính theo báo giá 950 triệu đồng/30s quảng cáo)
>>> Xem thêm: Giá quảng cáo trên trời của trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup
Trong video quảng cáo, nhân vật mỹ nam người Việt là Soobin Hoàng Sơn được hotgirl Hàn Quốc Han Sara thu hút vào một tiệm ăn Hàn Quốc để trải nghiệm văn hóa ẩm thực Hàn với món mì gói 3.500 đồng.
Các quảng cáo đều có thời lượng 30s, được đưa vào khá nhiều yếu tố văn hóa Hàn Quốc. Cách thức quảng cáo này vừa đánh vào tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng, cảm giác thích sự mới lạ, đồng thời khơi gợi sự gần gũi với bóng đá khi huấn luyện viên Park Hang-seo của đội tuyển Việt Nam là người Hàn Quốc. Nếu tính thêm 2 quảng cáo tương ớt Chinsu và xúc xích Ponnie, Masan đã chi tới 9,5 tỷ đồng cho tổng thời lượng 300s lên sóng trong trận chung kết AFF Cup 2018.
Bia Sài Gòn
- Số lượt quảng cáo: 3
- Tổng thời lượng quảng cáo: 90s
- Số tiền chi ước tính: 2,85 tỷ đồng
Bia Sài Gòn tận dụng khá tốt cơ hội lên sóng lần này. Một mặt nhấn mạnh cụm từ "bia của người Việt", một mặt tạo hình những đợt "sóng bia" thành hình ảnh các tòa nhà vươn cao, hình tượng đội tuyển Việt Nam trên sân cỏ, hình ảnh lá cờ tổ quốc... trên nền nhạc hào hùng, rất phù hợp với một trận bóng mà cả triệu con tim người Việt đang hồi hộp mong chờ kết quả.
(Video: Bia Sài Gòn - Uống mừng Việt Nam)
LG Electronics Vietnam
- Số lượt quảng cáo: 2
- Tổng thời lượng quảng cáo: 60s
- Số tiền chi ước tính: 1,9 tỷ đồng
Đây là một thương hiệu rất thông minh và đa dạng trong quảng cáo khiến người xem không nhàm chán. Trong số 2 lượt quảng cáo trên, một lượt là quảng cáo sản phẩm mới OLED TV, một lượt đưa hình ảnh một cậu bé bị bạn bè chọc ghẹo: "Đã lùn mà mang dép thì chơi bóng cái gì?".
Cái kết có hậu của quảng cáo ấy là hình ảnh cầu thủ Quang Hải (cậu bé lùn mà mang dép khi xưa) mặc áo màu đỏ in logo của LG sút bóng vào cầu môn đội bạn, sau đó chỉ 2 ngón tay lên bầu trời đầy sao sáng như nhắn nhủ ước mơ thuở bé đã được thắp lửa giữa những giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ trên khán đài.
Trên đây là đoạn clip phiên bản đầy đủ của quảng cáo dài 30s được phát sóng trên truyền hình (Video: LG Vietnam)
Vinamilk
- Số lượt quảng cáo: 1
- Tổng thời lượng quảng cáo: 60s
- Số tiền chi ước tính: 1,9 tỷ đồng
Video quảng cáo mang tên Vươn cao Việt Nam từng giúp thương hiệu Vinamilk tỏa sáng giữa chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam ở Thường Châu nay tiếp tục được thương hiệu này cho lên sóng trong trận chung kết AFF Cup vừa qua.
VietJet
- Số lượt quảng cáo: 2
- Tổng thời lượng quảng cáo: 60s
- Số tiền chi ước tính: 1,9 tỷ đồng
Quảng cáo của VietJet thực hiện trên nền nhạc Giáng sinh có hình ảnh tổ bay thân thiện, chăm sóc khách hàng chu đáo (có sử dụng nhân tố KOL là Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy).
Kết
Trong tổng số 60 quảng cáo ấy, có nhiều thương hiệu chỉ xuất hiện với thời lượng thấp nhất (10s) như Hanoi Beer, sơn Spentec, công ty chứng khoán VPBS… Cũng có thương hiệu "tận dụng" từng giây vàng ngọc lên sóng chỉ để công bố tên sản phẩm, website và số hotlines như bồn nước công nghiệp Toàn Thắng. Có thể nói, mặc dù có mức giá trên trời, đây vẫn là cơ hội vàng đối với nhiều thương hiệu.
Nguồn: Tri thức trẻ
Bình luận của bạn