Mở cửa sau khi nới cách ly, các nhà hàng nhóm ngành F&B 'hồi sinh' trở lại

28 Thg 04

Suốt một khoảng thời gian dài sống chung với dịch bệnh Covid-19, nhằm thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội và đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân, nhiều cửa hàng, quán ăn buộc phải đóng cửa và chuyển sang hình thức kinh doanh trực tuyến để duy trì hoạt động. Dù đã cắt giảm tối đa mọi chi phí có thể để tồn tại trong thời gian này, thế nhưng gánh nặng kinh tế vẫn còn quá lớn, cho đến khi chỉ thị 19 về giãn cách xã hội, cho phép các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ được mở cửa trở lại, các nhóm ngành F&B như được hồi sinh sau "cơn bão" Covid-19. 

Từ câu chuyện nỗ lực ''sống chung với lũ'' của nhóm ngành F&B Việt

Trong thời gian dịch bệnh, các biện pháp cách ly xã hội, tạm đóng các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu, nhiều cửa hàng buộc phải tạm dừng hoạt động và cắt giảm phần lớn nhân sự thì các doanh nghiệp ăn uống tại Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì hoạt động với nhiều cách thức xoay chuyển tình thế linh động, bắt kịp xu hướng thay đổi thói quen của khách hàng.

Hàng loạt thương hiệu, chủ sở hữu kinh doanh ăn uống từ cao cấp đến bình dân đều chuyển sang thích ứng nhanh với mô hình kinh doanh trực tuyến, đẩy mạnh dịch vụ giao hàng tận nơi kèm theo các chương trình khuyến mãi và kết hợp cùng các ưu đãi đầy tiện ích cho khách hàng. Đây cũng là cơ hội cho các thương hiệu duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo tính uy tín của thương hiệu trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Mặc dù lượng đơn hàng đặt hàng trực tuyến tăng đều nhưng các thương hiệu lẫn các cửa hàng lớn nhỏ vẫn không tránh khỏi tình trạng tổn thất kinh tế vì nó không bù được chi phí mặt bằng cũng như doanh số thiếu hụt khi không có khách đến quán.

>>> Đọc thêm: Những ông lớn ngành F&B “bay màu” tại thị trường Việt Nam

Hết cách ly xã hội, nhiều chuỗi nhà hàng ăn uống mở cửa trở lại, khách hàng hưởng ứng nhiệt tình

Có thể nói, 0 giờ ngày 23/4 là dấu mốc ''mất ngủ'' của hàng vạn người dân khi từ đây sẽ nới lỏng cách ly xã hội, các hàng quán nhà hàng ăn uống sẽ được mở cửa trở lại (trừ huyện Mê Linh và Thường Tín có nguy cơ cao), khách hàng hưởng ứng ''xông quán'' nhiệt tình bởi họ đã đợi ngày này từ rất lâu rồi. Cả chủ quán lẫn thực khách đều hân hoan trong ngày mở cửa trở lại khi mà nhu cầu gặp mặt, ăn uống bên ngoài của người tiêu dùng dự đoán sẽ tăng cao sau những ngày giãn cách xã hội, nhưng vẫn đảm bảo trong khuôn khổ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn.

Nhiều cửa hàng ăn uống rục rịch trở lại sau giãn cách. (Nguồn: FB)

Vui mừng và được người tiêu dùng hưởng ứng nhiều nhất có lẽ là các cửa hàng kinh doanh ăn uống. Thị trường F&B từ các cửa hàng đơn lẻ đến những chuỗi nhà hàng tên tuổi đều đồng loạt hoạt động trở lại cùng những ưu đãi hấp dẫn tới khách hàng như hệ thống Gogi House, hệ thống lẩu băng chuyền Kichi Kichi, hệ thống nướng của Nhật Bản - Aka House.....

Không chỉ hệ thống chuỗi, các hàng quán ăn uống cũng khai trương trở lai, nhịp sống thành phố bắt đầu nhộn nhịp sau thời gian dài yên ắng. Xét về kinh doanh, việc nới lỏng giãn cách xã hội trong giai đoạn này nhằm hỗ trợ các chủ quán tăng nguồn thu trở lại, bù đắp hao hụt sau chuỗi ngày chật vật bởi gánh nặng kinh tế do dịch bệnh gây ra là quá lớn, đã có không ít các hệ thống nhà hàng cà phê gửi đơn kêu gọi chủ cho thuê mặt bằng giảm/giãn thậm chí miễn tiền thuê do áp lực duy trì hoạt động kinh doanh.

Còn về phía khách hàng cũng cho thấy nhu cầu gia tăng được tụ tập, gặp gỡ, ăn uống trò chuyện sau thời gian dài giãn cách. Nhiều người hào hứng, phấn khích chia sẻ, các bai đăng liên quan đến địa chỉ ăn uống nhất định phải đi sau khi hết dịch nhận được sự hưởng ứng và lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng.

Dự báo một tương lai tốt đẹp cho ngành F&B Việt hậu Covid-19

Covid-19 như một cuộc "chọn lọc tự nhiên" của doanh nghiệp F&B, nó xảy ra như để thử lòng khả năng đề kháng của doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, đồ uống. Và với cuộc chọn lọc tự nhiên này, kẻ sống sót tồn tại sau đại dịch chưa chắc đã là kẻ mạnh nhất nhưng đó chắc chắn là chiến thắng của những người thích ứng nhanh với thời cuộc, chuyển đổi mô hình kinh doanh đúng đắn và hiệu quả.

Theo thống kê của D''corp R-Keeper Việt Nam cho thấy, cả nước có khoảng 540.00 cửa hàng ăn uống, nhưng 80% thị trường F&B vẫn đang nằm ở mảng thức ăn đường phố, với khoảng 430.000 cửa hàng nhỏ. Mô hình chuỗi, có đầu tư chỉ chiếm khoảng 15% và dự báo thị trường sẽ có sự sắp xếp lại sau khi dịch đi qua, bởi các quán ăn nhỏ lẻ đã đóng cửa rất nhiều.

Tạm kết

So với các thị trường khác, tương lai dài hạn của F&B Việt Nam được đánh giá là ''tươi sáng'' và khả quan hơn cả do ảnh hưởng văn hoá ẩm thực đặc trưng của người Việt, thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam với rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá hết, là miền đất hứa cho các thương hiệu F&B phát triển hậu đại dịch Covid-19 bởi F&B là ngành dịch vụ biến chuyển không ngừng. Biến những khó khăn thành động lực để thay đổi mô hình hoạt động theo kịp thị hiếu người dùng cũng như tạo nên những trào lưu trải nghiệm ẩm thực mới.

Phương Thảo - MarketingAI

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.