Nhân tố hủ nữ: “cú hích” truyền thông đến nhận thức về LGBTQ+

20 Thg 06

Hủ nữ chắc hẳn là một từ đã không còn quá xa lạ với giới trẻ. Tuy nhiên, trước đây hủ nữ được dùng để chỉ sự kỳ thị và khinh miệt. Trong suốt quá trình lịch sử, cộng đồng hủ nữ là một trong những người dám lên tiếng và bảo vệ cộng đồng LGBTQ+. Bởi nỗ lực gắn kết và giành quyền bình đẳng, hủ nữ được xem là một trong những nhân tố mạnh mẽ giúp mọi người đón nhận hơn về cộng đồng LGBTQ+. Vậy hủ nữ đã sử dụng yếu tố truyền thông để tác động đến nhận thức của mọi người như thế nào? Hãy cùng MarketingAI đón đọc trong bài viết dưới đây nhé! 

Hủ nữ là gì?

Trong tiếng Nhật gọi là Fujoshi, bắt nguồn từ một thuật ngữ tiếng Nhật vào năm 1980 để chỉ những người hâm mộ nữ thích những mối quan hệ lãng mạn giữa nam với nam, điển hình là yaoi (boy’s love). Fujoshi thích tưởng tượng về tình yêu của các nhân vật nam trong manga, anime, và đôi khi là các diễn viên nam ngoài đời thực. Hủ nữ (Funü - 腐女) cũng mang ý nghĩa tương tự như Fujoshi, nhưng được dịch ra từ tiếng Hán Việt của Trung Quốc. Hủ trong tiếng Hán Nhật mang ý nghĩa là vô phương cứu chữa, hết cách, bó tay, thường được dùng mang ý nghĩa kỳ thị từ thời xưa.  Không rõ chính xác khi nào người hâm mộ Trung Quốc bắt đầu sử dụng Funü. Theo công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc khi được hỏi “Khi nào funü trở nên phổ biến?" cho rằng: Funü xuất hiện vào những năm 1990 và thuật ngữ này đã phổ biến từ năm 1998. Ngày này, nhờ sự giao thoa văn hóa và sự phát triển của truyền thông, thuật ngữ hủ nữ ngày càng trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 
Hủ nữ hâm mộ những chuyện tình nam nam
Hủ nữ hâm mộ những chuyện tình nam nam

Văn hoá Shipping thần tượng của hủ nữ

Nếu ai đã từng “đu” Idol thì không thể không biết đến thuật ngữ này. Shipping là việc tưởng tượng, gán ghép thần tượng thành một cặp đôi có quan hệ tình cảm với nhau. Việc “đẩy thuyền” cho phép các Fan hâm mộ phát triển mối quan hệ tình cảm với những người nổi tiếng thông qua các hoạt động sáng tạo như viết tiểu thuyết, vẽ truyện tranh, làm video cũng như thỏa mãn trí tưởng tượng về thần tượng của mình. Đặc biệt, việc ship các Idol nhóm nhạc nam nổi tiếng như EXO và BTS vô cùng phổ biến đối với các fan hủ nữ. 
Văn hóa Ship thần tượng của hủ nữ
Văn hóa Ship thần tượng của hủ nữ
Mặc dù văn hóa Shipping các thần tượng Kpop đến từ các Fan hâm mộ, nhưng các công ty như JYP, YG và SM Entertainment mới thực sự đứng đằng sau điều này. Việc “đẩy thuyền” có thể thúc đẩy sự nổi tiếng của thần tượng, giúp các công ty thu được nhiều lợi nhuận hơn. Bằng chứng mà bạn có thể nhìn thấy rõ ràng nhất là việc tạo ra những "khoảnh khắc" của thần tượng thông qua các trò chơi tạo sự thân thiết như trò chơi truyền giấy.  Văn hóa Shipping các thần tượng Kpop cũng đóng góp một phần không nhỏ giúp mọi người có cái nhìn cởi mở hơn về cộng đồng LGBTQ+. Thông qua những câu truyện viết về các Idol Kpop, người viết và người đọc có thể trải nghiệm một thế giới khác. Những câu chuyện này không chỉ mang tư tưởng cởi mở của giới trẻ mà còn tôn trọng sự khác biệt, cái tôi của mỗi cá nhân, đồng thời là tiếng nói ủng hộ cho một cộng đồng còn nhiều sự bất công trong xã hội. 

Hành trình đón nhận hủ nữ và LGBTQ+

Hủ nữ - những người thích tình yêu nam nam, trước đây là một từ ngữ mang ý nghĩa khá kỳ thị. Tuy nhiên, với sự phát triển văn hóa và một phần đóng góp không nhỏ của truyền thông, đã góp phần giúp mọi người có góc nhìn cởi mở hơn về cộng đồng LGBTQ+ nói chung và những người yêu thích tình yêu đồng giới nói riêng.  Hãy quay về dòng chảy lịch sử, khi thuật ngữ Fujoshi được sử dụng lần đầu tiên trong bảng tin trực tuyến 2ch - diễn đàn phổ biến nhất ở Nhật Bản vào những năm 2000. Tuy nhiên, từ Fujoshi được sử dụng lúc bấy giờ được xem như một sự xúc phạm và kỳ thị. Tiếp theo, vào những năm 2005, Fujoshi lần đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng khi tạp chí Nhật Bản Aera dùng Fujoshi để chỉ otaku nữ tương đương với otaku nam. 
2ch - diễn đàn phổ biến của Nhật Bản
2ch - diễn đàn phổ biến của Nhật Bản
Sự quan tâm của giới truyền thông về Fujoshi tăng lên vào năm 2006 khi các phương tiện truyền thông đại chúng bắt đầu chủ yếu sử dụng từ này. Các ấn phẩm và manga như Tonari no 801-chan, Eureka’s Fujoshi Manga và BL Studies đã tổng hợp các bài phê bình và tiểu luận về các tác phẩm của Boys ’Love và Fujoshi. Những tác phẩm này cũng đề cập đến những người hâm mộ là nam để giúp mọi người nhận thức được việc yêu thích tác phẩm Boys love hoàn toàn không phải là sở thích theo giới tính.  Bên cạnh Nhật Bản, Funü của Trung Quốc xuất hiện trên truyền thông lần đầu tiên sau mùa thứ ba của bộ phim truyền hình BBC Sherlock vào năm 2015. Nhiều khán giả Trung Quốc tin rằng thám tử Sherlock Holmes và phụ tá Watson không chỉ dừng lại ở tình bạn mà họ là một cặp đôi. Vì thế, Funü Trung Quốc bắt đầu làm các video clip mô tả tình yêu giữa thám tử Sherlock và Watson. Nhiều người mong muốn thay đổi mạch phim để bày tỏ sự ủng hộ với người đồng tính. Tuy nhiên, có những ý kiến trái chiều từ người hâm mộ Trung Quốc rằng: không có gì sai với người đồng tính, nhưng Funü không thể thay đổi nội dung vì sở thích của họ. Đây là một bộ phim hay, thật là một sự xúc phạm cho người xem nếu làm hỏng tác phẩm gốc vì điều này.
Những ý kiến trái chiều về phim Sherlock Holmes   
Những ý kiến trái chiều về phim Sherlock Holmes   
Năm 2014 được coi là năm mà Funü ở Trung Quốc thu hút được sự chú ý của quốc tế. Nội dung ẩn ý về người đồng tính trong loạt phim Sherlock đã nhận được nhiều sự chú ý ở Trung Quốc đến mức báo chí phương Tây bắt đầu viết về nó. Funü kể từ đó đã trở nên phổ biến trên các tờ báo phương Tây. Không phải tất cả những người hâm mộ Sherlock của Trung Quốc đều liên hệ bộ phim với đề tài đồng tính luyến ái mà chính cái gọi là văn hóa Funü có ảnh hưởng đến bộ phim.  Khi giới truyền thông đưa hủ nữ trở thành một từ chính thức và có những góc nhìn tích cực. Điều này đồng thời giúp mọi người đón nhận hủ nữ và đưa cộng đồng LGBTQ+ lại gần hơn tới công chúng. 

Sức ảnh hưởng của truyền thông đến nhận thức về LGBTQ+

Tại trường đại học Southwestern của Mỹ vào năm 2011, người ta đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng của truyền thông đến nhận thức của mọi người về cộng đồng LGBTQ+. Câu trả lời phổ biến nhất là: họ thực sự cảm thấy đồng cảm và kết nối với nhân vật trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt là Ellen DeGeneres, người có ảnh hưởng tới họ nhất. Bên canh Ellen shows, các chương trình truyền hình như Will and Grace, Queer Eye for the Straight Guy, và The L Word, các bộ phim như Brokeback Mountain và Angels in America, và các nghệ sĩ âm nhạc như Melissa Etheridge, Rufus Wainwright và The Indigo Girls đã nổi lên, thu hút nhiều khán giả cả đồng tính và dị tính. Khi sự nổi bật của các nhân vật đồng tính nam, đồng tính nữ và lưỡng tính trên các phương tiện truyền thông đã tăng lên, có vẻ như tác động của phương tiện truyền thông đối với nhận thức của các cá nhân cũng tăng lên. 
Ellen - người có ảnh hưởng tới cộng đồng LGBTQ+
Ellen - người có ảnh hưởng tới cộng đồng LGBTQ+
Gordon Allport, một nhà tâm lý học nổi tiếng đã cho rằng trong những điều kiện thích hợp, tiếp xúc giữa các cá nhân là một trong những cách tốt nhất để giảm thành kiến ​​giữa nhóm đa số và thiểu số. Dựa trên ý tưởng này, chúng ta có thể lập luận rằng “sự tiếp xúc tưởng tượng” ngay cả với các nhân vật trong một chương trình truyền hình cũng có thể thay đổi nhận thức của những người ngoài nhóm. Cộng đồng LGBTQ+ là một ví dụ điển hình.  Tuy nhiên, sự thấu hiểu, nhận thức và tự do ngôn luận vẫn còn hạn chế, đặc biệt là những quốc gia cấm quyền tự do ngôn luận. Vì thế, các phương tiện truyền thông đóng vai trò là cầu nối để hình thành niềm tin, giá trị và sự thấu cảm đối với cộng đồng LGBTQ+. Ngoài ra, văn hóa Shipping Kpop, văn hóa hủ nữ trên các phương tiện truyền thông là một trong những yếu tố mạnh mẽ giúp thế hệ trẻ tiếp xúc nhiều hơn với cộng đồng LGBTQ+ - một cộng đồng vẫn còn chịu nhiều sự bất công và chưa được nhiều người đón nhận. 

Kết luận

Không thể phủ nhận sức mạnh của truyền thông đến nhận thức của mọi người. Lồng ghép văn hóa hủ nữ, truyện tranh, truyền hình đã phần nào giúp công chúng đến gần và dễ dàng đón nhận hơn về cộng đồng LGBTQ+. Thông qua bài viết này, MarketingAI mong rằng bạn đã phần nào hiểu được về hủ nữ và nỗ lực mong muốn được công nhận của cộng đồng LGBTQ+ - một cộng đồng ít tiếng nói. Vì vậy, chúng ta nên đóng góp tiếng nói, bảo vệ và ủng hộ cộng đồng vẫn còn chịu nhiều sự bất công và giúp họ có một cuộc sống bình đẳng hơn. 

Minh Anh - MarketingAI

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.