Khi nhắc tới mối quan hệ của con người với môi trường, chúng ta thực sự đã phạm phải nhiều sai lầm. Các tổ chức môi trường thường tích cực tận dụng cảm giác tội lỗi khó chịu đó, ví dụ như: Bạn không nên sử dụng cái chai nhựa đó bởi nó sẽ bị vứt xuống biển làm hàng trăm loài cá mắc nghẹn và chết. Nhưng làm sao bạn có thể cảm thấy những thứ mơ hồ như vậy?
Một nghiên cứu mới đã tìm ra rằng, cảm giác tội lỗi không phải một cách tiếp cận hiệu quả để thúc đẩy con người thay đổi hành vi thân thiện với môi trường. Kết quả nghiên cứu đề xuất đổi mới thông điệp hành động vì môi trường với niềm tự hào trở thành động lực mạnh mẽ để cứu Trái đất hơn là cảm giác tội lỗi.
“Phát hiện của chúng tôi nhằm gợi ý xem xét lại thông điệp về môi trường và biến đổi khí hậu", Elke Weber, nhà tâm lý học đã thực hiện nghiên cứu liên kết với cả Đại học Princeton và Đại học Columbia cho biết. Cô là đồng tác giả của nghiên cứu trên tạp chí trực tuyến PLoS One, với ba đồng nghiệp do Claudia Schneider dẫn đầu.
987 người Mỹ được lựa chọn để khảo sát trực tuyến - tất cả đều được đưa ra một loạt các kịch bản mà trong đó yêu cầu họ chọn giữa lựa chọn thân thiện với môi trường và không thân thiện với môi trường. Trong một ví dụ: "họ có thể chọn ít hoặc nhiều hơn 14 tiện nghi xanh cho căn hộ của mình, chẳng hạn như một tủ lạnh được đánh giá tiết kiệm năng lượng. Mỗi tiện ích sẽ mất thêm $3 mỗi tháng cho tiền thuê nhà."
Khi họ làm như vậy, một số người được hiển thị trên đầu màn hình máy tính của họ câu nói khuyên họ nên "ghi nhớ rằng bạn có thể cảm thấy tự hào về quyết định của mình". Những người khác nhìn thấy thông điệp thay thế khác, "Hãy nhớ rằng bạn có thể cảm thấy tội lỗi về quyết định của mình." Một số người khác thì được yêu cầu tưởng tượng, sau đó viết ra một vài dòng về một sự lựa chọn mà sẽ làm cho họ cảm thấy tự hào hoặc cảm giác tội lỗi.
Bốn trong số năm kịch bản xảy ra, những người đã nghĩ hoặc viết về niềm tự hào (hoặc được tiếp xúc với lời nhắc trên màn hình) sẽ có nhiều khả năng lựa chọn vì môi trường hơn những người mang cảm giác tội lỗi. (Còn một điều, họ đã chọn nhiều thiết bị tiết kiệm năng lượng hơn cho không gian sống trong mơ của họ).
Kết quả cho thấy, thông thường ý nghĩ lẩn tránh cảm giác tội lỗi khó chịu sẽ thúc đẩy một số người làm điều đúng đắn, nhưng tạo ra một cảm xúc tích cực — tự hào — có vẻ mang lại hiệu quả cao hơn.
Thông thường, "Mọi người phản ứng khá tệ khi được yêu cầu cảm thấy tồi tệ về bản thân vì một số nhận thức sai lầm về đạo đức", các nhà nghiên cứu viết. Bởi vì điều này, "nhiều nỗ lực để gây ra cảm giác như vậy sẽ bị chối bỏ, hoặc thậm chí gây hiệu quả boomerang, dẫn đến sự chống đối thay đổi hành vi, hoặc thậm chí có thể sản sinh hành động trả đũa."
Bạn muốn làm tôi cảm thấy tội lỗi đúng không? Tôi cứ ném vỏ kẹo cao su này xuống sàn đấy!
Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng cần nghiên cứu sâu hơn để khám phá nếu cảm giác niềm tự hào có thể "tạo ra những thay đổi bền vững trong hành vi thực tế trong thời gian dài." Nhưng hướng nghiên cứu này mới chỉ mở ra tương lai đầy hứa hẹn.
Rất nhiều công trình nghiên cứu tâm lý học xác nhận mong muốn mạnh mẽ của con người để cảm thấy tốt về bản thân mình. Bởi vậy, đánh vào tâm lý tự hào của con người có thể tạo ra tác động tích cực lớn tới các hành vi bảo vệ môi trường.
Mới đây nhất là chiến dịch quảng cáo “Trash Isle” – nhằm bảo vệ môi trường biển của Pháp đã giành 02 giải lại Lễ hội Quảng cáo thế giới Cannes Lions 2018. Chiến dịch này đã khơi gợi cảm giác tự hào khi đưa vùng biển ô nhiễm nhựa của Pháp trở thành một vương quốc và thu nhận công dân từ khắp nơi nhằm làm sạch vùng biển này, trong đó bao gồm rất nhiều người nổi tiếng từ Al Gore đến Judi Dench,..
Theo PS Magazine
Bình luận của bạn