Ngành công nghiệp thực phẩm từ thực vật ở Châu Á phát triển ra sao trước rào cản về chi phí, nhãn mác và sức khỏe?

24 Thg 11

Những vấn đề nổi cộm liên quan đến chi phí, giá cả sản phẩm, các cuộc tranh luận về nhãn mác và những lo ngại về sức khỏe do chế biến quá mức là một trong những trở ngại lớn nhất khiến ngành công nghiệp thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (Plant-based industry) trở thành xu hướng thảo luận chính trong những ngày gần đây, dù đã trải qua một đợt tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm qua. 

Vì vậy, trong chuyên mục Góc nhìn Admicro lần này, hãy cùng MarketingAI xem xét kỹ hơn vấn đề này và cách để các công ty có nhà máy tại Châu Á cũng như toàn ngành có thể ứng phó với những thách thức này.

Bài toán chi phí và giá cả

Thị trường thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (plant-based) toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh và đạt 8,1 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ CAGR (tăng trưởng kép) 7,8%. Trong đó, các nhà phân tích dự đoán rằng khu vực APAC sẽ có mức tăng trưởng cao nhất với tốc độ CAGR là 9,3%. Mặc dù được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh trong tương lai, nhất là khi nhìn vào những dự báo tăng trưởng khổng lồ như trên, nhưng ngành công nghiệp thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật tại Châu Á vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều rào cản khó khăn trước khi thật sự trở thành ngành công nghiệp chủ đạo ở khu vực này. Và một trong những vấn đề quan trọng nhất chính là vấn đề chi phí và giá cả.

Thống kê về thị trường thực phẩm thay thế thịt toàn cầu

Chia sẻ với FoodNaviagtor-Asia, ông Smith Taweelerdniti - Giám đốc điều hành công ty sản xuất thịt từ thực vật của Thái Lan, Let's Plant Meat cho biết: “Đối với vấn đề giá cả sản phẩm và khả năng chi trả, các doanh nghiệp cần đặc biệt coi trọng nếu muốn được người tiêu dùng chấp nhận rộng rãi, nhất là ở các khu vực như Đông Nam Á. Nhiều sản phẩm nguồn gốc thực vật đang được lưu truyền ở châu Á hiện nay đều được vận chuyển từ các nước phương Tây như Hoa Kỳ theo nhiều con đường khác nhau. Và vì nhu cầu vẫn chưa phải là cao, khối lượng cũng không lớn nên chi phí vận chuyển bị độn lên, làm cho giá sản phẩm vô cùng đắt đỏ.”

“Trong khi đó, các ngành công nghiệp thịt và sữa truyền thống có thể bán với giá thấp hơn khi họ có khối lượng và sự hỗ trợ của chính phủ và các nhà bán lẻ lớn. Việc sở hữu nhu cầu cao cũng khiến tốc độ tiêu thụ của chúng nhanh hơn. Vì vậy, nhóm sản phẩm này chỉ cần được vận chuyển dưới dạng sản phẩm ướp lạnh thôi là cũng đủ đảm bảo chất lượng ngay cả khi tuổi thọ của chúng chỉ là bảy đến tám ngày.”

“Còn nhóm sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật thì không thể làm theo phương pháp đó khi mà nhu cầu thấp và tốc độ tiêu thụ cũng không cao. Do đó, chúng phải được vận chuyển trong một hình thức đông lạnh tốn kém hơn rất nhiều.”

Vậy làm sao để tiết kiệm chi phí cho người dân?

Câu trả lời là hãy đưa nhà máy sản xuất về ngay chính quốc gia sở tại. Nghiên cứu cho thấy, món burger kẹp thịt làm từ các nguyên liệu thực vật địa phương do Let's Plant Meat phát triển chỉ có mức giá bằng 50% so với giá bán lẻ của chiếc burger kẹp thịt Beyond Meat được nhập khẩu về và bán tại Thái Lan. Đó là ví dụ tiêu biểu cho thấy chính xác vấn đề chi phí này. Bạn có thể xem video dưới đây để hiểu rõ hơn về quan điểm của Taweelerdniti trong việc phát triển dòng sản phẩm này tại Thái Lan.

Người sáng lập Omnifoods - David Yeung cũng đồng tình với quan điểm của Taweelerdniti. Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng địa điểm sản xuất nắm vai trò then chốt trong việc giải quyết vấn đề này. Vì lý do đó, thương hiệu thịt làm từ thực vật Omnimeat trực thuộc tập đoàn Omnifoods đã đặt nhà máy sản xuất của mình tại Thái Lan, dù bộ phận R&D của họ nằm tại Canada. Yeung cho biết: “Hầu hết các thực phẩm làm từ thực vật ở Châu Á đều được sản xuất ở Mỹ hoặc Châu Âu, làm tăng thêm chi phí lao động và vận chuyển. Chi phí logistic và nhân công ở Thái Lan sẽ thấp hơn Mỹ, do đó, chúng tôi có thể chuyển quy trình sản xuất sang đây để tiết kiệm cho người tiêu dùng một khoản đáng kể.”

Trong khi đó, gã khổng lồ trong ngành sản xuất các sản phẩm chứa Mycoprotein thay thế cho thịt - Quorn tin rằng theo thời gian, khi công nghệ phát triển, chi phí sản xuất sẽ giảm xuống và cuối cùng cũng sẽ bình thường hóa.

*Mycoprotein là protein có nguồn gốc từ nấm được sản xuất cho người tiêu dùng, chủ yếu được sử dụng để chuẩn bị thay thế thịt hoặc "thịt giả". 

“Việc các sản phẩm làm từ thực vật hay không có thịt sở hữu mức giá cao hơn là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra, bởi đa phần các sản phẩm được bán ra hiện nay đều là các sản phẩm mới đến từ các công ty khởi nghiệp. Giờ đây, có rất nhiều doanh nghiệp mới tham gia vào ngành công nghiệp thực phẩm không có thịt này và họ chưa thể ngay lập tức đạt đến quy mô sản xuất công nghiệp. Chính vì thế, họ phải chấp nhận đối mặt với những thách thức về chi phí”, Giám đốc Khoa học và Công nghệ của Monde Nissin, công ty mẹ của Quorn, Andy Kusomo cho biết, “Quorn đã có kinh nghiệm 15 năm trong ngành sản xuất các thực phẩm như thế này và chúng tôi tự tin rằng mình đã trưởng thành lên khá nhiều cả về mặt công nghệ, sản xuất và R&D. Sự tự tin này là đủ để chúng tôi cũng như các công ty lớn khác có thể khẳng định rằng mức giá sản phẩm được đưa ra là khả thi.”

Thật vậy, tại một thị trường châu Á có tương đối kinh nghiệm trong việc sản xuất các sản phẩm làm từ thực vật như Singapore thì mức giá mà công ty này đưa ra có thể coi là chấp nhận được. Ví dụ, một “packs” bao gồm 2 chiếc burger kẹp thịt chay do Quorn sản xuất có giá khoảng 7$ Sing (5,21 USD) trên Redmart và cũng chỉ bằng gần một nửa giá của chiếc bánh mì kẹp thịt Beyond Meat là 12,5$ Sing (9,3 USD) với hai miếng thịt.

Cuộc tranh luận về nhãn mác đã diễn ra như thế nào trên bao bì các sản phẩm làm từ thực vật

Cuộc tranh luận về việc nên dán nhãn như thế nào trên các sản phẩm có nguồn gốc thực vật và liệu ngành công nghiệp này có thể sử dụng các thuật ngữ như 'thịt', 'sữa', 'xúc xích', 'bánh mì kẹp thịt', 'pho mát',... trên bao bì hay không đã diễn ra được một thời gian tại Hoa Kỳ và Canada. Và gần đây, nó đã lan rộng ra cả châu Á, với thị trường trọng tâm là Ấn Độ. Cục Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) gần đây đã đề xuất lệnh cấm sử dụng cụm từ “từ sữa” (dairy) và các thuật ngữ liên quan đối với các sản phẩm làm từ thực vật, với lý do lo ngại người tiêu dùng sẽ nhầm lẫn.

FSSAI đề xuất lệnh cấm sử dụng cụm từ “từ sữa” (dairy) và các thuật ngữ liên quan đối với các sản phẩm làm từ thực vật, với lý do lo ngại người tiêu dùng sẽ nhầm lẫn

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Viện Thực phẩm Tốt (GFI) Ấn Độ - Varun Deshpande lại cho rằng điều này là không nên: “Chúng tôi tin rằng dự thảo thông báo đề xuất cấm sử dụng các thuật ngữ từ sữa các sản phẩm có nguồn gốc thực vật đã đi ngược lại với lợi ích của một ngành công nghiệp non trẻ có nhiều kỳ vọng phát triển này. Đồng thời, nó cũng không phù hợp với quy định chung đã được đặt ra đối với các thực phẩm khác như bơ đậu phộng, bơ ca cao và nước cốt dừa. đa số (70% +) người Ấn Độ ở các thành phố lớn và thị trấn nhỏ đều có thể xác định đâu là các sản phẩm được làm từ sữa bò và đâu là các sản phẩm làm từ sữa thực vật (đậu nành, hạnh nhân hoặc các nguồn khác), cho dù họ có quen dùng sữa thực vật hay không.” Vì thế, ông cho rằng việc cấm dán nhãn các thuật ngữ này trên bao bì là điều hoàn toàn không cần thiết.

Ông lo ngại rằng nếu các quy định này được thông qua, các nhà sản xuất thực phẩm dựa trên thực vật nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng về chi phí thay đổi nhãn mác và marketing, đồng thời, ngành công nghiệp cũng sẽ bị giáng một đòn đau vào sự tăng trưởng tích cực.

Deshpande cho biết: “Công bằng mà nói, việc dán nhãn đầy đủ trên các sản phẩm là điều hết sức quan trọng để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho sự phát triển của bất kỳ ngành công nghiệp mới nào và chúng tôi tin rằng việc cấm sử dụng các thuật ngữ về sữa có thể kìm hãm sự tăng trưởng này, gây bất lợi cho các nhà sản xuất và phúc lợi của người tiêu dùng.” 

Điều này cũng được doanh nghiệp sữa trong nước Epigamia - đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm từ thực vật nhắc lại trong một tuyên bố mới đây, cho rằng người tiêu dùng không dễ bị nhầm lẫn như vậy.

“ các sản phẩm không chứa các thành phần từ sữa bò như sữa hạnh nhân, bơ đậu phộng và sữa dừa trên thị trường hiện nay đã thành công tạo dựng được danh tiếng nhất định trong tâm trí người tiêu dùng và nên được phân loại là dòng sản phẩm được sử dụng phổ biến”, Giám đốc điều hành Epigamia - Rohan Mirchandani cho biết, “Hơn nữa, điều quan trọng cần lưu ý là nhiều người tiêu dùng đang cần tới các lựa chọn thay thế vì lý do sức khỏe hoặc thực tế là họ không thể tiêu hóa sữa bò, vì thế chúng tôi sẽ cần biến các sản phẩm sữa thực vật này trở nên phổ biến với người tiêu dùng để họ có thể chọn khi cần thiết.”

Ở Úc, cuộc tranh luận này cũng đã diễn ra trong một thời gian dài cho đến tận mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp David Littleproud đã tổ chức hội nghị bàn tròn trao đổi về vấn đề này. Trong đó, đại diện ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm giàu protein từ thực vật có thể thay thế thịt là Food Frontier đã chỉ trích Bộ trưởng đã không đưa ra một quyết định đại diện thỏa đáng.

Chính phủ Úc bị chỉ trích vì đưa ra quyết định đại diện không thỏa đáng, công bằng

Cụ thể, Giám đốc Chính sách và Quan hệ Chính phủ của Food Frontier, Sam Lawrence cho biết: “Các Bộ trưởng trước đây đã từng cam kết rằng họ sẽ đưa ra danh mục đại diện rõ ràng cho từng sản phẩm làm từ thịt, sữa, trứng, sản xuất, bán lẻ và protein thay thế. Nhưng mới đây, họ đã thay đổi điều đó bằng cách mở rộng nhóm sản phẩm và chỉ chia thành 2 nhóm sản phẩm đại diện là thịt và sữa.”

“Hậu quả của việc phân nhóm đại diện không thỏa đáng này là bất kỳ kết quả nào từ quá trình tổ chức công tác cũng sẽ không được coi là công bằng hoặc đáng tin cậy”, Lawrence cũng nhấn mạnh dữ liệu nghiên cứu nói rằng 91% người Úc và 94% người New Zealand “chưa bao giờ mua nhầm một sản phẩm có nguồn gốc thực vật vì nghĩ rằng đó là sản phẩm có gốc động vật và ngược lại”, đồng thời nhấn mạnh rằng Diễn đàn Bộ trưởng về Quy định Thực phẩm đã nói rõ hai lần rằng sự thay đổi quy định dán nhãn là không cần thiết.

“Food Frontier sẽ tiếp tục theo đuổi một cuộc thảo luận dựa trên bằng chứng rõ ràng. Vì cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng nào được đưa ra chứng minh rằng phải thay đổi quy định dán nhãn trên các sản phẩm. Chính điều đó đã nhấn mạnh thêm lý do tại sao Food Frontier cần phải tiếp tục đặt câu hỏi về mục đích và động lực của việc Bộ đã đưa ra quyết định thay đổi này”, ông nói.

Vấn đề nhãn mác này có thể diễn ra khác tại thị trường Châu Á, khi mà có nhiều ngôn ngữ và nền văn hóa đa dạng tại đây

Tuy nhiên, theo Taweelerdniti, vẫn có thể có hy vọng cho thị trường châu Á về việc giữ nguyên dán nhãn này. Quy mô, tầm vóc của từng nền văn hóa địa phương là khác nhau và giới hạn chấp nhận của người tiêu dùng mỗi nước có thể sẽ khiến điều này không phát triển thành một vấn đề lớn như ở phương Tây.

"Vấn đề cấm sử dụng các thuật ngữ như" thịt "hoặc" sữa "có thể diễn ra khác ở châu Á, vì chúng tôi có những ngôn ngữ và nhiều sự khác biệt văn hóa ở đây”, ông nói.

Những mối lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến 

Nhiều người tiêu dùng Châu Á hiện nay đang nghi ngờ về chất lượng sức khỏe và dinh dưỡng đối với các sản phẩm làm từ thực vật, đặc biệt là các sản phẩm thịt có nguồn gốc thực vật. Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra và nhiều người cảm thấy không an tâm về mức độ chế biến, sử dụng phụ gia, natri và các thành phần nguy hiểm khác.

Theo Yeung, vấn đề ở đây là làm sao để các thương hiệu có thể đưa ra so sánh rõ ràng về hai loại thịt này cho người tiêu dùng: so sánh thịt làm từ thực vật với các loại thịt đã qua chế biến như thịt xông khói, thịt lợn muối và xúc xích. Tất nhiên, khi kết quả so sánh đã rõ ràng, người tiêu dùng sẽ không còn nghi ngờ về lợi ích nữa vì rõ ràng, thịt chế biến có xu hướng chứa nitrat và nitrit gây ung thư.

Ông nói: “Các loại thịt thay thế làm từ thực vật giàu protein chắc chắn sẽ lành mạnh hơn các loại thịt chế biến sẵn - vốn đã được chứng minh là có hại cho sức khỏe, gây ra các bệnh về tim mạch và tăng nguy cơ ung thư.”

“Những gì chúng tôi đề xuất ở đây không phải là một chế độ ăn chay hoàn toàn (tất cả đều có nguồn gốc từ thực vật). Mà chúng tôi đang muốn nhắm đến các loại thịt có nguồn gốc thực vật và chủ yếu dành cho phần lớn những người đang ăn thịt truyền thống - cố gắng khuyến khích họ chuyển sang ăn các loại thịt thay thế, với chất lượng tốt hơn và đảm bảo một sức khỏe bền vững hơn.”

“Chế độ ăn uống lành mạnh nhất vẫn sẽ là chế độ ăn có chứa nhiều loại thực phẩm hữu cơ và toàn phần khác nhau, nhưng ngay cả như thế thì nó vẫn không phải là một chế độ ăn tốt nhất về hương vị và giá cả phải chăng cho người tiêu dùng.” 

Taweelerdniti nói thêm rằng người tiêu dùng cũng cần nhìn lại và xem xét xem thịt truyền thống có 'lành mạnh' không.

“Nhiều người cho rằng thịt làm từ thực vật đã qua nhiều khâu chế biến cao và không tốt cho sức khỏe do các thành phần ghi trên nhãn - nhưng các loại thịt thông thường thì sao? Người tiêu dùng không biết chính xác thức ăn mà những con bò hoặc lợn họ đang ăn, hoặc liệu có thuốc kháng sinh hoặc hormone nào đã được tiêm trên những con động vật này hay chưa. TChẳng mấy ai đặt những câu hỏi như thế này vì tất cả những điều đó đều không được ghi rõ trên nhãn", ông nói.

Phát triển bền vững không phải là trọng tâm quan trọng trong kinh doanh ở châu Á

Ngoài những vấn đề trên, ngành công nghiệp làm từ thực vật ở Châu Á cũng phải đối mặt với thách thức về Marketing, đặc biệt là khi thị trường này không coi tính bền vững là một động lực bán hàng quan trọng, mà chỉ đơn giản là một yếu tố “không bỏ đi được”.

"Trong văn hóa Trung Quốc, có một niềm tin vững chắc vào sự "cân bằng” trong chế độ ăn uống. Họ cho rằng cả thịt và rau đều cần thiết trong bữa ăn và là một phần của sự cân bằng này", Tao Zhang - Nhà sáng lập công ty liên doanh sản xuất các sản phẩm từ thực vật có trụ sở tại Trung Quốc - Dao Foods cho biết. “Người Trung Quốc đặc biệt sành ăn và có khẩu vị “khó chiều”. Họ sẽ không thỏa hiệp với các thực phẩm làm từ thực vật vì lý do có lợi cho sức khỏe hay môi trường. Chính vì thế, tính bền vững chỉ đơn giản là một yếu tố không được coi trọng trong danh sách ưu tiên của họ.”

Tính bền vững chỉ đơn giản là một yếu tố không được coi trọng trong danh sách ưu tiên của người dùng Châu Á

Trong khi đó, tổ chức Worth The Health (WTH) Foods có trụ sở tại Phlippines ngoài việc đồng tình với quan điểm này thì cũng cho rằng mối quan tâm về tính bền vững dường như đang gia tăng ở châu Á.

“Châu Á thực sự đang đi sau thế giới về xu hướng bền vững - Hương vị, giá cả và giá trị đồng tiền vẫn là chìa khóa để tiếp cận đối tượng chính ở đây”, Giám đốc điều hành WTH Foods - Stephen Co cho biết, “Tuy nhiên, trong những năm gần đây, và đặc biệt là trong năm đại dịch này, chúng tôi nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tốt cho sức khỏe và có trách nhiệm với môi trường. Người tiêu dùng châu Á đang bắt đầu quan tâm đến vấn đề sức khỏe và môi trường khi xem xét giá trị của sản phẩm.”

Những thách thức kỹ thuật khác

Trong quá trình sản xuất sản phẩm thực tế, một trong số các thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt đó là màu sắc và hương vị của sản phẩm. Theo Jerome Raudin (Chr. Hansen), Giám đốc Marketing khu vực toàn cầu của Natural Colors, màu sắc là một thách thức lớn trong ngành thực phẩm thực vật này vì các protein có nguồn gốc thực vật như đậu nành, hạt đậu hoặc hạnh nhân thường có màu nâu xám không hấp dẫn, không phải màu trắng sữa hoặc nâu đỏ như khi kết hợp với sữa hoặc thịt.

“Nếu không có màu sắc, các sản phẩm làm từ protein thực vật trông không hề ngon miệng vì có sự khác biệt đáng kể đối với hình ảnh hấp dẫn mà các nhà sản xuất thực phẩm làm từ động vật đang cố gắng bắt chước. Vì vậy, việc sử dụng màu sắc nhân tạo là điều hoàn toàn cần thiết để đáp ứng được mong đợi của khách hàng”, ông nói, “Về mùi vị, protein thực vật thường có hương vị khác biệt - ví dụ như protein đậu có hương vị 'xanh' thực vật, và đậu nành có vị 'beany' - và thường phải lấy hương vị khác để che đi. Quá trình chiết xuất protein thực vật cũng có xu hướng làm tăng hàm lượng natri trong các sản phẩm cuối cùng.”

“Các nhà sản xuất cũng phải tìm cách làm sao để che giấu đi mùi vị không mong muốn và tạo ra vị umami - vị ngọt của thịt để hấp dẫn người tiêu dùng, mà không làm tăng thêm natri trong các sản phẩm làm từ thực vật vì những lo ngại về lượng muối cao. Đây cũng là một thách thức khác mà các thương hiệu phải tìm cách tự giải quyết trong tương lai”, Giám đốc Phát triển Kinh doanh & Đổi mới của DSM - Gilbert Verschelling nói thêm.

Sự hiện diện của thương hiệu lớn

Bất chấp những thách thức đó, niềm tin vào tương lai của các sản phẩm có nguồn gốc thực vật vẫn rất cao trong ngành, bằng chứng là ngày càng có nhiều thương hiệu F&B lớn tham gia vào danh mục sản phẩm này. Một ví dụ tiêu biểu là vào tháng 4 năm nay, Asahi đã tung ra một phiên bản khác của thức uống axit lactic phổ biến Calpis, có nguồn gốc từ thực vật, thay thế sữa bò bằng sữa đậu nành.

Kristin Chiu, Giám đốc quan hệ công chúng tại Asahi Group Holdings cho biết công ty hy vọng sẽ bán được 500.000 hộp đồ uống trong năm nay. Mặc dù doanh số bán hàng đã bị ảnh hưởng bởi COVID-19, bà vẫn cho rằng sự quan tâm và phản hồi của người tiêu dùng là tích cực.

“Mặc dù doanh số bán hàng thấp hơn dự báo của chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng - Một số người nói rằng đó là sản phẩm mà họ đã chờ đợi từ lâu”, bà nói, “Đối với Asahi, Green Calpis là sản phẩm không chỉ có giá trị kinh tế mà còn mang giá trị xã hội. Đó là nhờ chính sách phát triển các sản phẩm về sữa có lợi cho sức khỏe người dùng ở Nhật Bản, vào đúng thời điểm mà thương hiệu cũng đang tìm cách khai thác thị trường sữa có nguồn gốc thực vật đang rất phát triển.

Nestle Australia cũng đã tung ra một phiên bản có nguồn gốc từ thực vật của sản phẩm Milo nổi tiếng của mình

Một tên tuổi khác đã tạo ra làn sóng trong ngành đó là Nestle - Công ty đã tạo ra phiên bản Milo có nguồn gốc từ thực vật tại Úc vào đầu năm nay.

“Bột sữa đã được gỡ bỏ và thay thế bằng protein đậu nành và bột yến mạch - vì vậy có một khác biệt nhỏ, tuy nhiên chúng tôi tin rằng hương vị mạch nha choc ngon của Milo truyền thống vẫn còn được giữ lại”, Giám đốc kinh doanh thương hiệu sữa Nestle Úc - Anna Stewart nói với chúng tôi, “Chúng tôi biết mọi người đang tìm kiếm giải pháp thay thế sữa và các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật được trồng tại Úc.”

Nestle Trung Quốc cũng thông báo rằng họ sẽ thành lập một cơ sở làm từ thực vật tại địa phương để đáp ứng nhu cầu tăng cao tại địa phương đối với thực phẩm từ thực vật. “ sẽ là đầu tiên của chúng tôi được xây dựng để chuẩn bị cho dây chuyền sản xuất các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật ở Châu Á”, công ty cho biết, “Thịt chay luôn là một món ăn truyền thống ở Trung Quốc, nên chúng tôi tin tưởng rằng các khái niệm về các loại thực phẩm nguồn gốc thực vật sẽ có thể dễ dàng được người tiêu dùng địa phương chấp nhận, với một triển vọng phát triển lớn hơn cho ngành này ở Trung Quốc so với các thị trường khác.” 

Nhìn về chặng đường phát triển trong tương lai

Tại phiên thảo luận về Hành trình Đổi mới của các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật trong chuỗi chương trình Growth Asia 2020, một hội đồng chuyên gia đã đưa ra kết luận rằng, cách tốt nhất để cho ngành công nghiệp thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật phát triển là tập trung vào hương vị, giá cả và dinh dưỡng của sản phẩm.

“Ví dụ như ở Ấn Độ hay các quốc gia khác, giai đoạn thích ứng đầu tiên đã gặp phải những vấn đề liên quan đến động vật và hành tinh sống của con người, nhưng giờ đây, chúng ta đã vượt qua giai đoạn đó và trọng tâm cần phải hướng đến là hương vị, giá cả và dinh dưỡng”, Deshpande nói, “Chúng ta cần thu hút nhóm người tiêu dùng bình dân và mở rộng phạm vi tiếp cận hơn, và cách duy nhất để làm điều này là hãy biến các sản phẩm làm từ thực vật có giá tương đương hoặc thấp hơn có hương vị giống hoặc tốt hơn các sản phẩm làm từ động vật. Nếu không làm được điều đó, thì sẽ chẳng có ai quan tâm sản phẩm của bạn được làm từ động vật hay thực vật, mà họ chỉ quan tâm đến việc có ngon miệng hay không.”

Các doanh nghiệp Châu Á cần coi trọng yếu tố hương vị đầu tiên khi sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật

Yeung đồng tình và nhấn mạnh một lần nữa rằng ở châu Á, khẩu vị là yếu tố hàng đầu để đánh giá bất kỳ loại thực phẩm nào. “Người châu Á có vị giác nhạy bén và rất kén ăn. Ngay cả đối với các sản phẩm của chúng tôi, chúng tôi cũng phải đảm bảo nó mang hương vị của địa phương sở tại để tiếp cận tốt hơn với người dùng đại chúng - Một khi sản phẩm và giá cả thu hút được đông đảo công chúng, thì tính bền vững có thể được quảng bá sau đó”, ông nói.

Kết

Vì vậy, thông điệp rất rõ ràng: Mặc dù những thách thức đối với ngành công nghiệp thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật là rất rõ ràng, nhưng nếu các công ty muốn sản phẩm của họ đạt được vị thế chủ đạo trong khu vực Châu Á thì cách duy nhất là trước mắt hãy tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm lành mạnh, giá cả phải chăng và ngon miệng.

Tô Linh - MarketingAI

Theo FoodNavigator-Asia

>> Có thể bạn quan tâm: Xây dựng thương hiệu: Tại sao các công ty F&B cần tạo dựng tên tuổi tốt hơn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.