cover

Kêu gọi lối "sống xanh" nhưng GrabFood và Go-Food lại đang "tiếp tay" cho việc xả rác thải nhựa?

27 Thg 09

Trong những năm gần đây, ống hút giấy, xe điện, hay những vật dụng tái chế thân thiện với môi trường ngày càng trở nên phổ biến với người tiêu dùng. Làn sóng “sống xanh” được nhiều người quan tâm...

Trong những năm gần đây, ống hút giấy, xe điện, hay những vật dụng tái chế thân thiện với môi trường ngày càng trở nên phổ biến với người tiêu dùng. Làn sóng “sống xanh” được nhiều người quan tâm và hưởng ứng hơn, không chỉ là chuyện cá nhân mà ngay cả đến những thương hiệu lớn cũng đồng loạt hưởng ứng chiến dịch này. Hơn lúc nào hết, ý thức con người về vấn đề môi trường toàn cầu đang được quan tâm như một vấn đề nóng của nhân loại, rằng ở đâu, đi đâu cũng thấy biển hiệu dùng đồ tái chế, hưởng ứng lối “sống xanh”, ấy vậy mà GrabFood hay Go – Food những ứng dụng đặt đồ ăn được nhiều người Việt sử dụng nhất lại “tiếp tay” cho việc xả rác thải nhựa?

Sống xanh - Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Sống xanh đang là 1 chủ đề được cả nhân loại quan tâm, những cảnh báo về sự thay đổi khí hậu toàn cầu không ngừng được đưa ra nhằm định hướng cho mọi người ý thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Sống xanh cũng từ đó mà nở rộ trong giới trẻ ở nhiều khía cạnh của cuộc sống, trở thành 1 xu hướng sống tích cực được người người quan tâm.

Sống xanh, với nhiều người được cho là tiêu chuẩn sống văn minh, hiện đại, hạn chế lượng rác thải bằng nhựa tối đa, cùng với đó là những hành vi bảo vệ môi trường như phân loại rác, sử dụng nguyên liệu tự nhiên, trồng cây xanh, bảo vệ động vật quý hiếm. Bắt nguồn từ trào lưu “Challenge for change” (Thử thách cho sự thay đổi), giới trẻ ngày càng thể hiện rõ khát khao bảo vệ môi trường qua những hành động thiết thực nhất. Chính từ đây, mà rất nhiều người, nhiều bộ phận người dân quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, chính bởi vậy một trào lưu mới đang dần nở rộ từ đầu 2019 cho tới nay.

Xem thêm: Trào lưu sống xanh: Bạn đã hiểu đúng và đủ?

Chúng ta đang thực sự muốn sống xanh hay chỉ chạy theo phong trào?

Hiểu được những lợi ích và sự thay đổi ngày càng tiêu cực từ môi trường, hàng loạt thương hiệu lớn, nhỏ với những chiến dịch sống xanh lan tỏa ngày càng nhiều. Bên cạnh những thương hiệu làm tới bến cùng chiến dịch thì vẫn còn nhiều thương hiệu "treo đầu dê bán thịt chó", bên ngoài hô khẩu hiệu nhưng lại "làm cho có" để rồi khi bị người tiêu dùng "bóc phốt" mới lý lẽ, thanh minh.

Xem thêm: Highlands và Tiki và những lần bị lên án “Treo đầu dê bán thịt chó” trong các chiến dịch của mình.

Kêu gọi lối "sống xanh" nhưng GrabFood và Go-Food lại đang "tiếp tay" cho việc xả rác thải nhựa?- Ảnh 1.

Và gần đây nhất là Phúc Long bị tố “giả tạo”, người dùng tẩy chay vì bị “lừa dối và xem thường khách hàng”

Bùng nổ dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến và những câu chuyện "sống không xanh"

Trong khi các tiệm đồ ăn, thức uống đang loay hoay với các chiến dịch sống xanh, giảm rác thải nhựa thì sự bùng nổ của các dịch vụ đặt đồ trực tuyến như GrabFood, Go-Food lại tạo sức ép mới. Dễ dàng có thể nhận ra, khi bạn order nhiều đồ ăn trong 1 đơn hàng, mỗi món ăn sẽ được đựng trong 1 túi nilon riêng và sau cùng tất cả đơn hàng đó sẽ được để chung trong 1 túi nilon khác lớn hơn để tiện di chuyển giao tới khách.

Với thức uống, các cửa hàng sẽ phục vụ trong ly nhựa có nắp đậy, kèm theo 1 muỗng nhựa và 1 túi ni-lông có quai xách để mang đi.

Kêu gọi lối "sống xanh" nhưng GrabFood và Go-Food lại đang "tiếp tay" cho việc xả rác thải nhựa?- Ảnh 2.

Sự tiện lợi cho người tiêu dùng và khả năng cắt giảm chi phí cho cửa hàng giúp các mô hình take away và đặt đồ ăn trực tuyến liên tục nở rộ.

Với nhu cầu cao của người dùng, dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến phát triển ngày càng mạnh. Tính đến nay đã có mặt tại 15 tỉnh, thành trên cả nước với những cái tên đình đám như Now, GrabFood,  GoFood... dù mới xuất hiện cách đây khoảng 3 năm.

Từ cuối tháng 6/2018 đến giữa tháng 5 vừa qua, GrabFood ghi nhận số lượng đơn hàng trung bình mỗi ngày tăng 250 lần. Còn thu nhập bình quân của các nhà hàng, quán cà phê cũng tăng khoảng 300% sau 2-3 tháng, tương ứng với số lượng đơn hàng tăng gấp 3 lần. GoFood cũng xác nhận số lượng đơn hàng lên đến hàng trăm nghìn mỗi ngày trên cả nước, tăng trưởng 25-35%.

Với sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu người dùng cùng các đơn hàng như vậy đồng nghĩa với túi nilon, rác thải nhực cũng từng đó mà nhân lên. Vậy hô hào lối sống xanh chỉ còn là khẩu hiệu?

Biết là có hại tới môi trường nhưng vẫn sử dụng?

Sự thuận tiện, nhanh chóng và đôi khi cả cạnh tranh về giá, khi các ứng dụng như Grab, GoViet... tung khuyến mãi giành khách... là điều lôi kéo người dùng sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến ngày càng nhiều.

Kêu gọi lối "sống xanh" nhưng GrabFood và Go-Food lại đang "tiếp tay" cho việc xả rác thải nhựa?- Ảnh 3.

Nguồn: Zingnews

Thậm chí đến nay, khi các nền tảng không còn ồ ạt giảm giá như trước, nhưng nhờ sự tiện ích mà nó mang lại cùng đôi chút "ỷ lại + lười biếng" mà phần đông mọi người vẫn tiếp tục sử dụng, đặc biệt là giới văn phòng, công sở đến những bạn học sinh, sinh viên.

Còn với các cửa hàng, tiệm cà phê, bài toán chi phí vẫn là cản trở chính cho việc tràn ngập rác thải nhựa khi khách gọi món online hoặc take away.

“Khách dùng tại quán thì chúng tôi còn rửa đi phục vụ tiếp được, chứ take away hay gọi qua ứng dụng giao đồ ăn thì doanh thu không đủ bù chi phí”, quản lý một chuỗi nhà hàng cho biết.

“Một số nơi dùng hộp bã mía, ống hút tre và đựng trong túi làm từ bột bắp, bột mía hoặc túi giấy, gói lá chuối. Tuy nhiên, do chi phí cao nên hiện chỉ có các cửa hàng cao cấp, giá sản phẩm cao mới làm được. Còn các hàng quán lề đường, khoảng 30.000 đồng mỗi suất, thì không chịu nổi áp lực chi phí." Các sản phẩm thân thiện với môi trường có giá cao gấp 2-3 lần nhựa. Thậm chí, xét đến hộp đựng thực phẩm, mỗi hộp bã mía.... tốn  3.000-5.000 đồng của các nhà hàng, trong khi giá nhập hộp nhựa xốp thông thường chỉ là 200-300 đồng.

Biết là bảo vệ môi trường, sống xanh là thế nhưng từ khẩu hiệu đến thực hiện lại là 1 hành trình đầy khó khăn vì bài toán kinh tế cho các chủ shop và doanh nghiệp.

Grab, Go - Việt hay Now cũng chỉ là ứng dụng trung gian vận chuyển?

Với đà tăng trưởng của các nền tảng gọi món trực tuyến và mô hình take away như hiện nay, lượng nhựa thải ra môi trường sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Biết có hại là vậy nhưng những ứng dụng giao hàng đồ ăn trực tuyến này lại chỉ là đơn vị trung gian từ cửa hàng đến người dùng, rất khó để có thể sống xanh đúng nghĩa nếu những chủ quán không thay đổi hành vi thói quen đựng đồ ăn trong các sản phẩm tái chế? Do đó, tình trạng sử dụng các sản phẩm nhựa tràn lan chỉ có thể được giải quyết triệt để khi các cửa hàng F&B ý thức được tác hại và quyết tâm thay đổi đến cùng.

Tạm kết

Vì một lối sống xanh và sức khỏe của con người, việc sử dụng các sản phẩm tái chế là vô cùng cần thiết, môi trường đang bị hủy hoại nhanh chóng hơn bao giờ hết. Mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, từ những việc làm nhỏ sẽ đem lại nhiều thay đổi lớn. Không chỉ là khẩu hiệu nữa, đã đến lúc các thương hiệu cần chung tay xây dựng lối sống xanh, và cả ứng dụng giao hàng trực tuyến cũng không phải là ngoại lệ.

Phương Thảo - MarketingAI

 

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.