cover

Những chiến dịch Viral Marketing thành công vang dội khắp thế giới

28 Thg 06

Kích thích trí tò mò, những ham muốn cần thiết, khai thác hành vi, động lực và nhu cầu để hướng tới mua sản phẩm/dịch vụ,…là một trong những yếu tố tạo nên thành công của chiến dịch Viral Marketing. Viral...

Kích thích trí tò mò, những ham muốn cần thiết, khai thác hành vi, động lực và nhu cầu để hướng tới mua sản phẩm/dịch vụ,…là một trong những yếu tố tạo nên thành công của chiến dịch Viral Marketing.

Viral Marketing là gì? Khái niệm này còn được nhắc đến với những cái tên như "word-of-mouth" - truyền miệng, tạo tiếng vang, đòn bẩy truyền thông, mạng lưới tiếp thị...

Cùng điểm qua 6 chiến dịch "viral marketing thành công" trong nhiều năm qua:

1. Hotmail

Sự thành công của ứng dụng dịch vụ webmail miễn phí phổ biến từ năm 1997 – Hotmail. Hotmail cung cấp cho người dùng thư điện tử miễn phí nhưng ở cuối mỗi email gửi đi đều có dòng quảng cáo đăng kí tài khoản hộp thư điện tử. Đối với nhiều người trên thế giới, đặc biệt là người Mỹ, địa chỉ email đầu tiên của họ được lập ra ở Hotmail, một trong những cái tên được bàn tán nhiều nhất trên thế giới lúc bấy giờ. Nhiều người hiện nay có thể sẽ lắc đầu chê bai khi nhìn thấy giao diện thiết kế của Hotmail lúc đó, nhưng với rất nhiều người thời ấy, đó là một trong những thứ kì diệu và hay ho nhất mà họ từng được nhìn thấy.

Làm thế nào để Hotmail có thể thu hút được 12 triệu người dùng chỉ một năm trước khi được mua lại bởi Microsoft. Tất nhiên Hotmail có lợi thế khi là một trong những nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử tiên phong cho số đông đại chúng, vì thế cái tên này liên tục được đề cập đến trên tin tức, báo chí, truyền hình và các kênh thông tin khác, nhưng chỉ điều đó thôi không đủ để giúp Hotmail có được 12 triệu người dùng trong một thời gian ngắn đến như thế.

Sự nổi tiếng bước đầu có lẽ đã mang đến cho dịch vụ này khoảng tầm 500 nghìn người dùng trong năm đầu tiên, nhưng điều tạo nên sự tăng trưởng đến hơn 500% trong năm tiếp đó lại là một chiến dịch hết sức đơn giản, và chính sự đơn giản này đã khiến cho nhiều người phải suy nghĩ nhiều năm về nó. Trên thực tế, điều mà Hotmail làm chỉ là đặt dưới tất cả những bức thư điện tử được gửi đi một chữ ký nhỏ gợi ý người nhận đăng ký trở thành người dùng của Hotmail. Đây thật sự là một chiến thuật hết sức đơn giản nhưng cũng rất thành công. Điều đáng nói ở đây là Hotmail không cần đến bất kì một chi phí đáng kể nào cho việc đăng các banner quảng cáo hay các đoạn phim quảng cáo truyền hình đắt tiền, mà chi phí duy nhất chỉ là một số tiền rất cho băng thông.

Một bài học mà chúng ta có thể rút ra từ sự thành công của Hotmail, đó là chiến dịch tiếp thị lan truyền sẽ thật sự hiệu quả khi chúng ta đã có sẵn một lượng khách hàng nhất định, và chính những khách hàng này sẽ giúp chúng ta tạo nên một làn sống lan tỏa về sản phẩm hay thương hiệu của mình trong cộng đồng. Hotmail đã làm rất tốt điều này: họ đã thành công trong việc thu hút một lượng khách hàng ban đầu và dựa vào những người này để triển khai chiến dịch viral marketing.

2. Việc làm tuyệt vời nhất

Thương hiệu: Uỷ ban du lịch Queensland - Đối tác sáng tạo: Nitro

Bạn được trả 150.000 USD để dành 6 tháng làm sạch bể bơi, cho cá ăn, đi lấy thư và khám phá hòn đảo tuyệt đẹp bên rạn san hô Great Barrier. Tất cả những gì bạn cần làm là gửi một đoạn video dài một phút giải thích tại sao công việc đó nên thuộc về bạn.

Đó chính xác là những gì Uỷ ban du lịch Queensland đã hứa hẹn vào năm 2009 trong chiến dịch đáng chú ý trên một kênh truyền thông ít ai ngờ đến nhất - mục "Việc làm" trên báo.

Được hỗ trợ bởi chuỗi hoạt động PR và tận dụng thông minh phương tiện truyền thông xã hội, Uỷ ban này đã đón 7 triệu lượt khách, 34 nghìn ứng viên từ 200 quốc gia, và 500 nghìn bình chọn cho công việc ngàn năm có một này.

Còn người may mắn thì sao? Anh này tiếp tục chuỗi may mắn của mình khi trở thành Đại sứ du lịch Queensland.

Bí quyết:

- Thử nghiệm với những kênh tiếp thị không truyền thống

- Nên nhớ rằng không thương hiệu nào là quá nhỏ để tạo ra được một tiếng vang.

3. Album nhạc "In Rainbows" - Ban nhạc Radiohead

Nền công nghiệp âm nhạc vẫn thường sử dụng một công thức đơn giản: tài năng + công ty thu âm + bán đĩa = tiền. Ngày này công nghệ kỹ thuật số và công nghệ xã hội đã phá vỡ hoàn toàn công thức này.

Tuy nhiên, khi đến lượt mình, chính công nghệ lại dính đòn "ngựa ông đập lưng ông" bởi một vài cá nhân sáng tạo và ưa mạo hiểm, ví dụ như Thom Yorke của Radiohead. Album In Rainbows - album thứ 7 của ban nhạc này, đã được phát hành trực tiếp đến người hâm mộ với một lời đề nghị chưa từng có: Trả bao nhiêu tiền cho album này tuỳ bạn

Ban nhạc cho biết chiến lược này của họ đã phát huy hiệu quả, với 3 triệu lượt tải về trong năm đầu tiên cùng con số 10 triệu USD doanh thu. Đây chính là thành công lớn nhất về mặt thương mại của ban nhạc từ trước tới nay. 

Chẳng trách mà tờ Thời báo New York lại hết lời ca ngợi ban nhạc năm người đến từ Oxfordshire này và cho rằng họ "nhanh chóng trở thành cái tên quen thuộc trong lĩnh vực âm nhạc cũng như khi người ta nói đến những trò nghịch ngợm với công nghệ".

Bí quyết:

- Khám phá những cách mới để tận dụng chính yếu tố phá hỏng mô hình kinh doanh của bạn (công nghệ, sự cạnh tranh...)

- Đầu tư và nuôi dưỡng những mối quan hệ đậm nét và trực tiếp với những người hâm mộ, khách hàng hay người ủng hộ trung thành. Đến một ngày điều này sẽ giúp ích cho bạn.

4. Bộ phim "Dự án phù thuỷ rừng Blair"

Hãng phim: Haxan Films - Nhà phát hành: Artisan Entertainment

Có thể nói chiến dịch tiếp thị online gây tiếng vang đầu tiên, trước cả YouTube, Facebook, MySpace hay thậm chí là cả Friendster, chính là bộ phim "Dự án Phù thuỷ rừng Blair". Bộ phim này đến nay vẫn là một thành công được bắt chước thường xuyên nhưng chưa có sản phẩm nào sánh được.

Được quay với kinh phí ít ỏi 22 nghìn USD, bộ phim đã thu về con số khổng lồ hơn 250 triệu USD. Điều này một phần nhờ vào việc khiến cho khán giả tin rằng câu chuyện về ba sinh viên làm phim bị mất tích là có thật 100%.

Một sự kết hợp khéo léo của "đoạn phim được tìm thấy", những tin đồn được tung ra một cách chiến lược. Một chuỗi những quảng cáo kinh phí thấp và những trailer giúp làm cho huyền thoại rừng Blair còn sống mãi.

Bí quyết:

- Kể những câu truyện hay!

- Không nhất thiết phải tốn kém mới trở nên đáng chú ý.

5. Thử thách Ice Bucket Challenge

Ice Bucket Challenge là một trong những chiến dịch viral marketing thành công nhất.

Người khởi xướng: Pete Frates và Pat Quinn

Ice Bucket Challenge ra đời nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và gây quỹ cho hoạt động nghiên cứu về bệnh ALS (amyotrophic lateral sclerosis). Đây là căn bệnh gây thoái hóa các tế bào thần kinh trong não và tủy sống đồng thời khiến cơ bắp trên khắp cơ thể teo lại, giảm chức năng vận động, mất kiểm soát, tê liệt và tử vong. Căn bệnh này hiện vẫn chưa có cách chữa trị.

Những chiến dịch Viral Marketing thành công vang dội khắp thế giới- Ảnh 1.

Trong hơn 2 tháng, chiến dịch này đã đạt được một điều mà tất thảy mọi chiến dịch marketing đều thèm muốn. Đó là sự lan tỏa và thu hút sự tham gia của hàng triệu người dân trên thế giới, trong đó có cả những người nổi tiếng như Bill Gates, Sheryl Sandberg, Mark Zuckerberg, Kobe Bryant, Oprah...

Bí quyết:

- Thời điểm xuất hiện đúng lúc

- Dễ dàng thực hiện

- Tận dụng sức hút của những người nổi tiếng

6. Chiến dịch tranh cử tổng thống 2008

Chiến dịch tranh cử xuất sắc đã giúp ông Obama trở thành tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ. Ảnh: Nydailynews

Những chiến dịch Viral Marketing thành công vang dội khắp thế giới- Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Barack Obama

Đầu năm 2007, Barack Obama khi đó chỉ là thượng nghị sĩ một nhiệm kỳ với cái tên ngộ nghĩnh và chỉ số được biết đến dưới 10%. 18 tháng sau, Obama vận động được nhiều tiền hơn bất cứ ứng cử viên tổng thống Mỹ nào khác từ trước đến giờ. Sau đó, ông trở thành tổng thống thứ 44 của Mỹ.

Thành công này có được một phần là nhờ chiến dịch tiếp thị được thực hiện một cách xuất sắc, với sự trợ giúp của công nghệ xã hội. Bên cạnh đó là sự ủng hộ từ những cấp thấp nhất mà những đối thủ của ông thậm chí còn không cân nhắc đến.

Obama thống trị không chỉ trên YouTube (20 triệu lượt xem), mà còn nổi tiếng nhất trên Facebook (2,5 triệu người hâm mộ - so với con số 625 nghìn người hâm mộ McCain lúc bấy giờ).

Obama cũng đã phá vỡ các rào cản khoảng cách, với trang web chiến dịch thân thiện với mạng xã hội, tiết lộ những bức ảnh, clip chân thực về các hoạt động của mình, hay những hoạt động khuyến khích tương tác với người truy cập hàng ngày.

Độ phủ sóng trên mạng của Obama đã giúp ông trên con đường đến với Nhà Trắng. Obama không chỉ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên hiện diện trên mạng xã hội mà còn là người đầu tiên thực sự kết nối với tất cả các cử tri của mình thông qua tất cả các kênh quan trọng.

Bí quyết:

- Nếu tổng thống Mỹ có thể điều khiển các công cụ truyền thông xã hội thì bạn cũng có thể.

Hà Nguyễn / Marketingai.admicro.vn

Nguồn: Tổng hợp

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.