Bosideng, Urban Revivo, Peacebird, Ochirly, Me & City - chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành những điểm tham quan quen thuộc của những người dân phương Tây khi họ đi dạo phố và mua sắm, nhất là khi ngành công nghiệp thời trang Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, một trong những thương hiệu gây sốt gần đây nhất là Shein - nhãn hiệu thời trang đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và nắm bắt tâm lý, thói quen tiêu dùng của thị trường. Họ hiểu sâu sắc nhu cầu mua sắm ở các thành phố nhỏ nơi có chi phí sống thấp, tận dụng sức mạnh từ mức độ quan tâm của Gen Z đối với các thương hiệu Trung Quốc tại thị trường phương Tây để đánh bật sức thống trị của H&M và Zara tại thị trường nội địa. Tìm hiểu cách mà Shein đã làm để tạo dựng thương hiệu cho bản thân trong bài viết dưới đây nhé!
Thương hiệu thời trang trực tuyến Shein của Trung Quốc đang vượt qua các cường quốc thời trang nhanh Zara và H&M về doanh số và lượt tải ứng dụng
Việc Trung Quốc sẵn sàng trở thành thị trường thời trang lớn nhất thế giới vào năm 2019 chứng tỏ rằng các thương hiệu thời trang cao cấp trong nước đã đủ sức kiếm tiền và cạnh tranh trực tiếp với các nhãn hiệu hàng đầu như Zara, H&M hay Uniqlo.
Trong tất cả những cái tên nổi bật tại thị trường Châu Á này, Shein có lẽ là website mua sắm lớn nhất mà bạn chưa từng được nghe đến. Hãng thời trang nhanh này sở hữu tốc độ phát triển vượt bậc và nhanh chóng “lấn sân” sang lãnh thổ của các đối thủ lâu đời hơn như Zara và H&M. Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, Shein đã trở thành công ty thời trang trực tuyến thuần túy lớn nhất trên thế giới, dựa trên doanh số bán các sản phẩm do thương hiệu tự sản xuất.
Giá thành rẻ và mẫu mã đa dạng
Shein được thành lập vào năm 2008 tại Nam Kinh, Trung Quốc với mục tiêu nhắm tới là thế hệ Gen Z. Doanh nghiệp mong muốn thông qua việc sử dụng những influencers trên Instagram và TikTok-er trên TikTok, cũng như các chương trình ưu đãi hấp dẫn, có thể thu hút càng nhiều người mua sắm nhỏ tuổi hơn càng tốt, trong bối cảnh thị trường thời trang đang ngày càng trở nên đông đúc.
Nó cung cấp đa dạng nhiều kiểu dáng trang phục khác nhau với chi phí thấp hơn nhiều so với các thương hiệu ngoại. Mỗi tuần, Shein tải lên ứng dụng mua sắm của mình hàng trăm mẫu thiết kế mới nhằm thỏa mãn trí tò mò và ham thích cái lạ của người dùng. Công ty nói rằng họ làm điều này “vì chúng tôi tin rằng quần áo mà chúng ta mặc hằng ngày phản ánh tính cách của chúng ta và chúng tôi muốn trao quyền cho phụ nữ ngày nay trong việc khám phá và thể hiện cá tính của họ.”
Theo một cuộc khảo sát gần đây của công ty dịch vụ tài chính Societe Generale, giá một chiếc váy của Shein chỉ đắt bằng một nửa so với Zara.
Rebeca Rondon, một sinh viên 23 tuổi ở Valencia, Tây Ban Nha - người sở hữu trang Instagram chuyên so sánh hàng chục phong cách ăn mặc giữa Shein và Zara cho hay: “Mua hàng ở Shein giúp bạn tiết kiệm rất nhiều tiền. Điều này rất quan trọng hiện nay khi thời trang là một ngành công nghiệp thay đổi quá nhanh.”
Shein cũng gây được tiếng vang lớn với thế hệ Teens Mỹ. Trong một cuộc khảo sát của công ty dịch vụ tài chính Piper Sandler, 5% Teens Mỹ chọn Shein là trang thương mại điện tử được yêu thích nhất, vượt mặt nhiều tên tuổi như Nike, PacSun và Urban Outfitter.
Shein cũng là thương hiệu đứng đầu trong danh sách các thương hiệu mà các thanh thiếu niên nữ có thu nhập cao yêu thích và mua mặc, đứng trên các thương hiệu như PacSun và Lululemon.
Sở hữu khoảng 13,8 triệu người theo dõi trên Instagram, thương hiệu này được biết đến với các mặt hàng thời thượng với giá “cực chất”. Như giá một chiếc áo tees của phụ nữ có giá thấp nhất là 6 đô la Mỹ và váy có giá chỉ 12 đô la Mỹ. Mức giá đó so với thu nhập trung bình của một hộ gia đình Mỹ trong cuộc khảo sát là 67.500 đô la Mỹ là không hề lớn, điều đó khiến cho Shein càng được giới Teens Mỹ yêu thích.
Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến của các nhà bán lẻ như Shein, Asos và Zalando của Đức, giúp họ có thêm lợi thế so với Zara và H&M, những thương hiệu sở hữu các cửa hàng lớn ở trung tâm thành phố.
Lượt tải xuống vượt mặt cả H&M và Zara cộng lại
Vào tháng 9, ứng dụng Shein đã có 10,3 triệu lượt tải xuống trên toàn cầu tính trên cả App Store và Google Play. Trong khi đó, con số của H&M chỉ rơi vào khoảng 2,5 triệu và của Zara là 2 triệu.
Đến nay, Shein đã đạt 229,4 triệu lượt tải xuống, so với 123,5 triệu của H&M và 90,6 triệu của Zara. Theo nền tảng phân tích App Annie, trong tuần từ 27 tháng 9 đến 3 tháng 10, Shein là ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều nhất trên iPhone trên toàn cầu. Nó được xếp hạng trong top 10 ở Hoa Kỳ, Brazil, Úc, Anh và Ả Rập Saudi. Vì thuộc sở hữu tư nhân nên Shein không tiết lộ doanh số bán hàng hoặc các số liệu tài chính khác. Phát biểu về thành tích này, Shein đã không trả lời email hay bất kỳ cuộc gọi điện thoại nào. Chủ sở hữu của Zara là Inditex và H&M cũng từ chối bình luận.
Đến nay, Shein đã đạt 229,4 triệu lượt tải xuống, vượt mặt Zara và H&M
Thách thức và cơ hội phát triển trong tương lai
Hạn chế về độ nhận diện thương hiệu
Mặc dù Shein đang thu hút được nhiều người theo dõi hơn, nhưng nó lại bị hạn chế về độ nhận diện thương hiệu so với những cái tên như Zara và H&M. Thậm chí, Shein còn không phổ biến ở thị trường nội địa bằng những cái tên như Taobao của Alibaba hay Pinduoduo.
Phản hồi không tốt từ khách hàng
Trong khi đó, Shein cũng vấp phải một số ý kiến trái chiều khi một vài người tiêu dùng cho rằng chất lượng của các mặt hàng không được ổn định và thời gian giao hàng thất thường.
Jade Laurice tại một sự kiện của Shein ở London. Shein sử dụng những người có ảnh hưởng để thu hút những người mua sắm trẻ tuổi trong một thị trường thời trang ngày càng đông đúc
Thông tin không rõ ràng
Không giống như Zara và H&M, những công ty luôn cung cấp thông tin chi tiết về nguồn cung, điều kiện làm việc của nhân viên cũng như báo cáo doanh thu hàng năm trên website, Shein không đưa ra bất cứ thông tin nào về việc sản xuất các sản phẩm của họ.
Inditex là thương hiệu đã cách mạng hóa ngành công nghiệp thời trang vào những năm 1990 bằng cách đáp ứng nhanh chóng các xu hướng và đẩy mạnh tốc độ thiết kế cho các cửa hàng với việc sử dụng các nhà máy gần trụ sở chính ở Tây Ban Nha. Shein được xem là đã học tập Inditex khi hợp tác với hàng trăm nhà máy gần trụ sở chính ở Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc để có khả năng đáp ứng nhu cầu rất cao từ người dùng.
Theo một nguồn tin, công ty còn đặt mục tiêu tạo ra các sản phẩm thiết kế để sẵn sàng giao hàng chỉ trong 3 ngày. Đây là khoảng thời gian cực nhanh đối với một sản phẩm thiết kế. Thậm chí đối với Inditex, một thương hiệu thời trang nhanh có tiếng, khoảng thời gian để tạo ra một sản phẩm thiết kế đi từ bảng vẽ đến lúc mang tới cửa hàng, phải mất 3 tuần. Điều đó khiến cho Shein càng trở thành mối hoài nghi lớn đối với nhiều người tiêu dùng.
Khó khăn trong việc xâm nhập thị trường trực tuyến đông đúc
Ngoài những thách thức trên, Shein còn phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là xâm nhập vào thị trường trực tuyến đông đúc, nơi cả Asos và Zalando đều đang cho thấy doanh số bán hàng tăng vọt trong năm nay.
Hiện tại, Shein đang tìm cách thu hút sự chú ý bằng việc sử dụng những influencers và “đại sứ thương hiệu”.
Laura Illanes, một sinh viên Hoa Kỳ, 22 tuổi và cũng là một trong những “đại sứ thương hiệu” của Shein cho biết: “Tôi phải quảng bá trang phục trên các nền tảng mạng xã hội của mình để thu hút nhiều người mua hơn.”
Illanes, một vận động viên nổi tiếng với 36.000 người theo dõi trên Instagram, cũng cho hay: “Họ tặng tôi mã giảm giá 15% khi mua hàng chỉ cần tôi chia sẻ điều đó với những người đang theo dõi mình trên tài khoản.”
Tạm kết
Trước những thách thức trên, người ta nghi ngờ rằng Shein đang cho thấy những “góc khuất” đằng sau một vẻ ngoài hào nhoáng của một thương hiệu thời trang mới nổi. Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định Shein có làm nên chuyện hay không khi rõ ràng, Zara hay H&M vẫn đang gặp khó khăn trên thị trường sau cuộc khủng hoảng COVID-19. Cổ phiếu của Inditex và H&M cũng đã giảm hơn 20% kể từ đầu tháng Hai, mà theo các nhà phân tích thì nguyên nhân một phần là do mạng lưới cửa hàng lớn của họ.
George Yang, giám đốc đầu tư của quỹ Anatole Investment Management có trụ sở tại Hồng Kông, phát biểu tại một hội nghị nhà đầu tư vào tháng 9 cho rằng: “Trong tương lai, Zara sẽ trở thành một thương hiệu thời trang lâu đời bị nghiền nát dưới chân những thương hiệu thời trang nhanh 2.0 - những cái tên mới nổi từ thị trường online của Trung Quốc.” Chưa thể khẳng định rằng tương lai của Zara có diễn ra như lời George nói hay không, nhưng tiềm năng mà các thương hiệu thời trang nhanh của Trung Quốc là hoàn toàn có thật. Chỉ có điều, liệu nó có thể khắc phục được những điểm yếu hiện tại để bay xa hơn như kỳ vọng mà nó mong muốn ngay từ ngày đầu thành lập không thôi.
Tô Linh - MarketingAI
Theo SCMP
>> Có thể bạn quan tâm: Thành công của Zara - Sự kết hợp hoàn hảo giữa văn hóa & khách hàng sáng tạo
Bình luận của bạn