img

“Mình cho rằng xã hội thường nhìn nhận một người qua các định nghĩa, các thái cực nhất định, như người làm Marketing thì phải thế này, người làm Nghệ thuật phải thế kia. Trong khi thực tế cuộc sống luôn có những người “ở giữa”. Giữa cuộc sống tranh cãi nhiều bởi các vấn đề câu từ mà toàn các các định nghĩa “tuyệt đối” mình là Marketer hay người làm nghệ thuật, thôi mình cứ tạm identify bản thân là một ‘thị dân’ thôi. Tâm thế làm một ‘thị dân’ thôi rất thoải mái khi đối ngoại”.

Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với một vị khách mời rất đặc biệt, người mang vẻ ngoài lãng tử của một nghệ sĩ nhưng lại có khối óc logic của dân marketing (theo góc nhìn của người viết, người được phỏng vấn cũng chia sẻ là cũng “không đồng ý lắm với nhận định này”), đó là anh Nguyễn Ngọc Huy, nguyên là Leader team Account Khách hàng Trọng điểm kiêm Chuyên gia định chuẩn giải pháp tại Admicro, hiện là PGĐ tại VTT Creative. Cá nhân anh Huy cho rằng cuộc nói chuyện cởi mở và việc ‘nói tràn ra những điều mình nghĩ và không được sắp xếp một cách quá cẩn trọng có giá trị với chính khoảnh khắc mà người nói thốt ra’, có một ý nghĩa riêng, và đồng thời đề nghị rằng độc giả nên tiếp nhận câu chuyện với sự thoải mái tối đa.

img
img
“Em đi trong mùa thu

Buổi chiều tàn hiu hắt

Gió mùa thu se sắt

Có quên một chữ tình”

Chào anh Huy, sau khi nghe lại những câu thơ trên, cảm xúc của anh như thế nào?

Cảm xúc đầu tiên của mình chính là bất ngờ. Bài thơ này được mình viết vào năm 2012 và được xuất bản trên báo Cóc Đọc - nội san của trường Đại học FPT. Với cương vị là thành viên Ban biên tập của báo Cóc Đọc khi ấy, bài thơ này là một sản phẩm hư cấu và sáng tạo cho kịp tiến độ của báo, nó giúp mình lập kỷ lục “cây viết thu được nhiều nhuận bút nhất” trong lịch sử của báo. 

Khác với những bài thơ trước đây, thay vì lấy bút danh HuyNN, mình đã lấy một bút danh giả gái tên là Pé hạt tiêu và sử dụng những yếu tố logic để tạo nên một bài thơ, mô tả tâm trạng đang yêu của một thiếu nữ trong những ngày Hà Nội vào thu. Sở dĩ mình chọn bút danh này bởi nội dung bài thơ mang tính nữ rất nhiều. Sau những câu thơ trên, bài thơ còn có một đoạn cao trào...

img

Vừa rồi, anh Huy có nhắc đến sử dụng logic khi viết bài thơ này, anh có thể chia sẻ rõ hơn về hướng tiếp cận này không?

Đã có rất nhiều tác giả viết về Hà Nội, do đó, khi mọi người cảm nhận về Hà Nội, ngoài việc cảm nhận bằng các giác quan (tự thân), đôi khi, chúng ta còn bị ảnh hưởng, buồn vui, theo tâm trạng của rất nhiều tác giả này, tìm thấy sự đồng điệu trong đó, lậm vào nó. Ví dụ như hồi bé lớp 7, lớp 8, mình cũng hay nghĩ về vai trò quan trọng của hoa sữa với Hà Nội, nhưng thực ra lớn lên nghĩ lại mới thấy có gì không phải, lần mình thực sự nhìn thấy và cảm nhận trọn vẹn về bông hoa sữa là phải mãi sau này khi mình đã lớn lắm rồi… Nhìn chung Hà Nội có luôn có hai phần: Hà Nội của sự thực (được cảm nhận tự thân bởi chính chúng ta) và Hà Nội của… huyễn tưởng.

Hình thành bản năng “sáng tác” - hệ quả của việc tiêu thụ đầy hứng thú với văn học mạng trên các blog Yahoo360 hồi cấp 2, cậu sinh viên là mình khi đó tận dụng một số “quy chuẩn” là khi nhắc về mùa thu Hà Nội thì cần phải có các yếu tố đặc trưng như nắng thuỷ tinh, gió heo may… Để có một sự bất ngờ cho độc giả, mình để cho nữ chính trong bài thơ đi tìm nắng thủy tinh và “bỏ vào miền ký ức”.

Nghĩ lại thì chả biết thế có gọi là làm thơ đúng nghĩa không nữa (cười).

Anh có thấy cách anh làm một bài thơ giống hành trình của một marketer đi giải brief không?

Mình cũng có tạm nghĩ thế là giống Marketing hơn đấy. Có vẻ là sự kết hợp với khoảng 65% là marketer và 35% là “nghệ sĩ”, mình mượn những yếu tố rung cảm cũng khá tự nhiên vốn có chủ đích, đặt mình vào vị trí một cô gái, và tìm cơ hội ở một số phương án diễn đạt khá phù hợp với những độc giả có sẵn một số các huyễn tưởng với Hà Nội.

Ồ mà 65 với 35 cái gì. Cũng khó nói rạch ròi nhỉ. Độ này mọi người hay nói là trong mỗi chúng ta đều có phần tính cách nữ, vẫn có những xúc động, rung cảm nhất định. Chắc là điều đó cũng hợp lí, và mình đã tận dụng được yếu tố nhạy cảm tự thân đó trong bài thơ?

Chắc chắn là không thể nói chuyện về giá trị nghệ thuật gì cả. Mình đọc thì thấy bài thơ cũng dễ thương và việc trải nghiệm “sáng tác” này (lưu ý là đặt trong ngoặc kép nhé) cũng thú vị.

Anh Huy có bao giờ tự định danh bản thân mình ở một giai đoạn cụ thể đang thiên về marketer hơn hay nghệ thuật hơn hay không?

Mình nghĩ mình là người rất bị ảnh hưởng bởi truyền thông, hồi thiếu niên của mình chủ đề báo đài nói rất nhiều với giới tuổi teen khi đó đó: nghĩ về thương hiệu cá nhân của bạn. Mình cũng thích câu hỏi: “Chúng ta là gì?” (một dòng chữ rất thú vị trong phim Mùa hè chiều thẳng đứng). 

Tuy nhiên trung thực thì hiện trang đang diễn ra với mình theo dòng thời gian là thế này: hồi cấp 2 cấp 3 rất muốn định danh, sau càng về “già” thì lại thấy việc này rất khó, mình chuyển sang khám phá bản thân nhiều hơn và thấy nó quan trọng hơn việc định danh.

Chắc việc định danh sẽ quan trọng hơn trong tình huống khi ta phải đi ‘sales’ bản thân với người khác, còn chúng ta thì cũng… bí ẩn và biến đổi liên tục và ngôn từ thì hữu hạn.

Độ này có một quan điểm cũng hay, kiểu như là ‘người LGBTQ+ không nhất thiết là phải đi “come out”’.

img

Được biết, trong quá khứ, anh Huy đã từng đạt được rất nhiều giải thưởng về viết văn, mỹ thuật, hay nhiếp ảnh... Nhưng rồi sau đó, anh lại lựa chọn theo học ngành Tài chính - Ngân hàng và đến khi đi làm thì lại lựa chọn vị trí Account ở Agency truyền thông Marketing. Có phải anh Huy là chỉnh thể của sự mâu thuẫn không?

Mình nghĩ đây không phải là mâu thuẫn. Người ta chỉ cảm thấy mâu thuẫn khi muốn định nghĩa rạch ròi, một Marketer thì phải là như này, một người làm nghệ thuật thì phải như kia. Nhưng hiện thực cuộc sống này mình thì tỷ lệ phần trăm về marketer và nghệ sĩ trong chính mỗi người là khác nhau, chưa kể cũng có người làm Marketing theo cách của nghệ sĩ và có người Nghệ sĩ làm thị trường như Marketer.

Lúc đi theo nghề Marketing là thời điểm mình cũng xuất hiện trong đầu những review về trải nghiệm quá khứ như này:

Trong cuộc thi chụp ảnh về Hà Nội dành cho học sinh sinh viên năm 18 tuổi, lúc nhận được đề bài, ngoài đi chụp thì mình nghĩ đến là đoán xem các bạn tham gia sẽ chụp hình ảnh gì? Ban giám khảo đến từ Cầu Giấy thì sẽ có hướng tiếp cận như thế nào? Những biểu tượng nào về Hà Nội sẽ được các bạn lựa chọn vào bài thi?... Từ những suy nghĩ đó, mình muốn khai thác đề bài này theo một hướng tạo ra một USP, mặc dù hồi đó mình chưa biết đến những khái niệm liên quan đến marketing. Mình muốn thử nghiệm chụp ảnh ngay trước hiên nhà mình và cố gắng tự viết một lời ‘giám tuyển’ thật hay, nhằm tạo một sự bất ngờ và cũng để khẳng định rằng: Hà Nội không phải là điều gì đó sâu xa mà giản dị là… ngay trước cửa nhà tôi - phố Yên Hòa - một thứ không có tiền lệ của văn hóa đại chúng vốn rất là… Hoankiemcentralism (chủ nghĩa trọng Hoàn Kiếm) - với những ngầm định “Hà Nội đích thực” phải là cái gì gắn bó với không gian của ‘Ville de Hanoi’ thời Pháp, hay phạm vi vành đai 1.

Và rất tuyệt khi thấy “Nhà em ở phố Yên Hòa” giành giải Nhất giữa triển lãm ảnh học sinh sinh viên chụp vẫn những Khuê Văn Các, Hồ Gươm, Lăng Bác… chụp nghiêm cẩn và chuẩn chỉnh như… bất kỳ kết quả Google hình ảnh minh họa nào về Hà Nội.

Hoặc nhớ đến cuộc thi vẽ hồi 10 tuổi, mình nhận thấy các thầy cô thường nghĩ thiếu nhi khi vẽ tranh sẽ là những gam màu sắc tươi sáng, với nét vẽ ngây thơ, hồn nhiên, không thực tế với hiện thực khách quan. Và thế là mình quyết định cho mây thì màu hồng, cá vàng không chỉ có màu vàng nữa, nền đất thì vẩy màu dữ dằn điểm chấm đủ các màu chứ không chỉ còn nâu (hồi đấy nghĩa là vẽ thế có vẻ rất… Van Gogh). Và hồi đó mình cũng đạt giải Nhất.

img

Khi ngẫm lại thì những giải thưởng hồi nhỏ, mình cho là bản thân đã sử dụng nhiều câu hỏi về Marketing trong đó. Kể cả Nhất Toàn quốc về phần mềm Sáng tạo, mình đặt câu hỏi cho các ứng viên khác: Tại sao bạn lại làm phần mềm sáng tạo này? Ai dùng nó? Phần mềm này có điểm gì khác so với thị trường? Cạnh tranh nổi không?... Trong cuộc thi vốn đề cao về khả năng công nghệ thông tin thì việc ưu thế ở khía cạnh thuyết trình với cách đặt vấn đề Marketing đã tạo ra khác biệt.

Đấy, lúc mình gia nhập thị trường lao động thì nghĩ lại về các giải thưởng hồi nhỏ thì thấy có vẻ có thiên hướng làm Marketing, và khi ra trường thì bối cảnh ngành Truyền thông Marketing cũng ‘hot’ thì bước vào.

Tư duy về marketing cứ thế đi vào cuộc sống của anh Huy một cách rất tự nhiên, từ việc anh tự tìm hiểu cách thấu hiểu bản thân, thấu hiểu insight của khách hàng...cho đến hành trình phân tích đề bài. Và anh đã tìm ra cho mình một hướng đi riêng, một thị trường ngách để tìm những chiến thắng.

“Khi có người hỏi thì nghĩ cũng thấy quả hơi lan man giữa hai ranh giới đó. Có lẽ mình không đủ cá tính để làm nghệ thuật, marketer điển hình cũng không phải. Chắc không có gì mâu thuẫn vì thực ra thi thố cái gì (hồi bé) hoặc làm việc sau này thì với mình có một cái xuyên suốt: ít khi tự đặt ra các mục tiêu “vĩ đại” cần phẩm chất bền gan nấu chí, mà chọn làm cái vừa phải với sức của bản thân thôi”.

img

Theo anh mọi người thường nghĩ thế nào là một Marketer? Trong cuộc sống, anh định danh mình là một thị dân, vậy yếu tố thị dân này được thể hiện như thế nào?

Mình thấy chúng ta thường trải qua giai đoạn khổ phết với danh xưng và định nghĩa (cười). 

Chắc một ‘Marketer điển hình’ thì bạn phải tham gia group này, group kia. Bạn phải quen anh A, chị B. Bạn phải có chứng chỉ C, chứng chỉ D; nắm được case study XYZ, những xu hướng tiêu dùng, chuyện đời tư KOLs.

Có thể thích hoặc không thích nhưng quả thật trong cuộc sống thật khó mà nói mạnh được là tôi không thèm nghe người ta nghĩ gì về mình. Người ta có nhu cầu định nghĩa về mình một cách ‘dễ tiêu hóa’ với người ta. Thấy vai nghệ sĩ nặng nề mà vai Marketer cũng nặng nề, thì là một ‘thị dân’ thôi có nhẽ ổn, nếu có người hỏi. Làm thị dân mà lại ở Hà Nội là có thể cởi mở tối đa thụ hưởng nhiều điều thi vị giữa thành phố có cơ hội trải nghiệm đa dạng.

“Mình cho rằng xã hội thường nhìn nhận một người qua các định nghĩa, các thái cực nhất định, như người làm Marketing thì phải thế này, người làm Nghệ thuật phải thế kia. Trong khi thực tế cuộc sống luôn có những người “nửa mùa”. Thay vì tự gọi mình là Marketer hay người làm nghệ thuật thì mình tạm identify bản thân là một ‘thị dân’ cho… đỡ áp lực.”

img

Nói chuyện ‘thị dân’ thưởng thức cuộc sống, chuyện ‘nửa mùa’ của anh Huy thì chắc phải nói đến clip ăn hỏi của anh...

À chia sẻ về vụ đó mình cũng có một status chia sẻ lên Facebook. Ngọn ngành của vụ đó xuất phát từ tư duy thay vì chụp một bộ ảnh cưới sắp đặt chi phí thường rất đắt đỏ, với cách thức quen thuộc nhưng đầy rẫy sự ‘tuyên truyền’ thì tại sao mình lại không làm một clip chân thực chi phí thấp nhưng hơi lạ lạ một tí? 

Mình từng biết đến khái niệm về “Cảm thức Nơi chốn” qua lời chia sẻ của một chuyên gia về kinh tế tại World Bank. Chúng ta thường nhìn một thành phố dưới góc độ, công trình này là di tích cách mạng hay giá trị văn hoá đặc trưng địa phương hoặc phổ quát toàn cầu, nhưng thực ra có rất nhiều thứ nhỏ nhắn, gần gũi, bình thường nhưng đầy ắp ký ức riêng tư của nhiều lớp người… làm nên cảm thức nơi chốn. Mình khá thích cái thẩm mỹ đó.

https://youtu.be/ZHp5JcZmUdU

Clip ăn hỏi này không dùng footage trên các stock, không dàn dựng lịch trình di chuyển đến hỏi cưới cố tình đi qua các phố đẹp, công trình lớn signature, mà chỉ bao gồm sự chân thực một anh ở phố Yên Hoà, một chị nhà ở Bạch Mai và cảm thức nơi chốn về những địa điểm quen thuộc khu mình sống… để khi sau này nhìn lại những ký ức về ngày hôm ấy lại ùa về, bao gồm cả những điều nhỏ nhặt ngày thường chẳng bao giờ lọt mắt xanh tao nhân mặc khách hay chuyên gia bảo tồn. Điểm “là lạ” cho clip thì là không khí thập niên 1920s, với bộ trang phục áo dài ngũ thân tay chẽn, nhạc nền bài La Petite Tonkinoise (cô em Bắc Kỳ) của Josephine Baker… Trang phục và nhạc này giờ chả có gì lạ, nhưng tính đến ngày hôm đó thì cũng khá “lạ” với mọi người, có bác bảo mình là mặc trang phục… Mãn Châu.

Là một người hứng thú với việc thử nghiệm, vậy anh nghĩ “không nghĩ gì cả, cứ thử đi thôi” có phải tiêu chí của một Marketer không?

Mình thấy marketer hay người làm nghệ thuật đều phải nghĩ cả. Marketer cần hiểu thị trường, thành công đến từ sự thấu hiểu người khác, còn nghệ sĩ thì cần thấu hiểu được các cảm nhận của chính mình và phơi bày nó ra.

“Marketer cần hiểu thị trường, thành công đến từ sự thấu hiểu người khác, còn nghệ sĩ thì cần thấu hiểu được các cảm nhận của chính mình và phơi bày nó ra.”

img img

Vậy trong cuộc sống của một "thị dân", việc thử nghiệm ấy được anh áp dụng như thế nào trong công việc hiện tại?

Việc thử nghiệm ấy vẫn được mình áp dụng trong công việc hiện tại. Mình muốn thử nghiệm xem cá tính cá nhân của mình, với kiểu nửa mùa cái gì cũng thích thì khi làm một công việc mang tính cá nhân hơn, sự nửa mùa ấy sẽ phát huy được đến đâu. 

Mặt khác, VTT Creative là một Creative House chuyên nghiên cứu, tư vấn và triển khai giải pháp công nghệ tương tác trong đa lĩnh vực Truyền thông Marketing, Nghệ thuật, Xã hội Nhân văn, Công nghiệp Văn hóa… Do đó, lĩnh vực này lại buộc chúng mình phải thử nghiệm nhiều hơn, thử nghiệm để tìm ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu và hành trình của khách hàng…

Những sản phẩm/dịch vụ mà VTT Creative đang hướng tới có phải là một sản phẩm lạ, khác biệt so với thế giới? 

Theo quan điểm của cá nhân mình, sản phẩm/dịch vụ của VTT Creative đang hướng tới so với thế giới thì không rõ, nhưng so với Việt Nam thì có thể nói là lạ, khác biệt.

Tụi mình có kỉ niệm với giải pháp Interactive Projection Mapping. Giải pháp này là sự kết hợp giữa hình ảnh 3D ảo cùng công nghệ trình chiếu và cảm biến nhận diện tương tác của người trải nghiệm, từ đó tạo ra những trải nghiệm tương tác vừa thực vừa ảo cho khách hàng. Máy chiếu và màn hình điện tử đều sẽ tạo hiệu ứng thị giác ấn tượng với các hình ảnh mô phỏng sặc sỡ và sống động trong không gian khép kín. 

Nhớ kỉ niệm đó, khách sếp người Hàn ban đầu không tin là có thể thực hiện giải pháp này tại Việt Nam nhưng VTT đa chứng minh rằng có thể làm được.

Hay như việc “lắng nghe thông điệp từ vũ trụ” thông qua chiếc máy "Smart Tarot" được đặt tại Vincom. Đây là sự kết hợp giữa cảm xúc trực tiếp và trải nghiệm không gian số, được kỳ vọng là sẽ khiến người dùng phải wow ở sự high-tech khi được xem Tarot trên digital standee.

img

Ở tuổi 30, khi đã có 7- 8 năm kinh nghiệm làm trong ngành Marketing, anh có nghĩ mình vẫn đang “chênh vênh” giữa những sự thử nghiệm, nửa mùa cũng như đang mạo hiểm khi dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ? 

“Thời nay hình như là ai cũng chênh vênh cả?!”

Nhưng chủ động để chênh vênh, có điều kiện để chênh vênh kiểu chủ động thì không phải ai cũng có may mắn. Mình nghĩ mình là người may mắn.

img

Anh có vẻ ít quan tâm đến Showbiz mà có sở thích với chất liệu xã hội, chất liệu nghệ thuật hơn? 

Nếu như trước kia ngành quảng cáo quan tâm nhiều đến các chất liệu phương Tây và Hàn Quốc thì ngày nay xu hướng sẽ đòi hỏi người làm Marketer cần hiểu biết về văn hoá bản địa, chất liệu Việt Nam, khoa học xã hội và nhân văn… Giống như cách Bitis đưa văn hoá đường phố vào BST giày của mình hay như Hoà Minzy đưa hình ảnh vua Bảo Đại vào trong MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp”... 

Mình nghĩ là “chuỗi cung ứng” để đáp ứng xu hướng có lẽ sẽ ngày một phát triển. Với bối cảnh trước đây quan tâm đến chất liệu Việt Nam chắc toàn là giới nghệ sĩ hoặc học thuật về nghiên cứu xã hội; trong khi giới Marketer kiều “truyền thống” thì hứng thú với các định nghĩa và ý niệm của phương Tây, Hàn thì những người “nửa mùa” quen lề lối làm việc kiểu Marketing nhưng ‘gu’ cởi mở với truyền thống có thể sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng này?

Nhằm phát triển năng lực cho mọi cá nhân trong VTT về khả năng cảm nhận, cũng như thực hành sáng tạo với chất liệu là các lĩnh vực nghệ thuật, xã hội - nhân văn và chất liệu Việt Nam, chúng mình đã lên kế hoạch thực hiện chương trình #VTTSignature, và gần đây nhất là tổ chức buổi Workshop “Nhào vào tương lai”. 

img

Với vai trò là một mentor đã từng tham gia chương trình "Người được chọn, với nhiều trải nghiệm trong môi trường truyền thông (từng làm cho agency và creative house) anh Huy có lời khuyên nào dành cho các bạn Marketers trẻ?

Chắc là không dám khuyên, mà chia sẻ niềm tin thôi nhé?

Ngày càng xuất hiện nhiều môi trường làm việc với các giá trị và thế giới quan khác nhau. Dù là cùng là giới agency, nhưng những cá tính mới, quan điểm mới, nếp sống mới, tác phong làm việc rất khác nhau sẽ ra đời. Và trong bối cảnh sự đa dạng ngày càng được khuyến khích thì những người “nửa mùa” sẽ càng dễ tìm thấy chân trời cho mình.

Cảm ơn những lời chia sẻ chân thành và cởi mở đến từ anh Huy. Chúc anh luôn vui vẻ, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống!

img

>>> Bạn có thể nghe toàn bộ cuộc nói chuyện này trên Spotify, Apple Podcast hoặc Google Podcast!