Quảng cáo dựa trên nỗi sợ là việc quảng cáo đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng nhằm thúc đẩy họ mua hàng hay phục vụ cho một mục đích nào đó trong marketing.
Một chiến lược marketing thành công không chỉ đem lại doanh thu lớn mà còn giúp doanh nghiệp gây dựng được tiếng vang trên thị trường. Một chiến lược điển hình mà chắc hẳn marketer nào cũng biết đến đó chính là: Quảng cáo dựa trên nỗi sợ. Bạn hiểu gì về chiến lược này? Hãy cùng Marketing AI tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Quảng cáo dựa trên nỗi sợ là gì?
Quảng cáo trên nỗi sợ - hiểu một cách đơn giản chính là việc quảng cáo đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng nhằm thúc đẩy họ mua hàng hay phục vụ cho một mục đích nào đó trong marketing. Việc đánh vào khía cạnh tâm lý của con người sẽ chi phối hành động của người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ lo lắng về hậu quả nếu không mua sản phẩm của nhãn hàng.
Trên thực tế, quảng cáo trên nỗi sợ của con người đã xuất hiện từ những năm 1920. Vào năm đó, mọi người hầu như chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm khử mùi (bao gồm cả nước súc miệng) - điều được coi là một lối sống rất bình thường. Dự cảm được thị trường tiềm năng trước mắt, Listerine bất ngờ tung ra một chiến dịch marketing "đầy ám ảnh": Bạn sẽ sống một cuộc sống đáng lo ngại và đầy u tối khi mắc phải căn bệnh "quái ác" mang tên hôi miệng.
Một trong những mẫu quảng cáo thành công nhất của chiến dịch đó là hình ảnh một người phụ nữ trẻ ủ rũ với tiêu đề: “Đã nhiều lần làm phù dâu... nhưng chưa bao giờ được làm cô dâu”, hay “Số phận nghiệt ngã, đến tận 30 tuổi mà vẫn chưa từng có một mảnh tình vắt vai vì... chứng hôi miệng quái ác”.
Chiến lược quảng cáo dựa trên nỗi sợ đã biến một chứng bệnh hôi miệng bình thường trở thành một khiếm khuyết nghiêm trọng cần phải điều trị ngay lập tức, bạn cần sử dụng ngay nước súc miệng diệt khuẩn mang tên Listerine.
Tuy là một cách tiếp thị mới lạ, chứa đầy những rủi ro, nhưng nó đã được đền đáp vô cùng xứng đáng, chỉ trong vòng 7 năm, doanh thu của hãng đã tăng vọt từ 115.000 đô la lên đến 8 triệu đô la mỗi năm.
>>> Xem thêm: Tại sao quảng cáo in ấn lại quan trọng trong thế giới hậu COVID?
Ba bước để có chiến lược quảng cáo dựa trên nỗi sợ
Dù là trong thời tiền sử hay ở thời đại bây giờ, con người luôn có những nỗi sợ hữu hình và vô hình.
Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng: Con người thường ghi nhớ tốt hơn những mẫu quảng cáo mô tả nỗi sợ hãi. Họ dường như không muốn chịu bất kỳ sự đau đớn nào, họ sẽ hành động để thay đổi. Đó cũng chính là lý do quảng cáo dựa trên nỗi sợ hãi lại được nhiều marketer sử dụng. Và để làm quảng cáo dựa trên nỗi sợ của con người, thương hiệu cần chứng minh được ba điều sau đến với khách hàng:
- Bạn rất có khả năng bị ảnh hưởng
- Bất cứ khi nào bạn bị ảnh hưởng, bạn sẽ cảm thấy tổn thương
- Bạn có khả năng để tránh nỗi đau trên
Tương ứng với chiến lược trên chính là:
- Khởi dậy một nỗi sợ vốn không tồn tại đến với khách hàng.
- Chỉ ra nỗi sợ có sẵn ở khách hàng, đồng cảm với họ.
- Dùng cách của bạn để giải quyết mối nguy của khách hàng.
Quảng cáo dựa trên sự sợ hãi cũng có hai mặt
Ngoài những lợi ích không tưởng của quảng cáo dựa trên sự sợ hãi mà doanh nghiệp bạn sẽ nhận được thì đâu đó vẫn tồn tại những rủi ro. Nếu bạn sử dụng chiến lược này một cách bừa bãi, quá phóng đại nỗi sợ ấy lên thì có thể dẫn đến việc phản tác dụng. Khách hàng tin rằng mình đang gặp nhiều nguy hiểm hơn thực tế những gì họ đang phải đối mặt. Khách hàng có thể làm ngược lại những gì chúng ta khuyên bảo. Và những người khách này cũng có thể trở nên sợ hãi, trầm cảm, rối loạn lo âu,...
Điển hình là đại dịch covid-19 lan rộng khắp toàn cầu gần đây, mặc dù các marketers có thể quảng cáo dựa trên nỗi sợ hãi do đại dịch này gây ra, nhưng phần lớn các thương hiệu đã lựa chọn cách làm ngược lại: Đưa ra những thông điệp tích cực và nhẹ nhàng hơn “Hy vọng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn”. Vậy là không phải lúc nào quảng cáo dựa trên sự sợ hãi cũng là hiệu quả nhất.
Vũ điệu rửa tay của vũ công Quang Đăng trên nền ca khúc Ghen cô Vy đã gây sốt trong cộng đồng trong và ngoài nước sau khi được UNICEF đăng tải trên fanpage chính thức.
Đánh vào tâm lý là hình thức dễ thao túng hành động của con người nhất, nhưng nó cũng khiến người ta rơi vào cái đáy tiêu cực của cảm xúc. Do vậy, các marketer cần có chiến lược quảng cáo sao cho đúng đối tượng, đúng thời điểm và đúng cách để đảm bảo đem lại hiệu quả nhất.
>>> Xem thêm: Xu hướng chi tiêu quảng cáo trong năm 2021 mà các agency không nên bỏ qua
Những ứng dụng thực tế về quảng cáo dựa trên sự sợ hãi
Victoria’s Secret: Tận dụng nỗi sợ bỏ qua một ưu đãi
Giới hạn ưu đãi trong một khoảng thời gian để khách hàng thấy rằng thời gian không còn nhiều nữa, mình phải hành động thôi là cách mà hãng thời trang nổi tiếng Victoria’s Secret này áp dụng. Trên trang chủ, hãng đồng loạt đưa ra các thông điệp: “Kết thúc ngày mai!”, “Duy nhất hôm nay!”, và “Ngày cuối cùng!”, bạn sẽ làm gì sau khi tiếp cận được thông điệp này? Có phải bạn sẽ lo lắng rằng mình sẽ bỏ lỡ cơ hội duy nhất trong năm này? Có phải bạn sẽ bằng mọi giá phải mua sản phẩm của họ ngay bây giờ không? Nếu đúng là như vậy thì chiến lược của hãng thật sự đã rất thành công.
Đây cũng được xem là phương pháp thúc đẩy hoạt động mua của khách hàng và được sử dụng rộng rãi cho đến thời điểm hiện tại.
Masan - Tận dụng nỗi sợ sử dụng thực phẩm không tốt cho sức khỏe
Chắc bạn không còn cảm thấy xa lạ gì khi nhắc đến thương hiệu Masan - Thương hiệu quốc dân của mọi nhà: từ nước tương, nước mắm cho đến hạt nêm và mì ăn liền… Tháng 7/2005, khi nước tương Chinsu tại Châu Âu bị cáo buộc có chứa 3-MCPD khiến cho cộng đồng người tiêu dùng Việt lo lắng thì chỉ sau hơn một tháng, Masan Food đã cho ra đời nước tương Tam Thái Tử với khẩu hiệu “Nước tương không có 3-MCPD”. Tiếp tục thừa thắng xông lên, Masan lại cho ra sản phẩm nước mắm Nam Ngư với thông điệp “Nam Ngư - Nước mắm không cặn”.
Kết quả là doanh thu của Masan Food đã tăng lên gấp 3 lần từ 660 tỉ năm 2007 lên 1.992 tỉ năm 2008 sau khi nước tương Tam Thái Tử ra đời. Sản phẩm nước mắm Chinsu và Nam Ngư áp đảo thị trường với 60% thị phần.
Kết
Như vậy, quảng cáo dựa trên nỗi sợ là một chiến lược thông minh và hiệu quả nếu ta biết cách sử dụng nó. Tuy nhiên điều gì cũng có hai mặt, vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần sáng suốt hơn trong mỗi quyết định của mình. Theo bạn, chiến lược Quảng cáo dựa trên nỗi sợ còn có điều gì chưa được hé lộ nữa? Hãy chia sẻ quan điểm với Marketing Ai nhé!
Thanh Thanh - MarketingAI
>> > Có thể bạn quan tâm: 4 phương pháp sáng tạo hay nhất cho quảng cáo số trên social media
Bình luận của bạn