Mối quan hệ giữa các chuỗi nhà thuốc bán lẻ và khách hàng luôn được xây dựng dựa trên sự tin tưởng. Khách hàng sẽ chủ động tương tác và duy trì mối quan hệ mật thiết với các thương hiệu Dược phẩm khi họ cần đến sự tư vấn chi tiết về sức khỏe cá nhân và vì thế, họ luôn muốn được hưởng những dịch vụ tốt nhất. Bên cạnh đó, họ cũng muốn thương hiệu lắng nghe những nỗi lo lắng và bận tâm của họ, muốn cảm thấy mình quan trọng với thương hiệu - được thể hiện qua việc luôn được thông báo về những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt và phù hợp nhất.
Để đáp ứng những nhu cầu này, các nhà thuốc đang thực hiện các chiến lược để đạt được thành công lâu dài bằng cách đầu tư vào công nghệ mới và các dịch vụ mở rộng được thiết kế riêng nhằm chiếm được lòng tin và sự trung thành của khách hàng. Những chiến lược này sẽ giúp khách hàng luôn được thông báo về dịch vụ chăm sóc sức khỏe của thương hiệu, cung cấp cho họ khả năng tiếp cận liền mạch với thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, cũng như đảm bảo chất lượng và sự an toàn cho thuốc trong suốt quá trình của chuỗi cung ứng.
Những xu hướng nổi lên sau khi công nghệ và trải nghiệm khách hàng “bắt gặp” lẫn nhau đang định nghĩa lại toàn bộ ngành Dược phẩm. Vậy các thương hiệu đã làm gì để bắt kịp các xu hướng phát triển này? Hãy cùng MarketingAI nhận định 4 xu hướng trong ngành bán lẻ Dược phẩm hiện nay để vạch ra lộ trình thành công cho các thương hiệu nhé!
Mở rộng dịch vụ chăm sóc khách hàng
Người tiêu dùng ngày nay luôn muốn được cập nhật đầy đủ thông tin, đặc biệt là các thông tin liên quan đến sức khỏe của họ. Chính vì thế, để đáp ứng nhu cầu này, các hiệu thuốc bán lẻ đang tiến hành mở rộng thêm các dịch vụ, bao gồm cả việc tiếp cận các chuyên gia, bác sĩ trong ngành nhằm cung cấp thông tin chuyên sâu hơn về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Ví dụ như chuỗi cửa hàng LloydsPharmacy của Anh gần đây, họ đã hợp tác với dịch vụ hỗ trợ Dementia Connect của Hiệp hội bệnh Alzheimer để tổ chức chương trình tư vấn miễn phí cho bệnh nhân ngay tại cửa hàng. Chương trình tư vấn này hiện đang được thực hiện tại bảy chi nhánh của LloydsPharmacy với mục tiêu mang đến lời khuyên hữu ích, hỗ trợ và giới thiệu chuyên gia miễn phí cho các thành viên trong cộng đồng những người đang phải sống chung với chứng sa sút trí tuệ. Kevin Birch, Giám đốc phụ trách bán lẻ tại công ty mẹ của LloydsPharmacy, McKesson UK cho biết: “Nhiều đồng nghiệp trong ngành Dược của chúng tôi cũng đang hoạt động trong cộng đồng này ở những khu vực khác nhau, nên bệnh nhân có thể cảm thấy thoải mái hơn khi trò chuyện cũng như chia sẻ về những lo lắng mà họ đang phải đối mặt.”
LloydsPharmacy hợp tác với dịch vụ hỗ trợ Dementia Connect của Hiệp hội bệnh Alzheimer để tổ chức chương trình tư vấn miễn phí (Nguồn: McKesson UK )
Ở Na Uy, một chương trình được tài trợ công khai có tên là Medisinstart đã được triển khai nhằm hỗ trợ cho các bệnh nhân đang dùng thuốc trợ tim. Cụ thể, bệnh nhân sẽ được khám trực tiếp 1:1 với các dược sĩ - để họ tư vấn về đơn thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng. Các dược sĩ sẽ đưa ra lời khuyên và câu trả lời chính xác cho các thắc mắc liên quan đến liều lượng dùng, tác dụng phụ,... để khách hàng luôn được thông báo và chủ động tận dụng tối đa các phương pháp điều trị mà thương hiệu đem lại.
Chương trình Medisinstart (Nguồn: Internet)
Việc mở rộng các dịch vụ này sẽ giúp khách hàng nhận được sự chăm sóc cần thiết khi họ không thể nói ra được nỗi lo lắng của mình. Đồng thời, nó cũng tăng cường kết nối giữa thương hiệu và cộng đồng địa phương.
>>> Xem thêm: Marketing ngành dược phẩmDịch vụ hiệu thuốc trực tuyến
Trong thế giới Thương mại điện tử, Amazon đang dẫn đầu về các dịch vụ dược toàn diện. Việc mua lại công ty dược phẩm trực tuyến PillPack và đổi tên thành Amazon Pharmacy đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc cho chiến dịch thâm nhập sâu hơn vào ngành Dược phẩm của “gã khổng lồ” TMĐT này. PillPack được cấp phép để bán thuốc theo đơn (ETC) đặt hàng qua thư ở tất cả 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, mang lại cho Amazon một con đường rõ ràng hơn để bước vào một ngành công nghiệp hiện đang bị thống trị bởi các chuỗi cửa hàng thực lớn (brick-and-mortar chains).
Amazon có lẽ chỉ là một trong những nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất đang bắt đầu lấn sân vào ngành Dược phẩm, vì bên cạnh nó còn rất nhiều tập đoàn tiếng tăm khác đã nhảy vào tranh giành miếng bánh này. Tokopedia, một nhà bán lẻ Thương mại điện tử ở Indonesia, gần đây đã hợp tác với hiệu thuốc trực tuyến GoApotik để xây dựng nên một dịch vụ tương tự. Trong lần hợp tác này, GoApotik sẽ cung cấp các địa điểm đối tác chính thức của mình để làm nơi lên đơn thuốc, đóng gói đơn hàng theo yêu cầu đã được đặt online, sau đó chuyển trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua mạng lưới phân phối của Tokopedia. Ra đời với mục tiêu mang lại các đơn thuốc an toàn và đáng tin cậy, dịch vụ này kể từ khi thành lập đã luôn nhận được sự tăng trưởng không ngừng và trở nên phổ biến trong cộng đồng người dân Indonesia.
Ở Anh, văn hóa tiêu dùng ngày càng chuyển sang hướng mua sắm dạng Click-and-Collect, có nghĩa là người dùng sẽ đặt hàng trực tuyến sau đó đến tận nơi để lấy hàng. GlobalData dự báo rằng hình thức mua sắm này ở Anh sẽ tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới, với sự tăng trưởng đáng kể trong ngành dược bán lẻ. Cả Co-operative Group và Boots hiện đều cung cấp dịch vụ đặt hàng trực tuyến và nhận thuốc tại các địa điểm khách hàng lựa chọn, đồng thời cũng đang thử nghiệm dịch vụ tủ đựng thuốc theo toa. Dịch vụ này được triển khai nhằm giúp phân phối thuốc hiệu quả hơn và thuận tiện hơn cho khách hàng.
Dịch vụ tủ đựng thuốc theo toa do Boots triển khai tại Anh (Nguồn: Pharmaceutical Journal)
Các dịch vụ hiệu thuốc online cũng đang bắt đầu phá vỡ giới hạn và phát triển lên một tầm cao mới. Tại EU, Phần Lan và Estonia gần đây đã trở thành những quốc gia thành viên đầu tiên cho phép kê đơn thuốc điện tử. Có nghĩa là khách hàng sẽ được phép dùng các đơn thuốc đã được cấp ở một quốc gia và mua thuốc tại các hiệu thuốc của quốc gia khác. Nỗ lực này là một chỉ thị cấp cao của EU nhằm đảm bảo tính liên tục của việc chăm sóc sức khỏe xuyên biên giới, thông qua việc gửi đi các đơn thuốc điện tử qua các quốc gia khác nhau. Trong những tháng và năm tới, tất cả các quốc gia thành viên dự kiến sẽ cho ra mắt các dự án tương tự, với việc hoàn thiện và chia sẻ với nhau bản tóm tắt tình trạng hiện tại của các bệnh nhân mà họ đang quản lý.
Khi online và offline ngày càng hợp nhất, việc kết hợp giữa các dịch vụ phân phối online và offline sẽ là một trong những chiến lược tìm ra sự thành công trong tương lai.
Tuần tự hóa sản phẩm
Khi chi tiêu cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn cầu ngày càng gia tăng và việc chuỗi cung ứng dược phẩm ngày càng phức tạp, ngành công nghiệp Dược phẩm đã phải đối mặt với tình trạng thuốc giả gia tăng đột biến và xuất hiện tràn lan trên thị trường. Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo rằng 1/10 loại thuốc ở các nước thu nhập thấp và trung bình là không đạt tiêu chuẩn hoặc bị làm giả, đồng thời nhấn mạnh rằng các loại thuốc xấu đã được đệ đơn báo cáo lên ở hơn 110 quốc gia.
Để chống lại điều này, các cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia như EMA ở Châu Âu, FDA ở Mỹ, DHA ở Dubai và Roszdravnadzor ở Nga, đã và đang làm việc chặt chẽ để quản lý, theo dõi và truy xuất rõ hơn nguồn gốc của các loại thuốc được ra mắt trong ngành. Mục tiêu của họ là đảm bảo sự an toàn và kiểm soát chất lượng cho tất cả các loại thuốc được kê đơn bằng cách sử dụng nhận dạng sê-ri cho các đơn vị thuốc riêng lẻ.
(Nguồn: Internet)
Ví dụ: Chỉ thị về Thuốc giả (FMD) của Liên minh Châu Âu hiện yêu cầu tất cả các nhà sản xuất và bán lẻ dược phẩm phải kết nối cơ sở dữ liệu thuốc của họ với một trung tâm xác minh thuốc để đảm bảo tính toàn vẹn của các sản phẩm đang được bán. Chỉ thị khi được đưa ra đã tạo ra thách thức không nhỏ đối với nhiều nhà thuốc bán lẻ, vì việc tích hợp cơ sở dữ liệu yêu cầu cập nhật công nghệ rất tốn kém nếu như chỉ được cài đặt nghiệp dư tại nhà hoặc không có kế hoạch bảo trì lâu dài.
Một hệ thống quản lý như LS Central for Pharmacy có thể đoán được những vấn đề này bằng cách cung cấp giải pháp kinh doanh trực quan và theo quy trình đầu cuối được xây dựng dựa trên Microsoft Dynamics 365 Business Central (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp của Microsoft). Giải pháp này ra đời nhằm hỗ trợ cho việc điều trị căn bệnh Lở mồm long móng, đồng thời được thiết kế để giúp các thương hiệu thuận lợi hơn trong việc tuân thủ các quy định của địa phương.
(Nguồn: LS Retail)
Cuộc chiến loại bộ các sản phẩm giả mạo và các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn là một chặng đường dài và liên tục, nhưng bằng cách chấp nhận quá trình tuần tự hóa sản phẩm, bạn có thể đảm bảo hiệu thuốc của mình đang phân phối các sản phẩm có chất lượng cao nhất và góp phần củng cố lòng tin giữa thương hiệu và khách hàng.
Các quy trình do AI hỗ trợ
Những năm gần đây, các chuỗi nhà thuốc bán lẻ đã bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào các công cụ AI để cải thiện dịch vụ, cắt giảm chi phí và tối ưu hóa lượng hàng sẵn có.
Walgreens Boots Alliance (WBA) đã hợp tác với Microsoft để áp dụng sức mạnh của AI trong Azure cloud và số hóa các dữ liệu y tế. Mục tiêu của họ là cải thiện khả năng tiếp cận của bệnh nhân với các dịch vụ chăm sóc ảo thông qua thiết bị di động, sử dụng phân tích AI để tìm ra cách hiệu quả nhất để chia sẻ thông tin y tế giữa bệnh nhân, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và trung tâm điều trị.
Công ty khởi nghiệp về robot Fabric đã hợp tác với chuỗi nhà thuốc Super-Pharm của Israel để triển khai việc thực hiện đơn hàng có AI hỗ trợ. Trong các trung tâm thực hiện vi mô của Fabric, quy trình đóng gói và giao nhận thuốc sẽ diễn ra như sau: các robot sẽ chọn các mặt hàng đã được đặt online trước đó trong các kệ nhà kho, sau đó chuyển tới một công nhân để họ đóng gói, tiếp đến, chuyển chúng trạm dán nhãn cuối cùng trước khi giao tận tay đến địa điểm nhận hàng của khách hàng. Tất cả đều được thực hiện nhanh gọn và chính xác, giúp gia tăng hiệu quả và cắt giảm chi phí.
Trung tâm thực hiện vi mô của Fabric (Nguồn: Internet)
AI cũng đang cải thiện sự ổn định trong chuỗi cung ứng. Công ty dược phẩm Merck đã hợp tác với Aera Technology để kết hợp AI trong việc ra quyết định, từ dự báo nhu cầu của thị trường và khách hàng mục tiêu để sản xuất lượng hàng hóa sao cho hợp lý, cho đến việc giám sát môi trường lưu trữ và vận chuyển để duy trì tính toàn vẹn của sản phẩm.
Với việc AI được ứng dụng vào trong nhiều quy trình chăm sóc sức khỏe như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi những chuyển đổi sâu sắc hơn về dịch vụ mà nhà thuốc có thể đem lại cho trải nghiệm khách hàng.
Kết
Khi chăm sóc sức khỏe và cải thiện đời sống lành mạnh tiếp tục là ưu tiên của người tiêu dùng, các hiệu thuốc bán lẻ có thể gia tăng thêm thu nhập bằng cách mang đến cho họ sự tiện lợi, những lời khuyên đầy đủ và chất lượng thuốc mà họ đang tìm kiếm. Chúc thương hiệu Dược phẩm của bạn thành công!
Tô Linh - MarketingAI
Theo Isretail
>> Có thể bạn quan tâm: Đã đến thời điểm “bùng nổ” cho các chuỗi bán lẻ Dược phẩm tại Việt Nam hay chưa?
Bình luận của bạn