IoT - Nền tảng công nghệ vững mạnh trong lĩnh vực y tế thông minh (Phần 2)

19 Thg 03

Tiếp nối chủ đề ứng dụng của IoT trong ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, hãy cùng MarketingAI tìm hiểu xem các thiết bị, công nghệ thông minh nào đang được phát triển và tận dụng tối đa trong việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân từ xa, đặc biệt là trong bối cảnh bùng phát đại dịch COVID-19 này nhé!

5. Đồng hồ giám sát thông minh

Mặc dù mục đích ban đầu của việc sản xuất đồng hồ thông minh không phải là biến nó thành một thiết bị y tế, nhưng ngày nay, thiết bị này ngày càng trở thành công cụ chăm sóc sức khỏe mạnh mẽ nhờ một loạt ứng dụng và tính năng đã được các nhà sản xuất như Apple, Google và Samsung bổ sung vào chúng.

Đặc biệt, Apple đã liên tục cho thấy cam kết của nó trong việc biến Apple Watch thành một thiết bị có thể theo dõi và hỗ trợ sức khỏe. Vào tháng 9 năm 2020, Apple Watch Series 6 ra mắt với chức năng đo nồng độ oxy trong máu mới và hãng công nghệ này cũng được cho là đang bắt tay vào một loạt các nghiên cứu sức khỏe với các viện nghiên cứu để tìm hiểu thêm về sự thay đổi của nồng độ oxy trong máu có thể gây ra những biểu hiện gì về các bệnh đường hô hấp như bệnh hen suyễn trên cơ thể con người.

(Ảnh: Internet)

Kể từ khi ra mắt Series 4, đồ hồ thông minh của Apple còn có thể thực hiện siêu âm tim (ECG) bằng cách sử dụng cảm biến điện tim và kiểm tra xem có nhịp tim bất thường nào xảy ra không. Trong trường hợp nhịp tim người dùng bất thường, nhiều khả năng là họ bị rung tâm nhĩ (AFib), một tình trạng tim có thể dẫn đến các biến chứng như cục máu đông, đột quỵ và các vấn đề liên quan đến tim khác.

Tuy nhiên, một thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm 2020 đã đặt ra nghi ngờ về khả năng phát hiện AFib với độ chính xác cao của Apple Watch và các chuyên gia cũng đã tuyên bố rằng, việc sàng lọc rộng rãi các tình trạng như AFib - đặc biệt là ở các nhóm người dùng trẻ tuổi có khả năng mua đồng hồ thông minh - có thể không cần thiết hoặc đặc biệt hữu ích.

Đứng trước những nghi ngờ đó, Apple đã không hề phản bác lại mà tiếp tục cải thiện độ chính xác của điện tâm đồ trên Apple Watch của mình. Kết quả là gần đây, phiên bản cập nhật của thiết bị này đã được FDA cấp phép sử dụng, với tính năng được cập nhật có khả năng phát hiện ra một loại tình trạng được gọi là AFib với nhịp tim cao. Samsung và Fitbit cũng đã tiếp bước Apple trong việc phát hành đồng hồ thông minh của riêng họ với các ứng dụng như ECG. Phiên bản Samsung Galaxy Watch 3 cũng đã cung cấp tính năng theo dõi huyết áp - mặc dù nó cần được hiệu chuẩn trước bằng một thiết bị chuyên dụng máy đo huyết áp, và tần suất hiệu chuẩn là bốn tuần một lần. Các tính năng theo dõi điện tâm đồ và huyết áp của Galaxy Watch 3 ban đầu cũng chỉ có sẵn cho người dùng ở Hàn Quốc trước khi được tung ra rộng rãi hơn.

Samsung Galaxy Watch 3 (Ảnh: Samsung)

Các ứng dụng sức khỏe khác đơn giản hơn nhưng vẫn hiệu quả đã được tích hợp vào đồng hồ thông minh bao gồm theo dõi và giám sát chu kỳ giấc ngủ, theo dõi các hoạt động và nhắc nhở người dùng phải thường xuyên vận động, giúp hạn chế sự tình trạng thừa cân và tạo điều kiện cho người dùng có thể tập theo các bài tập thở và thiền có hướng dẫn, mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe tinh thần. Apple, Google và Samsung cũng đã cho ra mắt các ứng dụng và lời nhắc rửa tay kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thúc đẩy việc rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, việc tích hợp quá nhiều công cụ và tính năng cho một mục đích y tế vào một thiết bị vốn dĩ không được thiết kế đặc biệt để trở thành thiết bị y tế cũng đã gây ra những rủi ro nhất định, ví dụ như khiến người dùng phải đi đến các phòng khám và điều trị những căn bệnh mà vốn dĩ họ không mắc phải hoặc chỉ bị nhẹ do những cảnh báo tình trạng quá mức mà thiết bị gây ra, hay ngăn cản họ tìm kiếm các đánh giá y tế thực sự với các thiết bị thích hợp. Mặt khác, dù các công cụ này phổ biến đến đâu thì các bác sĩ cũng chỉ có thể ngăn ngừa sự khởi phát và ngăn chặn tình trạng diễn ra nghiêm trọng hơn nếu các triệu chứng được phát hiện sớm.

Ngoài ra còn có câu hỏi về việc xử lý dữ liệu và liệu người tiêu dùng có nên đặt quá nhiều dữ liệu sinh trắc học và sức khỏe của họ vào tay của các chuyên gia không chuyên về sức khỏe như Google (chủ sở hữu đồng hồ thông minh Fitbit), Apple và Samsung hay không. Bản thân Google cũng đã dính vào nhiều vụ việc liên quan đến việc chuyển các dữ liệu y tế không thích hợp hoặc bí mật, chẳng hạn như Project Nightingale và quan hệ đối tác DeepMind với Bệnh viện Royal Free. Các công ty có nghĩa vụ phải rõ ràng và minh bạch về các giới hạn sức khỏe của thiết bị của họ cũng như cách dữ liệu sẽ được sử dụng, đảm bảo rằng khách hàng có thể đọc được chữ in đẹp trên đồng hồ thông minh của họ và hiểu được những thông tin đó.

>>> Có thể bạn quan tâm: Chiến lược marketing của Apple

6. Hệ thống phân phối insulin tự động (AID)

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, hệ thống phân phối insulin tự động (AID), còn được gọi là hệ thống phân phối insulin vòng kín hoặc hệ thống tuyến tụy nhân tạo, là một cuộc cách mạng đối với những người mắc bệnh tiểu đường - một căn bệnh mà theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới thì đang gây ảnh hưởng đến khoảng 8,5% người trưởng thành trên toàn thế giới. Các hệ thống này hoạt động kết hợp với máy theo dõi đường huyết liên tục (CGM): thiết bị theo dõi liên tục mức đường huyết của cơ thể để xác định lượng insulin cần thiết. Sau đó, chất này được cung cấp qua một máy bơm insulin.

Thay vì yêu cầu người bị tiểu đường thực hiện xét nghiệm chích ngón tay để đo mức đường huyết, bộ phận CGM của hệ thống AID liên tục theo dõi lượng đường trong máu của họ, ngay cả khi họ đang ngủ. Nó cung cấp một dòng insulin liên tục vào cơ thể của họ thông qua máy bơm, một máy bơm được điều chỉnh tự động dựa trên mức glucose được đo bằng CGM - có nghĩa là lượng đường trong máu của người đó sẽ thường xuyên duy trì ở mức hợp lý, hạn chế xảy ra các trường hợp quá cao hoặc quá thấp nghiêm trọng trong máu.

Hệ thống AID bắt nguồn từ sáu hoặc bảy năm qua dưới dạng các thiết bị tự sáng chế (DIY): vào năm 2013, Bryan Mazlish, một người đàn ông có vợ và con trai nhỏ đều mắc bệnh Tiểu đường loại 1, đã tạo ra thiết bị tuyến tụy nhân tạo vòng kín tự động đầu tiên có kết nối với điện toán đám mây. Năm 2014, ông thành lập phòng thí nghiệm SmartLoop, ngày nay có tên Bigfoot Biomedical với mục tiêu mở rộng quy mô và thương mại hóa hệ thống insulin tự động AID dựa trên phát minh của mình.

Ngoài phát minh của Mazlish, một thiết bị khác là Hệ thống tuyến tụy nhân tạo mở (OpenAPS) được phát minh bởi Dana Lewis và chồng cô là Scott Leibrand cũng cung cấp công nghệ mã nguồn mở và miễn phí để mọi người xây dựng hệ thống AID của riêng họ.

Tính đến năm 2021 đã có hàng chục công ty sản xuất hoặc đang tiến hành sản xuất các hệ thống AID để bán và sử dụng với mục đích thương mại. Hiện tại, hệ thống AID được điều khiển bởi một thiết bị cầm tay chuyên dụng được gọi là ''máy thu'', nhưng cộng đồng những người mắc bệnh tiểu đường đang rất háo hức mong đợi sự xuất hiện của hệ thống AID có thể được điều khiển từ xa thông qua điện thoại thông minh, và điều này rất có khả năng sẽ trở thành hiện thực vào năm 2021.

Khi các thiết bị này dần trở nên dễ tiếp cận hơn với người dùng và giá cả phải chăng hơn, chúng được kỳ vọng là sẽ giúp ích rất lớn trong việc ngăn ngừa các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường bằng cách tránh lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp, do đó giảm bớt gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và cho phép mọi người sống cuộc sống của họ với sự tự tin hơn và ít can thiệp về sức khỏe hơn.

7. Trợ giúp người cao tuổi

Người cao tuổi khi sống một mình và không có người thân, người chăm sóc kề cận sẽ không tránh khỏi việc gặp phải những rủi ro nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là các sự cố liên quan đến tai nạn (như bị ngã) hoặc không nhận được sự trợ giúp nếu có lỡ không mang theo thuốc hay các vật dụng chăm sóc sức khỏe khác bên người.

IoTt cung cấp một số giải pháp tiềm năng cho vấn đề này, giúp người cao tuổi vừa có thể duy trì cuộc sống tự do cá nhân của mình, vừa có thể nhận được sự trợ giúp cần thiết trong trường hợp khẩn cấp. Những phương pháp này đặc biệt có giá trị trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi nhiều thành viên trong gia đình không thể đến thăm và giúp đỡ những người thân cao tuổi của mình.

Các công nghệ có sẵn có thể kể đến như mặt dây chuyền có khả năng phát hiện người bệnh ngã, hoặc các hệ thống giám sát tại nhà mở rộng và phức tạp hơn giúp tìm hiểu các chuyển động và thói quen của một cá nhân, từ đó đưa ra cảnh báo cho người chăm sóc nếu có bất kỳ một thay đổi lớn nào xảy ra, hoặc phát hiện ra một chuyển động trong lượng thời gian bất thường. Một số hệ thống theo dõi từ xa như GrandCare cũng có thể giao tiếp với các thiết bị chăm sóc sức khỏe từ xa khác như máy đo huyết áp, máy đo oxy xung và máy đo nhiệt độ.

(Ảnh: The Senior List)

Đối với các thiết bị theo dõi cá nhân này, ranh giới giữa việc giám sát hữu ích và xâm phạm đời tư là rất nhỏ. Chính vì vậy, các nhà cung cấp công nghệ đã tìm cách khắc phục điều này bằng cách biến cảm biến hoạt động trở thành tùy chọn có hoặc không; hoặc chọn sử dụng cảm biến sóng vô tuyến thay vì máy ảnh để duy trì sự riêng tư cho một cá nhân.

Tuy nhiên, đối với những người muốn giảm thiểu chi phí hoặc sự kỳ thị mà một giải pháp chuyên dụng đem lại, các thiết bị thông minh hướng đến người tiêu dùng như loa thông minh cũng có thể là một công cụ hiệu quả giúp người cao tuổi thuận tiện trong cuộc sống hơn. Họ có thể sử dụng loa thông minh để đặt lời nhắc uống thuốc bằng âm thanh hoặc sử dụng điều khiển bằng giọng nói để liên lạc với người thân hoặc bạn bè. Apple cũng đã tích hợp tính năng phát hiện người bệnh bị ngã vào Apple Watch kể từ phiên bản Series 4: tính năng có thể phát hiện một cú rơi đột ngột, mạnh bạo và sẽ phát ra âm thanh cảnh báo và hiển thị thông báo nhắc người dùng xác nhận xem họ có cần hỗ trợ hay không. Nếu không có chuyển động nào được phát hiện trong hơn một phút, thiết bị sẽ tiến hành cảnh báo các dịch vụ khẩn cấp và gửi tin nhắn đến các liên hệ khẩn cấp với vị trí của người dùng.

Câu hỏi hóc búa về quyền riêng tư

Nếu như các thiết bị y tế chuyên dụng như thiết bị đeo cảm biến sinh học và máy đo oxy xung nhịp do bệnh viện cấp có thể khiến người dùng cảm thấy thoải mái khi chia sẻ dữ liệu sức khỏe của họ với các chuyên gia y tế, thì các vấn đề bảo mật dữ liệu trở nên tồi tệ hơn với các thiết bị do các công ty công nghệ như Kinsa, Apple hoặc Google sản xuất. Ngay cả khi dữ liệu này đang được thu thập cho một mục đích có lợi, thì liệu họ có thể tự tin rằng nó đang được chia sẻ và sử dụng một cách chính đáng không?

Rào cản về niềm tin này sẽ là vấn đề mà các công ty công nghệ lớn phải liên tục đối mặt và vượt qua trong bối cảnh ứng dụng IoT cho mục đích chăm sóc sức khỏe đang ngày càng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn, đồng thời số lượng thiết bị có sẵn cũng tăng lên nhanh chóng. Các nhà cung cấp công nghệ sẽ cần chứng minh rằng họ coi trọng quyền riêng tư và ẩn danh khi họ xử lý và áp dụng dữ liệu người dùng, đồng thời họ chỉ sử dụng dữ liệu đó cho các mục đích cần thiết đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa tối đa để duy trì quyền riêng tư của người dùng.

Như tôi đã đề cập trước đó, người tiêu dùng cũng phải đảm bảo rằng họ biết về dữ liệu mà họ đang chia sẻ và cách thức sử dụng dữ liệu đó mà các công ty đã đề cập. Dữ liệu sức khỏe là một loại dữ liệu đặc biệt nhạy cảm và việc vi phạm hồ sơ y tế có thể nghiêm trọng hơn bất kỳ loại hình vi phạm dữ liệu nào khác. Khi thế giới đang dần chuyển sang thời đại chăm sóc sức khỏe từ xa được hỗ trợ công nghệ, người tiêu dùng phải nhận thức được dữ liệu của họ đang được chuyển đến đâu. Mặc dù những lợi ích mà công nghệ thông minh đem lại trong việc nâng cao nhận thức, theo dõi và chăm sóc sức khỏe là vô cùng to lớn, nhưng chúng sẽ không phải là cái giá đáng phải trả cho sự riêng tư và bảo mật dữ liệu.

Kết

Sự thâm nhập của công nghệ vào trong lĩnh vực sức khỏe rõ ràng đang mang lại những hiệu quả bất ngờ và vô cùng to lớn. Tuy nhiên, nó cũng vấp phải những vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu - những vấn đề không mới nhưng lại rất khó để giải quyết. Điều các thương hiệu, các công ty công nghệ cần làm đó là phải đảm bảo sự bảo mật dữ liệu cho người dùng đúng như những gì họ đã cam kết, đồng thời liên tục phát triển và cho ra đời các tính năng chăm sóc hiệu quả hơn.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Econsultancy

>> Có thể bạn quan tâm: Ngành Dược phẩm và câu chuyện marketing năm 2021

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.