Làm sao để xác định xem liệu nơi làm việc của bạn có “độc hại” hay không?
Khái niệm “toxic” (độc hại) quen thuộc với giới trẻ đến mức dù chỉ với một hoặc một vài biểu hiện, mọi người cũng có thể đánh giá được liệu môi trường làm việc hay cấp trên của mình có những biểu hiện này không.
Ưu điểm là những mặt xấu xí được nhận biết. Nhưng mặt tai hại là có rất nhiều người nhầm lẫn cũng như hiểu sai các dấu hiệu độc hại trên. Từ đó, hoàn toàn có thể áp dụng sai thuật ngữ này.
Ví dụ, trong vài trường trường hợp, lằn ranh giữa việc hiểu sai, tiếp nhận thông tin sai lệch về một ai đó hoàn toàn có thể xảy ra. Và từ đó, từ “toxic” cũng bị dùng sai. Theo trang Worklife, ranh giới phân biệt này đang ngày một trở nên mờ nhạt một cách đáng lo ngại. Giáo sư Tâm lý học Nghiên cứu về bắt nạt tại nơi làm việc, Ludmila Praslova cũng chia sẻ: “Mọi người đang sử dụng thuật ngữ tâm lý học rất tùy tiện. Khi bạn nói một ai đó độc hại chỉ vì họ muốn bạn làm việc đúng với trách nhiệm chẳng hạn, rõ ràng điều đó không hề độc hại. Thậm chí, chỉ vì phải đối mặt với tình huống mà bản thân không thích, môi trường hoặc cá nhân nào đó cũng bị dán nhãn là “toxic”.”
Việc dán nhãn bừa bãi cuối cùng ảnh hưởng đến văn hoá công ty, dẫn đến kết quả là một môi trường làm việc độc hại thực sự. Giáo sư Praslova cũng nói thêm: “Nếu người ta xem nhẹ việc xác định các định danh tâm lý này, thì hoàn toàn có thể xảy ra việc xem nhẹ khi điều tồi tệ xảy ra.”
Vậy làm thế nào để xác định một cách chuẩn mức xem bạn có đang ở trong một môi trường làm việc độc hại, hay đang tiếp xúc với một cấp trên độc hại?
Tin vào trực giác của bản thân và tiếp nhận kinh nghiệm trước đó
Bản năng không nên bị đánh giá thấp. Nếu một ngày bạn tự hỏi bản thân liệu nơi làm việc này quá có toxic hay không, đó chính là dấu hiệu đầu tiên.
Hãy tự hỏi bản thân rằng tại sao bạn lại đặt ra câu hỏi đó rồi xác nhận lại trực giác của mình. Tiến sĩ Anisha Patel-Dunn, bác sĩ tâm thần và Giám đốc Y tế tại LifeStance Health cho hay, những người rơi vào trường hợp này thường nghi ngờ bản thân.
Tuy vậy, kinh nghiệm trong quá khứ nên được áp dụng trước khi đưa ra quyết định. Nhất là đối với những người từng làm việc trong môi trường độc hại, họ dễ bị kích động hơn nếu rơi vào trường hợp đó một lần nữa.
Đặc biệt, Tiến sĩ Patel-Dunn cũng chia sẻ thêm, nếu một người đang ở trong tình trạng dễ bị tổn thương do các tình huống khác không liên quan đến công việc, họ có thể nhạy cảm hơn. Do đó, cảm xúc cá nhân hoàn toàn có thể tác động đến cảm quan trong môi trường làm việc nói chung.
Tìm kiếm những điểm lặp lại
Cấp trên có hay lờ đi ý kiến của bạn không? Đôi khi, tâm trạng của họ đang không tốt, cách xử sự này hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng nếu tình trạng trên xảy ra lặp lại, hãy cân nhắc kỹ lưỡng hơn.
Đầu tiên, hãy tìm hiểu các mà cấp trên đối xử với mọi người xung quanh, nếu có sự khác biệt đáng kể, đây là dấu hiệu cho thấy họ có thể là một người độc hại. Bên cạnh những điểm lặp lại này, hãy chú ý đến bầu không khí chung tại môi trường làm việc tác động đến bạn như thế nào. Bởi theo Tiến sĩ Kyle Elliot, một career coach tại Thung lũng Silicon thì nếu đi làm mà số ngày tệ hại nhiều hơn ngày tốt lành thì rõ ràng, bạn nên rời đi và tìm kiếm cho mình nơi tốt hơn.
Nói chuyện với đồng nghiệp và bạn bè để quan sát từ góc nhìn của họ
Cuộc đối thoại với đồng nghiệp hay bạn bè sẽ rất hữu ích nếu bạn đang trải qua một tình huống khó phân định. Nếu đôi bên đều có chung một cấp trên, bạn bè và đồng nghiệp sẽ giúp bạn xác định xem liệu họ có cùng trải nghiệm với bạn hay không.
Mỗi người có quan điểm và cách cảm nhận khác nhau. Với những người chưa có kinh nghiệm, rất dễ sẽ đánh giá thấp tình huống. Việc trò chuyện và trao đổi với người cùng môi trường làm việc sẽ giúp bạn có được câu trả lời chính xác nhất cho mình.
Hãy nhớ rằng mỗi người có một phong cách giao tiếp khác nhau
Mỗi người có một cách thức giao tiếp với thế giới xung quanh khác nhau. Một vài người thích nói thẳng, không vẽ vời. Kết quả là những người xung quanh đôi khi sẽ thấy không quen với cách giao tiếp này. Cuối cùng, họ có thể thấy môi trường làm việc của mình thật độc hại.
Hãy đưa ra nhận định một cách sáng suốt bởi đôi khi một người chỉ đang nói chuyện thẳng thắn, không có lý do gì họ lại bị gắn cho cái mác “toxic” được.
Lên tiếng về lo ngại của mình
Vấn đề của bạn sẽ không được giải quyết nếu tiếp tục giữ yên lặng. Hãy lên tiếng bằng cách nói chuyện với cấp trên để làm rõ tình huống. Rất có thể những người đang thể hiện sự khó chịu của mình đang gặp khó khăn nào đó trong đời sống cá nhân, dẫn đến việc là họ luôn cáu kỉnh khi giao tiếp với người khác.
Tuy nhiên, dấu hiệu chính của một môi trường làm việc độc hại là kể cả khi bạn đã lên tiếng về lo ngại của mình, mà vẫn không thể tạo ra thay đổi gì hết. Là một nhân viên, công việc của bạn phải hiểu những nhu cầu của mình. Và ngược lại, phía sử dụng người lao động cần đáp ứng các nhu cầu đó để đảm bảo điều kiện làm việc. Hãy nhận biết một cách tỉnh táo, khách quan, lên tiếng và đấu tranh vì sức khỏe tinh thần của mình.
Tú Cẩm - MarketingAI
Bình luận của bạn