Mini App là gì?
Mini App (tiểu ứng dụng) là ứng dụng con, được phát triển để chạy trên nền tảng của ứng dụng khác (ứng dụng chủ). Khi “quần thể” các Mini App đủ lớn và có khả năng phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người dùng thì ứng dụng chủ sẽ được gọi là siêu ứng dụng (Super App) - khái niệm mà chúng ta gặp rất nhiều trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Một số ví dụ về loại hình Mini App thường gặp:
- Mini App trên các siêu ứng dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Tiktok: Vừa cho phép nhắn tin, đồng thời cho phép tương tác và thực hiện các giao dịch.
- Mini App trên nền tảng thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki: Vừa cho phép mua sắm, vừa có thể giải trí (xem video, livestream) và thanh toán,...
- Mini App trên các siêu ứng dụng tài chính, dễ thấy nhất là Momo. Tại Momo, bạn có thể thực hiện rất nhiều các hoạt động như thanh toán, nạp thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn,... Ngoài ra, gần đây Momo còn hợp tác với nhiều các đối tác khác nhằm mở rộng hệ sinh thái của mình, ví dụ như: 7Eleven, Ahamove, Highlands,...
Ưu nhược điểm của Mini App
Mặc dù xu hướng Mini App vẫn được nhận định là một bước tiến lớn của ngành công nghệ song ở loại hình ứng dụng này vẫn tồn tại song song cả những ưu điểm và yếu điểm đi kèm.
Ưu điểm của loại hình Mini App
Mini App sở hữu loạt ưu điểm như:
- Tiết kiệm thời gian, chi phí phát triển ứng dụng: Nền tảng Mini App được tạo lập khá đơn giản, do đó nếu thực hiện sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được tối đa chi phí và thời gian phải bỏ ra.
- Không tốn chi phí đăng ký trên ứng dụng chủ: Hầu hết các siêu ứng dụng - ứng dụng chủ hiện nay đều cho phép các thương hiệu đăng ký miễn phí Mini App trên nền tảng của họ.
- Mở rộng hệ sinh thái sẵn có: Việc phát triển Mini App cũng đồng thời mang đến cho ứng dụng chủ hệ sinh thái đa dạng với nhiều tiện ích khác nhau: thanh toán, đặt hàng, giao hàng, quảng bá, trò chuyện với khách hàng,... Và việc của đội ngũ nhân sự lúc này chỉ đơn giản là tập trung vào hoàn thiện và phát triển ứng dụng chủ sao cho mượt và dễ dùng nhất.
- Gia tăng trải nghiệm của người dùng: Hơn tất cả, Mini App được tạo ra với mục đích duy nhất đó chính là tăng trải nghiệm người dùng. Sự tiện ích ứng dụng chủ và Mini App mang lại sẽ giúp người dùng thực hiện các hành động trực tuyến như đặt hàng, thanh toán, tương tác,...nhanh chóng và dễ dàng hơn. Nhờ đó, giúp níu chân người dùng, gia tăng tỷ lệ quay trở lại của nhóm này.
- Mở rộng phạm vi tiếp cận: Việc phát triển siêu ứng dụng với hàng loạt các Mini App sẽ giúp các nền tảng gia tăng phạm vi tiếp cận trên diện rộng, giúp doanh nghiệp khai thác tối đa tệp khách hàng tiềm năng và chuyển hóa họ thành khách hàng của mình.
Nhược điểm của loại hình Mini App
Bên cạnh các ưu điểm kể trên, Mini App cũng tồn tại một số nhược điểm như:
- Doanh nghiệp không thể nắm toàn bộ quyền kiểm soát dữ liệu: Do được xây dựng trên nền app chủ nên doanh nghiệp buộc phải đánh đổi nguồn dữ liệu thu được vào máy chủ của các app chủ này. Điều này cũng mang đến những rắc rối không nhỏ trong việc thất thoát dữ liệu.
- Thiếu tính nhận diện, không thể hiện được tinh thần thương hiệu: Khi xây dựng Mini App, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn nhất định của app chủ như giao diện, framework, API,... Chính điều này lại là điểm yếu khiến cho doanh nghiệp không thể tạo lập nên những nhận diện riêng về thương hiệu của mình.
- Khó tìm kiếm nguồn nhân lực: Tại Việt Nam, Mini App không còn là xu hướng mới song đội ngũ nhân sự lại chưa thực sự “dày”. Do đó, để xây dựng Mini App, doanh nghiệp đa phần phải outsource ra bên ngoài.
>>> Xem thêm: Tinder là gì? Tất tần tật những gì bạn cần biết về ứng dụng hẹn hò đình đám này
Xu hướng Mini App 2024
Với những thành công vượt trội như hiện tại, Mini App vẫn được coi là một bước tiến thông minh đối với nhiều doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề về xây dựng ứng dụng, mở rộng tiếp cận nhưng đồng thời vẫn tiết kiệm tối đa nguồn ngân sách.
Rất nhiều các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam đã và đang bắt đầu xây dựng Mini App của riêng mình. Gần đây nhất có thể thấy là trong lĩnh vực hành chính công. Hầu hết các địa phương trên toàn quốc đã đi vào triển khai Zalo Mini App - Một Mini App Flutter được xây dựng từ ứng dụng tin nhắn quen thuộc Zalo. Hoạt động này được thực hiện nhằm mục đích tối ưu hóa thao tác, hướng đến sự tối giản và thân thiện cho mọi đối tượng người dùng, bao gồm cả người lao động và người cao tuổi. Đây cũng là hoạt động nằm trong chiến dịch chuyển đổi số được khuyến khích trong nhiều năm qua của Nhà nước và Chính phủ, giúp người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính đơn giản, dễ dàng hơn.
Trong lĩnh vực tài chính và thương mại, xu hướng Mini App 2024 càng trở nên rõ ràng hơn khi có càng nhiều các ứng dụng con được triển khai. Chỉ riêng trên ứng dụng ví điện tử Zalo Pay, số lượng Mini App đã lên tới hàng trăm và đang tăng lên không ngừng sau khi đơn vị này tiến hành hợp tác với nhiều tên tuổi khác trong những lĩnh vực như: mua sắm, F&B, tài chính, chứng khoán,... Với thương mại điện tử, các sàn cũng liên tục cập nhật thêm nhiều ứng dụng con mới nhằm đem đến cho người dùng những tiện ích hơn về thanh toán và mua sắm, đi kèm là giải trí.
Những nền tảng Mini App phổ biến hiện nay
Với những ưu điểm tuyệt vời như đã nêu, Mini App đang trở thành xu thế được nhiều đơn vị hướng đến nhằm mục đích mở rộng hệ sinh thái của mình. Tại Việt Nam hiện nay có vô số các nền tảng Mini App được triển khai, nổi bật có một số cái tên như sau:
1. Tini App - nền tảng Mini App thuộc Tiki
Tini App là chương trình phát triển nền tảng Mini App được thiết kế dành riêng cho các đối tác của Tiki. Sau khi chính thức ra mắt vào năm 2021, nền tảng này đã thu về hơn 20 Mini App khác nhau thuộc nhiều lĩnh vực như Game, mua sắm, tài chính điện tử,...
Với thế mạnh về nền tảng mua sắm, số lượng người dùng cùng nhiều chính sách hấp dẫn, Tiki đã tạo nên một hệ sinh thái hấp dẫn, tạo ra sân chơi với nhiều “cái lợi” cho các đối tác. Trong tương lai, với sự lớn mạnh của thương mại điện tử, số lượng Mini App trên Tiki hứa hẹn sẽ ngày càng lớn lên về cả chất lượng và số lượng.
2. Nền tảng Mini App trên Momo - Ví điện tử hàng đầu Việt Nam
Sở hữu số lượng người dùng lên tới hơn 31 triệu người, Momo hiện đang là ví điện tử lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Chính điều này đã tạo nên những lợi thế không nhỏ cho đơn vị này trong việc triển khai các Mini App. Hiện trên siêu ứng dụng này đang có rất nhiều ứng dụng con khác nhau, đa dạng với nhiều lĩnh vực như tài chính, mua sắm, F&B, giải trí,... Thông qua Momo, người dùng có thể dễ dàng thực hiện các bước thanh toán hóa đơn, mua vé xem phim, thậm chí là gửi tiết kiệm và mua chứng chỉ quỹ,...
Trên thị trường quốc tế, Mini app cũng trở nên khá phổ biến. Trong đó phải kể đến Mini App Wechat được phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng Wechat nổi tiếng của Trung Quốc.
>>> Xem thêm: TOP 8 ứng dụng chat phổ biến tại Việt Nam? App nào nhiều tính năng nhất?
Tạm kết:
Trên đây là những thông tin chia sẻ của Marketing AI về khái niệm Mini App là gì và những ưu nhược điểm của nền tảng ứng dụng này. Có thể thấy, Mini App hiện đang là xu thế được nhiều đơn vị theo đuổi. Ứng dụng dạng này mang đến cho doanh nghiệp khả năng tiếp cận sâu rộng, đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm tối đa nguồn ngân sách phải chi.
Bình luận của bạn