- Ngồi không cũng dính đạn, Milo bất ngờ bị réo tên bởi một OOH kỳ lạ
- Thông điệp tưởng chừng nhân văn nhưng lại trở nên kém duyên
- 1. Đổ lỗi lên người mẹ – một góc nhìn chưa công bằng và đầy định kiến
- 2. Phiến diện trong cách nhìn nhận về kỳ vọng của cha mẹ
- 3. Thông điệp nhân văn nhưng phải phù hợp với bối cảnh
Ngồi không cũng dính đạn, Milo bất ngờ bị réo tên bởi một OOH kỳ lạ
Mới đây một số tấm biển quảng cáo không nhãn hiệu, không sản phẩm đã gây sốt trên khắp các trang mạng xã hội những ngày qua. Với những thông điệp như:
- Mẹ ơi, bao nhiêu cuộc đua nữa mới đủ? Con chỉ muốn vô tư!
- Mẹ càng đòi hỏi, con càng mệt mỏi. Con chỉ muốn vô tư!
- Mẹ ơi, vô địch là mong muốn của ai. Con chỉ muốn vô tư!



Những thông điệp về áp lực thành tích, các từ khóa về “vô địch”, kết hợp cùng tone màu xanh lá khiến rất nhiều người xem ngay sau đó đã liên tưởng tới MILO - Thương hiệu có bộ nhận diện màu xanh với những slogan rất quen thuộc ví trẻ em như những “Nhà vô địch”. Ngay sau đó hàng loạt tranh cãi nổ ra trong giới truyền thông và cả người tiêu dùng. Có những ý kiến cho rằng, thông điệp này nhân văn, phản ánh nhiều trường hợp phụ huynh đang ép con học quá mức. Nhưng phần đông lại là những ý kiến chỉ trích thông điệp này có góc nhìn phiến diện, áp đặt lỗi lầm lên người mẹ.
Điều này đã khiến cho Milo bị réo tên ở rất nhiều bài đăng trên mạng xã hội và dính phải một số ý phản hồi khá tiêu cực từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều người dùng đã chỉ ra rằng OOH này sự thực không hề liên quan tới thương hiệu Milo và nhà Nestle, bởi lẽ thương hiệu này luôn bền bỉ với thông điệp “Nhà vô địch” trong rất nhiều năm qua, đồng thời ở thời điểm hiện tại Milo cũng không triển khai chiến dịch Marketing nào có thông điệp như trên.
Thay vào đó, một số người trong ngành đã chia sẻ thông tin OOH này thuộc về một thương hiệu sữa đối thủ khác trên thị trường. Và không lâu sau những quảng cáo này cũng đã được gỡ xuống, thông tin về thương hiệu phía sau thực hiện quảng cáo này vẫn chưa xác định được cụ thể là ai.
Tuy nhiên, sự việc đã khiến cho nhiều marketer đặt ra nghi vấn “Liệu có phải Milo đang bị đối thủ chơi xấu?” hoặc một thương hiệu nào đó cố tình thực hiện chiến lược “cà khịa” như cách mà Milo và Ovaltine từng làm để trở nên viral. Tuy nhiên, dẫu cho mục tiêu của người thực hiện là gì thì chiến dịch OOH tai tiếng này cũng là một nước đi rất nguy hiểm bởi thông điệp mang tới quá tiêu cực và phiến diện.
Thông điệp tưởng chừng nhân văn nhưng lại trở nên kém duyên
Với thông điệp “Mẹ càng đòi hỏi, con càng mệt mỏi, con chỉ muốn vô tư”, có thể hiểu rằng biển quảng cáo này đang khai thác thực trạng ở một số gia đình hiện nay: áp lực thành tích đang đè nặng lên trẻ em ngày nay. Từ đó, truyền tải thông điệp tới các bậc phụ huynh hãy “giải phóng” trẻ khỏi áp lực.

Không thể phủ nhận rằng chuyện về áp lực của trẻ nhỏ là một vấn đề khá thực tế trong đời sống hiện nay. Tuy nhiên, cách truyền tải câu từ thiếu tinh tế cùng màu sắc u ám đã tạo nên một thông điệp rất tiêu cực, quy chụp và dễ gây hiểu nhầm rằng nguyên nhân khiến trẻ mệt mỏi hoàn toàn đến từ sự đòi hỏi của mẹ. Cụ thể, thông điệp này đã mắc phải hai lỗi sai rất nghiêm trọng sau:
1. Đổ lỗi lên người mẹ – một góc nhìn chưa công bằng và đầy định kiến
Nuôi dạy con cái vốn là trách nhiệm của cả gia đình và xã hội, không chỉ riêng người mẹ. Nhưng trong quảng cáo này, khi con cái gặp vấn đề, thay vì chia sẻ trách nhiệm, thông điệp lại mang hàm ý đổ lỗi cho người mẹ. Việc đặt gánh nặng trách nhiệm lên một mình mẹ vô tình bỏ qua vai trò của người cha, nhà trường và môi trường xung quanh. Nó cũng giống như một định kiến cũ của người Việt “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” và điều này hoàn toàn không phù hợp với tư tưởng của người tiêu dùng trong bối cảnh xã hội hiện nay. Đặc biệt, nó tạo nên sự tổn thương sâu sắc cho người mẹ - nhóm khách hàng chính của hầu hết các sản phẩm dành cho trẻ.
2. Phiến diện trong cách nhìn nhận về kỳ vọng của cha mẹ
Cha mẹ luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Những kỳ vọng đặt ra không phải chỉ để tạo áp lực, mà là để xây dựng nền tảng vững chắc giúp con trưởng thành. Đôi khi điều đó khiến cho phụ huynh vô tình đặt cho con nhiều lớp học, cho con tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm,... những điều này đều xuất phát từ tình yêu thương và không phải là một hành vi sai trái đáng lên án. Đặc biệt, các bậc cha mẹ ngày nay đã có sự thay đổi lớn trong cách nuôi dạy con, linh hoạt hơn, thấu hiểu hơn.
3. Thông điệp nhân văn nhưng phải phù hợp với bối cảnh
Thông điệp nhân văn là một nước đi hiệu quả để chinh phục công chúng. Nhưng một thông điệp chỉ thực sự nhân văn khi nó mang lại giá trị tích cực cho toàn cộng đồng, đặc biệt là nhóm khách hàng mục tiêu của thương hiệu. Trong thông điệp trên, để thể hiện sự “nhân văn” đối với áp lực của trẻ mà thương hiệu đã làm tổn thương, áp đặt định kiến lên người mẹ. Vậy thông điệp đó có thực sự còn nhân văn?
Vì vậy, khi sử dụng một thông điệp nhân văn trong marketing phải đảm bảo sự phù hợp với bối cảnh xã hội và tâm lý của nhóm khách hàng mục tiêu. Trong trường hợp này, mẹ chính là tệp khách hàng chính – những người có khả năng chi trả cho sản phẩm. Một thông điệp vô tình khiến họ cảm thấy bị trách móc hay không được trân trọng sẽ phản tác dụng, chỉ khiến cho họ giảm thiện cảm với thương hiệu.
Thay vì nhấn mạnh vào sự “đòi hỏi” của mẹ, thương hiệu có thể lựa chọn một cách tiếp cận nhân văn hơn: khuyến khích sự cân bằng giữa học tập và vui chơi, giúp cha mẹ hiểu rằng sự phát triển toàn diện của con không chỉ đến từ thành tích, mà còn từ niềm vui và sự thư giãn. Thay vì chỉ trích, thương hiệu hãy thực sự đồng hành cùng cha mẹ, thay vì đối lập với họ, thông điệp sẽ không chỉ chạm đến cảm xúc mà còn tạo được sự tin tưởng bền vững.
>>> Bạn có thể quan tâm: Chiêu trò quảng cáo của Ovaltine: Mình thích thì mình "đá xéo" thôi!
Lời kết:
Hiện tại, dù biển quảng cáo đã được gỡ bỏ, nhưng vẫn chưa có một nguồn thông tin cụ thể nào về thương hiệu đứng sau chuỗi OOH gây tranh cãi này. Một số marketer đã điểm mặt chỉ tên một thương hiệu sữa nổi tiếng khác đứng sau chiến dịch, nhưng thông tin này cũng chưa được xác thực hoàn toàn. Thương hiệu Milo cũng đã phần nào được giải oan bởi các thám tử mạng, nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ người tiêu dùng đang hiểu lầm về Milo.
Bình luận của bạn