Phúc Long: Hành trình “thay da đổi thịt” sau nửa thế kỷ ẩn mình

08 Thg 09

Vài năm trở về trước, Phúc Long được biết đến là cửa hàng thuần bán và giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, thương hiệu này đã bất ngờ chen chân vào thị trường F&B với một chuỗi cửa hàng đồ uống đình đám. Hành trình “thay da đổi thịt” sau nửa thế kỷ ẩn mình đã khiến nhiều người không giấu nổi sự tò mò. Liệu, chiến lược marketing thần kỳ nào đã đưa tân binh Phúc Long đứng ngang hàng, thậm chí vượt mặt một số tên tuổi “lão làng” trong giới F&B Việt?

“Gã du mục” trên cao nguyên Bảo Lộc

Năm 1968, trên cao nguyên Bảo Lộc (Lâm Đồng), thương hiệu trà và cà phê Phúc Long đã manh mún ra đời. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, Phúc Long đã đặt những bước chân đầu tiên trên đất Sài Thành với 3 cửa hàng nhỏ. Đến năm 2007, “dấu chân du mục” đã vươn tới Thái Nguyên, khi Phúc Long sở hữu thêm một đồi chè tại đây.

(Ảnh: TriTu)

Những tưởng thương hiệu này sẽ chỉ tập trung trồng trọt, chế biến các sản phẩm cà phê và trà xanh. Tuy nhiên, đến năm 2012, một bước chuyển mình đã đưa Phúc Long vào ngành F&B (đồ ăn và thức uống). Trong năm này, cửa hàng Phúc Long Coffee & Tea đầu tiên đã xuất hiện tại TTTM Crescent Mall Quận 7 (Tp HCM), đánh dấu một hướng đi mới và cũng là khởi đầu trong hành trình chinh phục thực khách Việt.

Trải qua hơn 50 năm, các cửa hàng Phúc Long không còn đơn thuần là nơi bán và giới thiệu sản phẩm mà đã “thay da đổi thịt” với cách tiếp cận khách hàng hoàn toàn mới. Doanh nghiệp này cũng bắt đầu nhập cuộc xây dựng và quảng bá thương hiệu với chuỗi cửa hàng có thiết kế nhận diện thương hiệu mới, đặt tại những vị trí đắc địa trên địa bàn Tp.HCM và Hà Nội.

(Ảnh: Phúc Long Coffee & Tea)

Từ một cái tên nhỏ bé trên cao nguyên Bảo Lộc, Phúc Long Coffee & Tea đã tạo nên một trào lưu trong giới trẻ và khiến những tên tuổi lớn trong ngành F&B cũng phải e dè.

Kẻ “chơi ngông” sau nửa thế kỷ ẩn mình

Tại Hà Nội và Tp HCM, không quá khó để tìm đến một cửa hàng Phúc Long Coffee & Tea, bởi hầu hết chúng đều nằm ở những vị trí đắc địa. Tại những “mảnh đất vàng” này, chi phí thuê địa điểm khá cao, trong khi đó, giá bán của Phúc Long lại có phần rẻ hơn so với những đối thủ cạnh tranh như Highland Coffee, Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf,...

Nhiều nhà tư vấn chiến lược marketing cho rằng, phía sau hành động có phần “chơi ngông” của Phúc Long, là một toan tính và tham vọng khó đoán của thương hiệu này.

Phúc Long như một thương hiệu sinh sau đẻ muộn trên thị trường F&B Việt Nam. Tuy nhiên, tân binh này luôn chọn địa điểm đặt cửa hàng ở gần, thậm chí là ở cạnh những đối thủ cạnh tranh của mình. Việc đặt quán ở cạnh đối thủ có vẻ như cũng nằm trong sự tính toán của thương hiệu này.

(Ảnh: Phúc Long Coffee & Tea)

Với giá bán rẻ hơn, cửa hàng không kém phần sang trọng, Phúc Long dần thu hút khách hàng nhiều hơn, thậm chí “hớt tay trên” khách hàng của các đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, những du khách nước ngoài thường có xu hướng thưởng thức các hãng cà phê nội địa, thuần Việt trong chuyến thăm quan của mình, đây chính là một điểm cộng lớn của thương hiệu cà phê thuần Việt này. Chính vì thế, việc đặt cạnh các đối thủ của mình là nước đi táo bạo giúp Phúc Long chen chân vào thị trường.

Đổi lại, thương hiệu này cũng phải dành một khoản chi khổng lồ cho việc thuê cửa hàng, trang trí nhận diện thương hiệu,... Các khoản chi này không thể kiếm lại trong ngày một ngày hai, nhưng về lâu dài, Phúc Long chắc chắn sẽ làm được điều này, và nhận về nhiều hơn thế. Những thứ mà thương hiệu này nhận lại, không chỉ có doanh thu tức thì, còn có cả sự gia tăng nhận diện thương hiệu và lợi nhuận lâu dài.

Cuộc đua gắt gao với các “lão làng”

Trong khi các thương hiệu nước ngoài đình đám vẫn đang loay hoay điều chỉnh menu sao cho phù hợp với thị trường Việt Nam, Phúc Long lại sở hữu lợi thế thuần Việt ngay từ đầu. 

(Ảnh: Phúc Long Coffee & Tea)

Phúc Long xây dựng thực đơn khá phong phú, vẫn dựa trên thế mạnh sẵn có là trà và cà phê, thương hiệu này còn phát triển thêm các loại đồ uống đá xay như những cửa hàng nước ngoài, đồng thời thêm các món trà sữa theo xu hướng của giới trẻ. Các sản phẩm tương tự như đối thủ cạnh tranh, nhưng có giá “mềm” hơn một chút khiến thương hiệu này được lòng nhiều thực khách.

Tập khách hàng mục tiêu của Phúc Long cũng có phần rộng hơn so với những thương hiệu sang chảnh, đắt đỏ ngoại nhập.

Nếu như Starbucks và The Coffee Bean & Tea Leaf định vị thương hiệu cao cấp khi nhắm tới dân văn phòng thu nhập cao và những người ưa chuộng hương vị cà phê ngoại. Hoặc Trung Nguyên Coffee định vị tầm trung, nhắm đến tập khách hàng sành cà phê, có xu hướng truyền thống. Thì Phúc Long lại tập trung vào nhóm khách hàng rộng hơn, từ những người đi làm cho đến học sinh, sinh viên,... Điểm khác biệt này đưa thương hiệu Phúc Long đến gần công chúng hơn, thu hút lượng lớn khách hàng trong khoảng thời gian ngắn.

Ngoài ra, điểm cộng lớn cho chuỗi cửa hàng đồ uống này còn nằm ở chiến lược lấy người dùng làm trung tâm, phong thái phục vụ tốt, chất lượng đồ uống ổn định. Đặc biệt, Phúc Long không ngần ngại “bắt trend”, chạy theo các xu hướng, sự kiện, ngày lễ,... thông qua việc khoác lên mình những “bộ áo mới” vào các dịp Noel, lễ tết,...

(Ảnh: Foody)

Kết luận

Sau quãng thời gian dài ẩn mình, chỉ mất vài năm để Phúc Long “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Đến thời điểm hiện tại, thương hiệu Việt này đã sở hữu hơn 60 cửa hàng trải dài từ Bắc đến Nam. Ẩn sau những chiến lược marketing có phần “chơi ngông” của Phúc Long là sự tính toán khéo léo và lâu dài, đưa tên tuổi thương hiệu này từng bước chiếm lĩnh thị trường, sánh vai và thậm chí vượt mặt các tên tuổi “lão làng”.

Huyền Nguyễn - Marketing AI

>> Có thể bạn quan tâm: John Lewis: “Huyền thoại Noel” tại xứ sở sương mù nhập cuộc sớm trong cuộc đua bán lẻ mùa Giáng sinh
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.