cover

PR truyền thống và Digital PR - Lựa chọn nào cho doanh nghiệp?

23 Thg 03

Bên cạnh các hoạt động digital PR (hay PR hiện đại), PR truyền thống vẫn có chỗ đứng riêng của nó, và được nhiều doanh nghiệp duy trì trong hoạt động marketing tổng thể cho doanh nghiệp. Vậy PR truyền...

Bên cạnh các hoạt động digital PR (hay PR hiện đại), PR truyền thống vẫn có chỗ đứng riêng của nó, và được nhiều doanh nghiệp duy trì trong hoạt động marketing tổng thể cho doanh nghiệp. Vậy PR truyền thống và Digital PR có gì khác nhau, và doanh nghiệp nên lựa chọn hình thức PR nào cho phù hợp?

Định nghĩa PR truyền thống và Digital PR

PR hình thành với hoạt động điều phối các nguồn thông tin giữa doanh nghiệp và các cá thể liên quan như khách hàng, công chúng, nhà đầu tư, cơ quan truyền thông,.. Các nhà quản trị ngày càng ưa chuộng PR hơn bởi sự khách quan và tin cậy nhiều hơn một vài công cụ marketing khác.

Chính vì vậy, PR phát triển mạnh và dần phân hóa thành hai loại hình chính: PR truyền thốngdigital PR (hay PR hiện đại) Dù là hình thức nào đi nữa, thì mục đích chung của PR là xây dựng một hình ảnh đẹp về doanh nghiệp trong mắt mọi người, điểm khác nhau giữa chúng là cách thức tác động tới đối tượng. PR truyền thống chủ yếu nhắm vào hoạt động offline, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trong khi Digital PR lại dựa trên nền tảng Internet hay các web 2.0 như blog, diễn đàn,...

>>> Đọc thêm: PR là gì?

Sự khác nhau giữa PR truyền thống và Digital PR

PR truyền thống

Các doanh nghiệp thường tập trung chủ yếu vào một vài hoạt động PR chính mang lại hiệu quả cao như tổ chức sự kiện - lễ kỉ niệm, hội nghị khách hàng,.. hoạt động tài trợ và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền hình.

Công chúng có lẽ đã quen thuộc với lễ ra mắt iPhone của Apple, sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam của Tôn Hoa Sen, tủ sách “Nền tảng đổi đời” do Cà phê Trung Nguyên tổ chức hay các lễ hội âm nhạc gần đây của Vinaphone. Đây là những ví dụ điển hình cho hoạt động PR truyền thống.

PR truyền thống và Digital PR 01

(Ảnh: htv.com.vn)

Những hoạt động này thường mang lại hình ảnh đẹp và độ tin cậy cao cho doanh nghiệp tuy nhiên đi cùng với đó sẽ gặp một vài bất lợi. Rõ ràng, chi phí bỏ ra cho những hoạt động này không hề nhỏ, quy mô cũng thường bị giới hạn về mặt không gian, thời gian. Hơn nữa, các nhà quản trị khó đo lường được hiệu quả thực sự của chiến dịch.

>>> Đọc thêm: Các bước xây dựng kế hoạch PR khi ra mắt sản phẩm mới

Digital PR

Với sự bùng nổ của Internet, PR phát triển hướng đi mới dựa trên nền tảng này là một điều hoàn toàn hiển nhiên. Digital PR tập trung chính vào một số kênh mạng xã hội, blog, diễn dàn, video hay báo điện tử. Nếu như blog, website, hay diễn đàn là kênh để tiếp cận tới nhóm công chúng có hành vi, sở thích cụ thể, đặc thù hơn thì mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram,.. lại phù hợp để lan tỏa tới nhóm người ở độ tuổi nhất định.

PR truyền thống và Digital PR 02

(Ảnh: velue4brand.com)

Với digital PR, doanh nghiệp có thể tiếp cận mọi đối tượng mà không bị giới hạn về không gian hay thời gian, chi phí bỏ ra hoàn toàn tùy thuộc vào ngân sách và đặc biệt khuyến khích tương tác thường xuyên và nhanh chóng giữa hai bên.

Ví dụ điển hình cho digital PR có thể kể tới chiến dịch “Vươn cao Việt Nam” của Vinamilk với độ phủ sóng rộng khắp các kênh truyền thông trên Internet từ mạng xã hội, báo điện tử cho tới TVC trên Internet. Bên cạnh đó, những khủng hoảng truyền thông như vụ con ruồi của Tân Hiệp Phát hay Vietjet có thể coi là hình thức digital PR.

Lựa chọn nào cho các nhà quản trị?

Có thể thấy PR truyền thống là lựa chọn phù hợp với doanh nghiệp có khả năng và dám đầu tư chi phí cho hoạt động marketing. Kể cả quy mô lớn hay nhỏ, hoạt động PR đều có tác động nhất định tới tệp khách hàng, công chúng. Thông qua việc tương tác một cách trực tiếp, doanh nghiệp dễ dàng tạo được sự tin cậy. Sử dụng PR truyền thống, nhà quản trị có cơ hội tiếp cận mọi công chúng với những đặc điểm khác nhau. Tính chất, phương thức của hoạt động thay đổi linh hoạt dựa trên đối tượng hướng tới.

Cái khó của PR truyền thống là thực hiện tương đối phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, sức lực cũng như chi phí.

Ngược lại, digital PR phù hợp với hầu hết mọi doanh nghiệp. Thay vì phải bỏ ra chi phí lớn cùng một thời điểm, digital PR được áp dụng linh hoạt tùy theo ngân sách. Mạng xã hội, diễn đàn, website hay các trang báo điện tử có một lượng công chúng đông đảo ở mọi khu vực lãnh thổ cũng như khả năng tiếp cận nhanh chóng và thu hút tương tác cao hơn nhiều. Đó là lí do khiến PR online được yêu thích và ngày càng trở nên phổ biến.

Nhưng đây là con dao hai lưỡi, sức lan tỏa nhanh chóng trên Internet là bài toán khó cho các nhà quản trị trong việc kiểm soát luồng dư luận, nếu không cẩn thận, thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng hình ảnh nghiêm trọng. Bên cạnh đó, không phải đối tượng công chúng nào nhà quản trị có thể hướng tới với digital PR.

PR truyền thống và Digital PR 03

(Ảnh: blog.trustpilot.com)

Việc quyết định sử dụng hình thức PR nào phụ thuộc nhiều vào thời điểm cũng như mục đích doanh nghiệp đặt ra. Trong khi digital PR thích hợp để tạo ra sự lan tỏa và nhanh chóng thì PR truyền thống là lựa chọn tốt trong việc tác động sâu tới đối tượng. Những giai đoạn đầu, thử nghiệm là môi trường để sử dụng digital PR  trong khi PR truyền thông đem tới sự phát triển có tính bền vững hơn.

Nhìn chung, với xu hướng hiện nay, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là lựa chọn tối ưu nhất. Dung hòa giữa PR truyền thống và Digital PR sẽ giúp doanh nghiệp có một chiến dịch xuyên suốt, lan tỏa, hiệu quả mà chi phí tiết kiệm trong phương thức tiếp cận lẫn truyền tải thông tin. Hầu hết các hoạt động PR của doanh nghiệp lớn trên thị trường đều đang kết hợp PR truyền thống với Digital PR và mang lại hiệu quả cao.

Minh Phương - Marketing AI

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.