Những nội dung nên đăng tải lên LinkedIn trong thời điểm cách ly phòng chống Covid-19

04 Thg 04

Như mọi nền tảng mạng xã hội khác, LinkedIn cũng chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể trong lượng người dùng suốt hai tuần vừa qua. Khi mọi người khắp nơi trên thế giới đang phải tự cách ly tại nhà nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, rất nhiều chuyên gia đã tìm đến nền tảng LinkedIn để cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong thời điểm này. Mức độ tương tác trên LinkedIn cũng đã tăng lên đáng kể, không ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều người truy cập vào LinkedIn để tìm đến lời khuyên từ các chuyên gia. Mới đây, LinkedIn vừa đưa ra một số lời khuyên để Marketer có thể tận dụng tối đa tiềm năng của nền tảng này, giúp kết nối và tương tác với cộng đồng người dùng trên này tốt nhất. 

1. Chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân

LinkedIn đã chia sẻ rằng, việc đăng tải những câu chuyện cá nhân là chìa khóa để tăng tối đa lượng tương tác trên nền tảng này, đồng thời giúp xây dựng độ nhận điện của bạn trong cộng đồng người dùng. Với những nội dung vô cùng đời thường và đơn giản, như chia sẻ về một ngày làm việc mới của bạn diễn ra như nào? Hay ví dụ như bạn vừa trải qua một buổi phỏng vấn qua video? Tổng hợp một số bài học hay mẹo thành một bài viết và đăng tải nó, biết đâu chúng sẽ giúp nhiều người cũng đang trải qua vấn đề tương tự. Hoặc chỉ đơn giản là đăng lên một câu hỏi, như là “Làm thế nào để nâng cao tinh thần của nhân viên?”. Tất cả đều là những cách tuyệt vời để thu thập những Insight mà bạn cần, tiếp cận những quan điểm khác mà bạn chưa từng nghĩ đến, hay đơn giản là giúp đỡ người khác và tạo thêm những mối quan hệ mới.

(Nguồn: springmeblog)

Rất nhiều người luôn ngần ngại việc chia sẻ trải nghiệm cá nhân, bởi lẽ họ không muốn để lộ ra những khiếm khuyết, yếu điểm của bản thân, tuy nhiên ngoài kia cũng sẽ có những người từng gặp phải vấn đề hoặc cảm thấy tương tự. Việc chia sẻ cảm nghĩ cá nhân sẽ giúp bạn tạo được những mối quan hệ mới, tăng được độ nhận diện của cá nhân trong cộng đồng LinkedIn - một mạng lưới dành cho các doanh nghiệp và người chuyên nghiệp trên Internet.

>> Covid-19 đã ảnh hưởng lên ngành bán lẻ toàn thế giới như nào?

2. Khám phá và bình luận ở những nội dung phù hợp với bạn

Ngoài việc đăng tải và chia sẻ những cảm nghĩ, trải nghiệm của cá nhân, LinkedIn cũng khuyến khích người dùng mở rộng kết nối của mình bằng việc tìm kiếm những cuộc thảo luận, nội dung liên quan tới kinh nghiệm và sở thích của mỗi người. Tìm kiếm các hashtag là cách nhanh nhất để tìm nội dung mới. Nếu gần đây bạn phát hiện ra các cuộc hội thảo video (video conference) giúp nhóm của bạn có các cuộc họp hiệu quả hơn, hãy tìm kiếm bằng hashtag #videoconference và bình luận trên các bài đăng với lời khuyên của bạn. Hay bạn có một vài lời khuyên về làm cách nào có thể giữ cho con cái ngoan ngoãn khi bạn phải gọi điện cho đối tác hoặc đồng nghiệp, hãy chia sẻ ngay câu chuyện của mình. Nội dung này chắc hẳn sẽ thu hút được những đồng nghiệp, người thân hoặc những mối liên hệ gần của bạn đang tìm kiếm những giải pháp tương tự.

Quay lại vài năm về trước, vào thời điểm LinkedIn giới thiệu hashtag đến người dùng, nền tảng này đã không ngừng cải thiện để hướng người dùng tập trung vào tính năng này nhiều hơn, cũng như trở thành công cụ để lọc và tìm kiếm nội dung liên quan tốt nhất. Giờ đây, tính năng hashtag trên LinkedIn đã tối ưu hơn rất nhiều, thậm chí còn tốt hơn cả Twitter - nơi đã sản sinh ra khái niệm hashtag để tìm các nội dung thảo luận liên quan và tương tác với những chuyên gia trong lĩnh vực của bạn.

3. Hãy là chính mình và đưa ra quan điểm độc đáo

Lời khuyên này có thể sẽ gây ra một chút tranh cãi dù chúng xuất phát từ chính LinkedIn. LinkedIn cũng đưa ra lưu ý rằng, mọi thứ bạn chia sẻ trên nền tảng này không hoàn toàn phải liên quan tới công việc. Có một số bài đăng thành công từ những chuyên gia thảo luận là về những bài học trong cuộc sống mà họ đã rút ra, hay những nội dung thể hiện sự trân trọng với đội ngũ nhân viên của mình, hoặc chỉ đơn giản là chia sẻ một vài câu nói khích lệ tinh thần, điển hình là bài đăng dưới đây về cách lan tỏa sự tử tế tới nhân viên.

Trong bối cảnh ngày nay, LinkedIn đã giữ các định nghĩa của nó giới hạn trong nội dung liên quan đến sự chuyên nghiệp, nhưng một số cá nhân lại đăng tải các cập nhật liên quan đến vấn đề cá nhân, không liên quan đến công việc lên LinkedIn. Và những nội dung này không phù hợp với người dùng. Nhưng LinkedIn lưu ý rằng không phải tất cả kinh nghiệm sống của bạn cần liên quan đến văn hóa kinh doanh, và không phải mọi nội dung từ ngày này qua ngày khác phải như một phép ẩn dụ về việc "thăng quan tiến chức" hay những chủ đề về cạnh tranh trong công việc.

LinkedIn cũng chia sẻ rằng, chìa khóa ở đây là thành thật, nhờ vậy sẽ giúp hình ảnh của bạn tạo được thiện cảm hơn cũng như phản ảnh được chính xác con người của bạn. Tính cụ thể trong trường hợp này quả thực quan trọng, và nó đáng để cân nhắc giá trị hoặc tiện ích của những gì bạn đăng tải trong bối cảnh người dùng LinkedIn sẽ là những người xem những nội dung này. Nhưng chúng có giá trị trong việc làm nổi bật nhu cầu kết nối đồng cảm hơn - đặc biệt là trong những thời điểm như thế này.

4. Tiếp nhận những thông tin đáng tin cậy và chia sẻ cảm nghĩ của mình

Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát như hiện tại, mọi người đều đang tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, những câu trả lời thường được tìm kiếm là không có sẵn, vì không ai biết tác động đầy đủ của dịch bệnh. Nhưng mọi người đang tìm kiếm những tin tức mới nhất và thảo luận về ảnh hưởng của chúng lên ngành công nghiệp của họ.

Mới đây, LinkedIn vừa bổ sung tính năng Trending News (Tin tức xu hướng) mà tại đó tập trung nội dung liên quan tới Covid-19, ngoài ra là những thông tin chính thống cập nhật từ các chuyên gia, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh.

LinkedIn cũng chia sẻ rằng, việc theo dõi sát những tin tức mới nhất và chia sẻ các bài viết này lên tường của bạn là một cách để tương tác và tham gia vào các cuộc thảo luận quy mô rộng, cũng như thông báo tới cộng đồng LinkedIn của chính mình.

Ngoài những lời khuyên ở trên, LinkedIn cũng chia sẻ ba lưu ý cụ thể về cách giao tiếp trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, cũng như làm thế nào để các thương hiệu tiếp cận thông điệp của họ trong đại dịch. Cụ thể, LinkedIn đã chia sẻ như sau: “Tính trong khoảng thời gian từ ngày 01/02 cho đến 17/03, lượng bài viết liên quan tới Covid-19 đã tăng lên gấp 17 lần. Một trong những chủ đề thu hút lượt thảo luận lớn nhất trên LinkedIn là những góc nhìn, lời khuyên về làm việc từ xa, cách ly xã hội, quản lý khủng hoảng, duy trì kinh doanh, học trực tuyến và hơn thế. Điển hình, lượng tìm kiếm liên quan tới làm việc từ xa trên LinkedIn đã tăng gấp 3 lần chỉ trong tháng 3 này.”

Chủ đề Covid-19 là một chủ đề nhạy cảm trong thời điểm hiện tại, chính vì vậy mà những nội dung liên quan sẽ thu hút rất nhiều sự quan tâm từ phía cộng đồng. LinkedIn đã đưa ra lời khuyên tới các doanh nghiệp rằng họ nên cân nhắc tập trung vào:

  • Quản lý nhân viên trong tình thế đang thay đổi như hiện nay
  • Dẫn đầu với sự tin tưởng
  • Thích nghi để giữ vững tình hình kinh doanh

LinkedIn cũng chia sẻ rằng công ty nên tìm cách để thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp thông qua những bài đăng, giữ cho nhân viên luôn được kết nối với công ty một cách trực tuyến thông qua những bài đăng cập nhật phù hợp, đồng thời họ cũng nên cân nhắc việc tìm ra cách hỗ trợ trong tình hình hiện tại và chứng minh được trách nhiệm của công ty.

Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc cập nhật tất tần tật những gì trong nội bộ công ty. Điển hình, phía 3M đang tuyên bố hành động tăng cường sản xuất vật tư y tế để hỗ trợ các nỗ lực phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hành động đã cùng lúc giải quyết được hai nhu cầu, vừa chứng tỏ được giá trị của doanh nghiệp với khách hàng và đối tác, vừa nhấn mạnh được những nỗ lực của doanh nghiệp trong nỗ lực hỗ trợ cộng đồng.

Nếu đứng ở phương diện khách hàng, chắc chắn rằng trong những tuần vừa qua bạn sẽ nhận được hàng loạt các Email từ phía các thương hiệu thể hiện nỗ lực của họ trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện tại, tuy nhiên những thông tin này quả thực không mang lại nhiều giá trị cho khách hàng - những người cũng đang phải tự giải quyết tình hình của riêng họ. Đó là chưa kể, rất nhiều Email sở hữu nội dung quá dài và không liên quan. Những gì họ cần biết trong thời điểm này chính là việc doanh nghiệp của bạn sẽ giúp đỡ họ như nào, đồng thời họ sẽ mang lại giá trị gì để giải quyết những lo lắng và rắc rối này. Đó mới là những thông điệp mà doanh nghiệp cần gửi đến khách hàng của mình trong thời điểm này.

>>> Định vị tiếng nói thương hiệu trong thời điểm cách ly xã hội

Tạm kết

Vừa trên là một số lời khuyên hữu ích mà doanh nghiệp nên tích hợp chúng trong cách tiếp cận, đặc biệt là những doanh nghiệp đang tìm cách cải thiện yếu tố này trên nền tảng LinkedIn. Đồng thời doanh nghiệp cũng nên cân nhắc việc làm thế nào để quay trở lại và giao tiếp với khách hàng của mình. Ảnh hưởng về mặt kinh tế mà dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ra chắc chắn sẽ còn kinh khủng hơn trong tương lai, tuy nhiên tình hình sẽ chỉ tệ đi nếu doanh nghiệp khoanh tay đứng nhìn và chờ đợi. Dù rằng rất nhiều doanh nghiệp phải chịu ảnh hưởng và tổn thất nghiêm trọng, nhất là khi hàng loạt sự kiện và khu vực bị đóng cửa, tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp khác đang hoạt động và có thể điều chỉnh trọng tâm của họ để thích ứng với tình hình hiện tại.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo LinkedIn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.