Marketer và người dùng thường xuyên phàn nàn về những “tiếng ồn” trong thông điệp truyền thông. Vậy Noise marketing thực chất là gì? Làm thế nào để thương hiệu tránh được noise không cần thiết trong quá trình truyền tải thông điệp truyền thông?
Apple là một trong số ít các công ty không quảng cáo quá mức, thay vào đó, họ duy trì một bầu không khí bí ẩn: Không có chiến dịch tiếp thị “ồn ào”, không có bí mật nào được tiết lộ.
Một nhân viên của Apple có thể bị sa thải vì làm rò rỉ những chi tiết nội bộ nhỏ nhất. Thông thường, nhân viên của Apple thường biết rất ít về sản phẩm nói chung. Việc khan hiếm thông tin công khai về các dự án của Apple đã làm tăng thêm tin đồn xung quanh việc ra mắt sản phẩm và các chiến dịch quảng cáo của họ.
Nhưng cách tiếp cận của Apple chỉ phù hợp với những công ty có nền tảng quảng cáo tốt và quan trọng là họ sở hữu một sản phẩm chất lượng. Đối với những công ty không có những điều đó, im lặng hay tỏ ra bí ẩn không phải là một chiến lược tốt.
Hầu hết các công ty cần một chiến lược marketing chủ động hơn là hy vọng im lặng sẽ tạo ra sự cường điệu hay tò mò. Nhưng họ cần phải vượt qua “sự ồn ào” để đưa ra được thông điệp của mình. Và điều này phức tạp hơn nhiều.
Noise Marketing là gì?
Noise marketing đề cập đến những hoạt động marketing hoặc thông tin làm phân tán, gây nhiễu thông điệp tổng thể của thương hiệu. Noise (tiếng ồn) thường mang ý nghĩa tiêu cực trong marketing, chẳng hạn có quá nhiều quảng cáo lộn xộn, quá nhiều email marketing, quá nhiều quảng cáo trên mạng xã hội hoặc quá nhiều quảng cáo trên TV khiến người dùng bị “ngộp”, cảm thấy khó chịu hoặc tệ hơn là không thể nhớ thông điệp cụ thể mà thương hiệu muốn truyền tải.
Chẳng hạn, quá nhiều email được gửi đến người dùng trong một ngày khiến hộp thư của họ bị quá tải và rất khó để tìm được những email quan trọng. Tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn với sự trợ giúp của các công cụ tự động hóa.
Các kênh khác cũng đang bị gây nhiễu dày đặc đến mức khó có thể được sử dụng để truyền tải thông điệp marketing. Đó cũng là lý do tại sao các marketers liên tục thử nghiệm các kênh mới, chuyển sang TikTok khi Facebook quá “ồn ào” với quảng cáo và từ TikTok đến một nền tảng nào đó ít gây nhiễu hơn.
Về mặt tích cực, “noise” hoạt động gần giống “buzz” - một thuật ngữ được sử dụng trong Viral marketing đề cập đến sự tương tác của người tiêu dùng với sản phẩm/dịch vụ nhằm khuếch đại hoặc thay đổi thông điệp truyền thông ban đầu. Khi bạn nghe thấy tiếng “ồn ào” nào đó theo hướng có lợi cho sản phẩm, thì lựa chọn “noise” sẽ tốt hơn là im lặng. Điều quan trọng là phải tạo ra một buzz khác với những ồn ào còn lại để khách hàng của bạn chú ý, nhưng nó cần chứa thông tin muốn truyền đạt.
Nhưng làm thế nào để marketer có thể phân biệt thông điệp của họ với tiếng ồn, và khi nào thông điệp marketing được coi là tiếng ồn?
Thực tế, mọi tiếng ồn đều được coi là hoạt động marketing, nhưng không phải mọi hoạt động marketing đều được coi là tiếng ồn.
Tiếng ồn được tạo nên bởi hai vấn đề chính: sự dư thừa của các thông điệp do “tổ hợp bán hàng và marketing” mang lại; và sự trùng lặp hoặc gần giống nhau của các thông điệp hiện có.
Mỗi lĩnh vực, ngành nghề đều có một khuôn mẫu triển khai nhất định, chẳng hạn với thể thao bạn sẽ thấy rất nhiều vận động viên nổi tiếng, còn lĩnh vực thức ăn nhanh sẽ thấy rất nhiều sự hiện diện trên Twitter... Vì vậy, loại bỏ tiếng ồn hiểu đơn giản là việc tạo ra thông điệp nổi bật nhất trong tất cả những danh mục hiện tại.
Một số lưu ý khi sử dụng noise marketing
Marketing và Promotion
Kế hoạch marketing của thương hiệu cần giải quyết được bốn chữ P: sản phẩm, giá cả, địa điểm và khuyến mãi. Quảng cáo là cách thức để bạn phát triển thông điệp của mình và tạo ra các chiến lược nhằm giúp mọi người biết nhiều hơn về sản phẩm hoặc dịch vụ. Khi các công ty khác làm điều tương tự, nó sẽ tạo ra rất nhiều tiếng ồn. Do vậy, bạn cần phải tạo ra các chiến lược và thông điệp nổi trội để loại bỏ sự ồn ào và thu hút sự chú ý của khách hàng.
Thông điệp
Mỗi chiến dịch chỉ nên có tối đa hai hoặc ba thông điệp chính. Nắm bắt được điều khách hàng mong muốn và những gì thu hút họ nhất là rất quan trọng.
Ví dụ, một bà mẹ đang đi làm có thể cảm thấy rằng, dành nhiều thời gian cho con cái quan trọng hơn so với tiết kiệm tiền. Do đó, thông điệp chính nhắm vào nhóm khách hàng này cho hoạt động email marketing có thể được triển khai như sau: “Sản phẩm (phần mềm) của chúng tôi tự động sắp xếp email đến vào các thư mục được cá nhân hóa và gắn cờ chúng dựa trên cài đặt hồ sơ hoặc lịch sử email của bạn. Bạn có thể tiết kiệm được 25% thời gian hàng ngày cho việc tìm kiếm và phân loại email.”
Chiến lược xúc tiến/quảng cáo
Các chiến lược được sử dụng để tạo “buzz” và noise marketing (tiếng ồn tiếp thị) có lợi bao gồm: quảng cáo, quan hệ công chúng, bán hàng cá nhân và khuyến mãi bán hàng. Có hiểu biết cơ bản về đối tượng mục tiêu sẽ giúp bạn lựa chọn các chiến lược tốt nhất và có sự kết hợp phù hợp.
Ví dụ: nếu bạn nghiên cứu thói quen xem truyền hình của khách hàng và phát hiện ra rằng, họ thường bỏ qua quảng cáo truyền hình vào buổi tối, nhưng vẫn bật quảng cáo này khi xem phim hoạt hình với con cái vào thứ bảy, hãy thử tạo một quảng cáo phù hợp với cả hai nhóm người xem này và lên lịch chạy quảng cáo vào cuối tuần. Điều này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc chạy quảng cáo vào buổi tối các ngày trong tuần.
Nghiên cứu
Nghiên cứu không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về khách hàng mục tiêu mà còn làm tăng khả năng để bạn vượt qua tất cả những tiếng ồn marketing từ các đối thủ cạnh tranh và các chương trình khuyến mãi sản phẩm khác.
Ví dụ: kiểm tra thông điệp bằng cách lấy mẫu những người tiêu dùng phù hợp với hồ sơ khách hàng của bạn để xem liệu nó có phù hợp với họ hay không. Có thể thực hiện điều này bằng một cuộc khảo sát trực tuyến hoặc nghiên cứu nhóm nhỏ. Thử nghiệm quảng cáo bằng cách hiển thị một số quảng cáo trên màn hình và xem đối tượng nghiên cứu nhớ đến cái nào và nhớ về cái gì.
Năm chìa khóa để marketing đúng “chất”
Điều ngược lại của noise marketing không phải là im lặng mà phải “thực chất” hơn. Thực chất ở đây chính là việc không lãng phí ngân sách marketing vào một phân khúc thị trường không đủ lớn hoặc có sức chi tiêu không đáng kể, mà cần tập trung vào một phân khúc thị trường khả thi - là một nhóm đồng nhất với các đặc điểm được xác định rõ ràng về nhân khẩu học, nền tảng kinh tế xã hội và nhận thức về thương hiệu.
Để đạt được điều này, dưới đây là 5 key chính cần lưu ý:
“Phục vụ” đúng lúc, đúng người
Hãy tập trung vào những gì công ty của bạn biết rõ nhất và chia sẻ nội dung thông tin đáng tin cậy về chủ đề đó. Đồng thời nó cũng phải phù hợp và liên quan đến những gì mọi người đang thực sự quan tâm.
Ví dụ, khi tình trạng bị sa thải, nghỉ việc gia tăng trong bối cảnh đại dịch, Propllr - một startup content marketing và PR ở Chicago đã tổng hợp một danh sách hơn 80 công ty công nghệ ở Chicago vẫn đang tuyển dụng, điều này đã nhanh chóng giúp công ty này nhận được phản hồi tích cực của mọi người.
Bài học rút ra ở đây là hãy giúp đỡ khách hàng vào đúng thời điểm mà họ cần.
Tìm kiếm dấu hiệu quan tâm
Theo Search Engine Land: “Mỗi ngày có hơn 5,5 tỷ lượt truy vấn trên Google, tương ứng với mỗi giây trôi qua có tới 63,000 thao tác được diễn ra trên không gian tìm kiếm khổng lồ này”. Ẩn sau mỗi lượt tìm kiếm đó là những ý định, mục tiêu khác nhau của người dùng.
Tập trung vào việc tiếp cận những khách hàng tiềm năng “đang tích cực tìm kiếm thông tin” sẽ giúp thông điệp của công ty tránh được những “noise” không cần thiết, để tiếp cận tốt hơn với những người mua sắm tích cực.
Giới hạn tần suất lặp lại
Bối cảnh marketing ngày nay không chỉ “ồn ào” bởi tin nhắn, email mà nó còn trải rộng trên khắp hành trình của người dùng. Việc lặp đi lặp lại quá nhiều lần sẽ không thực sự mang lại hiệu quả tốt về lâu dài.
Thay vì xuất hiện ồ ạt, hãy thử đặt giới hạn tần suất hiển thị quảng cáo kỹ thuật số cho một số người dùng nhất định.
“Đọc vị” những tình huống xung quanh
Sự bùng nổ của mạng xã hội làm cho các vấn đề xã hội, khoảnh khắc văn hóa trở nên viral hơn, nhận được nhiều quan tâm hơn. Chẳng hạn như sự bùng phát đại dịch Covid-19, cuộc biểu tình đòi quyền lợi và chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd. Với những sự kiện đang hot như thế này, các thương hiệu tốt nhất nên tạm ngừng những thông tin không phù hợp, có tính chất ngược lại để tránh những rắc rối không cần thiết.
Mặc dù sự im lặng trong thời gian dài có thể không phù hợp với các công ty startup, nhưng việc “đọc vị” những người xung quanh, quan sát những điều đang diễn ra để từ đó ứng biến và đưa ra cách tiếp cận hoặc hành xử thích hợp là điều cần thiết.
“Chơi đùa” với bối cảnh
Các chiến dịch, quảng cáo thường dừng lại ở mục đích thương mại và không theo ngữ cảnh cụ thể. Thay vì thế, marketer có thể tự do sáng tạo, thêm thắt chi tiết sinh động miễn là nó không vi phạm những quy tắc chung của cộng đồng cũng như quy định của nền tảng đang triển khai.
Kết
Những "noise" trong marketing không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực. Nếu thương hiệu biết tận dụng những tiếng ồn này một cách khéo léo, thông điệp của bạn sẽ được khuếch tán một cách mạnh mẽ, từ đó hỗ trợ hiệu quả cho việc truyền thông thông điệp chính của chiến dịch. Hy vọng những thông tin trong bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về noise marketing và những lưu ý khi sử dụng những "tiếng ồn" này.
Lương Hạnh - MarketingAI
Theo Builtin
>> Có thể bạn quan tâm: Metaverse là gì? Tại sao Facebook lại đặt cược lớn vào nó?
Bình luận của bạn