Đứng đầu ngọn sóng truyền thông với Newsjacking

29 Thg 01

Tuyên bố sẽ sơn hình đội tuyển U23 Việt Nam lên máy bay của Vietjet Air, giảm giá 23% cho toàn bộ sản phẩm tại shop, hay những thông điệp "đỉnh" từ Durex,... là những case studies cụ thể của hình thức bắt sóng xu hướng/sự kiện. Trong truyền thông và thương hiệu, hình thức này được định nghĩa là newsjacking - hay gọi đơn giản là "tát nước  theo mưa". Vậy Newsjacking là gì? Đó có phải đơn thuần chỉ là "a dua" theo các trào lưu hay không? Và quan trọng hơn là, dựa trên thuật ngữ này, các marketer và người làm quản trị thương hiệu cần có những động thái gì có lợi cho doanh nghiệp, sản phẩm/ dịch vụ của mình?

Newsjacking là gì?

Trước khi tìm hiểu các ứng dụng của thuật ngữ newsjacking, hãy đi vào định nghĩa để hiểu trọn vẹn về nó.

Newsjacking là một thuật ngữ trong truyền thông để chỉ hành động "dựa hơi" vào một sự kiện hay tin tức nóng trong hiện tại để lên các chương trình truyền thông nhằm một mục đích cụ thể nào đó, như tăng độ phủ thương hiệu, thúc đẩy doanh số,...

Thuật ngữ này được khởi xướng bởi "cha đẻ" David Meerman Scott trong cuốn sách cùng tên của ông. Chính David cũng là người quảng bá và đưa newsjacking trở thành thuật ngữ của năm 2017 theo bình chọn của NXB Oxford (Anh).

David Meerman Scott (Ảnh: conversationagent.typepad.com/)

Newsjacking được ra đời trong tình trạng bùng nổ thông tin. Một ngày, người dùng Internet nhận được quá nhiều tin tức trên mọi phương tiện như TV, thiết bị di động, SMS,... trong khi quỹ thời gian của họ có hạn. Chẳng hạn, một thông tin trên Facebook sẽ "chết" chỉ sau 12 giờ hiện trên trang newsfeeds. Hơn nữa, không phải nội dung nào cũng được hiện trên newsfeeds của người dùng như mong muốn.

(Ảnh: postplanner.com)

Bản chất của con người là ngại chờ đợi. Chính vì thế, họ hay bị thu hút bởi những tin tức, video nóng bỏng, tức thời, hay những status cập nhật về tin hot trên newsfeed mạng xã hội, hay mong muốn nhận được hàng ngay sau khi đặt hàng online.

- Theo Campaignlive.co.uk

 

Newsjacking được dựa trên sự tương đối giữa sự quan tâm của công chúng và thời gian tồn tại của một tin tức hay sự kiện hot. Để "tát nước theo mưa" thành công, chiến thuật newsjacking cần phải được áp dụng ngay sau khi hoặc trong một khoảng thời gian rất ngắn (tính bằng phút) sau khi tin nóng bắt đầu được "bung ra", và ngay trước khi cánh nhà báo tóm được tình hình, và bắt đầu dưa thông tin về sự kiện. Nếu nắm được thời điểm vàng này, thương hiệu có thể đứng đầu ngọn sóng thông tin và đạt được mục tiêu như mong muốn. Nếu chậm chân, họ sẽ nhanh chóng bị chìm nghỉm giữa hàng triệu thông tin và các chiến dịch từ những thương hiệu nhanh chân hơn, và chỉ tiêu tốn chi phí mà không thực sự đem lại hiệu quả newsjacking rõ rệt. Biểu đồ dưới đây tóm tắt một cách rõ ràng, ngắn gọn nhất về quãng đời của một tin tức hot, cũng như thời điểm áp dụng newsjacking trong truyền thông.

Theo biểu đồ trên, có thể tóm tắt quãng đời của một tin tức/ sự kiện hot như sau:

 


  1. Tin tức bùng nổ: Một sự kiện hay tin tức nào đó nổ ra. Tất cả các kênh tin tức và nhãn hàng bắt đầu "đánh hơi" được sự kiện, và cố gắng tung ra các chiêu bài ra công chúng nhanh nhất có thể. Bạn cần phải bắt đầu làm newsjacking ngay trong thời điểm này nếu muốn giữ vị trí số 1 trong tâm trí công chúng mục tiêu.
  2. Thu hút thông tin và sự chú ý: Dựa trên ảnh hưởng của sự kiện và các hiệu ứng ban đầu, cánh nhà báo bắt đầu vào cuộc, thu thập thông tin từ khắp mọi nơi giống như những chiếc radar. Đây là vẫn là thời điểm phù hợp để bắt sóng tin tức nếu như bạn có thể rẽ hwogns câu chuyện, tìm ra một insight mới, hay thậm chí đảo chiều câu chuyện theo cách khác biệt so với các đối thủ hay kênh thông tin khác.
  3. Đỉnh điểm: Đây là lúc công chúng đã có đủ thông tin và nhìn nhận sự việc, cũng như tiếp nhận khá nhiều chiều thông tin về chủ đề này. Đây cũng là lúc bạn đánh giá hiệu quả chiến lược newsjacking của mình. Nếu thành công, tất cả công chúng sẽ nói về thương hiệu của bạn.
  4. Tin chìm nghỉm: Tin tức dần trở nên mờ nhạt. Công chúng bắt đầu không còn chú ý đến nó nữa. Nếu thời điểm này bạn mới biết về tin tức đó, đừng nên cố gắng làm newsjacking nữa.
 

Đứng ở góc độ người làm truyền thông - bán hàng, bạn có thể ứng dụng newsjacking như thế nào để đem lại lợi ích rõ ràng cho doanh nghiệp? 

Ứng dụng của newsjacking

Không chỉ là một chiến thuật truyền thông, newsjacking còn có nhiều ứng dụng hơn thế:

  • Social media: Newsjacking thường được áp dụng phổ biển trên social media, vì chính môi trường thuận lợi của các mạng xã hội. Ví dụ điển hình cho ứng dụng của newsjacking trong social media đó là nhãn hàng Durex - một thương hiệu luôn đi đầu về cả cách bắt trend, đỉnh cao về kỹ thuật copywriting, và sự hòa hợp giữa xu hướng và bản chất của sản phẩm/tính cách thương hiệu.

 

(Ảnh: Trang Fanpage chính thức của Durex Việt Nam)

 

(Ảnh: Trang Fanpage chính thức của Durex Việt Nam)

 

  • SEO: Newsjacking còn có tác dụng đẩy traffic ngắn hạn qua SEO. Ngay khi sự kiện vừa được "bung" ra, bạn cần tìm tất cả các từ khóa SEO có thể có liên quan đến sự kiện đó càng sớm càng tốt. Tuy không mang lại giá trị lâu dài, nhưng newsjacking có thể giúp bạn đẩy website của mình lên top trong một khoảng thời gian ngắn. Bạn cần đảm bảo tối ưu SEO để website của bạn ở vị trí số 1, hoặc ít nhất là trong 5 vị trí tìm kiếm tự nhiên đầu.

Cần lưu ý gì khi làm Newsjacking?

Newsjacking là con dao hai lưỡi. Nếu áp dụng đúng, nó có thể mang lại thành công vang dội cho thương hiệu. Nhưng nếu chỉ một bước sơ sẩy, doanh nghiệp có thể sẽ phải trả giá rất đắt về lâu về dài. Vậy nên, trước khi "cầm dao", bạn cần biết cách tối đa lợi ích của nó, và biết cần phải tránh những gì.

Khi làm newsjacking, marketer và các nhà quản trị thương hiệu cần lưu ý một số điểm cốt lõi sau đây:

  • Nhanh nhạy: để đón đầu ngọn sóng truyền thông, bạn cần phải rất nhanh và nhạy. Bạn cần có mặt ở tất cả mọi nơi, gài cắm đội ngũ của mình giống như những nhà săn tin, để đảm bảo là bên đầu tiên biết về sự kiện hot đó trước tất cả mọi người. Hãy tận dụng tất cả các công cụ, phương thức để đảm bảo bạn là bên đầu tiên biết tất cả những tin tức nóng hổi nhất.
  • Mục tiêu cụ thể, rõ ràng: bắt trend không phải chỉ để cho vui, mà còn cần phải vì một mục tiêu truyền thông - bán hàng. Chính vì thế, song song với việc bắt tin tức, bạn còn cần chuẩn bị mục tiêu cụ thể, rõ ràng nào đó. Biti''s Hunter là một thương hiệu điển hình về việc đưa ra mục tiêu rõ ràng cho newsjacking với sản phẩm #theREDsnow - "Phiên bản tự hào" ngay trong không khí sục sôi của niềm tự hào dân tộc và đón đội tuyển U23 Việt Nam về quê hương.

 

biti''s hunter theredsnow phiên bản tự hào
(Ảnh: Trang Fanpage chính thức của Biti''s)

 

  • Thông minh: để có thể đạt được hiệu quả newsjacking như mong muốn không những cần một cái đầu đủ nhanh nhạy, tỉnh táo, mà còn cần sự tinh tế trong phương thức thực hiện. Hãy đưa ra một góc nhìn khác biệt, tìm ra một insight mà chưa ai "chạm" tới, hay một tuyên ngôn mà chỉ mình bạn mới có,... Nếu không, ngay cả khi là bên đầu tiên đón đầu xu hướng, thương hiệu của bạn cũng sẽ bị chìm nghỉm nếu như có một đối thủ khác đưa ra thông điệp hay ho hơn, ngay cả khi họ xuất phát sau bạn.
  • Phù hợp: để tránh các hậu quả không đáng có xảy ra, và cũng để tối ưu hiệu quả cho chiến dịch truyền thông - bán hàng, bạn cần cân nhắc sự phù hợp với thương hiệu, với công chúng mục tiêu, và cả với văn hóa địa phương của thương hiệu.

Case study về cách làm newsjacking dựa trên sự kiện U23 Việt Nam và AFC Cup gần đây có lẽ là ví dụ dễ hiểu về sự đúng - sai khi áp dụng newsjacking trong truyền thông. 

(Ảnh từ trang Facebook của nhà báo Trần Hồng Quang)

 

Vốn đã dành được ưu thế trong trận chiến giữa 3 hãng hàng không lần này với những tuyên bố hùng hồn như sẽ in hình đội tuyển U23 Việt Nam lên thân máy bay, thậm chí tài trợ cả chuyên cơ riêng để đón đội tuyển về quê hương, Vietjet Air đã hoàn toàn thất bại với cái kết tồi tệ - sự phản cảm, chê trách, thậm chí là tẩy chay từ công chúng mục tiêu của mình. Hướng đi của hãng có thể mới mẻ, sáng tạo, nhưng phần thực thi của nhãn hàng này thì sai lệch hoàn toàn với thuần phong mỹ tục Việt Nam, và nhất là, lại xảy ra trong tình cảnh sự hâm mộ, mong chờ, và tinh thần dân tộc đang ở mức đỉnh điểm. Đây hiện đang được cho là một khủng hoảng truyền thông của Vietjet Air.

 

newsjacking Vietnam Airlines U23 Việt Nam
(Ảnh: Trang Fanpage chính thức của Vietnam Airlines)

Giữa tình thế đó, Vietnam Airlines đưa ra chiêu bài nhẹ nhàng và khéo léo. Họ dành tặng đội tuyển U23 Việt Nam một món quà cảm ơn giản dị, cùng sự nhắc lại của hình ảnh thanh lịch bên tà áo dài xanh dương và chiếc áo phông in hình cờ đỏ sao vàng. Không hào nhoáng, phô trương như Vietjet, Vietnam Airlines là người đến sau, nhưng có phương thức làm newsjacking phù hợp với văn hóa địa phương, và hòa hợp với tính cách thương hiệu. Trong trận chiến giữa 3 hãng hàng không lần này, Vietnam Airliens có thể coi là bên thắng cuộc vang dội.

Kết luận

Thay cho lời kết, tôi xin gửi tới bạn infographic tổng kết cho bài viết này. Đây là tổng kết ngắn gọn nhất về newsjacking và cách làm newsjacking dành cho bạn.

infographic newsjacking là gì

Trang Tran - Marketing AI

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.