“Lật lại ký ức” với ba bài học truyền thông từ TVC huyền thoại Tấm Cám của Yahoo!

01 Thg 08

Từng vang bóng một thời với vị trí cựu vương trên internet, nên dẫu đã bị khai tử, Yahoo! vẫn luôn là một điều gì đó khó quên mỗi khi ai đó nhắc về. Không chỉ là những ô cửa chat màu tím, hay hệ thống emoticon sống động, Yahoo! còn gây ấn tượng với người dùng thông qua quảng cáo Yahoo! kinh điển “Tấm Cám”. Đây cũng là một trong những nguồn tư liệu truyền thông quý giá dành cho các marketers.

1. Yahoo! - Một thời để nhớ của thế hệ người dùng Việt

Yahoo! ra đời ngày 2-3-1995 do hai sinh viên Đại học Stanford là Jerry Yang và David Filo lập ra với mục đích ban đầu là giúp bạn bè dễ dàng tìm ra các địa chỉ website yêu thích một cách thuận tiện. Sau đó, nền tảng này nhanh chóng trở thành công cụ tìm kiếm và truy cập web phổ biến nhất trên internet. Trong những năm 1990, Yahoo! gần như là điểm khởi đầu của người dùng sử dụng Internet. Từng vang bóng một thời, đặc biệt ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, thế hệ 8X và 9X đời đầu hẳn là những người có ấn tượng sâu đậm nhất với Yahoo!. 

Yahoo! - Một thời để nhớ của thế hệ người dùng Việt

Khi ấy, người người, nhà nhà đua nhau lập nick Yahoo với đủ các tên “cool ngầu” như congchuabongbong_4ever hay boynhanghe0_div0tbe0… Tiếng Buzz! Gọi nhau của những năm 2006 cũng khơi gợi những cảm xúc không kém gì tiếng “ping” trên Facebook ngày nay. Nhiều người thậm chí còn sở hữu hàng tá nick Yahoo khác nhau nhằm mục đích sống ảo. Việc ngồi quán net say sưa chat chit trên hàng tá cửa sổ khác nhau có lẽ là hình ảnh phổ biến nhất của teen Việt thời đó.

Từng là kẻ thống trị Internet, nhưng việc ngủ quên trên chiến thắng và không có chiến lược phù hợp đã khiến Yahoo buộc phải bán mình. Vào thời điểm tuyên bố đóng cửa, Yahoo! mới vừa tròn 20 tuổi - lứa tuổi đẹp nhất của đời người, thế nhưng không phải là đón một sinh nhật bùng cháy mà lại là gửi một lời chào tạm biệt.

Bạn B. Minh (22 tuổi) chia sẻ: “Sự đổi mới và thay thế là tất yếu trong bất kì một lĩnh vực nào của cuộc sống. Có thể 10 năm nữa, chúng ta lại trải qua một cảm giác tương tự với Facebook. Tuy nhiên, Yahoo Messenger là một phần kỉ niệm rất đẹp của mình với nhiều trò nghịch ngợm chỉ lũ 8x - 9x mới biết.”

“Năm lớp 7 mình nhờ thằng bạn lập cái nick đầu tiên là xin_dung_xat_muoi_trai_tim_em_19_94. Ôi mỗi lần đăng nhập mổ phím mỏi mệt", Phạm Vân kể. 

Vào thời điểm tuyên bố đóng cửa, Yahoo! mới vừa tròn 20 tuổi

Tuy nhiên, ngay cả khi bị khai tử, thì Yahoo vẫn luôn là một phần ký ức của bao thế hệ. Nhắc đến Yahoo, người ta không chỉ nhớ về màu tím huyền thoại, những nickname khó đỡ, những đoạn status đầy tâm trạng, những bộ emoticon "thần thánh”... mà còn là thước TVC quảng cáo mang tên Tấm Cám. Vậy điều gì làm nên thành công cho thước TVC từng nổi lên một thời ấy?

Khi được hỏi về video quảng cáo Tấm Cám của Yahoo!, bạn Khánh Hân chia sẻ: "Có yahoo rồi, khỏi cần đi hội cũng có cả tá "quàng tử" ...ném mấy cái hình lừa tềnh 360° lên nữa là "quàng tử" xin chết... khỏi cần đào hũ xương Bống lên kím đồ đẹp, rồi làm rớt hài chi cho mệt.”

Ngay cả bộ emoticon của Yahoo Messenger từ TVC quảng cáo cũng đã gắn liền với kỷ niệm thời học trò, Tô Anh chia sẻ: "Ra tiệm máy tính 10 máy thì 7 máy là màn hình chat Yahoo. Bộ emoticon của Yahoo cũng thực sự xuất sắc. Đến giờ vẫn thích dùng những biểu cảm đó".

Theo tính toán của Yahoo, Việt Nam là thị trường lớn thứ 5 của thương hiệu, ước tính có khoảng 1 triệu người sử dụng Yahoo! tại Việt Nam, chiếm đến 25% lượng người dùng toàn cầu của dịch vụ này. Có thời điểm, số người dùng Yahoo chiếm đến 71% số người sử dụng internet tại Việt Nam, tương đương với khoảng 17 triệu người.

Xuất hiện đúng thời điểm, TVC Tấm Cám của Yahoo! khi ấy thực sự đã thu hút được sự chú ý và gây bão trên với cộng đồng mạng. Ngoài ra, bộ emoticons được Yahoo! xây dựng trên Yahoo! Messenger với hiệu ứng âm thanh y hệt như trong video: Tấmmmm, Dạ mẹ, Khóc khóc khóc hoài... cũng góp phần tạo hiệu ứng lan truyền cho đoạn phim quảng cáo của thương hiệu.

2. Ba bài học thành công từ case study quảng cáo huyền thoại của Yahoo!

2.1. Áp dụng chiến lược bản địa hóa vào TVC 

Là một mạng xã hội xuất xứ từ nước ngoài, vậy nên khi quảng bá tại Việt Nam, Yahoo! đã rất khôn khéo khi sử dụng những chất liệu gần gũi với người Việt nhất để đưa vào TVC. Từ đó truyền tải thông điệp phù hợp với văn hóa tiêu thụ nội dung của thị trường này.

Cụ thể, thương hiệu đã lấy ý tưởng từ truyện cổ tích quen thuộc với người Việt - “Sự tích Tấm Cám” để làm chất liệu xây dựng. Điều này giúp cho TVC dễ dàng thu hút và tiếp cận một cách gần gũi hơn với thị hiếu của khán giả Việt.

Dùng ý tưởng mang hơi hướng truyền thống, Yahoo! vẫn rất khéo léo cài cắm các yếu tố hiện đại tưởng chừng không ăn nhập nhưng lại rất duyên dáng. Hình ảnh chiếc máy tính, mạng xã hội Yahoo! xuất hiện trong TVC một cách “phi lý” nhưng vẫn đảm bảo yếu tố hài hước và không tạo cảm giác khó chịu cho người xem.

Bài học thành công từ case study quảng cáo huyền thoại của Yahoo!

Có thể nói, thời điểm đó Yahoo! đã áp dụng hợp lý chiến lược bản địa hóa để đưa hình ảnh của một thương hiệu ngoại “hòa nhập” với người Việt, gắn liền với những gì gần gũi và trở thành mạng xã hội được yêu thích bậc nhất.

Đổi mới kịch bản TVC từ việc khai thác chất liệu dân gian hay những câu chuyện cổ tích không chỉ giúp thương hiệu giữ chân người xem lâu hơn mà còn khiến họ thích thú với chính những câu chuyện mà “ai cũng biết”. Từ thành công vang dội của Yahoo!, rất nhiều thương hiệu cũng đã học hỏi và lấy đây là “điểm chạm” để chinh phục khách hàng như viral video "Ăn khế trả đồ" của nhãn hàng Ferroli. Thậm chí, việc khai thác chất liệu văn hoá, truyền thống dân gian còn lấn sân sang cả âm nhạc như MV “Thị Mầu” - Hoà Minzy, “Để Mị nói cho mà nghe” - Hoàng Thuỳ Linh...

Đổi mới kịch bản TVC từ việc khai thác chất liệu dân gian

2.2. Hợp tác với KOLs

Việc KOLs xuất hiện trong các TVC quảng cáo có lẽ không còn quá xa lạ trong thời đại ngày nay, nhưng nếu là thời điểm 20 năm về trước thì có lẽ đây lại là một điểm sáng. 

KOLs có sự ảnh hưởng rất lớn đến thị hiếu và tâm lý người tiêu dùng, tạo sức lan tỏa cho sản phẩm hay dịch vụ của thương hiệu, hay thậm chí là tác động lên quyết định mua của thương hiệu. Một TVC quảng cáo được dàn dựng sản xuất có sự góp mặt của KOL thường sẽ thu về lượt view, tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa cao hơn một TVC quảng cáo được dàn dựng sản xuất thông thường. Sự phù hợp giữa nội dung phim quảng cáo với tầm ảnh hưởng của KOLs là chìa khóa thành công cho việc quảng cáo sản phẩm tới người tiêu dùng.

Việc KOLs xuất hiện trong các TVC quảng cáo có lẽ không còn quá xa lạ

Đoạn phim quảng cáo của Yahoo! được cộng đồng mạng chú ý hơn khi có sự góp mặt của Ngô Thanh Vân, diễn viên đoạt giải "Bông sen Vàng" cho nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 năm 2007, Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc và danh hài Minh Béo.

Và thật đặc biệt, vì sau 8 năm, không biết vô tình hay một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi một câu chuyện Tấm Cám (MV Tấm Cám chuyện chưa kể - Ngô Thanh Vân) khác xuất hiện trên màn ảnh rộng cũng thu hút sự chú ý của khán giả

Nhưng lần này, cục diện đã thay đổi 360 độ, nàng Tấm Ngô Thanh Vân xinh đẹp ngày nào trở thành dì ghẻ mưu mô thủ đoạn. Còn dì ghẻ ghê gớm Thành Lộc "một bước lên tiên" xuất hiện trong vai trò ông Bụt vui tính. Đoạn quảng cáo Tấm Cám của Yahoo kinh điển khi ấy bỗng chốc viral trở lại. Sự so sánh thú vị giữa hai video cũng phần nào khẳng định cho sự thành công không thể chối bỏ của Yahoo! ngày ấy.

2.3. Sử dụng emoticon hài hước làm công cụ lan truyền

Có thể thấy những biểu tượng mặt cười của Yahoo! Messenger dường như đã trở thành những ký ức không thể nào xoá nhoà đối với mỗi chúng ta và khó có bộ icon nào có thể thay thế được. Ngay sau khi quảng cáo Tấm Cám của Yahoo! trình làng, những audible như "Tấm!!!!!" "Dạ mẹ!!!!" hay ông bụt "ya... hooooo" đã khiến cho cuộc trò chuyện trở nên thú vị và bớt bớt nhàm chán hơn. 

Sử dụng emoticon hài hước làm công cụ lan truyền

Nhiều người dùng còn bày tỏ rằng, audible "Tấm!!!!" có tác dụng mạnh mẽ hơn âm thanh của tiếng Buzz!!! (Buzz!!! giống như công cụ để "gõ cửa" ai đó, nhằm gây sự chú ý. Khi ai đó nhắn tin cho bạn, cả khung chat sẽ rung lên và chữ Buzz!!! xuất hiện kèm theo âm thanh đặc trưng. Nếu ở giao diện trái tim, Buzz!!! sẽ hoá thành một nụ hôn bao phủ khung chat).

Audible "Tấm!!!!" có tác dụng mạnh mẽ hơn âm thanh của tiếng Buzz

Giờ thì chẳng ai cần Yahoo! nữa, khi ta đã có Zalo, Whatsapp, Telegram, Facebook... Yahoo đã lựa chọn rời bỏ và để lại một di sản dễ thương, xinh đẹp về một thời đại công nghệ thơ ngây. Và hơn tất thảy là bài học quý báu về case study sản xuất TVC truyền thông thụ động: Đôi khi những thứ gần gũi nhất như xây dựng TVC quảng cáo dựa trên truyện cổ tích dân gian, hiệu ứng âm thanh mạnh mẽ lại mang đến hiệu quả không ngờ. 

>>> Xem thêm: “Epic Danish bus” – Bài học từ TVC huyền thoại giành hàng loạt giải thưởng về quảng cáo

Thanh Thanh - MarketingAI

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.