Những điều cần biết về Deepfake - Công nghệ AI bị lên án trong suốt thời gian qua
Deepfake là gì?
Deepfake là một công nghệ trí tuệ nhân tạo bắt đầu xuất hiện vào năm 2017 và dần trở nên phổ biến trong 2 năm trở lại đây. Thuật ngữ Deepfake được ghép từ khái niệm là "deep learning" (máy học sâu) và "fake" (giả). Trong đó, Deep Learning được biết đến là một chức năng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), hoạt động dựa trên cơ sở bắt chước cách bộ não con người, để “học” và xử lý tập dữ liệu lớn một cách nhanh chóng.
Cụ thể, Deepfake ứng dụng công nghệ Deep Learning, thu thập và phân tích dữ liệu về hình ảnh và âm thanh của một người. Sau đó gán hình ảnh, âm thanh này vào một người khác trong video, hình ảnh nào đó với mức độ chân thực đến đáng kinh ngạc, chi tiết tới từng chuyển động, đường nét trên khuôn mặt, cho tới âm điệu của giọng nói. Deepfake có thể tạo nên hai dạng video: Sử dụng nguồn video gốc của một đối tượng, yêu cầu người đó nói và làm những hành động chưa từng làm trong video, hoặc hoán đổi khuôn mặt của người đó vào video của một người khác. Một số ứng dụng Deepfake tiêu biểu hiện nay phải kể đến như: Deep Art Effects, Deep Swap, Deep Video Portraits, FaceApp, FaceMagic, MyHeritage, Wav2Lip, Wombo, Zao,...
Từ một phát kiến của trí tuệ nhân tạo tới một công nghệ bị kỳ thị
Ban đầu, Deepfake được sử dụng với các mục tiêu giải trí, đặc biệt là trong lĩnh vực phim ảnh. Điển hình như việc thay đổi gương mặt, giọng nói của các diễn viên trong các phân cảnh đóng thế.
Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây Deepfake đang dần trở thành cơ hội cho những hành vi lừa đảo, phạm tội. Rất nhiều kẻ gian đã sử dụng hình ảnh của Deepfake để tạo giả mạo giấy tờ tùy thân, đánh cắp thông tin cá nhân, sử dụng Deepfake mô phỏng hình ảnh, giọng nói của một người nào đó để lừa người thân, bạn bè của họ, hoặc lạm dụng hình ảnh người nổi tiếng. Làn sóng lạm dụng Deepfake cũng đang dần phổ biến ở nước ta, “đưa” CR7 sang tận Việt Nam để quay video bán áo cho học sinh sinh viên với tone giọng chuẩn người Việt, hay ghép mặt ca sĩ Phương Mỹ Chi trong video Mukbang 30s.
Đặc biệt là vấn nạn sử dụng Deepfake để lồng ghép gương mặt của phụ nữ, người nổi tiếng vào hàng loạt video nhạy cảm trên các website phim đen hiện nay. Theo thống kê từ Deeptrace, những nội dung nhạy cảm này đang chiếm tới 96% số lượng nội dung. Không chỉ dừng lại ở hoạt động lừa đảo cá nhân, Deepfake còn trở thành công cụ phạm tội của rất nhiều tội phạm chính trị, nhằm truyền bá thông tin, tư tưởng sai lệch đến người dân. Một ví dụ điển hình nhất là vào năm 2022, trên mạng xã hội đã xuất hiện một video sử dụng Deepfake để lồng ghép hình ảnh và giọng nói của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy về việc yêu cầu quân đội của ông đầu hàng.
Với hàng loạt “scandal” như vậy, Deepfake dĩ nhiên trở thành một cái tên không mấy tốt đẹp trong mắt công chúng. Trong một bài đăng trong một group cộng đồng mới đây, có nội dung về một ứng dụng Deepfake mới tên là Animate Anyone. Có thể thấy phần bình luận ngập tràn các nội dung tẩy chay, chỉ trích nặng nề công nghệ tai tiếng này.
Trước những phản ứng tiêu cực của cộng đồng, các thương hiệu cũng dần dè chừng với AI Deepfake, mà bỏ quên những tính năng rất hữu ích mà công nghệ này có thể mang lại, đặc biệt trong marketing.
Chỉ nhìn vào khía cạnh tiêu cực, thương hiệu có thể bỏ lỡ những hiệu quả bất ngờ của AI Deepfake
Bản thân Deepfake vốn chỉ là một công nghệ được xây dựng và sử dụng bởi con người. Vì vậy, cần nhìn nhận rằng mối nguy hiểm vốn nằm ở cách mà chúng ta ứng dụng Deepfake, thay vì đổ lỗi cho công nghệ này. Deepfake vốn được sinh ra để phục vụ cho mục đích rất thuần túy như sửa lại các thước phim bị lỗi, chế clip hài hước,... Deepfake giúp con người vượt qua giới hạn về nguồn nhân lực, chi phí, thời gian để cho ra video chân thật một cách nhanh chóng.
Chính vì vậy, Deepfake là một công nghệ rất hữu ích để tối ưu quá trình sáng tạo nội dung, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng một cách dễ dàng trong marketing. Có rất nhiều thương hiệu thành công sử dụng Deepfake trong marketing và nhận được hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng.
Tiêu biểu như chiến dịch “The Power of the Voice” của tổ chức Malaria Must Die hợp tác cùng David Beckham. Thương hiệu đã sử dụng một công nghệ AI Deepfake được phát triển bởi công ty Synthesia, để “giúp” David Beckham có thể nói tới 9 thứ tiếng. Deepfake đã lồng ghép khuôn mặt, giọng điệu từ video nguyên bản của David Beckham và thay thế vào video của những người dân bản xứ. Nhờ đó, Deepfake đã giúp David Beckham truyền tài trọn vẹn thông điệp của nhãn hàng tới người dân tại nhiều quốc gia khác nhau, vượt quan những rào cản về ngôn ngữ. Kết quả, Global Fund đã huy động được tới 14,2 tỷ USD cho chiến dịch, vượt xa mục tiêu dự kiến.
Sự phát triển của Deepfake giúp các thương hiệu khai thác triệt để sức mạnh của công nghệ trong marketing cũng như các hoạt động phát triển khác.
Có thể điểm qua một số ứng dụng đột phá của Deepfake trong Marketing như sau:
1. Tối ưu hiệu suất của các chiến dịch quảng cáo với Influencer Marketing:
Ví dụ phía trên của Malaria Must Die và David Beckham là một trong những ứng dụng nổi bật của Deepfake trong việc tối ưu hiệu suất và chất lượng của các quảng cáo. Hãy thử tưởng tượng, doanh nghiệp đang hợp tác với một người nổi tiếng quốc tế để quảng bá cho nhiều thị trường khác nhau như Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc,.... Nhưng những giới hạn về ngôn ngữ khiến các video quảng cáo của bạn chỉ quay được bằng một thứ tiếng, cộng thêm giới hạn về khoảng cách địa lý khiến bạn không thể thực hiện video trực tiếp cùng người nổi tiếng.
Khi đó, thương hiệu có thể sử dụng Deepfake để đa dạng hóa ngôn ngữ, hình ảnh trong quảng cáo. Biến quảng cáo gốc thành nhiều phiên bản quảng cáo riêng biệt, với những ngôn ngữ, trang phục, hình ảnh riêng của từng địa phương. Như vậy, thương hiệu có thể bản địa hóa chiến dịch quảng cáo một cách nhanh chóng, thay vì quay lại từng video quảng cáo.
Chiến dịch Zalando năm 2018 với Cara Delevingne cũng là một ứng dụng tiêu biểu của Deepfake trong việc tối ưu hóa hiệu suất quảng cáo. Chỉ với một lần quay video, họ đã tạo ra 60.000 tin nhắn video dành riêng cho từng thị trấn và làng nhỏ ở Châu Âu bằng cách sử dụng công nghệ deepfake. Sau đó, kết hợp với tính năng quảng cáo nhắm mục tiêu của Facebook, họ đã phân bổ từng video đến những khách hàng tại từng địa phương tương ứng. Chiến dịch đã nhận được hơn 180 triệu lượt hiển thị và doanh số bán hàng trên Top Shop tăng 54%.
2. Khả năng cá nhân hóa được nâng tầm cùng Deepfake
Một trong những ví dụ dễ thấy nhất của tính năng này là trải nghiệm thử đồ online của khách hàng. Như trước đây, khi mua sắm online khách hàng chỉ có thể nhìn ngắm ảnh chụp sản phẩm trên người mẫu mà không thể thử xem sản phẩm đó có thực sự phù hợp với mình hay không. Nhưng khi sử dụng Deepfake, thương hiệu có thể quét khuôn mặt, vóc dáng của khách hàng để thay vào hình ảnh của người mẫu, giúp họ có được trải nghiệm mua hàng chân thực hơn. Tính năng này được sử dụng để tạo ra những sản phẩm cá nhân hóa riêng cho từng người dùng, hoặc giúp thương hiệu nghiên cứu ra sản phẩm phù hợp nhất với đại chúng.
Ứng dụng này từng được sử dụng trong chiến dịch hợp tác của Cơ quan Đổi mới Thời trang (FIA) Luân Đôn và Microsoft. Các sinh viên ThS Helen Wang và ThS Joanna Lanceley đã thành lập Microsoft SWAPP, đây là chương trình được thiết kế để cho phép người tiêu dùng chuyển đổi khuôn mặt của họ thành các quảng cáo thời trang, phim ngắn và ảnh gif phù hợp với phong cách và thông điệp của thương hiệu. Từ đó cho phép người tiêu dùng “nhìn thấy chính họ” trong quảng cáo.
3. Deepfake trong tổ chức sự kiện, triển lãm
Có khá nhiều ứng dụng của Deepfake có thể được khai thác tại các sự kiện, triển lãm. Ví dụ như việc tạo nên hình ảnh của vĩ nhân quá cố, sử dụng Deepfake tạo nên những nhân vật giả đón tiếp, giới thiệu khách trong sự kiện,....
4. Deepfake x Nostalgia Marketing: “Hồi sinh” những nhân vật trong quá khứ
Không chỉ mang lại trải nghiệm tối ưu hơn cho khách hàng, công nghệ AI còn có thể khiến cho những chiến dịch Tiếp thị hoài niệm trở nên chân thật, cảm xúc hơn. Với Deepfake, thương hiệu có thể làm sống lại nhân vật lịch sử, khơi gợi những khoảnh khắc quan trọng trong ký ức của người tiêu dùng.
Năm 2019, bảo tàng Dali ở St. Petersburg, Fla đã sử dụng Deepfake để làm sống dậy hình ảnh của danh họa Salvador Dalí đang chào đón khách trong một sự kiện tại bảo tàng. Video của danh họa đã được tạo nên bởi 6.000 khung hình video - trích dẫn từ các cuộc phỏng vấn trước đây và 1.000 giờ học máy để phủ hình ảnh ông lên mặt một diễn viên. Người đến tham dự sự kiện sẽ được chiêm ngưỡng những tương tác sống động từ danh họa - điều tưởng chừng như không thể trước khi có Deepfake.
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều ứng dụng khác của Deepfake mà thương hiệu có thể sử dụng như: Sử dụng để tạo nên những clip hài hước, viral, Thay thế gương mặt người mẫu khi quảng cáo các sản phẩm nhạy cảm,... hay thậm chí là sử dụng Deepfake để educate khách hàng về công cụ này, bảo vệ quyền lợi của họ trước các hành vi lừa đảo.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi sử dụng công nghệ này là thương hiệu cần có sự chấp thuận của nhân vật và công khai minh bạch quá trình sử dụng Deepfake với công chúng. Như trường hợp của David Beckham và Malaria Must Die, đội ngũ thực hiện đã có một video công khai toàn bộ quá trình tạo video này.
Lời kết:
Những sự việc lừa đảo, lạm dụng AI Deepfake đang khiến cho rất nhiều người tiêu dùng và thương hiệu tẩy chay với công nghệ này. Tuy nhiên, việc chỉ trích không thể khiến cho các hành vi lạm dụng Deepfake trái phép dừng lại, mà chỉ khiến cho thương hiệu bỏ lỡ những lợi ích hấp dẫn của nó. Thay vào đó, hãy sử dụng Deepfake để tạo nên những trải nghiệm tối ưu hơn cho khách hàng, đồng thời educate họ về những mặt lợi - hại của Deepfake.
Bình luận của bạn